Gen Z Là Gì? Thế Hệ Z Trong Mắt Các Gen Khác | Glints

Khi các thế hệ đi trước dần trưởng thành và tạo dựng được chỗ đứng trong xã hội, cũng là lúc chúng ta chào đón sự phát triển của thế hệ kế cận, Gen Z.

Thế hệ Z là một cộng đồng những bạn trẻ luôn sôi nổi, năng động và đầy nhiệt huyết. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã đôi lần bắt gặp những lời phàn nàn đâu đó của những anh chị đi trước về cá tính “lồi lõm” của thế hệ này ở chốn công sở.

Vậy, vì đâu nên nỗi?

Gen Z là gì?

Gen Z (Generation Z), hay còn gọi là Thế hệ Z, là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012.

Vì được sinh ra vào thời kỳ công nghệ, Internet bùng nổ, nên Gen Z còn có các tên gọi khác là: iGeneration, Homeland Generation, Net Gen, Digital Natives, Neo-Digital Natives, Pluralist Generation, Internet Generation, Centennials, Hậu – Millennials, Zoomer, Gen Wii, Gen-Tech.

Hầu hết các thành viên của Gen Z là con của Gen X (Nguồn: Wikipedia).

thế hệ gen z là gì
Thế hệ Z là gì? (© Freepik.com)

Trước thế hệ Z là thế hệ nào?

Chân dung các thế hệ theo dòng thời gian

Các thế hệ x y z theo dòng thời gian.
Các thế hệ theo dòng thời gian.

Để hình dung rõ ràng hơn, trước hết, hãy cùng Glints điểm sơ qua lần lượt các thế hệ theo dòng thời gian:

  • Thế hệ Im lặng (The Silent Generation): Sinh trước năm 1946. Họ là nhóm người sinh ra và lớn lên trong điều kiện khó khăn nhất khi kinh tế và chính trị còn bất ổn. Hoàn cảnh sống đã mang lại lối cư xử thận trọng, tận tâm và mưu cầu cuộc sống ổn định của họ. Đây cũng chính là thế hệ ông bà của nhiều bạn trẻ Gen Z đời đầu ngày nay.
  • Thế hệ Bùng Nổ Trẻ Sơ Sinh (Baby Boomers): Sinh năm 1946-1964. Có 2 kiểu người phổ biến của thế hệ này. 1 là đã về hưu nghỉ ngơi, ổn định cuộc sống. 2 là thường có sự nghiệp vững vàng với các vị trí cao cấp (CEO,…). Nắm giữ những “chiếc ghế” giỏi giang cũng đồng nghĩa với tham vọng cao, sự trung thành, kỷ luật, tập trung vào công việc của họ.
  • Thế hệ X (Gen X): Sinh năm 1965-1980 và họ cũng được coi là đã có tuổi vào thời điểm hiện tại, chịu ảnh hưởng của nếp sống thế hệ cũ. Họ được đánh giá là nhóm có học thức, hướng tới công việc ổn định, làm việc độc lập, tự chủ, tháo vát và linh hoạt.
  • Thế hệ Y (Gen Y): Thế hệ “anh chị” của Gen Z (Đọc thêm thông tin bên dưới nhé).
  • Thế hệ Z (Gen Z)
  • Thế hệ Alpha (Gen α): Thế hệ “em út” tại thời điểm hiện tại (Đọc thêm thông tin bên dưới nhé).

Gen Y – Thế hệ “anh chị” của Gen Z

Thế hệ phía trước cận kề Z chính là Gen Y (Millennials), bao gồm nhóm người được sinh từ năm 1981 đến 1996.

Gen Y lớn lên trong khoảng thời gian công nghệ đổi mới và sự phát triển vượt bậc của các ông lớn như Google, Facebook, LinkedIn, EBay, PayPal,… Họ là thế hệ có kiến thức và hiểu biết về công nghệ cao – đồng thời cũng là lực lượng lao động chủ chốt và phát triển nhanh nhất tại thời điểm hiện tại.

Trong công việc, Gen Y thường muốn mọi thứ đều nhanh chóng, gọn lẹ, trực diện mà vẫn phải đảm bảo lợi ích thỏa đáng. Song, họ cũng hay mất kiên nhẫn và rất dễ dao động.

Gen Y – Thế hệ “anh chị” của Gen Z
Gen Y – Thế hệ “anh chị” của Gen Z.( © Freepik.com)

Theo nghiên cứu của giáo sư Lavina Sharma (SIBM), Gen Y luôn làm việc hướng về kết quả. Họ liên tục học hỏi và tiến bộ bản thân kể cả sau những thất bại, sai lầm. Những người thuộc thế hệ này cũng ưa chuộng sự tự do và tính linh hoạt trong công việc. Họ thường thấy thoải mái hơn tại môi trường làm việc có thể cộng tác với người khác.

Khoảng cách thế hệ giữa Gen Y và Gen Z không quá lớn khiến họ trở nên dễ hòa hợp khi hợp tác làm việc chốn công sở.

Sau thế hệ Z là thế hệ nào? – Gen Alpha

Có thể bạn đã nhận ra, Gen Z chính là thế hệ “kẹp giữa” của Gen Y và Gen Alpha.

Nằm ngay sau Gen Z, thế hệ Alpha được sinh từ sau năm 2010 đến tầm 2025 – và sẽ là thế hệ đầu tiên được hoàn toàn sinh ra ở thế kỷ 21, hầu hết sẽ là thế hệ con cái của Gen Y.

Đối với nhóm người thuộc thế hệ này, công nghệ giờ đây đã trở thành một phần gắn bó không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Việc học hành, vui chơi, giải trí của thế hệ Alpha không còn gắn liền với những phương pháp hay trò chơi truyền thống, dân gian mà đi kèm với Internet, mạng xã hội, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI).

Sau thế hệ Z là thế hệ nào? – Gen Alpha
Sau thế hệ Z là thế hệ nào? – Gen Alpha

Cũng bởi tần suất sử dụng các thiết bị công nghệ vượt trội như vậy, Gen Alpha còn được xem là thế hệ “screenagers” – hiểu nôm na là thế hệ “thiết bị màn hình”. Họ chính là những mầm non tương lai, hứa hẹn sẽ mang lại “làn gió” phát triển công nghệ hiện đại mới cho mai sau.

Đặc điểm của thế hệ Z

Những bạn trẻ thuộc Thế hệ Z lớn lên trong sự bùng nổ của công nghệ kỹ thuật số như Internet, mạng xã hội, hay thiết bị di động. Vì vậy, điều này đã tạo ra những nhận thức mạnh mẽ của Gen Z về sức mạnh của thông tin, truyền thông đại chúng, trải nghiệm ảo và toàn cầu hóa.

Có lẽ chính vì điều này mà Thế hệ Z có một đặc điểm tính cách rất nổi bật, đó là “luôn tìm kiếm và tôn trọng sự thật”.

Ngoài ra, họ cũng đề cao cái tôi lớn và sự tự do cá nhân, yêu thích sự tự chủ kể cả trong cuộc sống lẫn tài chính. Chính những đặc điểm tính cách này khiến Gen Z được kỳ vọng sẽ là nhân tố bùng nổ và tạo đột phá trong bất kỳ môi trường doanh nghiệp nào.

Thế nhưng…

Ngày càng có nhiều những ý kiến trái chiều về việc những nét tính cách đặc thù của Gen Z liệu sẽ là một làn gió mới hay sẽ trở thành “cái gai” nơi công sở!

So sánh Gen Z và Millennials (Gen Y)

Gen Z vs Gen Y – Khác biệt nhưng không hẳn cách biệt

Tuy khác biệt thế hệ là thế, nhưng khoảng cách giữa 2 nhóm này cũng không quá xa – đặc biệt là đối với lứa các bạn trẻ nằm ở khoảng cuối Gen Y và đầu Gen Z. Một số điểm chung giữa họ có thể kể đến như: độc lập, mong muốn đóng góp cho cộng đồng, lấy tri thức là “kim chỉ nam”,…

Bên cạnh đó, cả Gen Z và Gen Y đều lớn lên và nhận được ảnh hưởng mạnh mẽ của sự phát triển khoa học kỹ thuật, cùng với những phát minh công nghệ tiến bộ, tiên tiến. Tư duy học hỏi của nhóm thế hệ này vì thế cũng trở nên cởi mở, từ đó đón nhận nhiều cơ hội hơn.

Gen Z vs Gen Y – Khác biệt nhưng không hẳn cách biệt
Gen Z vs Gen Y – Khác biệt nhưng không hẳn cách biệt

Điểm khác biệt nổi bật

Điều khiến Gen Z trở nên khác biệt và có phần “nổi trội” hơn các generation khác, các đàn anh, đàn chị đi trước chính là ở lối suy nghĩ táo bạo “dám nghĩ, dám làm”. 

Theo nghiên cứu của Đại học Western Governors, nếu đặt trên bàn cân so sánh, Gen Z thường được biết đến bởi sự khác biệt so với thế hệ “anh chị” trước ở các điểm sau:

  • Họ mơ mộng hơn so với thực tế
  • Họ có tư duy kinh doanh hơn
  • Hoạt ngôn hơn
  • Cạnh tranh hơn
  • Mưu cầu an toàn và được bảo vệ
  • Luôn có định hướng mục tiêu tài chính và sự nghiệp rõ ràng

Ngoài ra, Tiến sĩ Jean Twenge – tác giả của cuốn sách nghiên cứu iGen: Why Today’s Super-Connected Kids Are Growing Up Less Rebellious, More Tolerant, Less Happy… (Tạm dịch: iGen: Tại sao những đứa trẻ đang trưởng thành ngày nay ít nổi loạn hơn, dễ cảm thông, nhưng lại thiếu hạnh phúc…) đã chỉ ra một số đặc điểm khác biệt của thế hệ Gen Z so với lứa thế hệ trước đó như sau:

  • Dễ thấu hiểu và đồng cảm với các vấn đề xã hội, chẳng hạn như cách biệt văn hóa, xu hướng tính dục, phân biệt chủng tộc,…
  • Họ quan tâm nhiều hơn về sức khỏe tinh thần, vấn đề tâm lý, cảm xúc,…

Song với đó, họ cũng thường bị gắn kèm với một số “mác” tiêu cực như: thế hệ lo âu/trầm cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý, được bảo bọc quá nhiều,…

Đọc thêm: Gen Y Là Gì? Tìm Hiểu Về Thế Hệ Millennials

Những điều “lồi lõm“ của Generation Z trong mắt thế hệ khác

Đạo diễn thực thụ cho cuộc đời hay “Cuộc sống tôi – theo cách tôi”?

Một nghiên cứu được thực hiện bởi Anphabe, đơn vị tư vấn tiên phong tại châu Á về các giải pháp nguồn nhân lực và thương hiệu nhà tuyển dụng, đã chỉ ra rằng:

“Khác với các thế hệ trước, có tới 81% các bạn trẻ Gen Z tự tin hiểu rõ bản thân, biết mình thích và không thích làm gì”.

Trong bài báo với tựa đề “Đau đầu với Gen Z: Con tôi học giỏi, nhưng suy nghĩ và hành động quái dị” được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, cũng chỉ ra những khó khăn của các bậc phụ huynh trong việc định hướng tương lai cho con em mình.

Có thể nói, Thế hệ Z đã không còn giới hạn bản thân trong những khuôn khổ và định hướng của gia đình như những thế hệ trước.

Đặc điểm của Gen Z
Đặc điểm của Gen Z: Cuộc sống tôi – theo cách tôi (© Freepik.com)

Lối suy nghĩ cởi mở này cũng được Gen Z áp dụng khi đi làm. Thay vì chọn gắn bó với một doanh nghiệp, Thế hệ Z lại thích khởi nghiệp, thích làm việc tự do, hoặc hướng về xã hội bằng cách gia nhập các tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, tư duy tự do và tự chủ này đôi khi cũng tạo ra những sự thoải mái quá đà.

Không ít những doanh nghiệp than trời khi có những nhân viên thuộc Thế hệ Z của mình nghỉ việc đột ngột và không báo trước theo quy định. Dù không phải là tất cả, nhưng những trường hợp như thế này đã khiến cho hình ảnh của Gen Z tệ đi không ít.

Đọc thêm: Bí Quyết Vượt Qua Khủng Hoảng Đại Dịch Cho Thế Hệ Z Ở Việt Nam?

Tham vọng hay Tham lam?

Gen Z lớn lên trong thời kỳ áp lực kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy mà những áp lực và tiêu chuẩn cuộc sống của họ trở nên khác biệt hơn so với các thế hệ trước.

Nhiều bạn trẻ thuộc Thế hệ Z nhận thức sâu sắc rằng cần tiết kiệm cho tương lai. Họ không ngừng tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn cho bản thân mình để đảm bảo sự an toàn và tự chủ về mặt tài chính.

what year is gen z
© Freepik.com

Vì lẽ đó, sẽ không lạ khi nhiều nhà tuyển dụng cảm thấy Gen Z đôi khi đòi hỏi một mức lương và đãi ngộ cao hơn so với khả năng và kinh nghiệm của họ. Đó cũng có thể nguyên nhân cho sự tùy hứng “thích thì nghỉ” của nhiều bạn trẻ Gen Z khi nhận được lời đề nghị với mức lương hấp dẫn hơn từ những nơi khác.

Tự tin hay Tự cao?

Thế hệ Z bước chân vào thị trường lao động với động lực và khát khao lớn được thể hiện mình.

Điều này vô tình khiến cho sự hòa nhập tại chốn công sở tiêu tốn nhiều thời gian hơn và dẫn đến không ít những cái nhìn tiêu cực về Gen Z.

Chẳng hạn như: không bao giờ nhận sai, sẵn sàng “tay đôi” với sếp, thậm chí là không quan tâm tới kinh nghiệm mà tự tin thái quá về năng lực của bản thân.

thế hệ 2000 gọi là gì
Thế hệ Gen Z: Tự tin hay tự cao? (© Freepik.com)

Những phân tích về thái độ, tâm lý cho thấy hình ảnh rất đối lập khi Thế hệ Z:

  • Thích học hỏi nhưng lại ngại bị phê bình và góp ý
  • Làm việc trách nhiệm nhưng không giỏi chịu áp lực
  • Thích nghi nhanh nhưng lại ít thoải mái nếu có quá nhiều thay đổi.

Có lẽ chúng ta cần tiếp tục chờ đợi sự chuyển mình mạnh mẽ và rõ rệt hơn nữa từ thế hệ này, từ kinh nghiệm chuyên môn, cho đến sự hòa nhập về văn hóa và phong cách làm việc.

“Gen Z có nhiều điểm mạnh, nhưng mạnh quá sẽ thành điểm yếu. Gen Z cá tính nhưng cá tính quá, cá tính đến mức buông tuồng, thiếu tôn trọng người khác, bất chấp tất cả thì không ổn. Cá tính nhưng phải tôn trọng những giá trị phổ quát của xã hội, cá tính phải có giới hạn”

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, theo báo Tuổi Trẻ.
Điều gì làm Gen Z thực sự khác biệt? – TEDxAstonUniversity

Thực dụng hay có đầu óc tài chính?

Giới trẻ Gen Z ngày này có xu hướng mưu cầu thành đạt và giá trị vật chất, một số họ còn coi đó là thước đo tiêu chuẩn của một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ. Hai yếu tố mà gen Z coi trọng nhất khi đi tìm việc là môi trường làm việc và chế độ lương thưởng.

“Quan trọng là có kiếm được tiền hay không” – là một trong những câu nói có phần quen thuộc từ những bạn trẻ Gen Z đi làm ngày nay.

Họ cũng có thể chấp nhận đầu tư một khoảng thời gian học hỏi để có thể đạt được mục tiêu tài chính mà bản thân đề ra. Tuy nhiên, Gen Z khôn ngoan luôn đảm bảo rằng nỗ lực của họ phải được đền đáp xứng đáng, cụ thể ở đây chính là mức lương phù hợp mà họ nhận được.

Có thể việc tập trung quá nhiều vào “đồng tiền” và lối sống vật chất khiến thế hệ trước đôi phần khó chịu. Song, điều này không thể được xem là thực dụng. Suy cho cùng những gì Gen Z phấn đấu cũng chính là để phù hợp với môi trường thực tế ngày càng trở nên cạnh tranh, khắc nghiệt.

Chứng kiến áp lực tài chính từ phía gia đình đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy Gen Z ngày càng quan tâm đến các vấn đề ổn định tài chính, tìm việc, tiết kiệm và đầu từ. Vậy nên, có thể nói, tư duy tài chính cũng chính là một trong những đặc điểm tính cách nổi trội của thế hệ Gen Z.

Khó tính hay người tiêu dùng khôn ngoan?

Hành vi tiêu dùng của Gen Z cũng có thể phản ánh được giá trị của họ – cũng như tạo sức ảnh hưởng cho xu hướng mua hàng trực tuyến.

Nhờ vào kỹ năng công nghệ và mạng lưới mạng xã hội rộng lớn, họ thường nghiên cứu và đánh giá sản phẩm một cách kỹ càng trước khi quyết định mua hàng. Hơn thế, Gen Z thường tin vào review của người dùng thực tế hơn là quảng cáo từ các nhãn hàng và người nổi tiếng.

Điều này khiến Gen Z trông có vẻ là người tiêu dùng khó tính. Nhưng thật ra lại không phải, họ khá “dễ” trong nhu cầu mua sắm và thường thức cuộc sống – chỉ cần phù hợp và mang lại cho họ cá tính, giá trị bản thân.

Chẳng hạn như, Gen Z thường có xu hướng sẵn sàng bỏ tiền cho các sản phẩm “xanh” và bền mặc cho giá tiền có đắt đỏ hơn rất nhiều.

Thế hệ Gen Z và phong cách có 1-0-2 tại chốn công sở

Gen Z luôn có tính cạnh tranh cao

Những bạn trẻ thuộc thế hệ Z luôn cạnh tranh trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, từ lựa chọn trường đại học tốt, có điểm số vượt trội, cho đến tìm công việc với mức thu nhập cao.

gen z nơi công sở
Gen Z nơi công sở.

Có thể nói, sự cạnh tranh là một động lực vô cùng quan trọng và liên tục thúc đẩy Gen Z thể hiện mình nhiều hơn.

Gen Z đã quen với phong cách làm việc có tính cạnh tranh và thích thử thách bản thân để đối đầu với người khác. Điều này có thể mang lại cảm giác tiêu cực cho những thế hệ khác khi làm việc cùng họ.

Tuy nhiên, nếu công ty có thể khuyến khích tinh thần cạnh tranh lành mạnh ở nơi làm việc – đặc biệt là trong giai đoạn đào tạo, những nhân viên trẻ này sẽ có động lực làm việc rất lớn và dễ dàng phát huy tiềm năng bản thân.

Gen Z sẽ không ngừng tìm kiếm những ý tưởng mới để phục vụ cho công việc, cũng như có thể tạo ra những lợi ích bất ngờ cho công ty.

GenZ thích làm việc độc lập

Bản chất cạnh tranh của Gen Z góp phần khiến họ muốn tự kiểm soát công việc của mình, không dựa dẫm. Cũng chính vì vậy mà các gen khác thường xuyên cảm thấy Gen Z tự cao trong giao tiếp và ngại lắng nghe những phê bình.

Tuy nhiên, điều này vẫn có thể được nhìn nhận theo một khía cạnh khác. Thế hệ Z luôn chủ động tìm tòi và tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, vì vậy họ có những ý kiến mạnh mẽ và muốn chúng được lắng nghe.

Họ đặc biệt mong muốn tạo sự đóng góp bình đẳng trong công việc, và được trao quyền tự quản lý, dẫn dắt các dự án để vững bước hơn trong sự nghiệp.

Song, điều này không có nghĩa Gen Z không thể cùng hợp tác với những đồng nghiệp khác.

Thế hệ Z vô cùng nhanh nhạy với công nghệ

Gen Z được sinh ra trong thời kỳ phát triển hưng thịnh của Internet và các sản phẩm công nghệ. Chính vì vậy, họ được xem như những “người bản địa” trong thế giới kỹ thuật số. Trong số gen x gen y gen z, người thuộc thế hệ Z thích ứng và nhạy bén với công nghệ hơn cả. Ngay cả khi so sánh gen z gen y hay gen y gen z gen z, thì các bạn thuộc lứa tuổi từ 1997 – 2012 được đánh giá là nắm bắt và ứng dụng công nghệ vượt trội.

Các đồng nghiệp có lẽ sẽ không quá ngạc nhiên khi một bạn Gen Z có thể dễ dàng sử dụng thành thạo các loại máy móc trong văn phòng; hay thao tác nhanh nhạy với các phần mềm nội bộ phức tạp chỉ qua một vài lần hướng dẫn.

thế hệ z rất quen với công nghệ
Thế hệ Z rất quen với công nghệ (© Freepik.com)

Thêm vào đó, họ cũng có thể vận dụng lợi thế này cực kì hiệu quả khi muốn tìm kiếm thông tin, những ý tưởng kinh doanh mới hoặc sáng kiến cải thiện công việc.

Thế hệ Z tự tin rằng họ có thể tận dụng tối đa những lợi ích của công nghệ để phục vụ cho công việc một cách thành thục.

Generation Z cởi mở với sự đa dạng sắc tộc

Như đã biết, Gen Z không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự khác biệt về chủng tộc, xu hướng tình dục hay tôn giáo của những người xung quanh. Những bạn trẻ thuộc thế hệ này thường đánh giá và nhìn nhận một người phụ thuộc vào chính con người và tính cách, chứ không phải là từ xuất thân của người đó.

Điều này tương đối dễ hiểu khi Gen Z được sinh ra trong thời kỳ hội nhập. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, họ có nhiều cơ hội được tiếp xúc và giao lưu với những nền văn hóa khác nhau từ rất sớm.

Vì vậy, sự đa dạng trở thành chuẩn mực và trong thế giới của Gen Z không còn chỗ cho những đánh giá chủ quan về đặc điểm nhận dạng của đối phương.

Doanh nghiệp nên thích ứng với nhân sự Gen Z như thế nào?

Lứa thế hệ Gen Z đời đầu đã và đang dần trở thành lực lượng lao động quan trọng cho thời gian sắp tới. Vậy nên, một doanh nghiệp thành công cần phải biết thích ứng và điều chỉnh phù hợp để có thể tận dụng nguồn nhân tài mới mẻ và nhiều tiềm năng này.

Doanh nghiệp nên thích ứng với nhân sự Gen Z như thế nào?
Doanh nghiệp nên thích ứng với nhân sự Gen Z như thế nào? (© Freepik.com)

Sau đây là một số phương pháp mà doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng:

Tính chất công việc linh động, tự do

Công việc với thời gian linh hoạt, thoải mái – điển hình là các công việc remote luôn thu hút rất nhiều các bạn trẻ Gen Z. Theo khảo sát từ Glints, 69,5% Gen Z thích làm việc theo hình thức hybrid (linh động làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa).

Với khả năng làm việc độc lập tốt, tính chất công việc tự do, linh động sẽ giúp Gen Z phát huy hết sở trường và tư duy sáng tạo của mình.

Doanh nghiệp có thể cân nhắc mô hình làm việc kết hợp: online – offline, vừa mang lại cơ hội làm việc mới mẻ, vừa đảm bảo quản lý được các công việc đội nhóm của Gen Z trên văn phòng hiệu quả.

Hiện nay có rất nhiều genz Việt Nam lựa chọn những công việc đem lại cho họ tự do như làm creator hoặc freelancer. Các Tiktoker genz Việt Nam cũng đa dạng và tài năng không kém.

Chấp nhận sự đa dạng

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: 63% Gen Z cảm thấy môi trường làm việc với sự đa dạng văn hóa, giáo dục, kỹ năng là vô cùng quan trọng. Công bằng và hợp tác nhân sự đa dạng chính là mấu chốt của một môi trường lý tưởng mà Gen Z tìm kiếm.

Bên cạnh đó, nhân viên tại các tổ chức doanh nghiệp đa dạng cũng có thể giữ chân nhân viên được lâu hơn – tầm chừng 5 năm.

Thích ứng công nghệ

Hơn ¾ các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z dành từ 1 tới 10 tiếng mỗi ngày để sử dụng và kết nối với các thiết bị điện tử, công nghệ.

Công nghệ là chìa khóa vàng của năng suất hiện đại. Doanh nghiệp và đội ngũ quản lý am hiểu và cởi mở với công nghệ mới chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của nhóm nhân sự này.

Một số ứng dụng công nghệ công ty có thể cân nhắc, chẳng hạn như: phần mềm tổ chức, quản lý Jira, công cụ giao tiếp Slack, nền tảng CMS, các thiết bị điện thoại và điện tử,…

Mặt khác, để dễ dàng tiếp cận nhân sự Gen Z, công ty cần cần nhắc xây dựng thương hiệu tuyển dụng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, hay Tiktok.

Giao tiếp thường xuyên

Nhắn tin, những cuộc trao đổi ngắn qua email, hay chỉ đơn giản là sử dụng emoji và nhãn dán trong các cuộc hội thoại cũng giúp Gen Z thoải mái và dễ dàng kết nối với các thành viên còn lại.

Người quản lý có thể thường xuyên đưa ra các phản hồi, nhận xét ngắn gọn – đừng khiến chúng dài dòng, lê thê – cô đọng vấn đề rõ ràng và tạo cơ hội mở, tin tưởng để nhân viên Gen Z có thể tự do khám phá và hoàn thành tốt công việc của họ.

Đọc thêm: Ngôn Ngữ Gen Z: Teencode Thế Hệ Mới

Biên soạn và chỉnh sửa: Chau Ho

Bài viết có hữu ích đối với bạn?

Nhập đánh giá

Đánh giá trung bình 4.5 / 5. Lượt đánh giá: 78

Chưa có đánh giá nào! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết.

Chúng tôi rất buồn khi bài viết không hữu ích với bạn

Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này!

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Nhập ý kiến của bạn

Từ khóa » Gen Z Là Từ Bao Nhiêu Tuổi