Giá Cao, Tư Nhân Rót Tiền Vào điện Gió, điện Mặt Trời - VietNamNet

Thành bại nhờ giá

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện có 84 nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 4.000MW đã được công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) trước 31/10/2021. Có 37 dự án đã đăng ký, với tổng công suất khoảng 2.455 MW nhưng không kịp COD trước 31/10.

Đối với điện mặt trời, đã đưa vào vận hành khoảng hơn 16.000MW (trong đó điện mặt trời tập trung là 9.000MW, điện mặt trời mái nhà là 7.600MW).

Như vậy, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, công suất lắp đặt điện gió, điện mặt trời đã vượt 20.000MW, chiếm đáng kể trong tổng công suất lắp đặt là hơn 70.000MW, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng "nóng" nhất về năng lượng tái tạo trên thế giới.

{keywords}
Điện gió, điện mặt trời bùng nổ nhờ cơ chế giá tốt. 

Cơ chế giá FIT 2.100 đồng/kWh với điện mặt trời và gần 2.000 đồng/kWh với điện gió đã mang đến sự hứng khởi của khu vực tư nhân.

Một nguồn lực hàng tỷ USD được khu vực tư nhân trong và ngoài nước đổ vào điện mặt trời, điện gió. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, điều đó cho thấy Chính phủ đã tích cực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

“Thực sự đây là nỗ lực không hề nhỏ đối với một quốc gia vốn coi than đá là nguồn phát triển điện chủ yếu, thuỷ điện đã phát triển gần hết trong khi nhu cầu năng lượng vẫn tăng tốc trên 9% năm, thời gian tới vẫn tiếp tục tăng”, ông Tuấn chia sẻ và nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong việc phát triển nguồn năng lượng này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: Tăng trưởng công suất phát điện của Việt Nam chủ yếu đến từ đầu tư tư nhân trong nước và nguồn vốn FDI. Chính nhờ khoản đầu tư này, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, thay đổi đáng kể cơ cấu năng lượng của Việt Nam.

Sau khi Chính phủ Việt Nam đưa ra các cam kết mạnh mẽ tại COP 26 là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - điều mà không nhiều nước đang phát triển dám cam kết - thì năng lượng tái tạo trong tương lai sẽ càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn vì mục tiêu Net-zezo vào năm 2050.

Nhắc đến cam kết này, ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội năng lượng Việt Nam, chia sẻ: Trong nghị quyết Bộ Chính trị, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện đến năm 2050 chiếm khoảng 40-45%. Tuy nhiên, với cam kết đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo có thể tăng gấp đôi, lên 80-90% vào năm 2050

Con số này được xác định là rất khó đạt. Dù sao, với kinh nghiệm tích lũy từ đầu tư điện mặt trời, điện gió, khu vực tư nhân được tin rằng vẫn sẽ dẫn đầu xu thế đầu tư vào nguồn năng lượng này. Nhưng sau giai đoạn bùng nổ với mức giá hấp dẫn, điện mặt trời, điện gió có khả năng rơi vào trạng thái “nguội lạnh” nếu chính sách không có sự rõ ràng và ổn định hơn.

Ông Nguyễn Văn Vy đánh giá: Việt Nam chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, nhất là dòng doanh thu của các dự án. Các nhà đầu tư chưa vì thế chưa yên tâm đầu tư.

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: Sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời, điện gió như vừa qua là nhờ chính sách. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, cần phải tìm kiếm những chính sách, công cụ nào đó mạnh hơn.

Còn hiện nay, nhà đầu tư vẫn cảm thấy bất an trước những chính sách khó dự liệu, những tình huống bất khả kháng ngoài tầm kiểm soát như dịch Covid-19, quá tải lưới điện, bị dừng mua điện khi chưa có giá...

{keywords}
Chính sách điện gió, điện mặt trời thời gian tới vẫn còn bất định

Nỗi lo quá tải, bị dừng mua điện và khoảng trống chính sách

Những ngày này, các lãnh đạo của Trung Nam Group và một số DN đứng ngồi không yên sau khi nhận được thông báo ngành điện sẽ không tiếp tục huy động phần công suất chưa có cơ chế giá của các nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam, Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cho đến khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế giá điện cho phần công suất nằm ngoài 2.000MW tại tỉnh Ninh Thuận. Việc dừng khai thác phần công suất này bắt đầu từ  1/1/2022.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, hiện doanh thu của dự án điện mặt trời 450MW chỉ xác định được một phần do giá bán điện chỉ được xác định đối với phần công suất tạm tính thuộc quy mô 2.000 MW điện mặt trời (khoảng 277,88/450MW) theo Nghị quyết 115/NQ-CP.

Đối với phần công suất còn lại (172,12MW) của dự án vẫn chưa xác định được giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán, dẫn đến gây khó khăn và áp lực rất lớn cho nhà đầu tư trong việc chi trả lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt.

UBND tỉnh Ninh Thuận, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị tiếp tục huy động lượng điện sản xuất ra từ các nhà máy này, bởi chủ đầu tư dự án vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chịu chi phí truyền tải cho Trạm biến áp 500KV Thuận Nam.

Những dự án điện gió đang xây dựng dở dang chưa kịp COD trước ngày 1/11/2021 cũng nín thở chờ chính sách, bởi giá mua điện là bao nhiêu, như thế nào vẫn chưa được định đoạt. Một khoảng trống về chính sách cho điện mặt trời, điện gió khiến không ít nhà đầu tư tư nhân e ngại và lúng túng.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty CP Hạ tầng Gelex, băn khoăn khi chưa rõ cơ chế cho điện mặt trời, điện gió sắp tới.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo từ 2016 đến nay, ông Long phải thừa nhận rằng “rủi ro rất lớn” khi không thể biết được sau khi kết thúc giá FIT thì chính sách nào sẽ được áp dụng cho năng lượng tái tạo. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư, đây là điều rất quan trọng để dự báo được các phương án tài chính, còn ngân hàng cho vay phân tích được lộ trình trả nợ của người đi vay.

“Mọi thứ sẽ thuận lợi nếu nhà đầu tư có thể hoàn thiện dự án đúng lộ trình. Nhưng nếu không đúng tiến độ thì sao? Về mặt lý thuyết, dự án có thể không được phát điện, nếu phát điện được nhưng không được mua, giá bằng 0 thì ngân hàng không chấp nhận việc đó”, ông Long nói

Nhà đầu tư này cho rằng cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư theo đuổi dài hạn lĩnh vực năng lượng.

Mặt khác, bài toán giá cũng phải được tính tới để năng lượng tái tạo không đẩy áp lực tăng giá điện lên quá cao khi đây vẫn là nguồn điện được đánh giá là ‘đắt đỏ’, muốn nguồn cung năng lượng tái tạo ổn định thì còn ‘đắt đỏ hơn nữa’.

Dù giá thành sản xuất điện tái tạo đã giảm mạnh so với chục năm trước, nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Việc giá thành tiếp tục hạ xuống sẽ là cơ sở quan trọng để phát triển nguồn điện này ở mức hợp lý, hài hòa lợi ích nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng điện. Đây cũng là điều Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An từng lưu ý, bởi theo ông An, mục tiêu trên hết vẫn là đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế và người dân Việt Nam với chi phí hợp lý.

Lương Bằng

Bỏ nghìn tỷ nín thở chờ cơ chế, chưa biết ra sao ngày mai

Bỏ nghìn tỷ nín thở chờ cơ chế, chưa biết ra sao ngày mai

Các nhà đầu tư khác đến thời điểm này cũng chưa biết tương lai cơ chế giá cho điện gió sẽ như thế nào.

Từ khóa » Giá Fit điện Gió 2021