Gia đình Mù đối Diện Giếng Mắt Rồng Bên Dòng Tô Lịch - Tiền Phong

Gia đình mù đối diện giếng Mắt Rồng bên dòng Tô Lịch

Suốt thời gian chúng tôi tìm hiểu về giếng Mắt Rồng (phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội), những người dân nơi đây đều tỏ ra vô cùng quan tâm. Đặc biệt, họ còn bày tỏ ý nguyện xin được khơi thông lại giếng để bảo tồn một di tích quý.

Góc cua bên đền Long Tỉnh và giếng Mắt Rồng luôn xảy ra tai nạn.
Góc cua bên đền Long Tỉnh và giếng Mắt Rồng luôn xảy ra tai nạn.

Đường hang

Cụ Vũ Đình Bảy năm nay đã hơn 85 tuổi nhưng còn rất minh mẫn cho biết, giếng Mắt Rồng trước đây sâu khoảng 40m, trong làng rất ít người xuống được giếng, bởi các mạch nước ngầm dưới đáy giếng đẩy nước lên rất mạnh. Kỳ lạ là dưới giếng lại có một đường hang thông ra phía hồ Tây. Đường hang này không biết ăn sâu vào tới đâu, có chạy dưới đường làng và ăn ra tới tận Hồ Tây không, vì lúc trước cụ chỉ lặn vào được một quãng, từ tâm giếng bơi được xuyên qua đường cái, chạm tới khoảng vị trí cổng làng là phải bơi bật trở ra vì nước trở nên lạnh giá vô cùng, trong khi nước giếng lại rất ấm mát.

Ai muốn xuống giếng làm việc gì, người đó phải tắm rửa sạch sẽ, vào đền Long Tỉnh làm lễ xin mới được xuống. Khi giếng Mắt Rồng bị lấp đi (năm 1985), dân làng như mất đi một thứ rất bình dị nhưng thiêng liêng. Đến bây giờ, người dân vẫn lao xao câu chuyện một số người tham gia lấp giếng đã gặp nhiều điều nghiệt ngã, dân làng làm ăn kém hơn, nhiều người bị nghi vấn là bị bệnh một cách bất thường như trường hợp một gia đình có tới 7 người đang bình thường bỗng nhiên lần lượt thay phiên nhau bị mù mắt.

Lấp giếng và chuyện mù mắt

Cụ Bảy bảo, giếng này "thiêng" lắm, nhiều người dân làng ngã xuống giếng nhưng chỉ bị thương nhẹ, không ai chết. Ông vẫn còn nhớ đã từng xuống giếng cứu sống một cô gái (bây giờ đã là bà lão) trong làng. Cô này cúi xuống lấy nước không may bị rơi xuống giếng. Ông lặn xuống, đặt cô gái lên lưng, hai tay, hai chân bấu vào thành giếng leo lên như con ếch.

Ông Đặng Duyên Hải, 50 tuổi nhà ở gần giếng Mắt Rồng cho biết: Từ ngày lấp giếng đi, mọi người trong làng tiếc lắm. Người dân xác nhận, đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra bên hông chiếc giếng Mắt Rồng và đền Long Tỉnh.

Ông Hải nhớ lại: "Đợt trước có một chiếc xe ô tô đi ngang qua đoạn đường này, bị chết máy, trời đã về khuya không thể vào đâu để sửa được. Người lái xe đang loay hoay không biết xử lý thế nào thì được một người dân "mách nước" là cứ vào đền Long Tỉnh để vái lạy đức Thánh. Sau đó, người lái xe ngồi lên xe và đề máy, quả nhiên máy lại nổ được khiến nhiều người có mặt nơi đây không thể không tin. Nhiều vụ tai nạn xảy ra ở cung đường này, nhưng chưa từng thấy ai đổ máu.

Anh Hưng, chủ một cơ sở tẩm quất của người mù ở làng Yên Thái là thành viên trong một gia đình có nhiều người bị bệnh về mắt. Tất cả đều đang lành lặn, tới tuổi ngoài 20, 30 mắt mới bắt đầu mờ dần đi rồi không nhìn thấy nữa. Bản thân anh Hưng đang là lái xe, lúc nhỏ mắt vẫn bình thường, chỉ đến tuổi gần ba mươi, mắt mới bắt đầu mờ dần đi. Đầu tiên, nhìn chiếc biển số xe ô tô cách chục mét còn thấy, còn đọc rõ từng số, sau dần dần, khoảng cách nhìn được cứ ngắn dần và mọi vật cứ nhòe dần đi trong mắt anh. Những thành viên khác trong gia đình anh cũng vậy, cứ lần lượt từng người, từng người, mắt đang sáng bỗng dưng lòa hết cả.

Giếng mắt Rồng ở bên kia đường, nhà anh Hưng ở trong làng phía bên này đường, cách giếng Mắt Rồng chưa đầy 20m. Anh Hưng cho biết, mắt anh bị bệnh nhiều khả năng là do di truyền, chứ không phải từ những câu chuyện giả định không có căn cứ liên quan đến việc mắt Rồng bị lấp nên người làng bị mù.

Chúng tôi cũng quan sát được khúc cua qua ngôi đền Long Tỉnh khá khuất tầm nhìn, lại là nút thắt cổ chai, nên rất khó khăn khi di chuyển qua đây. Đặc biệt, có một gờ viền miệng cống bằng sắt hình chữ nhật nhô lên khá cao so với cốt đường, trong khi miếng nắp cống bằng bê tông lại võng, nền đường xung quanh nắp cống lại sâu hoắm xuống gần chục centimet. Nắp cống vừa lồi, vừa lõm, vừa trồi, vừa sụt hình chữ nhật 1,2 x 1m này nằm bên phần đường cách tường nhà đền chừng 50cm.

Xe cộ muốn lưu thông qua quãng đường này, không có cách nào khác là phải "phi thân" xuống cái nắp cống rồi lại ngóc đầu chật vật băng qua gờ sắt, nên việc "vấp" vào mà ngã chẳng có gì khó hiểu.

Lí giải chuyện không "đổ máu" khi có tai nạn, theo suy luận của chúng tôi, vận tốc của xe cộ khi qua lại nút thắt này không thể cao, người điều khiển phương tiện buộc phải giảm tốc để phi xuống rồi lại leo lên nên có sự cố thì cũng chỉ là sự cố nghiêng đổ xe nhẹ nhàng.

Theo Đức Lợi - Việt Nga Khoa học đời sống

Theo Tổng hợp

Từ khóa » Giếng Mắt Rồng Là Gì