Giá Trị đồng Tiền - Chùa Hoằng Pháp
Có thể bạn quan tâm
Tôi, một con người lớn lên trên một vùng quê nghèo đầy nắng và gió, tuổi thơ là những chuỗi ngày cực khổ, phải đi bắt từng con cua, con ốc cho mẹ bán để có tiền phụ giúp gia đình và được ăn quà. Hằng ngày, trông thấy mẹ thức khuya, dậy sớm tảo tần bên gánh rau, gánh khoai để lo cho gia đình được đầy đủ. Vì thế, tôi đã từng mơ ước khi lớn lên có thể đi làm kiếm thật nhiều tiền để phụ giúp gia đình, có một cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn. Nhưng khi lớn lên, tôi nhận ra rằng vì đồng tiền mà mình đã đánh mất đi quá nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất chính là tình thâm. Bên cạnh đó, đồng tiền được thế lên ngôi chi phối xã hội đã làm cho bản chất con người thay đổi theo. Con người ta có thể làm mọi thứ để thỏa mãn lòng ham muốn của mình.
Tôi vẫn nhớ rõ như in chuyện xảy ra khi tôi lên 15 tuổi. Ở gần nhà có một vụ án giết người cướp tài sản, chấn động cả một vùng. Chỉ vì muốn có tiền cưới vợ mà anh thanh niên phải giết người. Đến khi công an điều tra đọc lệnh bắt giữ, cha của anh biết tin liền nhồi máu cơ tim mà chết. Sau một thời gian xét xử, tòa tuyên án tử hình. Từ đó, ta thấy rằng, đồng tiền đã làm cho đạo đức con người xuống cấp, nhân tâm bị bán rẻ.
Vào ngày 09/09/2009, tôi lên đường nhập ngũ. Trong thời gian sống trong quân đội, cũng vì tiền mà có một số thành phần tham nhũng đã cắt bớt khẩu phần ăn của lính. Qua bao lần đóng góp ý kiến cũng không thể cải thiện tình trạng ấy. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tôi chân ướt chân ráo bước vào thành phố Vũng Tàu, nơi đất khách quê người, để tìm cho mình một công việc, vừa học vừa sửa chữa, buôn bán bên ngành điện tử. Chính khoảng thời gian này đã giúp tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về xã hội.
Trong thời gian học nghề, tôi phải gánh chịu biết bao trận đòn của ông chủ. Cho đến khi thành thạo tay nghề, đường xá, tôi được ông chủ tin tưởng cho đi buôn bán nhận đồ về sửa. Lúc này, tôi có cơ hội tiếp xúc rất nhiều các tầng lớp trong xã hội: từ nghèo khó, bình dân cho đến các tầng lớp thượng lưu làm nhiều ngành nghề như bác sỹ, kỹ sư, giáo viên… Họ là những thành phần trí thức của xã hội, họ lao động bằng trí óc. Bên cạnh đó, còn có những ngành nghề kiếm tiền bằng sức lao động phổ thông, bán mặt cho đất bán lưng cho trời như công nhân, nông dân, đâu đó vẫn có những mảnh đời mưu sinh theo cách mà xã hội cho là thấp hèn như xin ăn, “bán nhan sắc” để có được đồng tiền lo cho gia đình vì hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tôi làm việc cho ông chủ kinh doanh đồ điện tử, như dàn âm thanh, karaoke, do phải thường xuyên đi chỉnh và cài đặt dàn loa âm ly nên tôi nhiều lần đặt chân đến những khu nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke, có một số nơi ẩn phía sau lại là hoạt động trá hình của những người buôn hương bán phấn. Vì cuộc sống mưu sinh, những cô gái ấy đã phải làm công việc mà xã hội coi thường. Nhưng dù sao, những đồng tiền đó được làm ra từ chính sức lao động của họ, đôi khi nó còn giá trị hơn so với những người kiếm đồng tiền bằng cách bóc lột trên mồ hôi, nước mắt và cả xương máu, thậm chí còn cướp đi mạng sống của người khác để trục lợi cho bản thân mình.
Có lần, tôi sửa cho khách một cái tivi. Ông chủ bảo tôi ra báo giá 450 ngàn, nhưng thật ra giá chỉ 200 ngàn. Nhìn thấy người phụ nữ trên tay cầm những tờ vé số, trên trán lấm tấm những giọt mồ hôi, nghe tôi báo giá xong, trên má cô lăn dài những giọt nước mắt. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi không khỏi chạnh lòng và quay vào trong nói với ông chủ: “Ông sống mà không có đức gì hết”. Lập tức, tôi bị ăn một “bạt tai” choáng váng muốn cắm đầu. Ông còn dùng những lời lẽ khó nghe để miệt thị tôi. Khi phải hứng chịu những ngôn từ ấy, tôi cảm thấy đau lòng và chỉ biết khóc thương cho kẻ nghèo mà còn bị bóc lột.
Thỉnh thoảng, ông chủ bảo tôi đi chung với ông để đòi nợ, có hôm 12 giờ khuya, 1 giờ sáng. Con nợ nào không có tiền trả, không đòi được, ông xiết đồ. Mặc kệ họ van xin, khóc lóc, ông vẫn không một chút động lòng thương xót. Những khi sửa chữa cho các cơ quan nhà nước, ông lại kê khống giá tiền để ăn chia phần trăm. Khi có tiền, họ dùng đồng tiền đó vào việc ăn chơi, rượu chè, cờ bạc, trai gái sa đọa. Đó là bản chất thật phía sau vẻ ngoài khả kính mà người đời thường thấy. Họ có thể sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng cho một chầu nhậu, họ xài tiền một cách vô tội vạ. Có những cô tiếp viên ăn nói ngọt ngào, dịu dàng, dễ thương, rót vào tai mấy lời đường mật, các ông liền “bo” cho mấy trăm ngàn. Họ đâu biết rằng phía sau bàn nhậu kia, có biết bao nhiêu người phải vất vả, khó nhọc lắm mới kiếm được từng đồng tiền. Có những đứa bé còn rất nhỏ nhưng tờ mờ sớm phải đi lấy vé số về bán để mưu sinh. Những cụ già đã bảy tám mươi tuổi, vẫn lầm lũi trên hè phố vào những đêm khuya gió lạnh để nhặt từng chai nước bỏ trong thùng rác, mong đổi lấy những đồng tiền ít ỏi. Có những người ăn xin bị mù cả hai mắt hay mất cả hai tay, có người cụt cả đôi chân những vẫn tìm cách mưu sinh.
Nhìn lại bản thân sống cảnh vật chất đầy đủ, quần áo tươm tất, chăn ấm nệm êm, còn họ thì rách rưới tả tơi, mặt mày lem luốt, bao nhiêu ngày không được tắm, chẳng được bữa ăn ngon, họ phải ngủ dưới gầm cầu, những lúc trời trở lạnh không có lấy một chiếc áo để giữ ấm cơ thể. Trong khi đó, lại có những người dư ăn dư để hoang phí bỏ đồ ăn thừa vào thùng rác. Ngay khi đó, tôi chợt nghĩ rằng ông trời sao lại bất công đến vậy? Khi để những người lương thiện sống khốn khổ, còn kẻ ăn ở thất đức lại quá giàu sang sung sướng. Chính vì lẽ ấy, tôi dần xa lánh những cuộc ăn chơi của ông chủ để rồi cuối cùng bị rơi vào cạm bẫy. Họ đã dàn cảnh để hại tôi vào bước đường cùng. Họ lấy điện thoại của tôi, làm tôi không liên lạc được với ai vì tôi biết quá nhiều mánh khoé trong công việc làm ăn của họ.
Cuộc sống bất an dần đến với tôi, nhưng lúc đó vẫn phải tiếp tục công việc của mình. Có những lúc trên đường đi giao nhận hàng cho khách, thấy người nghèo khó tôi liền lấy tiền hết trong túi để cho họ, đến lúc xe bị hết xăng, phải dắt bộ hàng cây số, khát khô cổ mà không còn được 5 ngàn để mua ly nước mía. Một lần, tôi bị quẹt xe trên đường, họ đòi bồi thường 100 ngàn nhưng trong túi tôi lúc đó chỉ còn có 40 ngàn, họ chỉ vào mặt tôi trước đám đông và nói: “Nhìn mày cũng đàng hoàng mà sao nghèo quá vậy?”. Lúc này, tôi càng thấm thía hơn giá trị của đồng tiền trong cuộc sống.
Chưa dừng lại ở đó, tôi lại bị người ta hại tiếp, làm ông chủ mất niềm tin và sinh tâm nghi ngờ. Do áp lực tâm lý nên tôi quyết định xin nghỉ việc về quê. Ngay khi vừa về đến nhà, tôi liền nhận được cuộc gọi của ông chủ. Ông nói: “Chỉ cần thấy mày đặt chân xuống bến xe Vũng Tàu, tao sẽ cho xã hội đen giết mày”. Nghe xong những lời nói đó, tôi bàng hoàng nhận ra mình chẳng khác nào con chốt trên bàn cờ. Khi hết giá trị lợi dụng, họ tìm mọi cách tiêu trừ để thay vào người khác dễ sai khiến hơn.
Từ những trải nghiệm ấy, tôi nhận ra rằng, trong cuộc sống ngày nay, người ta đã quá quan trọng đồng tiền, xem nó là tất cả, là trời cao, là đất dày. Người ta có thể vì tiền mà đánh mất lương tâm, vì đồng tiền quên đi cả lý trí, tình người. Đồng tiền dường như có thể đổi trắng thành đen, thay đen thành trắng, mua chuộc được cả công lý, bẻ cong được pháp luật.
Tôi dường như mất hết niềm tin vào mọi thứ và chỉ muốn tìm nơi nào đó bình yên để lấy lại sự cân bằng trong tâm hồn. Ngay khi đó, tôi chợt nghĩ đến cảnh thanh tịnh trong những ngôi chùa mà tôi đã từng được thấy trên ti vi. Sau đó, tôi đã xin ba mẹ lên chùa ở một thời gian. Được ba mẹ đồng ý, nhưng tôi vẫn chưa biết mình nên đến chùa nào. Đúng lúc đó, chị ruột tôi tổ chức cho một số người lên chùa Hoằng Pháp. Gần đến ngày đi, bất ngờ một người trong đoàn báo không đi được vì có việc đột xuất. Như một sự sắp đặt trước, tôi liền đi với chị trên chiếc ghế trống tình cờ ấy. Trước khi đi, tôi chọn những bộ đồ đẹp nhất để mang theo. Nhưng khi đến chùa, được sự hướng dẫn của quý Thầy, tôi buộc phải bỏ lại đồ đời, khoác trên mình màu áo lam thanh thoát, giản dị.
Kể từ đó đến nay, tôi đã ở luôn trong chùa. Có lẽ, sự trải đời đã đủ nên khi vào chùa, tôi tìm được sự an lạc hạnh phúc trong tu tập và hướng đến việc xin tập sự xuất gia. Sau hơn sáu tháng tập sự, tôi được Sư Phụ thế phát. Nhìn lại cuộc đời giống như một giấc mơ, trong cái họa lại có phúc, trong rủi lại có cái may. Hằng ngày, sống trong cửa thiền, cảm nhận sự bình yên, tâm trí thanh nhàn, nên có câu:
“Cái vòng danh lợi cong cong Kẻ hòng thoát khỏi người mong nhảy vào”.
Người ta chạy theo đồng tiền bất chấp thủ đoạn. Dùng tiền có thể mua được nhiều thứ như bằng cấp, quyền lực, tình cảm… Nên có người nói rằng tiền là tiên là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người. Vậy, tiền có thể mua được mọi thứ chăng? Chuẩn mực đạo đức xã hội chẳng lẽ đều quy đổi bằng tiền? Vì tiền mà họ sẵng sàng bán rẻ lương tâm đạo đức của một con người. Khi nghèo, con người vẫn giữ được đạo đức lương tâm. Nhưng khi cuộc sống được đầy đủ hơn, họ đánh mất dần đi những phẩm chất tốt đẹp, đạo đức dần suy đồi. Đó là cái giá quá đắt. Lỗi này do ai?
Thật ra, bản chất của đồng tiền không xấu, xấu hay không là do người sử dụng chúng đúng hay sai? Nếu đúng, đồng tiền sẽ đem lại hạnh phúc cho con người, như xây nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo, xây bệnh viện, trường học. Ngược lại, nếu ta thiếu trí tuệ, đồng tiền sẽ làm hại biết bao con người, như ăn chơi cờ bạc, rượu chè hay chế tạo vũ khí giết người hàng loạt…
Kể từ ngày được xuất gia, sống trong môi trường đạo đức và giới luật, không còn phải hơn thua bon chen theo dòng đời, lo toan cơm áo gạo tiền, tuy có chút thiếu thốn về vật chất nhưng tinh thần lúc nào cũng nhẹ nhàng, như hoàng đế Thuận Trị có viết:
“Cơm chùa trần gian có thiếu gì Bình bát ca-sa khắp chốn đi Vàng ngọc thế gian đâu phải quý Đắp được ca-sa mới diệu kỳ”.
Vì lẽ đó, mỗi ngày tôi phải cố gắng sống sao cho xứng đáng khi mặc trên mình chiếc áo giải thoát. Mỗi ngày, tôi được vui bên câu kinh tiếng kệ, được tắm mình trong dòng sữa pháp ngọt ngào, và được sự chỉ dạy của Sư Phụ cùng tình yêu thương của đại chúng. Một người tu phải “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, phải sống một đời sống thiểu dục tri túc (ít muốn biết đủ). Nên bao năm qua, tiền mà Phật tử cúng dường và những vật dụng khác tôi đều dành cho người nghèo, làm phước phóng sanh và mua sách, chuỗi để tặng nhằm tạo niềm vui và kết thiện duyên Phật pháp cho người khi đến chùa, để họ có điều kiện tìm hiểu giáo lý nhà Phật, ngoài ra còn góp một phần nhỏ vào việc mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo. Mới thấy rằng:
“Khi mê bùn vẫn là bùn Tỉnh rồi mới thấy trong bùn có sen Khi mê tiền vẫn là tiền Tỉnh rồi mới thấy trong tiền có tâm”.
Tuy số tiền không nhiều, nhưng nó được sử dụng đúng mục đích, vì đó là công sức, mồ hôi nước mắt của rất nhiều người, họ phải lao động vất vả, khó nhọc mới có được, nên khi nhận tôi càng trân quý. Nói đến đây, tôi lại nhớ về những kỷ niệm xoay quanh đồng tiền.
Có lần, vào ngày cúng dường trai tăng, một chú bé bán vé số đưa cho tôi một con heo đất và nói rằng cho con xin được cúng dường quý Thầy. Khi đập con heo ra, tôi chợt bùi ngùi, khóe mắt bỗng cay cay, trước mắt toàn những tờ tiền 500 đồng với 1000 đồng đã cũ và nhạt màu. Tôi cẩn thận sắp xếp ngay ngắn, nhưng đếm đi đếm lại số tiền vẫn chưa đủ vì số lượng chư Tăng quá nhiều. Trước sự đại phát tâm của cậu bé, tôi cũng hoan hỷ phát tâm hùn phước, góp thêm một ít tiền để buổi cúng dường được trọn vẹn công đức. Tuy bé không thể đến tham dự buổi cúng dường trai tăng vì còn phải đi bán vé số, nhưng thiết nghĩ đây là phẩm vật cúng dường lớn nhất mà chúng tôi được nhận trong ngày hôm đó. Khi nhận tịnh tài, một bên là 500.000 đồng và một bên là 1000 đồng, có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng 500 ngàn lớn hơn rất nhiều so với 1000 đồng kia. Nhưng đối với tôi, 1000 đồng kia lại nặng hơn. Nghe như có gì đó mâu thuẫn. Chẳng có gì lạ, khi tôi biết rằng đó là công sức mồ hôi, nước mắt và cả một tấm lòng thành kính của cậu bé. Cậu còn phải gánh nặng gia đình, mỗi tờ vé số bán được chỉ lời một ngàn đồng, đôi khi phải đi bộ hàng cây số mới có người mua. Mặt mày, tay chân đen đúa, áo quần xốc xếch, đôi dép đã mòn, tuổi thơ em lại không được học hành như bao bạn bè cùng trang lứa. Ngoài ra, còn có những cụ già phải tích lũy hàng mấy tháng trời để có tiền cúng dường… Đó là những tấm gương và là bài học lớn trong đời tu mà tôi nhận được. Dẫu biết rằng chúng ta sinh trên cuộc đời này, bắt đầu bằng hai bàn tay trắng, khi chết đi cũng trắng hai tay. Chúng ta chỉ mang theo tội và phước:
“Công danh phú quý cuộc đời Là tuồng ảo ảnh giấc mơ mau tàn Tiền tiền bạc bạc vàng vàng Càng thâu cho lắm thì càng khổ thân Rồi khi cách biệt dương trần Hai bàn tay trắng giữ phần nào đâu”.
Theo cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi Để một mai tôi trở về với cát bụi? Ôi, cát bụi mệt nhoài Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”.
Người giàu nhất thiên hạ không phải được đánh giá bằng tiền bạc hay vật chất mà là tình thương và tấm lòng vị tha.
Trong cuốn Văn Khuyên Phát Tâm Bồ-Đề của Đại sư Thật Hiền có dạy: “Nhớ ơn thí chủ là thế nào? Chúng ta ngày nay mọi thứ cần dùng hàng ngày đâu phải của mình. Cơm cháo hai buổi, quần áo bốn mùa, tật bệnh cần dùng, thân miệng tiêu xài đều xuất phát từ sức lực của kẻ khác đem đến cho ta sử dụng. Người nhọc sức cày cấy, còn khó nuôi miệng, ta ngồi không mà ăn, vẫn chưa vừa ý. Kẻ dệt đan mãi hoài mà vẫn gian nan cực khổ, còn ta an nhàn y phục thừa thãi há không thương tiếc? Họ nhà tranh cửa lá cực nhọc suốt đời, còn ta thì phòng lớn sân rộng thong thả cả năm. Đem cái cực nhọc của họ cung phụng cái an nhàn cho ta, làm sao an lòng. Đem cái lợi ích của người để cung cấp sự no ấm cho thân xác mình, có hợp lý chăng?
Do đó, phải vận dụng cả hai thứ bi trí trang nghiêm; cả hai mặt phước huệ, để thí chủ nhờ ơn, chúng sanh được phước. Nếu không thì dù một hạt gạo hay một tất vải, vẫn phải có phần trả nợ”. Càng làm cho tôi thêm thấm thía và nỗ lực tu tập.
“Nhận đời manh áo bát cơm Tặng đời tất cả tâm hồn thanh cao”.
Đời sống xuất gia như người đi ngược dòng nước. Người đời sống trong ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ), còn người xuất gia lấy từ bi, trí tuệ làm nền tảng tu học. Do vậy, tôi cố gắng đem ánh sáng trí tuệ và năng lượng từ bi mà đức Phật đã để lại, truyền tải đến cho mọi người, phần nào giúp họ thấy được con đường hạnh phúc, an lạc giải thoát. Đó không chỉ là trách nhiệm của những người xuất gia nói riêng, mà còn là trách nhiệm của người con Phật nói chung.
“Trăm năm trước thì ta chưa có Trăm năm sau có lại hoàn không Cuộc đời sắc sắc không không Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”.
Tâm Trịnh
Facebook Google TweetTừ khóa » Giá Trị Tiền Bạc Là Gì
-
Ý Nghĩa Của Tiền Bạc :: Suy Ngẫm & Tự Vấn
-
Giá Trị Của đồng Tiền Trong Cuộc Sống Hiện Nay
-
Giá Trị Thực Sự Của Tiền Nằm ở đâu? | Vietcetera
-
Tiền Là Gì? Phải Hiểu Đúng Về Tiền Bạc Như Thế Nào? - Haycafe.VN
-
Văn Mẫu Lớp 12: Nghị Luận Xã Hội Về Vai Trò Và Giá Trị Của đồng Tiền ...
-
Giá Trị Thật Sự Của Tiền Bạc | Form Your Soul
-
Làm Cách Nào để Con Nhận Ra Giá Trị Của Lao động Và Tiền Bạc?
-
Giá Trị Thời Gian Của Tiền Là Gì? Ảnh Hưởng đến Tài Chính Cá Nhân Ra ...
-
Cách Phù Hợp để Dạy Trẻ Về Giá Trị Tiền Bạc - VnExpress
-
Giá Trị đồng Tiền | Giác Ngộ Online
-
Tiền Tệ Là Gì ? Các Chức Năng Của Tiền Tệ Trong Nền Kinh Tế Thị Trường ?
-
Giá Trị Của Tiền Trong Cuộc Sống Của Chúng Ta
-
Thời Gian, Tiền Bạc Và Cơ Hội Thực Hiện ước Mơ - FE CREDIT
-
Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Là Gì? Công Cụ & Cách Quản Lý Hiệu Quả