GIÁ THỂ LŨA – HẠN CHẾ RỤNG LÁ CHÂN LAN ĐƠN THÂN (BÀI 38)

GIÁ THỂ LŨA HẠN CHẾ RỤNG LÁ CHÂN TRÊN LAN ĐƠN THÂN Bài 38

Lũa là gì các bạn nhỉ?

Google.com là con đường đưa ta tới các kho báu hoặc các bãi rác khổng lồ các bạn ạ!

Khi gõ “Lũa là gì?” ta sẽ tìm được khoảng 87.500 kết quả, trong đó, mấy cái định nghĩa đầu tiên về lũa tôi thấy thật quá tệ hại. Với cái định nghĩa này thì thật sự tạo ra không biết bao nhiêu sự ngộ nhận và các cuộc tranh cãi đỏ mặt bừng tai.

Không biết trang nào copy của trang nào, nhưng nội dung đều là:

“Gỗ lũa là phần lõi cây cứng nhất còn sót lại sau khi cây bị chết. Gỗ lũa rất cứng vì là phần gốc lại là lõi, qua năm tháng bị bào mòn bởi dòng nước chảy, mục hoặc mối xông. Tùy theo từng loại cây khác nhau mà gỗ lũa nặng hay nhẹ, độ bền khác nhau. Có thể là do tập trung xenlulô quá dày đặc, hoặc do nhựa cây lúc còn sống tiết ra khiến mối mọt, nước và thời gian cũng chịu thua”

Thế những CỤC GỖ rỗng LÕI (các nghệ nhân cây cảnh hay dùng để làm máng trồng cây tùng) mà có khả năng bất chấp thời gian thì gọi là gì?

Thế các cành, mấu trên thân rất cao mà không phải gốc cũng đạt các tiêu chí trên thì gọi là gì?

Có thật là mối không xơi lũa nữa hay không? Bạn đã bao giờ đặt 1 cục được gọi là lũa vào tổ mối xem nó có cạp không chưa? Đảm bảo với bạn, sau 1 thời gian, đa số các cục được gọi là lũa đó vẫn bị mối nó xơi như thường.

Rõ ràng là định nghĩa như thế vừa thiếu chính xác, vừa thiếu nội dung.

Tôi xin mạn phép đưa ra 1 định nghĩa về lũa như này:

Lũa là phần gỗ còn lại của cây đã chết sau một thời gian dài chịu sự tác động của nấm, vi khuẩn, đất, nước, gió, nhiệt, áp suất… Phần gỗ này có hình thù kỳ quái, hầm hố, bất định. Phần gỗ này cứng hoặc rất cứng, mối mọt cũng chán ăn. Nó có thể là gốc, rễ, mấu, cành hoặc lõi hoặc giác của cây. Còn lý do tại sao lại vậy thì chỉ có trời mới biết được.

Các tiến sĩ của chúng ta đang rất bận kiếm tiền và nghiên cứu các công trình to lớn vĩ đại để đạt mục tiêu lấp đầy các tủ lưu trữ, còn vấn đề nhỏ nhặt này họ không thèm nghiên cứu đâu. Vì thế chúng ta mới có cái mà tranh luận chứ!

Lũa là do Thiên Địa Tạo Hóa mà thành (có vài chỗ làm mộc người ta vứt những cục gỗ lăn lóc để nó mục hết phần mềm đi để lấy lũa, nhưng nói chung là họ cũng không thể tác động gì được vào quá trình này), tác phẩm này hình thù rất hầm hố kỳ quái nên hiện nay rất được ưa thích.

Rất nhiều người băng rừng vượt suối để săn tìm những cục lũa đẹp, hoặc qua đôi bàn tay khéo léo cắt gọt chắp vá để có một tác phẩm gỗ lũa ưng ý.

Thời gian gần đây, giới chơi lan bắt đầu đua nhau ghép lan lên lũa. Vì nhìn cục lũa và chơi cục lũa đã thấy thú vị rồi chứ chưa nói chi ghép thêm vài trăm ngàn hay vài triệu lên nữa.

Vậy ưu và khuyết điểm của lũa dùng làm giá thể ghép lan là gì?

– Ưu điểm:

+ Siêu bền, thách thức thời gian và thời tiết (nhiệt, nước, áp suất).

+ Nhìn cục lũa là đã thấy cái nét TÌNH của tạo hóa rồi.

+ Chịu được mọi va đập, rơi rớt.

+ Các giống lan ĐƠN THÂN ghép vào lũa là sự lựa chọn tuyệt vời vì các giống lan này RẤT GHÉT BỊ THAY GIÁ THỂ, thậm chí là không bao giờ thích bị làm phiền (ví dụ Ngọc Điểm – Đai Châu, Sóc Lào, Vanda, Uyên Ương, Sóc Ta, Cáo Bắc, Hải Yến, Hỏa Hoàng, Mỹ Dung….) Tôi quan sát và thấy rằng rễ của mấy em này có thể sống tới hàng chục năm hoặc hơn.

+ Hầu như không bị nấm trắng (nấm mảng phấn), nấm hạt cải… và cực kỳ ít bị ốc, sên và mấy con nhớt.

+ Giả sử bạn ghép lan thuộc chi Dendrobium như các giống lan thân thòng, kiều…, sau 3-6 năm bạn bắt buộc phải nhổ ra ghép lại, bạn hoàn toàn có thể tái sử dụng lại cục lũa vì nó còn tốt chán.

+ Rất ít khi bị đọng muối giống than hoặc chậu đất hoặc vài loại giá thể khác.

Nhược điểm:

+ Nặng giàn lắm! Rất nặng. Giàn nhà tôi treo 3000 chậu nhựa với dớn thì vô tư, nhưng treo khoảng 1000 giò lũa thì sập giàn là điều chắc chắn. Lũa càng bền thì càng nặng.

+ Đóng hàng bán đi xa thì cực vô cùng. Phí ship chắc chắn sẽ phải cao.

+ Giá cả từ 5-15 ngàn 1 ký, một cục đẹp đẹp cũng 50 ngàn – 1 vài triệu, mà không ai đi ship cho bạn 1 cục lũa nhỏ cả, ít nhất cũng phải chục cục. Rõ ràng là so với chậu nhựa hay đất thì mắc gấp 5-10 lần, tuy nhiên… (thôi, quan điểm cá nhân tôi viết vào đây mất khách quan đi).

+ Tưới phải nhiều, có khi ngày phải tưới 2-3 lần. Tuy nhiên nếu tiểu khí hậu tốt thì sẽ ít vất vả hơn. Nếu bạn đang trồng lan trong chậu với dớn xốp, 1 tuần tưới 2 lần đã làm bạn nản lòng, thì tốt nhất bạn đừng bao giờ mơ về Lũa nhé!

+ Nếu trồng chậu bón 20 gam phân là cây lên ầm ầm, thì với lũa, bạn muốn cây lên được được như người ta, bạn phải tốn ít nhất 50-100 gam phân.

+ Không phải lũa nào ghép lan cũng phát triển tốt. Ví dụ lũa cây thông có tinh dầu, lũa xá xị, lũa cây dầu… tóm lại là cây có tinh dầu bạn ngửi thấy mùi thơm hoặc nồng nặc thì ghép vào lan không phát triển hoặc rễ không bám được.

Ưu và nhược là vậy, thích thì chơi thôi bạn ạ. Chơi lan đầu tiên là phải dùng cảm tính, sau đó mới dùng lý trí suy xét. Chơi để vui, để thư giãn hoặc để thể hiện cá tính… thì đừng gò mình vào khuôn khổ nào cả. Máu lên là chơi thôi!

Cũng giống như đối với phụ nữ, thời trang đánh chết thời tiết. Lạnh căm căm, mặc váy ngắn hoặc quần đùi được. Các anh luôn có một dấu hỏi to đùng, sao mình khỏe vầy mà mặc vậy chịu không nổi? Cái gì cũng có cách khắc phục hết các bạn ạ. Dĩ nhiên không được 100% nhưng mà trên 50% thì vô tư.

Bạn có thấy phụ nữ họ đi dép lê mặc quần đùi vào mùa đông bao giờ không? Hay họ LUÔN GIỮ ẤM ĐÔI BÀN CHÂN? Với lại phụ nữ họ sinh ra đâu phải để đàn ông hiểu, họ sinh ra để đàn ông các anh yêu thương, đừng cố để hiểu phụ nữ vì không có kết quả gì tốt đẹp đâu.

– Vậy để lan ghép lũa phát triển thật tốt bạn nên làm gì?

+ Đắp tã cho lan khi mới ghép. Nên có tã để tăng độ ẩm của gốc để rễ non dễ bám và mầm dễ bung hơn.

+ Đào hào đổ đầy nước; chậu, chum, vại luôn đầy nước… nói chung là tạo độ ẩm trong vườn thật cao lên (85-90%)

+ Treo giò lan thấp xuống sát mặt nước hoặc mặt đất cỡ 30-50cm. Thậm chí cho rễ lan thòng xuống nhúng vào trong nước luôn. Hoặc dùng phương pháp bán thủy canh.

+ Làm giàn thật kiên cố chắc chắn để bất chấp trọng lượng.

+ Bạn chỉ chơi thì lo làm gì chuyện đóng hàng khó. Đó là việc của nhà vườn như tôi chẳng hạn.

Cách xử lý Lũa trước khi trồng lan:

Bước 1: Có cục lũa (mua, xin, lụm – nhặt, đổi)….

Bước 2: Dùng bàn chải sắt chải thật sạch đất cát, rêu. Bàn chải có 20 ngàn 1 cái thôi. Nếu lười không chải hoặc không rảnh, bạn mang ra chỗ làm cửa sắt thuê người ta dùng máy chà sắt chà cục lũa giúp bạn. Nếu loại gỗ lũa làm bạn không yên tâm rằng lan bám lên được thì lên khò lửa hoặc thui cháy xém lớp bên ngoài đi. Dùng vòi nước áp suất cao phun thật kỹ.

Bước 3: Ngâm nước cho cục lũa ngậm no nước và trong quá trình ngâm, bạn nên thay nước 5-10 lần để nó thôi hết muối chát hoặc chất đắng, chua, cay ra. Ngâm 7-15 ngày nhé bạn. Nếu lũa to quá ngâm không được thì xối nhiêu nước và đắp chăn ướt cho nó hút no nước.

Bước 4: Ngâm nước vôi ít nhất 30 phút hoặc rửa bằng nước vôi hoặc nước vôi trong. Bạn cũng có thể dùng Physan 20 hoặc Benkona thay thế nước vôi.

Bước 5: Rửa lại bằng nước sạch với thật nhiều nước. Rồi để ráo nước cỡ một vài tiếng.

Bước 6: Làm móc (móc thật chắc, to để tránh bị bửa móc, dây thép hoặc dây đồng cứng là tốt nhất. Cách làm móc tôi đã viết ở bài Làm móc và cố định lan. Nếu cục lũa to quá bạn nên đổ bê tông tạo đế thật chắc chắn.

Bước 7: Cố định lan vào lũa, treo lên giàn hoặc đặt lên khay, chăm sóc và thưởng thức. Sau đó khoan lỗ đóng đũa để lấy chỗ cố định cây lan. Hoặc bạn lấy ống hút hoặc ống nhựa trắng nhỏ 4mm bọc vào cây đinh thép và đóng vào. Hoặc khoan lỗ xuyên qua để cột dây cố định lan. Cách đơn giản nhất là lấy dây Nilon bó lan vào cục lũa.

Các bạn chịu khó soi hình!

Lưu ý: Thỉnh thoảng phải kiểm tra móc và độ chắc của thanh treo trên giàn kẻo có ngày vỡ đầu. Bạn thử tưởng tượng 1 cục gỗ cứng như đá nặng 10ký mà rớt vào đầu thì….

HẠN CHẾ RỤNG LÁ CHÂN TRÊN LAN ĐƠN THÂN

Thời gian qua rất nhiều bạn nhắn tin hỏi tôi về giò lan bị vàng 1 hoặc 2,3 lá dưới gốc, lá nhăn nheo, teo tóp và sắp khô rụng đi… Rằng cây lan nhà bạn bị bệnh gì? Đã phun thuốc nấm và khuẩn mà tình hình không được cải thiện chút nào.

Khi quan sát cây lan, ta thấy lá vàng dưới gốc rất tự nhiên, vàng đều chứ không đốm đen hay loang lổ gì, các lá bên trên vẫn rất khỏe mạnh, cây lan không có dấu hiệu bệnh tật thối nhũn gì.

Đây là hiện tượng mà trong giới chơi lan gọi là RỚT LÁ CHÂN trên lan đơn thân.

Cây lan đơn thân giá trị ở bộ lá. Đếm lá tính tiền, chơi lá… là những khái niệm rất gần gũi. Chăm bẵm cả năm trời mới mọc thêm được 3-4 cái lá, vậy mà mùa đông tới (mùa hoa tới) lấy đi bao kỷ niệm ngọt ngào cùng 2 cái lá dưới chân, thật quá đau lòng.

Tôi đã từng thấy có những cây Ngọc Điểm cao gần 2m mà không mất 1 cái lá nào, giá trị nghe đâu cũng trăm triệu. Và tôi cũng từng thấy những cây lan Ngọc Điểm có từ thời giải phóng, cao 40cm, mỗi năm ra được 3 cái lá và cũng rớt 3 cái lá, nên chiều cao mãi không thay đổi dù tuổi cũng cao lắm rồi.

Lan đơn thân là giống lan tích trữ dinh dưỡng trên lá. Vì vậy những giai đoạn đặc biệt như đổi mùa nhiệt độ thay đổi đột ngột, khai thác từ rừng về bị hư hết rễ, nảy nụ đơm hoa, lạnh quá hoặc nóng quá, độ ẩm không khí quá thấp…. đều có thể làm lá dưới chân bị vàng và rụng đi.

GIẢI PHÁP

1. Trong suốt quá trình chăm sóc từ sau khi cây lan tàn hoa 1 tháng (sau khi hoa tàn, lan đơn thân thường có 1 tháng ngủ nghỉ) ta cố gắng chăm bón thật cân đối giữa các chất Đạm, Lân, Kali kết hợp các yếu tố Trung Lượng (Canxi, Magie, Lưu Huỳnh) và Vi Lượng (Sắt, Mangan, Kẽm, Đồng, Molypđen, Bo, Clo).

Ví dụ cụ thể như này (tính theo lịch âm):

Ngọc điểm ngày 1/1 âm lịch nở hoa, sau 25-60 ngày hoa tàn (chỗ này kiểu gì cũng có vài chú ếch nơi nào đó nói tôi phét lác, sao mà nở tới 60 ngày, tôi nói cho bạn biết nhé, thậm chí nếu cây sung, to, khỏe, biết bón phân, biết giữ hoa lâu tàn thì 70 – 80 ngày còn được, vấn đề nằm ở chỗ bạn chưa đủ duyên để sở hữu cây như thế thôi).

Tạm tính là hoa nở 1 tháng bạn cắt hoa và chỉ tưới nước, không phân cho nó ngủ tới hết tháng 2.

Từ 1/3 ta phun NPK+TE (20-20-20+TE) luân phiên với chế phẩm Hùng Nguyễn hoặc Chiết suất tảo biển… cộng phân bón lá trung lượng.

Tôi ví dụ sơ sơ vậy, bạn chịu khó kéo lại đọc bài 6 – Phân Cho Lan nhé.

Cứ phun như vậy 7-15 ngày 1 lần và 2 tháng phun nước vôi trong 1 lần hoặc siêu canxi 1 lần.

Tới giữa tháng 8 hoặc 1/9 ta sẽ chuyển hoàn toàn sang 6-30-30+Te hoặc 10-30-30+Te hoặc 6-31-31+Te (nói chung là lân và kali cao) tuần phun 1 lần. Kết hợp Nano kẽm hoặc Nano đồng 15-20 ngày 1 lần.

Khi chưa có nụ thì ta phun ướt đẫm rễ, thân, lá. Bắt đầu từ giữa tháng 9 hoặc đầu tháng 10 nụ sẽ nhú ra (cây ngậm nụ 80-110 ngày tùy nhiệt độ, độ to của cây, độ sung của cây…), bấy giờ ta hạn chế phun vào nụ mà chỉ nên phun vào lá và rễ.

Giai đoạn tạo nụ và nuôi nụ là giai đoạn dễ mất lá chân nhất, bạn phải hiểu là em nó lúc này rất cần lân và kali, giống như bà bầu cần sắt vậy đó. Khi lá đã vàng rồi mới phun thì đã muộn, bạn nên có sự chuẩn bị trước.

Tới tháng 12 thì ngừng phân luôn.

Nếu bạn cứ thích chạy đua theo số lượng lá mọc mới mỗi năm, bón thật nhiều đạm vào (30-10-10 chẳng hạn), thì tới khi nó nhú nụ, khả năng tuột lá chân hơi cao đấy nhé!

Đấy! Lý thuyết thật loằng ngoằng và phức tạp, chắc chỉ 2% người chơi làm được như thế. Phân có thể khác tên thương mại nhưng tỉ lệ chất thì nên như thế. Tóm lại là bạn muốn sau 10 năm có 1 cây ngọc điểm với 30 cặp lá không mất cái nào thì điều kiện cần là phải như thế (chưa đủ đâu nhé).

Các giống lan khác cũng tương tự vậy thôi bạn. Chỉ khác 1 xíu ở chỗ Ngọc Điểm thì KHÔNG CẦN CẮT NƯỚC ĐỂ KÍCH HOA. Các giống như Sóc Lào, Đuôi Chồn, Sóc Ta… thì khi cắt nước nhớ quan sát lá liên tục, đừng ép quá dưới trời nắng rớt hết lá (Tôi viết bài Sóc Lào rồi, bạn kéo lại tìm đọc nhé).

2. Phun Siêu kẽm để lan chịu được nóng hoặc rét. Đặc biệt mùa đông cần phun kẽm và nano đồng vào mùa thu để mùa đông đến, lan không bị sốc.

3. Phun siêu lân (10-60-10+Te) và canxi để lan phát triển tối đa bộ rễ, làm rễ phân nhánh. 1 cây lan với 6 cái lá thì ít ra cũng phải có 3-6 cái rễ dài bằng cái lá mới tạm ổn.

4. Lan đơn thân RẤT GHÉT THAY GIÁ THỂ. Bạn nên ghép vào Lũa thật cứng hoặc Chậu Sành, chậu đất nung tráng men… Bạn nghiên cứu làm sao mà không bao giờ cần thay giá thể là tốt nhất.

5. Khi độ ẩm không khí xuống thấp, hanh khô bạn nên hạ giò lan xuống sát mặt nước hoặc mặt đất, đào hào đổ đầy nước, che bớt gió và nói chung là vắt óc nghĩ cách làm thế nào để độ ẩm không khí cao lên cỡ 80-90%.

TÁI PHÍM

Năm mới đã tới, chúc các bạn có niềm vui thực sự với một thú chơi tao nhã của người quân tử. Chúc các bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, đón nhận nhiều nhân duyên và phước báu…

Bạn không cần chúc lại tôi đâu, chỉ cần CHIA SẺ bài này là có giá trị thiết thực hơn chục lời chúc rồi.

Chân thành cảm ơn các bạn trong 1 năm qua luôn ủng hộ, khích lệ, động viên tôi. Tôi sẽ cố gắng chiến đấu với sự lười nhác và sức ì của bản thân để sản xuất thêm nhiều bài mới cống hiến cho đời.

Nguyễn Ngọc Hà – 02/02/2017 – Đức Trọng, Lâm Đồng.

Từ khóa » Gỗ Lũa đà Lạt