Giá Trái Cây Xuống, Nhà Vườn Thêm Lo

Có thể thấy hiện hàng loạt các loại trái cây có sản lượng lớn, nhiều thế mạnh xuất khẩu trong những năm qua như: xoài, mít, thanh long, chuối… đều rơi vào cảnh rớt giá, ùn ứ vì khó tiêu thụ. Tại tỉnh Tiền Giang hiện có sản lượng trái cây lớn nhất nước, khoảng 992 nghìn tấn, đạt khoảng 60% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, nhiều loại trái cây đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, điển hình như trái mít. Tương tự, giá sầu riêng nay đã hạ xuống chỉ còn trên dưới 40 nghìn đồng/kg tùy loại; giá chôm chôm hạ dưới 20 nghìn đồng/kg…

Tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích cây ăn trái đạt hơn 73,4 nghìn ha. Trong đó, các loại cây chủ lực đang vào mùa thu hoạch gồm: chuối với diện tích gần 13,2 nghìn ha, chôm chôm với diện tích gần 9,2 nghìn ha, mít hơn 9 nghìn ha, sầu riêng gần 7 nghìn ha…

Theo ông Nguyễn Văn Thăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện trái cây có sản lượng lớn nhất của Đồng Nai đang gặp khó khăn về đầu ra là chuối già xuất khẩu. Khó khăn lớn nhất là do chi phí vận chuyển bằng đường biển hiện nay là từ 140 triệu đến 180 triệu đồng/container, cao gấp 3 lần so với đường bộ nên giá chuối thu mua của dân giảm mạnh.

Rất nhiều loại trái cây xuất khẩu giá đều hạ xuống dưới giá thành sản xuất, cụ thể xoài Đài Loan 1000 đồng/kg, mít lá bàng 1000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ 4000 đồng/kg…

Vùng trồng bưởi đặc sản Tân Triều - Đồng Nai. (Ảnh: K.V)

Nhiều hộ nông dân ở khu vực phía Nam cho hay, do diễn biến bất thường của thời tiết, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá trái cây đồng loạt giảm sâu khiến nông dân không dám đầu tư vào sản xuất.

Cùng với đó là do sản xuất nhỏ lẻ, mỗi nhà vườn làm một kiểu nên khi kiểm tra chất lượng, trái cây không đạt chất lượng cả về mẫu mã cũng như các chỉ tiêu khác về chất lượng… nên không đáp ứng cho xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Do giá nông sản rớt mạnh, nhiều nhà vườn ở các tỉnh phía Nam đã phải chặt bỏ cây ăn trái. Hơn 2 năm trở lại đây, giá thanh long liên tục đứng ở mức thấp khiến hàng trăm ha thanh long ở Đồng Nai, Bình Thuận…đã bị chặt bỏ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 4/2022, tổng diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh này còn hơn 1,3 nghìn ha, giảm hàng trăm ha so với năm trước đó. Nguyên nhân diện tích thanh long ruột đỏ giảm mạnh do 2 năm trở lại đây, loại trái cây đặc sản thuộc tốp đầu cho thu nhập cao lại trở thành nguyên nhân khiến nhiều nông dân mang nợ khi giá bán liên tục đứng ở mức thấp, xuất khẩu khó khăn. Trong khi đó, để làm ra trái thanh long đạt chuẩn xuất khẩu, nông dân tốn thêm nhiều chi phí như tiền điện thắp đèn, công, thuốc bảo vệ thực vật…

Khó khăn chồng chất khó khăn khiến người nông dân tỉnh Bình Thuận đã phải lựa chọn cách chặt bỏ thanh long, loại cây từng làm giàu cho mình để kiếm kế sinh nhai khác. Bình Thuận có sản lượng trên 700.000 tấn thanh long mỗi năm, 85% con số này xuất khẩu sang Trung Quốc và một số quốc gia khác. Gần đây, do chính sách kiểm soát COVID-19 của Trung Quốc nên việc xuất khẩu sang đây bị bị đứt gãy và đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã phải phát đi khuyến nghị bà con nông dân cân nhắc kỹ việc chặt thanh long lúc này.

Còn tại Bình Phước, do ảnh hưởng dịch COVID-19 năm 2021, giá bán nhãn tiêu da bò liên tục giảm sâu. Nhiều hộ dân ở TX Bình Long đã chặt bỏ cây nhãn tiêu da bò để tìm kiếm cây trồng thay thế. Mặc dù vậy, ngành chức năng của địa phương vẫn khuyến cáo bà con nông dân phải tính toán kỹ bài toán thị trường trước khi quyết định chuyển đổi. Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến khích bà con tập trung vào sản xuất sạch, bền vững để đón nhận tín hiệu tích cực từ thị trường; hạn chế việc chuyển đổi ồ ạt dẫn đến hệ lụy không tốt cho thị trường sau này./…

Từ khóa » Xoài Nhà Vườn Giá