Ghép Da Có Cứu được Người Phỏng Nặng?

ENeTrf8V.jpgPhóng to
Chăm sóc trẻ bị phỏng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

Chị Phan Thị Loan (huyện Cát Tiên, Lâm Đồng) cho biết em trai chị là Phan Thanh Hổ (22 tuổi) bị phỏng xăng do tai nạn rủi ro trong lúc đi làm thuê. Anh Hổ được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu lúc 3g ngày 30-9-2010 và được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt của khoa phỏng.

Bảo đảm sống nhưng... chết

Theo chị Loan, lúc đầu vết thương phỏng của anh Hổ tiến triển tốt. Sau đó, bác sĩ yêu cầu người nhà hiến da để ghép cho anh Hổ vì anh bị cháy toàn thân. Gia đình chị Loan phân vân vì cho da tức là thêm người lành mạnh phải nằm viện. Trong lúc băn khoăn, một bác sĩ có trách nhiệm của khoa phỏng đã trực tiếp nói về tình trạng của anh Hổ với chị Loan. Ông đề nghị người nhà phải cho da mới cứu được anh Hổ.

Chị Loan có hỏi bác sĩ: “Cho da thì em tôi chắc sống không?”. Bác sĩ bảo đảm: “Chắc chắn sẽ sống 100%”. Vì thương em, vì lời bảo đảm của bác sĩ, anh Phan Văn Sắng - anh ruột của anh Hổ - đồng ý hiến da vào ngày 27-10-2010.

Ngày 28-10, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ghép da cho anh Hổ. Sau hai ngày ghép da tình trạng sức khỏe của anh Hổ xấu hẳn đi, người yếu dần và không ăn được. Ngày 5-11-2010, anh Hổ được ghép da lần hai nhưng lúc này sức khỏe của anh hoàn toàn suy kiệt, bị nhiễm trùng máu nặng nên đã tử vong ngày 9-11.

Chị Loan cho hay sau 40 ngày điều trị cho anh Hổ viện phí lên đến 300 triệu đồng. Gia đình chị rất bức xúc vì bác sĩ đã bảo đảm cho da thì em chị sẽ sống nhưng cuối cùng vẫn tử vong. Còn người anh trai hiến da giờ bị mất sức lao động khiến gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn...

Không bảo đảm 100%

Năm 2010, khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần 1.400 bệnh nhân phỏng do điện, xăng, lửa, axit... gây ra. Hơn 30% bệnh nhân trong số này bị phỏng nặng. Trong đó có 62 ca phỏng rất nặng và hầu hết bị tử vong. Bệnh viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp phỏng nặng hơn 50% diện tích da cơ thể và phỏng sâu hơn 20%.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo - trưởng khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết anh Hổ bị phỏng độ 2, tương đương 67% diện tích da của cơ thể và bỏng 55% độ sâu. Theo y văn, khi tổn thương phỏng có diện tích trên 25%, trên 10% độ sâu được xếp loại phỏng nặng.

Với diện tích, độ sâu phỏng của anh Hổ thì tỉ lệ tử vong theo nghiên cứu của một số tác giả nước ngoài lên đến 54-100%. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong này chỉ là lý thuyết, trên thực tế khoa phỏng Bệnh viện Chợ Rẫy đã cứu được các trường hợp phỏng nặng như anh Hổ hoặc phỏng nặng hơn.

Theo bác sĩ Đạo, khi điều trị bệnh nhân phỏng nặng, không bác sĩ nào dám bảo đảm với thân nhân 100% cứu sống được bệnh nhân mà chỉ cố gắng hết sức cứu chữa bệnh nhân khỏi nguy cơ tử vong. Trường hợp của anh Hổ, các bác sĩ đã giải thích rõ với người nhà về việc ghép da che phủ vết thương, biến chứng có thể gặp phải của phỏng nặng cũng như nguy cơ tử vong... Có thể do người nhà anh Hổ không nắm bắt hết các nội dung giải thích của bác sĩ nên mới hiểu lầm.

Ghép da đồng loại (da của thân nhân bệnh nhân) cũng là che phủ tạm thời vết thương do da đồng loại chỉ có thể bám sống 7-10 ngày sau ghép rồi bị đào thải. Song đây là khoảng “thời gian vàng” giúp cải thiện tình trạng toàn thân của bệnh nhân là hạn chế mất nước, điện giải, protein, nhiễm khuẩn, giảm đau.

Nếu ghép da đồng loại (vẫn thuộc nguồn da kỳ trước) lần thứ hai thì thời gian thải mảnh ghép sẽ nhanh hơn so với lần nhất, thường xảy ra thải ghép ngày thứ sáu. Nếu thực hiện ghép da đồng loại lần 3 (cùng một nguồn) thải ghép xảy ra rất nhanh. Việc ghép da đồng loại là giải pháp tạm thời nhưng nếu cơ thể bệnh nhân đáp ứng tốt sẽ vượt qua được giai đoạn nguy hiểm.

Điều trị phỏng

Theo bác sĩ Đạo, tổn thương phỏng, đặc biệt phỏng sâu, là nguồn gốc gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy kiệt, thậm chí tử vong cho bệnh nhân. Loại trừ sớm hoại tử phỏng cùng với việc che phủ vết phỏng càng sớm càng tạo điều kiện tốt cho việc điều trị toàn thân và tại chỗ. Việc che phủ này được thực hiện cho cả tổn thương phỏng nông và tổn thương phỏng sâu để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Việc che phủ vết phỏng nhằm ngăn ngừa mất nước, mất chất điện giải, protein - là những chất cần thiết cho quá trình lành vết thương; hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào vết thương; giảm đau cho bệnh nhân; kích thích sinh học cho quá trình biểu mô hóa giúp thu hẹp một phần nhỏ diện tích cần che phủ, cải thiện tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

Đối với các trường hợp phỏng nặng (độ sâu lớn, diện tích phỏng rộng) ở các tổn thương độ sâu, việc cắt bỏ hoại tử thường được tiến hành trong vòng 7-10 ngày sau phỏng (tiến hành cắt bỏ hoại tử càng sớm càng tốt, sau khi bệnh nhân thoát khỏi sốc phỏng) và tìm vật liệu che phủ vết thương.

Với những bệnh nhân có diện tích phỏng rộng thì dùng nguồn da tự thân (da của chính bệnh nhân hoặc người sinh đôi cùng trứng, khi ghép sẽ bám sống vĩnh viễn) để ghép rất hạn chế, do da gần như đã bị mất hết. Khi đó, thầy thuốc chỉ có chọn lựa tối ưu để cứu chữa bệnh nhân là lấy da đồng loại ở người sống (thường là da của cha, mẹ, anh em ruột bệnh nhân) để ghép. Một chọn lựa khác là che phủ phỏng bằng màng nhau thai sinh học; bằng da động vật, thường dùng da heo, da ếch, da gà.

Trong một số trường hợp việc ghép da đồng loại không mang lại kết quả hồi phục cho bệnh nhân như thầy thuốc mong muốn do da ghép đồng loại đào thải sớm hơn, đáp ứng của bệnh nhân không tốt, bị suy giảm miễn dịch, bị nhiễm trùng ngày càng nặng do tình trạng phỏng quá rộng, quá sâu.

Từ khóa » Ghép Da Bỏng