Giá Phân Bón “nhảy Múa” Từng Ngày, Nông Dân Lo Lắng - VnEconomy

“Từ đầu tháng 6/2021 đến nay phân Urea liên tục biến động tăng và rơi vào tình trạng mỗi ngày một giá…” ông Nguyễn Đức Long - chủ một cơ sở kinh doanh phân bón tại Thanh Hoá còn nhấn mạnh với VnEconomy.

10 NGÀY 3 GIÁ KHÁC NHAU

Ông Nguyễn Đức Long ví von chúng tôi bán phân bón cho người nông dân mà cứ như chơi chứng khoán. Giá nhảy liên tục, nông dân đi qua nhìn chúng tôi chỉ biết lắc đầu.

Nói rồi ông Long đưa ra 3 tờ thông báo của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (thành viên của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam). 3 tờ thông báo này được phát hành trong vòng 10 ngày và được các địa lý cấp 1 phô tô và gửi cho các nhà buôn nhỏ như ông Long.

Như vậy, cứ 2 đến 3 ngày gia đình ông lại đi dán một tờ thông báo giá phân bón tăng cho người nông dân quê ông biết…

Theo nội dung tờ thông số 0662 của Đạm Ninh Bình, giá bán Urea Ninh Bình thương phẩm áp dụng từ ngày 5/6/2021 là 9.100.000 đồng/1 tấn. Còn Urea Ninh Bình hành sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng giá bán 9.050.000 đồng/1 tấn.

Nội dung tờ thông báo thứ 2 mang số 0697 của Đạm Ninh Bình thì từ ngày 12/6/2021 giá Urea Ninh Bình thương phẩm áp dụng giá mới là 9.350.000 đồng/1 tấn. Còn Urea Ninh Bình hành sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng giá bán 9.300.000 đồng/1 tấn.

Tờ thông báo thứ 3 mang số 0715 áp dụng giá bán Urea Ninh Bình thương phẩm từ ngày 16/6/2021 là 9.500.000 đồng/1 tấn. Còn Ure Ninh Bình hành sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng giá bán 9.450.000 đồng/1 tấn.

Ông Nguyễn Đức Long lắc đầu, “đấy các anh xem, hàng còn chưa kịp nhập về kho, bảng báo giá dán còn chưa khô đã phải thay giá mới. Mà đây là tăng giá, nhiều khi người nông dân nghi ngờ chúng tôi tự ý tăng giá nên phải dán cả thông báo của nhà sản xuất lên cho mọi người nhìn thấy. Vậy mà nhiều người vẫn không tin vì chưa bao giờ có việc tăng giá liên tục trong thời gian ngắn như vậy”.

GIÁ PHÂN BÓN CAO, NGƯỜI NÔNG DÂN CẦM CHẮC THUA LỖ

Có hai lí do chính để giá phân bón tăng đó là do thị trường khan hàng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Về nguyên nhân thị trường khan hàng, tại một cuộc họp khẩn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào ngày 13/3/2021. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Bộ Công thương và 3 nhà sản xuất phân bón DAP lớn trong nước.

Theo thông tin Vneconomy có được, tại cuộc họp ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẳng định, không có chuyện khan hiếm phân bón làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước đều đưa ra khẳng định nguồn cung phân bón trong nước không thiếu và các doanh nghiệp sản xuất sẽ ưu tiên nguồn hàng phục vụ cho thị trường trong nước.

Như vậy, với khẳng định này người nông dân cũng như các đại lý không cần phải mua gom hàng để tích trữ đẩy giá phân bón tăng cao.

Nguyên nhân giá phân bón tăng từ đầu năm 2021 được cho là do những tác động từ thị trường thế giới khi giá một số nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón tăng, cộng với đó là việc giá cước vận chuyển tăng cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19…

Quay lại với câu chuyện của ông Nguyễn Đức Long, chủ một cơ sở buôn bán phân bón nhỏ tại Thanh Hoá. Ông cho chúng tôi xem văn bản của một đại lý cấp 1 gửi cho ông.

Theo đó, ngày 11/6/2021 Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí miền Bắc - thuộc Tổng Công ty phân bón và Hoá chất Dầu khí đã ký hợp đồng cho Đại lý tại khu vực phía Bắc với giá Urea Phú Mỹ là 9,6 triệu đ/tấn.

Hợp đồng còn chưa khô mực thì sáng ngày 12/6/2021 các Đại lý đã nhận được thông báo số 409 với nội dung; “Thời điểm hiện tại việc bố trí nguồn hàng Đạm Phú Mỹ gặp nhiều khó khăn nên không có hàng hóa để cung ứng tới Quý khách hàng... Vì lí do bất khả kháng trong việc thực hiện hợp đồng với Đạm Phú Mỹ… Đề nghị Quý khách hàng không chuyển tiền theo những hợp đồng đã ký ngày 11/6. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm các nguồn hàng để khắc phục tình trạng bất khả kháng nói trên …”.

“Như vậy, việc tăng giá phân bón hiện nay đang có dấu hiệu của việc khan hàng trên thị trường. May mắn mà các Đại lý cấp 1 chưa kịp nhận đặt cọc của các đại lý cấp 2 không thì đền cọc do không có hàng cung cấp…”, ông Nguyễn Đức Long chia sẻ.

ỔN ĐỊNH ĐƯỢC 1 THÁNG

Sau cuộc họp ngày 13/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giá phân bón trong nước đi vào ổn định. Tuy nhiên sự ổn định cũng chỉ được khoảng một tháng khi mà từ nửa cuối tháng 4/2021 giá phân bón lại có những biến động tăng.

Cụ thể, theo khảo sát của VnEconomy, đầu tháng 3/2021, khi cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa diễn ra thì tại khu vực phía Nam bình quân giá DAP Trung Quốc xanh 64% là 15,5 triệu đ/tấn; DAP Korea 15,5 triệu đ/tấn; DAP Đình Vũ 11,2 triệu đ/tấn.

Sau khi cuộc họp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn diễn ra thì giá DAP Trung Quốc xanh 64% quay đầu giảm xuống còn 14,8 triệu đ/tấn, DAP Korea 14,8 triệu đ/tấn, DAP Đình Vũ 10,6 triệu đ/tấn… Mức giá này được giữ ổn định đến khoảng giữa tháng 4/2021.

Cụ thể, từ nửa cuối tháng 4 giá DAP bắt đầu trở lại đà tăng giá mới và đến thời điểm giữa tháng 6/2021 giá DAP Trung Quốc xanh 64% đã lên mức 16 triệu đồng/1tấn DAP Korea 16,5 triệu đồng/1tấn và DAP Đình Vũ 12,6 triệu đồng/1tấn.

Điều đáng nói là từ tháng 4/2021 giữa tháng 6/2021 các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đã nhập khẩu vào Việt Nam gần 200.000 tấn Urea các loại (cả hạt trong và hạt đục). Con số này cao hơn lượng nhập khẩu cùng kỳ năm 2020.

Với lượng nhập khẩu tăng mạnh và sự khẳng định của của các doanh nghiệp sản xuất trong nước là không khan hàng nhưng giá phân bón tại thị trường trong nước vẫn tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại là một câu hỏi lớn.

Cụ thể, giá bán Urea tại nhà máy của Đạm Phú Mỹ đầu tháng 4/2021 là 8,6 triệu đồng/1 tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau là 8,5 triệu đồng/1 tấn. Đến cuối tháng 5/2021 giá tại nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng lên 9,4 triệu đồng/1 tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau tăng lên 9,5 triệu đồng/1 tấn. Đến đầu tháng 6/2021 giá bán tại nhà máy Đạm Phú Mỹ tăng lên 9,9 triệu đồng/1 tấn và tại nhà máy Đạm Cà Mau tăng lên 9,8 triệu đồng/1 tấn.

“Giá phân bón tăng cao đúng thời điểm chuẩn bị vào vụ mùa, với giá này chúng tôi bỏ vụ thôi chứ càng làm càng lỗ…”, chị Nguyễn Thị Thương, một nông dân tại Thanh Hoá chia sẻ với VnEconomy.

Cũng theo chị Thương, nông sản làm ra bán đã khó nay giá phân bón lại cao người nông dân cầm chắc thua lỗ. Trong làng có mấy nhà có tiền họ mua phân bón tích trữ từ trước nay không lo, còn những người không có tiền như chúng tôi lúc nào bón mới mua phân thì thiệt thòi lắm…

Từ khóa » Giá đạm Urê Ninh Bình