Gia Tăng Người Hưởng Bảo Hiểm Xã Hội 1 Lần, Đại Biểu Quốc Hội Lo ...

Cần có chế tài mạnh hơn để răn đe hành vi trốn, chậm đóng BHXH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, chiều 27/10 Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, năm 2020 chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Dịch đã đã tác động mọi mặt vấn đề của xã hội. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm đã ảnh hưởng đến chế độ thực hiện chính sách, chế độ BHXH.

Nữ đại biểu tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra một số góp ý, trong đó về đối với tham gia BHXH bắt buộc. Thực hiện nghị quyết 28 về cải cách chính sách thực hiện BHXH, để thực hiện mục tiêu là thách thức rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Theo báo cáo năm 2020 số người tham gia bảo hiểm tính đến 31/12/2020 đạt 33,5%, đạt chỉ tiêu đề ra của năm 2020.

Tuy nhiên, sang năm 2021, bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp, trong đó việc thu BHXH bắt buộc gặp nhiều khó khăn nhất định, nhiều lao động bị mất việc làm không còn thực hiện tham gia BHXH bắt buộc.

ĐBQH đề nghị cần có quy định hạn chế người lao động hưởng BHXH 1 lần - Ảnh 2.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

"Chính vì vậy để đạt được mục tiêu 35% lực lượng lao động tham gia BHXH đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của Chính phủ cũng như chính quyền các cấp. Tôi đề nghị báo cáo cần phân tích, đánh giá những nguyên nhân để đưa ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể, quyết liệt trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay", ĐBQH Đặng Bích Ngọc nói.

Nói về tình hình chậm đóng và tạm dừng đóng BHXH, đại biểu Ngọc cho biết, theo báo cáo đến 31/12/2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là trên 12.000 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2019 (khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 1,5%, doanh nghiệp nhà nước chiếm 6,4%, doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 8,1% và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 57,2% tổng số chậm đóng). Đại biểu đề nghị xác định rõ nguyên nhân và xác định rõ đối tượng và từ đó có giải pháp phù hợp.

Cần phải rà soát công khai các doanh nghiệp, người sử dụng lao động chậm nộp, trốn đóng BHXH để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra, giám sát. ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Đặc biệt, về công tác thanh, kiểm tra vi phạm, đại biểu cho rằng trong năm 2020 mặc dù dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp nhưng Bộ LĐTB&XH và ngành bảo hiểm rất cố gắng thực hiện 8619 cuộc thanh tra. Qua công tác thanh tra Bộ LĐB&XH và các bộ ngành đã vào cuộc rất quyết liệt và chỉ ra được nhiều sai phạm, những tồn tại, hạn chế kiến nghị đề xuất, nhiều nội dung cần truy thu.

"Nhưng chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh, nên tính chất răn đe chưa cao. Vì vậy nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động vẫn còn vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Thiết nghĩ Chính phủ cần có những chế tài thật nghiêm khắc để triển khai tốt hơn việc đóng BHXH trong giai đoạn hiện nay", ĐBQH Đặng Bích Ngọc kiến nghị.

Cần phải có quy định hạn chế hưởng BHXH 1 lần

Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh ĐồngTháp cho biết, việc đảm bảo an toàn quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT là 2 chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của xã hội. Việc đảm bảo an toàn và tăng trưởng bền vững Quỹ BHXH, BHYT thời gian qua được chính phủ và nhất là ngành BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, với nhiều nỗ lực đạt được những kết quả tích cực, qua báo cáo của Chính phủ cho thấy việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong năm 2020 đạt kết quả khả quan, với tổng số người tham gia là 16,176 triệu người, tăng gần 400.000 người so với năm 2019 và chiếm 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện tuy có tăng so với năm 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng BHXH không cao. Chủ yếu, người tham gia chọn đóng BHXH tự nguyện ở mức chuẩn nghèo nông thôn 700.000 đồng/tháng. Mặt khác, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện còn khá khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi.

ĐBQH đề nghị cần có quy định hạn chế người lao động hưởng BHXH 1 lần - Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh ĐồngTháp.

Một trong số những nguyên nhân khiến BHXH chưa được như mong muốn đó là những quy định và chính sách chưa đủ sự hấp dẫn thu hút người tham gia. Trong đó có quy định về thời gian đóng tương đối dài 20 năm. Chế độ hưởng còn hạn chế, đặc biệt là còn thiếu sự linh hoạt, đa dạng về hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại có tính chất tương tự trên thị trường.

Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết 28/2018, đại biểu Anh cho rằng cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng tỷ lệ BHXH tự nguyện. Trong thời gian tới, cần sớm xem xét về chính sách rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hải Anh đề cập tới quy định về hưởng BHXH 1 lần, gần đây số lượng hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng, năm 2020 là 860.741 người tăng 6,65% so với năm 2019 và tăng gấp 2 lần số người tham gia BHXH tăng thêm của năm 2020.

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, đây là một thực tế đáng quan ngại, người lao động rời bỏ hệ thống BHXH là tự tước quyền được tham gia thụ hưởng các chế độ BHXH đặc biệt là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất sẽ dẫn đến rủi ro đối với chính người lao động trong tương lai. Đồng thời tạo ra những thách thức lớn trong việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH, cũng như đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.

Do đó, đại biểu đề nghị, tới đây khi sửa đổi Luật BHXH cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH 1 lần thật thấu đáo. Ông cho rằng, cần phải có quy định hạn chế hưởng BHXH 1 lần nhằm đảm bảo các chế độ BHXH được bao trùm lên toàn bộ các thành viên trong xã hội.

Đại biểu đề nghị sửa đổi theo hướng quy định chặt chẽ hơn việc hưởng BHXH 1 lần. Sửa đổi điều kiện bảo hiểm hưu trí theo thời gian giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, từ đó giúp người lao động dễ dàng được hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH 1 lần./.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Từ khóa » Chế độ Hưởng Bảo Hiểm Xã Hội Năm 2020