Giá Trị Của Lời Hứa | Trang Nghiêm & Thanh Nhã

Nhịp sống quá nhanh của cuộc sống làm cho ta đôi khi quên đi giá trị đích thực của lời hứa. Lời hứa đáng được trân trọng, dù nó là của ai, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khi ta trao đi một lời hứa đồng nghĩa với việc ta nhận lại một niềm tin. Niềm tin ấy sẽ được nhân lên nếu bạn đối xử tốt với lời hứa của chính mình. Ngược lại, một khi niềm tin đã mất thì rất khó tạo dựng lại.

Lời hứa thường xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống, ai trong chúng ta cũng từng hứa hẹn và cũng có thể đã từng thất hứa. Cho dù đó là lỗi vô tình hay cố ý, thì điều đó cũng dẫn tới nỗi buồn cho người khác. Vì muốn tránh làm tổn thương và cũng muốn làm hài lòng đối phương, người ta không tiếc dùng những lời nói ngọt ngào, đưa ra những lời hứa hẹn thật tốt đẹp. Có người thản nhiên xem lời hứa như một câu cửa miệng, hứa rồi lại hứa. Cứ hứa mãi, rồi đến một lúc nào đó sẽ không còn mấy ai tin lời hứa của mình nữa. Hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều là biểu hiện của một người không chân thành và thiếu nghiêm túc. Khi lời hứa không thành, họ lại đưa ra rất nhiều lý do để biện hộ. Nếu bạn tạo ra lý do để nói dối người khác, thì chính là bạn tự dối lừa dối bản thân mình. Tuy nhiên đối với người được hứa, nguyên nhân cho sự thất hứa, đó là do ta chưa thật sự để tâm vào mối quan hệ đang có. Và họ cảm thấy bị tổn thương vì lời hứa không được thực hiện. Đối với bạn, lời hứa chỉ cũng chỉ là một lời nói, nhưng đối với họ thì đó là niềm hy vọng.

Hứa không khó nhưng quan trọng là thời gian, kết quả thực hiện. Mỗi khi hứa hẹn điều gì, chúng ta cần phải có trách nhiệm với chính mình, với người đã hứa và lời hứa. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong đợi, tuy nhiên một khi đã hứa thì cho dù có khó khăn đến mấy cũng phải làm, đừng để lời nói như “gió thoảng, mây bay”. Vì vậy, trước khi hứa một việc gì chúng ta cần phải suy nghĩ chín chắn, khả năng làm được thì mới hứa. Hứa trong khả năng của mình để hiệu quả của việc thực hiện lời hứa cao hơn. Giữ gìn lời hứa là một trong những tiêu chí trong việc tạo dựng uy tín và giá trị của một người. Việc giữ lời hứa không chỉ làm cho ta trở thành người bạn đáng tin cậy, có trách nhiệm mà còn tạo ra sự tin tưởng của người khác đối với mình. Và một khi đã có lòng tin, bạn có thể thành công trong mọi việc. Lời hứa đôi lúc còn thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với người khác và cũng là động lực để chúng ta phấn đấu.

Sống và cảm nhận những lời hứa xuất phát từ tâm của chúng ta và cả những lời hứa không bao giờ thành sự thực để hiểu hết những điều kỳ diệu của nó. Để thêm tin yêu, hy vọng và sống có trách nhiệm hơn với lời hứa của chính mình.

–Sưu tầm–

Từ khóa » Những Lời Hứa Là Gì