GIÁ THỂ TRỒNG LAN (DỚN) – DÂN CHƠI LAN

GIÁ THỂ TRỒNG LAN – DƯƠNG XỈ (DỚN) – Bài đầu năm 2017 (37) TRỒNG LAN THÂN THÒNG VỚI DỚN KỸ THUẬT TRỒNG LAN HÀI

Viết bài 3 ngày nhưng chuẩn bị hình ảnh 20 ngày các bạn ạ. Vì thế cố giành thời gian soi từng hình nhé bạn.

Cuộc sống luôn cho bạn lựa chọn, không chọn gì cả cũng là một sự lựa chọn. Lịch sử loài người đã chứng minh được rằng, những người cố gắng nhiều nhất chưa hẳn sẽ thành công, nhưng những người có sự lựa chọn khôn ngoan nhất sẽ là người thành công nhất. Khi bạn có sự chọn lựa khôn ngoan, đôi khi bạn không cần cố gắng gì nhiều bạn cũng thành công.

Đối với thú chơi lan cũng không ngoại lệ! Trước đây khi mới bắt đầu chơi lan, tôi luôn tự hỏi tại sao lan tôi trồng lớn lên chậm chạp, èo uột, xấu xí… so với lan nhà người ta thật đáng xấu hổ. Dù tôi cố gắng rất nhiều trong việc nhổ cỏ, tưới tắm, bón phân, che mưa che gió đủ các kiểu….

Sau này tôi mới biết rằng, mình có sự lựa chọn thiếu khôn ngoan ngay từ đầu. Về mặt kỹ thuật trồng lan, 39 bài trước tôi đã trình bày rất kỹ, nhưng trong bài này, tôi muốn chia sẻ với các bạn lựa chọn cho mình một loại giá thể có thể nói là đứng ở TOP của giá thể tốt nhất cho Lan Đa Thân, lan Hài và Địa Lan.

Thì bạn đọc tiêu đề của bài là biết ngay rồi đấy! Rễ cây DƯƠNG XỈ (Dicksonia antarctica).

Ngành Dương xỉ (danh pháp khoa học: Pteridophyta) là một nhóm gồm khoảng 12.000 loài thực vật có mạch, không có hạt, sinh sản thông qua các bào tử.

Cây dương xỉ mà tôi muốn nói tới không phải là loại cây nhỏ nhỏ trồng trong chậu để trong nhà hay loại mọc ở bờ tường nhà các bạn. Cũng không phải loại cắt lá để cắm hoa trang trí. Càng không phải loại dùng lá non xào tỏi mà các bạn đã ăn ở nhà hàng đặc sản.

Cây mà tôi muốn nói tới là loại cây thân đứng, rất nhiều rễ đen hoặc nâu bao trùm xung quanh thân, rễ to cỡ cây tăm VIP cho tới chân que nhang hoặc hơn một chút, thân có thể cao từ vài mét tới vài chục mét. Đường kính gốc tính cả bộ rễ bao trùm có khi là nửa mét, mà cũng có khi là vài mét.

Tôi cũng mò mẫm trong rừng không biết bao nhiêu lần để tầm lan và tìm giá thể này cho lan. Tôi thấy rằng cây này thường sống nơi triền đồi, nhưng chủ yếu tập trung ở dưới các thung lũng (sình) nơi rất ẩm ướt, ít nắng thậm chí là không bao giờ có nắng trực tiếp. Những nơi gần bờ suối, những vũng nước đọng… nơi mà đất có độ axit cao.

Người chơi lan thường gọi cây dương xỉ này là cây dớn.

Tôi tạm chia ra làm 3 loại:

1. DỚN ĐÁ: Sợi rễ đen, khá to, rất nặng, cực kỳ cứng, kết cấu giữa các rễ với nhau rất khít, chặt. Một cây dài 1,5m đường kính 40cm nặng ít nhất cũng 50 ký. Tóm lại là rất đen, cứng và nặng, độ giữ ẩm khá kém. Loại này có thể để trụ, xẻ bảng, khoét chậu hoặc chặt vụn Loại này băm vụn 1-2cm từng cọng, cho vào chậu trồng các giống lan có giả hành hoặc địa lan, lan hài rất tuyệt vời. Rất bền, tới 4-6 năm.

2. DỚN CÙ LẦN: loại này cây thường không to và không cao lắm, cỡ 1-2m, bộ rễ nói chung là ít, chủ yếu tập trung ở gốc, trên thân giả có lông tơ rất mịn. Thân gỗ chỉ là thân giả có thể tách ra thành từng múi, mỗi múi cỡ ngón tay và có rất nhiều lông tơ rất mịn, khả năng giữ ẩm cao. Loại dớn này hầu như chỉ có băm vụn ra cho vào chậu. Riêng phần gốc có thể xẻ thành bảng. Nếu băm vụn rồi trồng lan hài hoặc trộn với vỏ thông cỡ nhỏ 1cm trồng lan hài hay địa lan thì đó là sự lựa chọn rất tuyệt vời. Loại này bền khoảng 3-4 năm và có thể dùng để ươm keiki hoặc làm tã giữ ẩm cho lan mới ghép trên gỗ hoặc lũa.

3. DỚN SỢI (hay còn gọi là dớn vàng, dớn nâu): Rễ rất nhiều, mềm mại, đan xen nhau nhưng không quá chặt. Khi còn tươi khá nặng cỡ 40kg 1 cây dài 1,5m đường kính 40cm, nhưng khi khô rất nhẹ, chỉ còn khoảng chục ký. Loại dớn này thường dùng xẻ bảng, cưa khúc, thái lát mỏng làm tã, băm vụn cho vào chậu, hoặc để cả cây to rồi đổ bê tông 1 đầu cho đứng lên làm tác phẩm khủng. Khả năng thoát nước tốt và giữ ẩm vừa phải. Độ bền 3-4 năm.

Trong ba loại trên, thì dớn đá giữ nước kém nhất nhưng bền nhất, dớn cù lần giữ nước là tốt nhất.

DỚN CHÍNH LÀ LOẠI GIÁ THỂ TUYỆT VỜI NHẤT MÀ TÔI TỪNG BIẾT VÀ ĐANG SỬ DỤNG.

Tôi thích loại giá thể này nhất và tôi thấy trồng lan bằng giá thể này là ổn nhất đối với các bạn CHƠI LAN.

Bất cứ lan đa thân nào bạn cũng có thể sử dụng dớn sợi để làm giá thể, từ chi Dendrobium, Cymbidium – Địa Lan, Oncidium – Vũ Nữ, Maxillaria – Lan Dừa (?), Lycaste, Bulbophyllum – Lan Lọng, Laelia (Nữ hoàng các loài lan), Cattleya, Epidendrum – Trúc Lan, Pleurothallidinae tới các chi lan như mấy con rết bé xíu Dichaea hoặc lan Hài – Paphiopedilum…

CÁCH XỬ LÝ DỚN TRƯỚC KHI TRỒNG LAN

Dù là dớn bảng hay khúc hay sợi thì ta đều nên làm như sau:

– Bước 1: Rửa thật sạch với nước lã. Rũ sạch đất, cát, lá và vỏ cây tạp. Sạch tới mức nước giặt trong veo luôn thì tốt nhất.

– Bước 2: Ngâm nước vôi hoặc nước vôi trong với thời gian 1 tiếng tới 1 ngày. Mục đích chính là trung hòa axit, diệt cỏ dại, côn trùng gây hại như cuốn chiếu, sâu đất, kiến, mối, rết, ốc và sên.

Hoặc bạn có thể ngâm Physan 20 nồng độ 2ml/1lít nước 1-24 tiếng. Hoạc ngâm Benkona nồng độ 2ml/1 lít nước.

– Bước 3: Rửa lại với thật nhiều nước lã, rửa trôi hết nước vôi đi.

– Bước 4: Ghép lan lên hoặc cho vào chậu hoặc làm tã đắp lên giò lan.

Luộc dớn với nước sôi trong 20-30 phút cũng là 1 cách xử lý rất hiệu quả!

CÁCH TRỒNG MỘT SỐ LOẠI LAN VỚI DỚN SỢI (dớn đá và cù lần làm tương tự)

1. Lan Hài:

Có nhiều loại giá thể và nhiều công thức trộn giá thể để trồng lan hài. Tôi cũng tham khảo rất nhiều cách trồng hài của các nghệ nhân Bắc – Trung – Nam. Cá nhân tôi, hài gì tôi cũng trồng như sau (kể cả hài miền bắc sống trên núi đá vôi hay hài miền nam).

Dĩ nhiên có nhiều các trộn giá thể trồng hài khác, ví dụ như dưới đây là hỗn hợp giá thể vỏ thông + dớn vụn mà tôi hay dùng. Tuy nhiên khuyến nghị các bạn có thể dùng công thức để trồng hài như sau: vỏ thông 30%; đá macma 10%; trầm tích 60% (Nguồn chuyên đề Lan Hài của hội VOS)

– Cắt tỉa rễ, lá dập thối đi. Rễ còn tốt nhớ giữ lại. Tốt nhất là giữ lại 5cm rễ sống.

– Ngâm dung dịch Physan20 trong 10 phút với nồng độ 1ml pha 1 lít nước.

– Vớt ra, để ráo (cỡ 2-4 tiếng). Ngâm chế phẩm sinh học Hùng Nguyễn để kích thích ra rễ và nảy mầm chồi mới, ngâm chế phẩm trong 1 tiếng với nồng độ 1ml pha 1 lít nước (tương đương 20 giọt). Nếu không có chế phẩm thì pha 32ml B1 và 1 gói atonik vào 16 lít nước và ngâm trong 15 phút (nồng độ như bao bì).

-Vớt ra, để ráo và trồng vào chậu. Đáy chậu là 1 lớp vỏ thông chiếm 1/4 chiều cao chậu. Còn lại là dớn vụn và cọng. Nhớ là xé dớn thành từng sợi và băm thành từng khúc 1-2cm. Bạn cũng có thể trộn vỏ thông với dớn và cho vào chậu cũng tốt. Bạn cũng có thể trộn 1 chút phân chuồng ĐÃ XỬ LÝ lên trên lớp vỏ thông ngay khi trồng.

– Tưới: Hơi khô khô là tưới. Như tôi trồng chậu nhựa chỉ có 5 lỗ dưới đáy, 2 ngày tôi tưới đẫm 1 lần.

– Cứ 5-7 ngày phun chế phẩm 1 lần, siêu lân 1 lần.

– Sau 1 tháng chuyển sang dùng NPK 20-20-20+TE và chế phẩm Hùng Nguyễn tuần 1 lần. Bên cạnh đó cứ 20 ngày tới 1 tháng phun phân trung lượng (Magie, Lưu Huỳnh và Canxi 1 lần).

– Hài thường ra hoa mùa xuân hoặc cuối đông, vì thế cỡ tháng 9 – 10 âm lịch hàng năm ta phun 6-30-30+TE tuần 1 lần để kích thích tạo nụ hoa, phun khoảng 4-6 lần là được. Nhớ là giai đoạn này ngừng dùng chế phẩm tới khi tàn hoa. (Dĩ nhiên không phải giống lan Hài nào cũng như vậy)

– Dĩ nhiên nếu bạn làm biếng phun phân NPK, bạn có thể bón phân chì (tan chậm) vào xung quanh gốc. Vẫn bổ sung chế phẩm, trung lượng và vi lượng. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể chỉ tưới nước và không có bất cứ 1 loại phân gì cây lan vẫn sống. Tuy nhiên thì mọi thứ đều kém hẳn bạn nhé!

– Khi Hài ra nụ, để tránh thui nụ, bạn nên che mưa và không nên tưới vào nụ. Nếu cây thuần thì cho ăn mưa cũng được nhưng khả năng bị hỏng nụ vẫn có.

2. Trồng Lan có giả hành với dớn

Cụ thể là lan thân thòng như Giả Hạc, Long Tu, Hạc Vĩ, Trầm…

– Cắt tỉa rễ dập, khô; lá dập thối; giả hành gập, nát.

– Ngâm Physan 20 trong 5 – 10 phút với nồng độ 1ml/1 lít nước.

– Đúng vụ và trái vụ:

+ Đúng vụ: Tính từ khi lan trụi hết sạch lá tới khi mầm non đã mọc nhưng chưa ra rễ. Ngâm chế phẩm Hùng Nguyễn trong 1 – 2 tiếng với nồng độ 1ml/1 lít nước (hoặc B1 và Atonik, liều như bao bì cho phép, ngâm 15 phút).

+Trái vụ: Là cây lan bị khai thác đúng ngay quá trình đang sinh trưởng, bộ rễ đã hoàn thiện, tuy nhiên giả hành tơ chưa thắt ngọn. Bạn nên ngâm siêu lân hoặc B1, trường hợp này không nên ngâm Atonik hoặc chế phẩm Hùng Nguyễn nữa, vì rất dễ sinh ra hiện tượng đẻ nối (nghĩa là giả hành tơ lại đẻ con). Tuy nhiên nếu bạn máu cho em nó đẻ thì tùy.

– Ghép vào bảng dớn với vài cọng ghim chữ U rồi treo lên chỗ mát 50% nắng, nhớ là khi ghép quan sát mắt ngủ, hướng mắt ngủ ra ngoài. Hoặc nếu trồng vào chậu thì lót 1 lớp vỏ thông bên dưới chiếm 1/4 – 1/3 chiều cao chậu, sau đó là bỏ đầy dớn sợi vào. Cuối cùng bạn chỉ cần ĐẶT gốc giả hành lên bề mặt dớn, cố định giả hành vào thành chậu cho chắc chắn, bạn có thể cắm 1 chiếc đũa xuống chậu và cột giả hành vào chiếc đũa để giữ chắc chắn gốc. TUYỆT ĐỐI KHÔNG VÙI GỐC.

– Cứ 1 tuần phun chế phẩm HÙNG NGUYỄN 1 lần hoặc B1 và Atonik 1 lần (Atonik chỉ nên dùng khoảng 4-6 lần rồi ngưng). Khi giả hành non ra rễ được 4-5cm, ta rải phân chì tan chậm xung quanh hoặc gắn 1 túi lưới phân tan chậm lên trên giò lan. Bên cạnh đó cứ 7-10 ngày phun phân bón lá trung lượng và vi lượng 1 lần.

Nếu bạn chưa biết cách chế phân chuồng hoặc chưa hiểu trung vi lượng là gí thì mời bạn đọc lại bài số 6 Phân Cho Lan.

Trên lý thuyết là thế, bạn có thể chỉ cho em nó uống nước và hít khí giời để sống qua ngày, em nó vẫn lên vô tư, tuy nhiên…

THUỐC PHÒNG TRỪ SÂU, BỆNH

– Cứ 20 ngày phun Movento và Pesieu 1 lần để phòng nhện đỏ, rầy, rệp…

– Cứ 15 – 30 ngày 1 lần pha chung thuốc trừ nấm và vi khuẩn phun phòng 1 lần. Nếu trời mưa nhiều thì 7 ngày 1 lần.

Thuốc nấm gồm: RidomilGold, Antracol, Aliette, TopsinM… Thuốc vi khuẩn gồm: Kasumin, Poner, Starner, Physan…

Cứ 1 nấm 1 khuẩn pha chung là được. Còn khi lan bị bệnh rồi mới trị, thì đề nghị các bạn đọc lại bài 27, 28, 29.

Cá nhân tôi bây giờ phòng bệnh cho lan bằng Nano Bạc, Nano Đồng, Agrifos 400. Cứ 15-20 ngày tôi phun 1 lần. Ví dụ tuần 1 dùng nano Bạc, tuần 2 dùng nano đồng, tuần 3 dùng Agrifos 400. Nhiệt độ trong ngày trên 33 độ thì không phun. Quá trình cứ lặp lại như vậy là quá đủ!

TÓM LẠI:

Bao năm trồng lan, rút ra 1 điều, không gì vượt mặt được DỚN. Giữ ẩm tốt, thoát nước nhanh, rất ít đọng muối, thoáng bộ rễ, nhẹ giàn, đóng hàng đi xa cũng dễ….

Nhược điểm là hiếm có khó tìm, mua hàng nơi xa tốn phí ship. Không áp dụng cho lan đập chai và đơn thân.

Hình ảnh ví dụ trong bài đều là tôi đã làm và thành công. Tôi không bán chế phẩm, vì thế xin đừng hỏi hay nhờ tôi mua giúp. Mọi vấn đề xin liên hệ Giám đốc kinh doanh bên công ty Chế phẩm sinh học Hùng Nguyễn, anh Tô Quốc Cường hoặc vào trang aikeutuido.com tham khảo. Thị trường Việt Nam hiện nay có nhiều loại thuốc khác như Keki Duy, Pro… tôi chưa dùng bao giờ nên không dám chia sẻ. Mà tôi nhắc các bạn luôn, là mua chế phẩm thì làm ơn vào trang wed aikeutuido.com đọc hướng dẫn sử dụng giùm. Dùng sai cách không hiệu quả hoặc tác dụng đẻ nối không đúng vụ lại bảo tôi phét lác.

Có nhiều bạn đã thiếu hiểu biết lại mạnh miệng, mùa kích keiki thường và đầu mùa mưa ấm áp, bạn đợi tới cuối mùa mưa mới kích keiki, em nó ngủ mất tiêu. Kích mà em nó không thích rồi quay qua ném đá tôi.

Tôi rất tâm đắc 1 câu nói, từ thời sinh viên tôi đã được thầy giáo triết học dạy rằng: “Mọi chuyện trên đời này xảy ra đều có lý do của nó, và đôi lúc chuyện xảy ra với bạn lý do đơn giản chỉ vì bạn ngu mà thôi”. Càng ngẫm lại càng thấm bạn ạ. Có gì không hiểu bạn cứ hỏi lại tôi hoặc thấy tôi sai lầm thì mong bạn góp ý nhẹ nhàng để tôi sửa. Nhân vô thập toàn.

Từ hôm tôi viết bài Vỏ Thông, ngày nào cũng có bạn hỏi mua vỏ thông. Lần này tôi sợ lại có vài trăm bạn hỏi mua dớn nữa. Rút kinh nghiệm đợt 1, lần này tôi đã nghiên cứu được 1 chỗ bán vỏ thông, dớn… với số lượng rất lớn. Đợt này vào mùa trồng thân thòng và Hài, nên tôi có nhập vài bao vỏ thông, vài bao dớn sợi vụn, dớn làm tã và vài trăm bảng dớn về dùng. Tôi thấy chất lượng ổn, lại có cả vôi và móc với ghim chữ U đóng sẵn trong bịch chỉ việc dùng…. Nói chung là các bạn nữ sẽ thích vụ này, vì không cần nhờ anh hàng xóm giúp mà bạn có thể tự tay ghép 1 giò lan theo ý mình. Tôi giới thiệu cho các bạn chỗ anh Dũng, nick Facebook là Vỏ Cây Thông.

Các bạn dù có tin tôi nhưng vẫn nên tự tìm hiểu lại cho kỹ rồi mua. Đây chính là 1 trong 4 cái ngu của đời người, đó là làm mai (Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu). Cơm lành canh ngọt thì không thấy cảm ơn hay tri ân gì, bát đĩa sứt mẻ là bị lôi đầu ra mắng vốn. Chắc ăn nhất là đến tận nơi mà mua nhé các bạn. A hi hi.

Đầu năm, kính chúc các bạn và gia đình biết nhường nhịn nhau để êm ấm, thể chất và tinh thần đều thăng hoa, đặc biệt là trở thành một nghệ nhân trồng lan và ít làm nạn nhân vì lan.

Đầu năm, các bạn CHIA SẺ bài này ngay nhé, giúp Hà có thêm động lực cống hiến tiếp nhể! Chân thành cảm ơn các bạn.

Nguyễn Ngọc Hà – Liên Nghĩa, Đức Trọng, Lâm Đồng.

Từ khóa » Dớn Ghép Lan Là Gì