Già Làng Tây Nguyên - Những Cánh Chim Không Mỏi - Báo Biên Phòng

lxa6_10a
Các già làng tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác xã hội. Ảnh: Thái Kim Nga

Sau sự kiện bọn phản động kích động, xúi giục đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tụ tập biểu tình gây rối diễn ra năm 2001, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tây Nguyên diễn biến hết sức phức tạp. Ở những buôn làng xa xôi, đời sống của một bộ phận bà con còn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế chậm phát triển cộng với trình độ nhận thức còn hạn chế chính là những “kẽ hở” để các thế lực thù địch và bọn phản động lợi dụng kích động lôi kéo số người nhẹ dạ cả tin gây rối, bạo loạn, chống phá chính quyền, vượt biên sang Campuchia gây mất ổn định an ninh trật tự.

Một số nơi, đồng bào nghe theo lời kẻ xấu, bọn theo tà đạo xúi giục, đã bỏ ruộng rãy, bỏ buôn làng đi theo những điều ma mị để rồi phải đối diện với những bế tắc trong cuộc sống. Nét đẹp văn hóa truyền thống trên cao nguyên hùng vĩ theo đó phần nào bị mai một, phai mờ bản sắc khiến cho các chủ nhân nơi buôn làng như bị lạc lõng ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của già làng - người có uy tín lớn trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, được sự cho phép của Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, tháng 3-2009, tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội nghị biểu dương già làng các dân tộc Tây Nguyên.

Tại Hội nghị này, 241 già làng tiêu biểu của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và 6 tỉnh phụ cận đã cùng nhau ký Quyết tâm thư gửi Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ quyết tâm cùng với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, quân và dân các dân tộc Tây Nguyên tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, những “người cha tinh thần” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng cam cộng khổ với bà con, tập trung xây dựng vùng đất Tây Nguyên ổn định chính trị, vững mạnh về quốc phòng - an ninh, thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội.

Đồng bào Tây Nguyên đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh đúng như di nguyện của Bác Hồ kính yêu trong bức thư gửi Đại hội các DTTS miền Nam diễn ra tại thành phố Pleiku 73 năm về trước. Trong bức tâm thư ấy, Người đã căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt...”. 

Để hiện thực hóa Quyết tâm thư gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các già làng Tây Nguyên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, trước hết là con em đồng bào DTTS học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ một cách sinh động nhất, luôn gần gũi giúp đỡ, động viên, khuyến khích con em đến trường để từng bước nâng cao dân trí, làm cơ sở cải thiện đời sống dân sinh.

Nhiều già làng không quản ngại tuổi tác, thời gian, công sức lặn lội đến những khu dân cư xa xôi, hẻo lánh để tập hợp sức mạnh toàn dân trong xây dựng đời sống văn hóa, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phân tích giảng giải cho chủ nhân nơi buôn làng hiểu rõ chỉ có đi theo con đường Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, đồng bào mới được tự do, độc lập, mới có cơm ăn áo mặc, mới được học hành, được chăm sóc sức khỏe... Qua đó, không ngừng xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước, ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Các già làng Tây Nguyên luôn nêu cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, đoàn kết quân - dân - chính - đảng gắn bó mật thiết để cùng nhau vượt khó vươn lên. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đoàn kết - đoàn kết - đại đoàn kết, thành công - thành công - đại thành công”, các già làng DTTS Tây Nguyên luôn đồng hành, gần gũi với bà con trong buôn làng, sẵn sàng chia sẻ ngọt bùi để giúp nhau vững bước vươn lên làm chủ cuộc sống. Già làng tích cực tham gia xây dựng các quy ước, hương ước của buôn làng phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực sự là người đại diện cho quyền lợi của đồng bào thiểu số trong thôn, bon, buôn, làng.

Bằng kinh nghiệm thực tế, sự hiểu biết và uy tín của mình, già làng đã có những tiếng nói, ý kiến đóng góp quý báu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, là chiếc cầu nối chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng thời tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo nên những dấu ấn đậm nét trên con đường phát triển. 

Những “người cha tinh thần” nơi buôn làng thực sự là lực lượng xung kích, nòng cốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc giới và an ninh trật tự khu vực biên giới, trở thành trung tâm của sự đoàn kết thống nhất trong cộng đồng. Nhiều già làng tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn luôn bùng cháy ngọn lửa nhiệt tình cả trong tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân lẫn trực tiếp đứng ra giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh trong cộng đồng được bà con tin tưởng, kính trọng.

Như những “chiếc thoi đưa”, các già làng lặng lẽ sớm chiều với công tác xã hội: “Nơi nào cần, già làng có, nơi nào khó có già làng” và luôn coi công việc của cộng đồng dân cư như công việc quan trọng của gia đình mình. Thường trực trên các điểm nóng về an ninh trật tự, tranh chấp đất đai, di cư tự do, quản lý, bảo vệ rừng..., song các già làng vẫn luôn đi sâu đi sát, tích cực giúp đỡ, hướng dẫn những gia đình khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những lời đóng góp chỉ dạy của già làng đã không ít lần “tháo nút thắt” mâu thuẫn, loại bỏ nguy cơ lây lan điểm nóng về tình hình an ninh, trật tự.

Với những cống hiến to lớn của mình, các già làng DTTS Tây Nguyên thực sự là “binh chủng tinh nhuệ” trong công tác dân vận, là nơi gửi gắm niềm tin của các chủ nhân nơi buôn làng, là “căn cứ” vững chắc, cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở. Giữa đại ngàn Tây Nguyên, những “cánh chim đầu đàn” ấy vẫn miệt mài xây tổ ấm, mang niềm vui đến với mọi nhà. 

Thái Kim Nga

Từ khóa » Hình ảnh Già Làng Tây Nguyên