Giá Vàng SJC Rơi “tự Do”, Giảm Hơn 5 Triệu đồng/lượng - VnEconomy

Đúng như dự báo giá vàng SJC đã "đại hạ giá". Cụ thể, sáng ngày nay (18/7), mặc dù giá vàng SJC giảm mạnh nhưng vẫn lình xình quanh mức hơn 67 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều, vàng SJC bỗng rơi “tự do”, còn quanh mức 62 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận tại thời điểm 16h chiều, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý ở mức 62 - 64 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 3,65 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm mở cửa sáng nay.

Tương tự, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 62 - 63,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 4 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 3,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với thời điểm mở cửa sáng nay.

Hay như tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC, giá vàng mua vào còn 62 triệu đồng và bán ra xuống 64 triệu đồng. Trong khi hồi đầu giờ sáng vẫn báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,8 triệu đồng/lượng và 67,4 triệu đồng/lượng

Như vậy, chỉ trong một ngày, giá vàng đã giảm trung bình 5 triệu đồng/lượng. Thậm chí, nếu tính cả chênh lệch mua vào và bán ra, người mua vàng đã lỗ gần 6 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng trong nước có độ trễ nhất định so với thị trường vàng thế giới. Tuần trước, giá vàng thế giới có tuần giảm thứ 5 liên tiếp, với mức giảm khoảng 2%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 7%. Trong khi cùng quãng thời gian trên, giá vàng trong nước chỉ giảm rất nhẹ.

Nhiều khả năng phiên nay chỉ là phản ứng chậm từ diễn biến thế giới. Áp lực dồn nén ghìm giữ giá vàng quá ngưỡng, đến khi các đầu mối lớn "buông tay" khiến giá vàng rơi mạnh. Dẫu vậy, giá vàng trong nước theo thống kê hiện vẫn đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12 - 13 triệu đồng/lượng.

Hiện tại, ngoài mối lo lãi suất tăng trên toàn cầu, đặc biệt là lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá vàng còn gặp bất lợi khi đồng USD liên tục tăng giá và lập những đỉnh cao mới của 20 năm. Do đó, giới chuyên môn dự báo, vàng thế giới và vàng trong nước cùng có khả năng sẽ giảm thêm.

Đáng chú ý, trái với giá vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn trong nước lại có xu hướng tăng nhẹ, trên mốc 53 triệu đồng/lượng.

Theo một chuyên gia, có rất nhiều tổ chức, cá nhân đem bán vàng SJC để mua vàng nhân sau khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước rằng sẽ lắng nghe, xin ý kiến nhiều bên về việc có nên sửa Nghị định 24 để thêm nhiều thương hiệu cùng sản xuất vàng miếng nhằm giảm sự độc quyền của SJC cũng tác động đến giá vàng.

“Người dân và tổ chức cùng chuyển từ vàng SJC sang vàng nhẫn. Điều này khiến nguồn cung vàng SJC tăng. Trong khi quy mô thị trường vàng SJC ngày càng thu hẹp nên khi cung cầu thay đổi sẽ tác động lớn đến giá vàng. Còn giá vàng nhẫn tăng nhờ hoạt động đổi loại hình vàng. Ngoài ra, nhu cầu vàng nhẫn cũng tăng do người dân đang tranh thủ tổ chức đám cưới tránh dịch bệnh bùng phát trở lại”, vị chuyên gia này nói.

Trong Nghị quyết số 77/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo Nghị định 24/2012 của Chính phủ. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý tiền tệ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, bảo đảm không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế vĩ mô.

Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm trên thị trường vàng, Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng được yêu cầu nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) liên quan việc quản lý và vận hành thị trường vàng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời quyết liệt triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khóa » Sjc ở Việt Nam