Gia Tăng Các Vụ án Sát Hại Người Thân: Xuống Cấp đạo đức, Băng ...

Hiện tượng này đã gây ra những sang chấn tâm lý nặng nề trong xã hội khiến nhiều người cảm thấy bất an. Đó là báo động đỏ về sự xuống cấp, băng hoại về đạo đức, văn hóa ứng xử giữa con người với nhau trong xã hội hiện nay.

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người. Trong đó, án mạng do văn hóa ứng xử chiếm 40%; lứa tuổi phạm tội dưới 30 tuổi chiếm khoảng 75% các vụ án; nam giới gây án, là nạn nhân chiếm hơn 90%. Thống kê cũng cho thấy, có tới hơn 90% các vụ giết người là do các nguyên nhân xã hội, trong đó có 18 - 20% số vụ là người thân trong gia đình giết nhau.

Đó là những con số đáng báo động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, minh chứng cho việc chuẩn mực đạo đức, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.

Con người đề cao cái tôi cá nhân hơn là nghĩ đến mối quan hệ chung giữa con người với nhau. Thật đáng buồn là hành vi bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình đã không còn là chuyện hiếm gặp. Hàng ngày, đọc báo thấy rất nhiều chuyện vợ giết chồng rồi phân xác đem phi tang, chồng dùng búa đánh chết vợ, chồng dùng dao truy sát vợ con, chồng giết vợ rồi đem đốt xác, con giết cha mẹ...

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân đã trở nên lỏng lẻo. Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, ích kỷ, đặt lợi ích bản thân lên trên hết, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh dẫn đến sự lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau giữa các thành viên trong gia đình... Tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác. Trên một nền như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích..., họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, mâu thuẫn, bất chấp việc gây tổn thương, đau đớn cho chính người thân và không quan tâm đến nỗi đau của người khác dù là người thân dưới một mái nhà.

Xét về góc độ tâm lý, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân xảy ra các vụ án giết người không theo một quy luật chung nào. Nguyên do chủ yếu của các vụ án mạng đã xảy ra giữa vợ chồng mà nguyên nhân chính được chỉ ra là do mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt hoặc ghen tuông tình ái, đẩy mâu thuẫn vợ chồng bị dồn nén lâu ngày lên cao dẫn đến những hậu quả ngoài mong muốn. Đối với vụ án cha con giết nhau thì do quan điểm sống hằng ngày khác nhau giữa các thế hệ nên không đồng nhất trong lối sống, dẫn đến mâu thuẫn kéo dài và giết nhau. Ngoài ra, có những vụ án mẹ giết con rồi tự tử là do tâm lý hận thù và muốn gây sự mất mát, tổn thương cho người chồng. Hơn nữa, một số phụ nữ có suy nghĩ muốn tự tử vì cuộc sống gia đình tù túng, nhưng nếu để con ở lại thì không ai chăm sóc nên “mang con theo cho đỡ khổ”...

Đây là những dẫn chứng cho thấy việc sử dụng hành vi bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong gia đình không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã như một xu hướng lan rộng ra nhiều nhóm xã hội. Bên cạnh đó, một số người đã bị dính vào tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè hay ngoại tình, ghen tuông... Khi bị người thân lên án, phản đối, thậm chí ngăn cấm, họ mù quáng không phân biệt được đúng sai, từ đó có những hành động phản kháng lại bằng bạo lực thiếu kiểm soát.

Đành rằng sau những vụ án mạng gia đình, các bị cáo phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật, song nỗi đau với những người còn lại sẽ còn đeo đẳng mãi. Trước thực tế này, phòng ngừa cần xem là giải pháp được ưu tiên hàng đầu.

Nhằm hạn chế xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm cá nhân có hành vi vi phạm để làm gương, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đặc biệt là pháp luật hình sự. Các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến giáo dục pháp luật; tuyên truyền về ý nghĩa thiêng liêng, sâu sắc của tình cảm gia đình; tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên, qua đó định hướng giới trẻ, xây dựng hình thành đúng nhân cách đúng đắn, ứng xử phù hợp với truyền thống đạo đức người Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi gia đình phải chú trọng giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho con em mình, tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên, kịp thời phát hiện và hóa giải các xung đột, không để dồn nén kéo dài. Định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam; phản bác, lên án mạnh mẽ những người có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, đi ngược lại truyền thống gia đình Việt và vi phạm pháp luật... Từ đó, các thành viên trong xã hội nâng cao nhận thức, ứng xử phù hợp hơn, phòng ngừa tội phạm.

Ngoài ra, ở các khu vực dân cư, khi phát hiện mâu thuẫn trong các gia đình, các ban ngành đoàn thể cấp cơ sở cần tổ chức ngay việc hòa giải, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Đồng thời, khi phát hiện có mâu thuẫn tranh chấp, xô xát, bạo lực trong sinh hoạt gia đình tại khu dân cư, lực lượng công an cơ sở cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hòa giải, khuyên nhủ hoặc răn đe để mâu thuẫn sớm được tháo gỡ. Với những vụ án giết người thân xảy ra trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận, cần tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh, đưa ra xử án điểm ngay tại địa bàn nhằm tuyên truyền, giáo dục người dân có cách ứng xử đúng mực trong quan hệ gia đình cũng như ngoài xã hội.

Từ khóa » Băng Hoại đạo đức Xã Hội