Giả ảo Giác: Khi Não Bộ Tìm Cách… điền Vào Chỗ Trống - CAND

  • Bộ não cũng có... mũi

Hiệu ứng nhấp nháy

Đã bao giờ chúng ta tự hỏi: mình thực sự sẽ thấy gì nếu chỉ nhìn vào một khoảng không đơn sắc ngay phía trước mắt trong một khoảng thời gian dài? Khoa học từng ghi nhận nhiều phản ứng khác thường, xác nhận trường hợp thợ mỏ gặp ảo giác nếu bị mắc kẹt sâu dưới lòng đất không ánh sáng trong nhiều giờ. Đáng chú ý, ngay cả đoàn thám hiểm vùng cực lạnh giá cũng nhìn thấy ảo ảnh khó hiểu giữa một không gian chỉ có băng tuyết trắng xóa. Traci Speed quyết định làm điều tương tự, nhưng không liều lĩnh đến mức tự nhốt bản thân dưới lòng đất hay đi đến Nam Cực. Nhà tâm lý học sử dụng "hiệu ứng nhấp nháy" trên màn hình máy tính.

Năm 2019, cuộc thử nghiệm đầu tiên của cô khiến đồng nghiệp ngạc nhiên. Hiệu ứng Ganzflicker trở thành nền tảng cho những phát hiện lý thú về giả ảo giác mà Traci Speed theo đuổi. 30 phút ngồi bất động như bức tượng trước hình ảnh hai màu đen - đỏ nhấp nháy liên tục, mắt trở nên căng mỏi, còn não bộ hoàn toàn bị rối trí. Bộ não khi ấy tạo ra hàng loạt những trạng thái ý thức khác nhau, bắt đầu ngay khi mắt thu nhận những tín hiệu hình ảnh đầu tiên. Kết quả "tường thuật" lại khung cảnh trong não của mỗi người sau khi nhìn Ganzflicker khiến mọi nhà nghiên cứu đều sửng sốt.

Các từ khóa "hình khối", "bầu trời" hay "tia sáng" xuất hiện dày đặc. Họ miêu tả Ganzflicker chẳng khác nào các họa tiết hình học đơn giản hoặc những mảng màu sắc lộn xộn. Trong khi nhiều người hoàn toàn không thấy điều gì, bởi lẽ sự đơn điệu nháy liên tục khiến họ ngủ quên. Có ý kiến cho rằng Ganzflicker giống một không gian tĩnh đen huyền bí, sâu thẳm vô tận như thể sẽ hút bất cứ ánh mắt nào nhìn chằm chằm vào nó, để rồi mở ra cánh cửa tới một thế giới khác. Nhiều người đùa rằng, chắc hẳn khi ấy họ đã tự phác họa ra hố đen vũ trụ, chỉ có điều nó tồn tại trên não và sẽ biến mất sau vài giây.

Traci Speed tự mình chìm vào thế giới nhấp nháy của Ganzflicker, cảm giác tâm trí trôi dạt giữa một hành trình đến thế giới hư ảo, những giấc mơ về cuộc sống thực và ảo ảnh của chất thức thần. "Tôi bắt gặp vài tia sáng, chạy vòng quanh tựa cánh quạt, rồi càng nhìn lâu thì màn hình như nở rộng ra, cảm giác sắp vỡ vụn", trang nhật ký ngày thứ 3 thử nghiệm của Speed ghi rõ. Cô đối chiếu với câu chuyện các môn đồ của nhà toán học Pythagoras tự giam mình trong hang động tối đen như mực để kiếm tìm ảo giác. Điểm chung của họ, và cả Speed, ấy là kiếm tìm sự thông thái, cùng lời giải cho những ảo ảnh kỳ lạ.

Giả ảo giác: Khi não bộ tìm cách… điền vào chỗ trống -0
Vỏ não thị giác sở hữu "nút" chụp ảnh, cho phép ghi lại hình ảnh của môi trường xung quanh với tốc độ rất nhanh.

Những hình ảnh giả

Giả ảo giác được ghi nhận trong nhiều tài liệu cổ xưa, trong xã hội của người Hy Lạp cổ đại ở Phương Tây cho đến xứ Tây Tạng Phương Đông. Mặc dù nghiên cứu về hiện tượng này đã trở nên phố biến, nhưng thí nghiệm đầu tiên chỉ diễn ra vào khoảng những năm 1930. Cái tên Wolfgang Metzger nổi tiếng thời bấy giờ khi nhà tâm lý học người Đức đã phát hiện "ảo giác lạ" cùng nhiều thay đổi trên tín hiệu điện não của tình nguyện viên sau khi họ nhìn chằm chằm vào một không gian đơn sắc đối diện.

Phân tích của Wolfgang Metzger chỉ ra một "nút" chụp ảnh nhanh trên vỏ não thị giác (nơi xử lý các thông tin thu nhận qua thị giác) ở vùng chẩm, cho phép ghi lại hình ảnh của môi trường xung quanh. Não bộ khi ấy liên tục tiếp nhận các tín hiệu từ mọi giác quan để phân tích, rồi ra dấu hiệu để cơ thể phản ứng lại trước kích thích bên ngoài. Wolfgang Metzger biện luận rằng não bộ cực kỳ phức tạp, sở hữu năng lực "điền vào chỗ trống". Tốc độ xử lý nhanh đến mức chúng ta có phản ứng ngay lập tức, đồng thời cảm thấy thế giới xung quanh luôn thay đổi không ngừng, chuyển động một cách rất mượt mà, gần như không có độ trễ.

Cho đến những năm 70, nhà nghiên cứu chứng hoang tưởng Charles Honorton đã tạo nên một nguyên mẫu Ganzflicker kinh điển. Hình ảnh hai trái bóng bàn che mắt con người, một mình bên trong căn phòng hẹp chỉ có ánh sáng màu đỏ, cùng thứ âm thanh rè rè liên tục khiến chúng ta nghĩ tới những cảnh phim kinh dị chết chóc. Gần 50 thí nghiệm được thực hiện trong suốt 10 năm, báo cáo của Charles Honorton dày đặc những con số nhằm thuyết phục Hiệp hội Tâm lý Mỹ về sự tồn tại của giả ảo giác. Giới khoa học bấy giờ còn nhiều hoài nghi khi thẳng thừng bác bỏ luận điểm về giả ảo giác, coi Ganzflicker không hơn một sự dàn xếp đánh lừa khoa học.

Traci Speed lật lại hồ sơ nghiên cứu của nhà tâm lý học Ray Hyman - người đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong suy luận của Charles Honorton - để thay đổi quan điểm của khoa học về giả ảo giác. Theo đó, các thí nghiệm dạng Ganzflicker buộc giác quan của con người tiếp xúc với kích thích phi cấu trúc, chẳng hạn như bóng tối, màn hình một màu hay nhấp nháy. Khi ấy, não bộ sẽ khuếch đại các tín hiệu nhiễu thần kinh để cố gắng lý giải bối cảnh đơn điệu kỳ lạ từ môi trường xung quanh. Kết quả là não sẽ tạo ra những hình ảnh giả, rồi chèn vào đường dẫn truyền tín hiệu đến mắt hay tai, khiến chúng ta tự nhìn hoặc nghe thấy những thứ không hề có thật.

Giả ảo giác: Khi não bộ tìm cách… điền vào chỗ trống -0
Giả ảo giác giống như các họa tiết hình học đơn giản hoặc những mảng màu sắc lộn xộn. 

Khả năng kỳ diệu

Nếu như với Ganzflicker con người hiện đại đã tìm được công cụ để "hack" vào vỏ não thị giác, thì những triết gia Hy Lạp cổ đại chỉ biết giam mình trong bóng tối để tìm tới giả ảo giác, từ đó thấu hiểu cuộc đời và nhìn thế giới bằng một thứ nhãn quan mới - ngoại cảm. Cảm giác sống động kiểu này nhờ vào biệt tài của não bộ. Ấy là chuyện nó sẽ tự động khỏa lấp chỗ trống giữa các khoảng tối mà nó không nhận ra trong quá trình thu thập thông tin thị giác bằng các hình ảnh tự ngoại suy.

Để làm được điều này, các vùng trên não có sự tương tác linh hoạt với nhau, đi từ khu vực xử lý thông tin giác quan ở mức độ thấp tới khu vực đảm nhiệm phân tích nhận thức cao cấp. Não "nhìn" thấy điều gì hoàn toàn phụ thuộc vào những khu vực quan trọng này, tạo nên khả năng tưởng tượng rất độc đáo ở loài người. Giả dụ, một tình nguyện viên nhìn thấy một số giả ảo giác trong thử nghiệm Ganzflicker, não của anh ta có thể tự động "dịch" chúng thành các hình ảnh mang ý nghĩa nhất định hoặc phản ánh thực tế nhờ hoạt động của quá trình tưởng tượng.

Khi ánh mắt đã trở lại bình thường, không còn bị bủa vây bởi những tia sáng kì quặc, Traci Speed chợt nhận ra một điều kiện đơn giản để giả ảo giác xuất hiện: tầm nhìn bị đơn điệu hóa. Người bình thường sẽ thấy những hình ảnh đơn giản, trong khi số ít còn mường tượng ra cả một khung cảnh giả ảo giác phức tạp, như bãi biển tràn ngập ánh nắng hay lâu đài thời Trung Cổ. Đáng chú ý, những người mắc chứng Aphantasia (không thể hình dung nổi bất cứ hình ảnh gì trong đầu) sẽ hoàn toàn không thấy ảo ảnh.

Trải nghiệm như tia sáng hay các hình khối đa sắc xuất hiện có thể do cách não bộ phản ứng với kích thích đơn điệu của môi trường ngoài, thế còn những giả ảo giác phức tạp như toà lâu đài ở đâu mà ra? Traci Speed đưa ra giả định rằng chính sự khác nhau trong tần số quét não bộ dẫn đến trải nghiệm ảo giác không giống nhau. Hiểu đơn giản thế này: độ sai lệch của tần số Ganzflicker và tần số quét hình ảnh trên vỏ não thị giác càng nhỏ thì giả ảo giác càng dễ xảy ra, với độ phức tạp rất cao. Ngược lại, tần số quét cao hơn trong vỏ não thị giác tạo nên một vùng đệm, giúp người mắc Aphantasia chống lại tác động của Ganzflicker.

Trang cuối phần nghiên cứu giả ảo giác đầu tiên sau hơn 2 năm, Traci Speed nêu lên một giả thuyết: khả năng tưởng tượng và "nhìn" thấy giả ảo giác liên hệ với nhau, thậm chí kết nối với những quá trình phân tích - xử lý thông tin phức tạp trên vỏ não. Cô thích thú vì biết giả ảo giác mở ra cánh cửa để khoa học khám phá tâm trí con người, là minh chứng cho năng lực xây dựng cũng như tái tạo hình ảnh đầy sống động của não. Từ đây, cô kỳ vọng khoa học hiện đại sẽ tận dụng tiềm năng của Ganzflicker để nghiên cứu những khác biệt về năng lực tưởng tượng cùng ảnh hưởng từ môi trường xung quanh lên não bộ. Khi đó, chúng ta, những cá thể độc lập, sẽ có cơ hội chia sẻ với nhau từng trải nghiệm ảo giác độc đáo, để tạo nên một thế giới thực của những điều thú vị mà chỉ có não bộ mới kiến tạo được...

Từ khóa » Cách Tạo Ra ảo ảnh