Giá Trị Của Xét Nghiệm IgE đặc Hiệu Dị Nguyên Trong Chẩn đoán Bệnh ...
Có thể bạn quan tâm
Tóm tắt
1) Immunoglobulin E (IgE) là một protein liên quan đến phản ứng dị ứng thường được thấy với một lượng rất nhỏ trong máu. IgE hoạt động như một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Xét nghiệm immunoglobulin E (sIgE) đặc hiệu dị nguyên là xét nghiệm đo các nồng độ kháng thể sIgE khác nhau trong máu của một người.
2) Xét nghiệm sIgE được sử dụng để sàng lọc dị ứng với một chất hoặc chất cụ thể để đáp ứng với các triệu chứng giống như dị ứng ở bệnh nhân. Xét nghiệm có thể được thực hiện khi bệnh nhân xét nghiệm lẩy da không có kết quả hoặc bị viêm da, chàm, giang mai, đang dùng histamine, thuốc chống trầm cảm, steroid hoặc khi lo ngại rằng xét nghiệm lẩy da có thể gây phản ứng phản vệ.
3) Chỉ định: Xét nghiệm sIgE đặc hiệu với dị nguyên thường được chỉ định khi một người có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho thấy bị dị ứng với một hoặc nhiều chất hoặc thực phẩm. Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng có thể bao gồm: phát ban, viêm da, chàm, mắt đỏ và ngứa, ho, nghẹt mũi, hắt hơi, hen suyễn, ngứa miệng, co thắt họng, khó thở, đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Xét nghiệm sIgE đôi khi cũng có thể được chỉ định cùng với IgE toàn phần (tIgE), dưới dạng tỷ lệ sIgE/tIgE để đánh giá hiệu quả của liệu pháp miễn dịch.
4) Giá trị tham chiếu: 0,00-0,34 kUA/L: âm tính; 0,35-0,69: dương tính yếu; 0,70-3,49: dương tính vừa; 3,50-17,49: dương tính mạnh vừa; 17,50-49,99: dương tính mạnh; 50,00-99,99: dương tính rất mạnh; ≥100: dương tính cực kỳ mạnh. Các nồng độ sIgE đặc hiệu dị nguyên >0,35 kUA/L được xem là dương tính.
5) Ý nghĩa lâm sàng:
(1) Kết quả sIgE âm tính thường cho thấy một người có thể không bị dị ứng thực sự với một dị nguyên cụ thể đó, nhưng kết quả xét nghiệm phải luôn được giải thích và sử dụng một cách thận trọng cùng với lời khuyên của người thầy thuốc. Ngay cả khi người có xét nghiệm sIgE âm tính, vẫn có khả năng nhỏ là người đó có thể bị dị ứng.
(2) Kết quả sIgE tăng cao thường cho thấy bệnh nhân dị ứng với dị nguyên đó, nhưng ngay cả khi xét nghiệm sIgE là dương tính, bệnh nhân vẫn có thể không bị dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên đó. Bệnh sử lâm sàng có thể là cần thiết để xác nhận chẩn đoán dị ứng.
(3) Tỷ lệ sIgE/tIgE huyết thanh là một yếu tố dự báo tốt về đáp ứng lâm sàng đối với liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (SIT) và tỷ lệ này cũng có thể hữu ích để quyết định khi nào nên ngừng điều trị miễn dịch. Nồng độ tIgE huyết thanh là dấu ấn vượt trội so với nồng độ sIgE huyết thanh hoặc tỷ lệ sIgE/tIgE một mình trong dự đoán đáp ứng trị liệu miễn dịch dị nguyên.
*
Value of serum allergen-specific IgE test in the diagnosis of allergic disease and predicting responder to allergen immunotherapy
Luat nghiem Nguyen
MEDLATEC General Hospital
Abstract
1) Immunoglobulin E (IgE) is a protein associated with allergic reactions that is normally found in very small amounts in the blood. IgE functions as part of the body's immune system. An allergen-specific immunoglobulin E (sIgE) test is a blood test that measures the levels of different sIgE antibodies in a person's blood.
2) The sIgE test is used to screen for an allergy to a specific substance or substances in response to allergy-like symptoms in the patient. The test may be done when the patient has had a skin prick test which has not helped or has dermatitis, eczema or syphilis, is taking necessary histamines, anti-depressants, steroids or when there is concern that prick testing could cause an anaphylactic reaction.
3) Indications: The sIgE test is usually indicated when a person have signs or symptoms that suggest that a person have an allergy to one or more substances or foods. Allergy signs and symptoms may include: rash, dermatitis, eczema, red and itchy eyes, cough, stuffy nose, sneezing, asthma, itchy mouth, throat spasms, shortness of breath, abdominal pain, vomiting or diarrhea. A sIgE test may also sometimes be indicated along with total IgE (tIgE), in the form of a sIgE/tIgE ratio to assess the effectiveness of immunotherapy.
4) Reference values: 0.00-0.34 kUA/L: negative; 0.35-0.69: weak positive; 0.70-3.49: moderate positive; 3.50-17.49: moderately strong positive; 17.50-49.99: strong positive; 50.00-99.99: very strong positive; ≥100: extremely strong positive. Allergen-specific IgE more than 0.35 kUA/L was considered as a positive test.
5) Clinical significance:
(1) Normal negative results indicate that a person probably do not have a true allergy to that specific allergen, but the results of the test must always be interpreted and used with caution and with the advice of a doctor. Even if person's IgE test is negative, there is still a small chance that the person could have an allergy.
(2) Elevated results often indicate an allergy, but even if a person specific IgE test was positive, the person may never have an actual physical allergic reaction when exposed to that substance. The person's clinical history may be necessary to confirm an allergy diagnosis.
(3) The serum sIgE/tIgE ratio would be a good predictor of clinical response to allergen-specific immunotherapy (SIT) and this ratio might be useful for deciding when to discontinue the immunotherapy as well. The serum tIgE is superior to both the serum sIgE levels or sIgE/tIgE ratio alone in predicting responder to allergen immunotherapy.
*
Các bệnh dị ứng gồm sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng, dị ứng thực phẩm, dị ứng chất hít phải, dị ứng thuốc, một số dạng hen suyễn, viêm mũi, viêm kết mạc, phù mạch, nổi mề đay, chàm, ... Trên thế giới hiện có khoảng 300 triệu người bị hen suyễn, 200 đến 250 triệu người bị dị ứng thực phẩm và khoảng 400 triệu người bị viêm mũi dị ứng (Pawankar R, 2014 [7]). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, riêng hen suyễn, số tử vong đã là 250.000 ca mỗi năm.
Bệnh dị ứng gồm các rối loạn viêm có liên quan đến nhiều loại tế bào và các yếu tố, bao gồm dị ứng, immunoglobulin E (IgE), các dưỡng bào (mast cells), bạch cầu ái kiềm (basophils), các cytokine và nhiều chất trung gian khác. Trong số đó, IgE đóng một vai trò quan trọng trong phát triển các phản ứng dị ứng cấp tính và các bệnh dị ứng viêm mạn tính, vì vậy, việc kiểm soát IgE đặc biệt quan trọng trong điều trị các bệnh dị ứng qua trung gian IgE (Hu J, 2018 [6]).
Xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu dị nguyên (allergen-specific IgE, ký hiệu là sIgE) được sử dụng để định lượng sIgE huyết thanh, có thể giúp phát hiện một hoặc nhiều dị nguyên cụ thể (Baur X, 2019 [3]). Đến nay, xét nghiệm sIgE có khả năng phát hiện khoảng 500 dị nguyên.
1. Sinh học của IgE.
Immunoglobulin E (IgE) là một protein liên quan đến các phản ứng dị ứng, thường được thấy với lượng rất nhỏ trong máu. Khi một người có khuynh hướng di truyền dị ứng lần đầu tiên tiếp xúc với một chất gây dị ứng tiềm năng (dị nguyên) như phấn hoa cỏ hoặc lông mèo, cơ thể trở nên mẫn cảm với dị nguyên đó. Dị nguyên kích thích cơ thể tạo ra kháng thể IgE đặc hiệu dị nguyên (sIgE) liên kết với các tế bào chuyên biệt như các dưỡng bào và bạch cầu ái kiềm. Nếu người đó tiếp xúc với dị nguyên này một lần nữa, các kháng thể IgE này sẽ nhận ra dị nguyên và kích hoạt các dưỡng bào và bạch cầu ái kiềm giải phóng histamine, các cytokine, leukotrien và các hóa chất khác, có thể gây ra dị ứng.
2. Sử dụng
Xét nghiệm sIgE được sử dụng để sàng lọc một dị nguyên đặc hiệu đáp ứng với các triệu chứng giống như triệu chứng dị ứng ở bệnh nhân. Xét nghiệm sIgE còn có thể được sử dụng khi xét nghiệm lẩy da không có kết quả, khi viêm da, chàm, giang mai, đang dùng histamine, thuốc chống trầm cảm, steroid hoặc lo ngại rằng khi lẩy da có thể gây phản ứng phản vệ (anaphylactic).
Xét nghiệm sIgE cũng có thể được sử dụng để xem liệu trẻ có thể bị dị ứng nhanh hay không; nồng độ sIgE có thể không tương quan với mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng và một người bị dị ứng có thể có một sIgE dương tính kéo dài trong nhiều năm sau đó.
3. Chỉ định
Xét nghiệm sIgE có thể được chỉ định khi một người có dấu hiệu hoặc triệu chứng gợi ý dị ứng với một hoặc nhiều dị nguyên. Các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng có thể bao gồm: phát ban, viêm da, chàm, mắt đỏ và ngứa, ho, nghẹt mũi, hắt hơi, hen suyễn, ngứa miệng, co thắt cổ họng, khó thở, đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Xét nghiệm sIgE đôi khi cũng có thể được chỉ định cùng với IgE toàn phần (tIgE), dưới dạng tỷ lệ sIgE/tIgE để đánh giá hiệu quả của liệu pháp miễn dịch.
4. Giá trị tham chiếu
Trước đây, các phương pháp miễn dịch thường được sử dụng là hấp phụ miễn dịch gắn enzyme (enzyme linked immunosorbent assays: ELISA), miễn dịch enzyme gắn huỳnh quang (fluorescent enzyme immunoassays: FEIA), hấp phụ dị nguyên gắn phóng xạ (radioallergosorbent test: RAST), sau đó là miễn dịch đặc hiệu IgE (IgE-specific immunoassay) như ImmunoCAP và hóa phát quang (chemiluminescence). Gần đây, kỹ thuật thấm miễn dịch (immunoblot assay) định lượng các sIgE huyết thanh, đã được thực hiện (Shoormasti RS, 2018 [10]). Ngày nay, kỹ thuật thấm miễn dịch có thể cùng lúc xác định 96 dị nguyên khác nhau.
Đơn vị đo của sIgE trong huyết thanh là kilo đơn vị dị nguyên/ lít (kUA/L), ở đây, chữ A là ký hiệu của chữ dị nguyên (allergen) trong IgE đặc hiệu dị nguyên (allergen-specific IgE), để phân biệt với đơn vị kU/L của IgE toàn phần (tIgE) (Ansotegui IJ, 2020 [1]). Giá trị tham chiếu của nồng độ sIgE huyết thanh ở người được xem là không bị dị ứng là <0,35 kUA/L.
Sự phân loại mức độ IgE đặc hiệu dị nguyên trong huyết thanh và sự giải thích được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1. Phân loại mức độ sIgE huyết thanh và sự giải thích (Aung T, 2019 [2])
Ghi chú: Mức độ tham chiếu thực tế và phân loại khác có thể nhau theo phòng thí nghiệm, phương pháp sử dụng, cách hiệu chuẩn, tuổi bệnh nhân và loại dị nguyên.
5. Ý nghĩa lâm sàng của IgE đặc hiệu dị nguyên
Giá trị cắt của nồng độ sIgE huyết thanh đặc hiệu dị nguyên ≥0,35 kUA/L được xem là (+) tính (Shoormasti RS, 2018 [9]). Việc lựa chọn các xét nghiệm sIgE để chẩn đoán dị ứng và giải thích các kết quả kháng thể sIgE phải được đánh giá cùng với bệnh sử lâm sàng của bệnh nhân, với bất kể nồng độ IgE huyết thanh đặc hiệu dị nguyên nào được phát hiện.
5.1. Giá trị của sIgE trong chẩn đoán bệnh dị ứng
5.1.1. Về khả năng phát hiện dị nguyên: trong một nghiên cứu trên 15.534 bệnh nhân, Sun X và cộng sự, 2019 [11] thấy có 6520 bệnh nhân (41,97%) có kết quả dương tính với sIgE ở giá trị cắt ≥0,35 kUA/L với ít nhất một trong số 19 dị nguyên. Mạt nhà D. pteronyssinus (3540, 22,79%), gián (1398, 9,3%) và nấm mốc (1301, 8,38%) là ba chất gây dị ứng hít phải hàng đầu, trong khi hạt điều (1320, 8,50%), xoài (768, 4,94%) và sữa bò (748, 4,82%) là các chất gây dị ứng thực phẩm hay gặp nhất (Bảng 2).
Bảng 2. Tỷ lệ dương tính (%) đối với dị ứng đường hô hấp và thực phẩm trong số 15,534 bệnh nhân dị ứng (Sun X, 2019 [11]).
5.1.2. Về giới: tỷ lệ sIgE dương tính với dị nguyên có sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ. Nói chung, tỷ lệ sIgE dương tính ở nam cao hơn nữ, trừ nấm mốc (Bảng 3).
Bảng 3. Tỷ lệ dương tính với dị nguyên ở bệnh nhân nam và nữ (Sun X, 2019 [11]).
Ghi chú: χ2 là giá trị Chi bình phương (Chi square value).
5.1.3. Về tuổi: nói chung, tỷ lệ sIgE dương tính với một số chất gây dị ứng đường hô hấp thấp ở nhóm trẻ, tăng theo tuổi, đạt đỉnh, sau đó giảm.
5.1.4. Về độ nhạy, độ đặc hiệu, độ phù hợp của xét nghiệm sIgE so với xét nghiệm lẩy da: Các kết quả xét nghiệm IgE enzym huỳnh quang (ImmunoCAP) và thấm miễn dịch (Euroline) so với xét nghiệm lẩy da (skin prick test: SPT) của mỗi dị nguyên với giá trị cắt của xét nghiệm lẩy da là 3 mm và giá trị cắt của sIgE huyết thanh là ≥0,35 đến 0,70 kUA/L (mức độ 1) được thể hiện ở Bảng 4.
Bảng 4. Giá trị của xét nghiệm sIgE đo bằng enzym huỳnh quang (ImmunoCAP) và thấm miễn dịch (Euroline) so với xét nghiệm lẩy da (SPT) đối với mỗi dị nguyên (Wongpiyabovorn J, 2018 [12])
Ghi chú: mạt nhà p: Dermatophagoides pteronyssinus (Der p); mạt nhà f: Dermatophagoides farinae (Der f); PPV (positive predictive value): giá trị dự báo dương tính; NPV (negative predictive value): giá trị dự báo âm tính; Kappa: 0-0,2: phù hợp ít; 0,21-0,40: phù hợp vừa phải; 0,41-0,60: phù hợp trung bình; 0,61-0,80: phù hợp tốt; 0,81-1,00: phù hợp rất tốt.
5.1.5. Về sự tương quan giữa xét nghiệm sIgE và xét nghiệm lẩy da: Sự tương quan giữa sIgE (kUA/L) đo theo phương pháp ImmunoCAP và Euroline và kết quả của xét nghiệm lẩy da SPT (mm) được thể hiện ở Bảng 5.
Bảng 5. Sự tương quan giữa sIgE (kUA/L) đo theo phương pháp ImmunoCAP và Euroline và kết quả của xét nghiệm lẩy da SPT (mm) (Wongpiyabovorn J, 2018 [12])
Ghi chú: mạt nhà p: Dermatophagoides pteronyssinus (Der p); mạt nhà f: Dermatophagoides farinae (Der f); xét nghiệm lẩy da (skin prick test: SPT); xét nghiệm enzym huỳnh quang (fluorescent enzyme assay: ImmoCAP); xét nghiệm thấm miễn dịch (immunoblotting assay: Euroline); n: số bệnh nhân; P: xác suất thống kê tương ứng với giá trị Spearman's rho.
Nói chung, độ nhạy của xét nghiệm sIgE dao động từ 60% đến 95% và độ đặc hiệu từ 30% đến 95%, tùy thuộc vào loại dị ứng và tuổi của bệnh nhân. Xét nghiệm sIgE có giá trị dự đoán tốt (>90%) đối với các dị nguyên là thực phẩm (sữa bò, trứng, cá và lạc), phấn hoa và mạt bụi nhà, trong khi đối với một số loại thuốc, nhựa mủ, nấm mốc và nọc độc có độ nhạy kém nhưng có độ đặc hiệu cao hơn. Kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa là bệnh nhân nhạy cảm với chất gây dị ứng. Mức độ IgE được xác định có thể không tương quan với mức độ của các triệu chứng khi tiếp xúc với chất gây dị ứng. Mức IgE bình thường cũng không thể loại trừ các rối loạn dị ứng. Kết quả dương tính giả và âm tính giả có thể là do phản ứng chéo, tuổi bệnh nhân, loại dị nguyên và thời gian tiếp xúc với dị nguyên.
5.2. Giá trị của sIgE trong đánh giá hiệu quả của liệu pháp miễn dịch.
5.2.1. Cơ chế tác dụng của liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (AIT).
Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (allergen-specific immunotherapy hay allergen immunotherapy: AIT) là phương pháp dung nạp miễn dịch đối với các dị nguyên (immune tolerance to allergens), còn được gọi là giải mẫn cảm (desensitization) hay giảm mẫn cảm (hyposensitization), bằng cách tiêm dưới da hoặc đặt dưới lưỡi các dị nguyên phù hợp trong trong một thời gian, làm giảm các triệu chứng viêm mũi dị ứng, hen suyễn, dị ứng côn trùng hoặc dị ứng thực phẩm. Cơ chế tác dụng của liệu pháp miễn dịch dị nguyên có thể như sau:
• Các tế bào T điều hòa (Tregs) thực hiện chức năng ức chế miễn dịch của chúng bằng cách giải phóng interleukin 10 (IL-10), ngăn chặn trực tiếp sự thoái hóa dưỡng bào và sử dụng cơ chế thu hút kháng nguyên 4 của tế bào lympho T độc (CTLA-4) và sự chết được lập trình 1 (PD-1) ).
• Các tế bào B điều tiết (Bregs) có thể góp phần cảm ứng sự dung nạp trong quá trình AIT qua sự ức chế tế bào T hiệu lực qua trung gian IL-10, sự ức chế của sự trưởng thành của tế bào đuôi gai, sự cảm ứng các Tregs và sự sản xuất kháng các thể chống viêm IgG4.
• Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên có liên quan đến sự giảm số lượng tế bào lympho bẩm sinh Lin CD127 + CRTH2 + nhóm 2 (ILC2).
• Một số dấu ấn huyết thanh và tế bào như sIgE, tIgE, tỷ lệ sIgE/tIgE, đáp ứng bạch cầu ái kiềm, hoạt tính ức chế huyết thanh đối với liên kết dị nguyên qua trung gian IgE, sự xuất hiện của tế bào T và B điều hòa sản xuất IL-10 và tỷ lệ IgE/IgG4 hiện đã được sử dụng như các dấu ấn sinh học có hiệu quả trong dự đoán đáp ứng trị liệu miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (Hình 1).
Hình 1. Các cơ chế dung nạp miễn dịch đối với các dị nguyên trong liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (AIT) (Globinska A, 2018 [5]).
Như vậy, bằng cách điều khiển một loạt các thay đổi phức tạp trong cơ chế đáp ứng miễn dịch cơ bản, liệu pháp miễn dịch là liệu pháp duy nhất điều chỉnh hệ thống miễn dịch với các tác dụng lâu dài và hiện đang được sử dụng để điều trị một số tình trạng dị ứng.
5.2.2. Giá trị của sIgE trước điều trị trong dự đoán đáp ứng của liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên: Trong một nghiên cứu trên 174 bệnh nhân bị dị ứng (83 nam) với độ tuổi từ 6 đến 77 tuổi, và được điều trị miễn dịch dưới lưỡi (sublingual immunotherapy: SLIT) trong ít nhất 3 năm với dị nguyên, Ciprandi G và Silvestri M, 2014 [4] thấy rằng, đáp ứng với SLIT có hiệu quả ở 145 bệnh nhân (83,3%). Việc sử dụng nồng độ sIgE huyết thanh >9,74 kUA/L trước điều trị có thể giúp dự đoán đáp ứng điều trị miễn dịch hiệu quả với độ nhạy 96,4%, độ đặc hiệu 100% và diện tích dưới đường cong là 0,987 (Bảng 6).
Bảng 6. Nồng độ tIgE và sIgE huyết thanh trước điều trị để dự đoán đáp ứng với trị liệu miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (Ciprandi G và Silvestri M, 2014 [4]).
Như vậy, nồng độ sIgE huyết thanh trước khi thực hiện liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (AIT) là một dấu ấn sinh học hữu ích để dự đoán đáp ứng với liệu pháp miễn dịch này.
5.2.3. Giá trị của sIgE trong theo dõi hiệu quả của liệu pháp miễn dịch.
Trong một nghiên cứu trên 81 trẻ em bị dị ứng đã được điều trị miễn dịch dưới da trong ba năm, Sun W và cộng sự, 2018 [10] thấy rằng mức độ xét nghiệm lẩy da (SPT) thay đổi có mức độ thống nhất cao với các triệu chứng và liều lượng thuốc sử dụng với độ nhạy 89,7%, độ đặc hiệu 78,3% và Kappa = 0,670, P <0,001). So với các trường hợp không hiệu quả, các trường hợp có hiệu quả có tIgE thấp hơn (P<0,001), sIgE thấp hơn (P<0,011) và tỷ lệ sIgE/tIgE cao hơn (P<0,001). Các điểm của xét nghiệm lẩy da (SPT) giảm nhiều nhất trong nhóm giá trị thấp (nhóm giá trị thấp so với nhóm giá trị trung bình, P<0,05; nhóm giá trị thấp so với nhóm giá trị cao, P<0,001; nhóm giá trị trung bình so với nhóm giá trị cao, P<0,05) (Bảng 7).
Bảng 7. Sự thay đổi nồng độ tIgE, sIgE, tỷ lệ sIgE/tIgE, số bạch cầu ưa acid và xét nghiệm lẩy da (SPT) trong đáp ứng lâm sàng với điều trị miễn dịch dị nguyên (Sun W, 2018 [10]).
Ghi chú: Der p (Dermatophagoides pteronyssinus): mạt nhà p.
Như vậy, mức độ tIgE thấp hơn, mức độ sIgE thấp hơn, tỷ lệ sIgE/tIgE cao hơn và sự thay đổi mức độ SPT có thể được sử dụng để đánh giá hiệu quả của liệu pháp miễn dịch dị nguyên (AIT) ở trẻ em bị bệnh dị ứng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, kết quả xét nghiệm lẩy da (SPT) và sIgE trước điều trị có thể được sử dụng làm tiêu chuẩn tiếp nhận bệnh nhân để bắt đầu liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên (AIT), để dự đoán và đánh giá hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, những thay đổi của các dấu ấn này không phải lúc nào cũng tương quan với sự cải thiện lâm sàng. Vì vậy, việc nghiên cứu nhiều hơn về giá trị của sIgE và các dấu ấn khác đối với từng dị nguyên để xác nhận và giải thích mối liên quan có thể có về sự đáp ứng lâm sàng đối với liệu pháp miễn dịch đặc hiệu dị nguyên là điều cần thiết (Shamji MH, 2017 [8]).
Tài liệu tham khảo
1. Ansotegui IJ, Melioli G, Canonica GW, et al. IgE allergy diagnostics and other relevant tests in allergy, a World Allergy Organization position paper. World Allergy Organ J 2020 Feb; 13(2): 100080.
2. Aung T. Immunoglobulin E tests. DermNet NZ, Australia 2019 Feb.
3. Baur X, Akdis CA, Budnik LT, et al. Immunological methods for diagnosis and monitoring of IgE‐mediated allergy caused by industrial sensitizing agents (IMExAllergy). Allergy 2019 Oct; 74(10): 1885-1897.
4. Ciprandi G and Silvestri M. Serum Specific IgE: A Biomarker of Response to Allergen Immunotherapy. J Investig Allergol Clin Immunol 2014; 24(1): 35-39.
5. Globinska A, Boonpiythad T, Satisuksanoa P, et al. Mechanisms of allergen-specific immunotherapy Diverse mechanisms of immune tolerance to allergens. Ann Allergy Asthma Immunol 2018; 121: 306-312.
6. Hu J, Chen J, Ye L, et al. Anti-IgE therapy for IgE-mediated allergic diseases: from neutralizing IgE antibodies to eliminating IgE+ B cells. Clin Transl Allergy 2018; 8: 27
7. Pawankar R. Allergic diseases and asthma: a global public health concern and a call to action. World Allergy Organ J 2014; 7(1): 12.
8. Shamji MH, Kappen JH, Akdis M, et al. Biomarkers for monitoring clinical efficacy of allergen immunotherapy for allergic rhinoconjunctivitis and allergic asthma: an EAACI Position Paper. Allergy 2017; 72: 1156-1173.
9. Shoormasti RS, Fazlollahi MR, Kazemnejad A, et al. Accuracy of immunoblotting assay for detection of specific IgE compared with ImmunoCAP in allergic patients. Electron Physician 2018 Feb 25; 10(2): 6327-6332.
10. Sun W, Pan L, Yu Q, et al. The skin prick test response after allergen immunotherapy in different levels of tIgE children with mite sensitive Asthma/Rhinitis in South China. Human Vaccines & Immunotherapeutics 2018 Aug 17; 14(10): 2510-2515.
11. Sun X, Zhao J, Wang Q, et al. Prevalence of Allergen Sensitization Among 15,534 Patients With Suspected Allergic Diseases in Henan Province, China. Asian Pac J Allergy Immunol 2019 Jun; 37(2): 57-64.
12. Wongpiyabovorn J, Suratannon N, Boonmee S, Chatchatee P. Comparison of specific IgE detection by immunoblotting and fluorescence enzyme assay with in vivo skin prick test. Asian Pac J Allergy Immunol 2018; 36: 159-165.
Từ khóa » đặc Hiệu Là Gì
-
Hiểu đúng Về độ Nhạy Và độ đặc Hiệu - Vinmec
-
Nghĩa Của Từ Đặc Hiệu - Từ điển Việt
-
Từ điển Tiếng Việt "đặc Hiệu" - Là Gì? - Vtudien
-
Độ Nhạy Và độ đặc Hiệu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đặc Hiệu
-
Sự Khác Biệt Giữa Tính đặc Hiệu Và Tính Chọn Lọc - Strephonsays
-
So Sánh Miễn Dịch Đặc Hiệu Và Không Đặc Hiệu
-
Độ Nhạy Hay độ đặc Hiệu Tốt Hơn? - GENESMART CO.,LDT
-
Sự Khác Biệt Giữa Tính đặc Hiệu Và Tính Chọn Lọc - Sawakinome
-
Hiểu Các Xét Nghiệm Y Khoa Và Kết Quả Xét Nghiệm - Đối Tượng Đặc ...
-
Bệnh ám ảnh Sợ đặc Hiệu - Triệu Chứng Và Cách Chữa Trị - Hello Doctor
-
Giá Trị Của Xét Nghiệm Thấm Miễn Dịch để Phát Hiện Kháng Thể IgE ...
-
Miễn Dịch đặc Hiệu Là Gì? Vai Trò Của Miễn Dịch đặc Hiệu
-
Đặc Hiệu Và Không đặc Hiệu - PHÒNG KHÁM QUỐC TẾ EXSON