Giấc Mơ Mỹ Của Cậu Bé Nghèo Trở Thành 'Vua Gà' KFC

Chú thích ảnh
Hình ông già Kentucky với nụ cười hồn hậu gắn liền với thương hiệu KFC.

Tất cả mọi thứ về ông đều quen thuộc: bộ râu dê muối tiêu, bộ đồ lịch lãm của một quý ông nông thôn và món ăn nhanh hứa hẹn sự giòn tan của thịt gà và nước sốt, được làm từ 11 loại thảo mộc và gia vị. Ông ấy là Harland David Sanders - hay còn được gọi là Đại tá Sanders - và ông đã phục vụ đồ ăn nhanh khắp nơi, từ Halifax đến Hà Nội trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, trước khi trở thành "Đại tá" đáng kính, Harland Sanders đã từng lang bạt khắp Bắc Mỹ, làm đủ ngành nghề, từ công nhân máy hơi nước, nhân viên bảo hiểm đến người bơm xăng. Câu chuyện cuộc đời Đại tá Sanders thường được ví như một “Giấc mơ Mỹ” khi ông từ con trai một nông dân nghèo trở thành “Vua gà”, người sáng lập ra chuỗi nhà hàng ăn nhanh danh tiếng KFC.

Tuổi trẻ lận đận

Harland David Sanders sinh ngày 9/9/1890 tại Henryville, tiểu bang Indiana, bố là nông dân nghèo và mẹ làm nội trợ. Khi cha mất và mẹ vào làm việc tại một xưởng đóng hộp, Sanders trở thành người chăm sóc chính cho hai đứa em song sinh khi cậu mới 7 tuổi. Cậu bé Sanders đã thành thạo tất cả các kỹ năng nội trợ như nấu nướng, chuẩn bị đồ ăn, trước khi lên 8 tuổi.

Sanders không hề nuối tiếc việc ông đã phải lớn trước tuổi, thậm chí còn biết ơn mẹ vì đã truyền cho mình trách nhiệm và động lực giúp sau này ông trở thành một người phục vụ tốt.

“Chúng tôi đủ hiểu biết để không đốt nhà - tôi không hiểu tại sao trẻ em ngày nay lại khác biệt như vậy. Chúng tôi thì kỹ luật rất chặt. Mẹ sẽ cho ăn gậy nếu chúng tôi không vâng lời. Và thường thì chúng tôi không dám làm vậy”, ông chia sẻ

Mẹ của Sanders sau đó tái hôn và năm 12 tuổi cậu bé đã phải rời nhà vì mâu thuẫn với cha dượng. Sander cũng quyết định rằng, học hành ở trường đến năm lớp 7 là đủ, giờ đây cậu phải kiếm sống. Cậu bé bắt đầu lang thang qua Indiana để làm những công việc đồng áng và sau đó làm một nhân viên hoả xa ở Alabama, với lương tháng không đầy 15 đô la.

Sanders còn làm việc trên các chuyến phà chạy bằng hơi nước ở miền Tây, phục vụ tại toà án ở Arkansas, tiếp đến chàng thanh niên nghèo bán bảo hiểm, bán đèn và lốp xe... Năm 19 tuổi, ông kết hôn với Josephine King và họ có với nhau 3 người con. Sanders nhập ngũ và được điều tới Cuba trong 6 tháng, nhưng đó không phải là môi trường trao cho ông chức “Đại tá”, mà là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Chú thích ảnh
Harland Sanders thời trẻ. Ảnh: Twitter

28 năm đã trôi đi không mấy ấn tượng cho đến khi Sanders thấy mình phải đối mặt với số phận ở Kentucky. Ông dành dụm mua một trạm xăng nhỏ ở Corbin, Kentucky, ngay gần đường cao tốc. Sẵn tài nấu nướng, Sanders bắt đầu bán thêm những bữa ăn nhỏ cho du khách đói bụng, những bữa ăn đơn giản như ông từng làm cho những đứa em nhỏ của mình ở Indiana: giăm bông kiểu đồng quê, đậu que, đậu bắp, bánh quy mềm, và gà rán.

Điểm dừng chân của Sanders dần đắt hàng đến mức ông bắt đầu đặt biển quảng cáo trên đường cao tốc để thu hút những du khách có nhu cầu về một bữa ăn sẵn mang về. Nhà hàng phát triển từng ngày khi nhu cầu tăng cao, đặc biệt là với món gà “vô đối” của ông.

Cũng vào khoảng thời gian này, vào năm 1935, năm 40 tuổi, Sanders được Thống đốc bang Kentucky Ruby Laffoon trao tặng danh hiệu danh dự “Đại tá” vì nỗ lực phục vụ cộng đồng và tinh thần khởi nghiệp của ông.

Hoạt động kinh doanh bùng nổ, Sanders đóng cửa hoàn toàn trạm xăng và mở một nhà hàng 142 chỗ ngồi. Chính tại đây, ông gặp người vợ thứ hai của mình, một cô hầu bàn trẻ tuổi tên là Claudia.

Bắt đầu gây dựng "đế chế" gà rán

Những năm 1950, nước Mỹ chứng kiến vô số thay đổi. Sau Thế chiến II, một cuộc bùng nổ cơ sở hạ tầng đã diễn ra mạnh mẽ dưới thời chính quyền Eisenhower với việc tăng cường xây dựng các tuyến đường cao tốc. Một cao tốc như vậy đã cắt qua bìa cánh rừng gần nhà Harland Sanders và định tuyến lại giao thông cách nơi anh ở khoảng 10km. Hoạt động của nhà hàng Kentucky Fried Chicken gặp khó khăn, Sanders thậm chí không thể bán lại nhà hàng thua lỗ.

Tuy vậy ông vẫn sở hữu bí quyết rán gà trong nồi áp suất, mà cho đến thời điểm đó vẫn được coi là một phát minh mới, cùng với công thức bí mật đến từ 11 loại thảo mộc và gia vị làm nên hương vị gà KFC tuyệt hảo.

Chú thích ảnh

Sanders chuyển hướng sang giới thiệu nhượng quyền bí quyết của mình cho các nhà hàng khác. Ông thường được trả 0,4 USD cho mỗi con gà mà nhà hàng nấu và bán theo quy trình của mình. Sanders còn rong ruổi đến hàng nghìn nhà hàng, đề nghị nướng món gà của mình. Và nếu nhà hàng đó ấn tượng, họ sẽ thoả thuận bán gà do ông nấu và chia một phần lợi nhuận.

Cùng với người vợ Claudia, "Vua gà" bận rộn ký kết các nhượng quyền thương mại khác, ra sách và bán những gói gia vị và thảo mộc theo công thức riêng. "Đại tá" không bao giờ chia sẻ công thức bí mật để không ai có thể tự làm được món gà trứ danh của ông.

Đến cuối năm 1963, Đại tá Sanders đã có hơn 600 cửa hàng nhượng quyền Kentucky Fried Chicken" ở Mỹ và Canada, chưa kể 400 cửa hàng nhượng quyền khác ở các nước khác.

Chú thích ảnh
Món gà rán KFC.

Di sản của "Vua gà"

Đối với Đại tá Sanders, việc mở rộng kinh doanh không bao giờ chỉ là vì tiền. Tên tuổi và di sản của ông được “nướng” theo công thức giống như món gà rán Kentucky và ông đã nỗ lực hết sức để duy trì chất lượng cao cho món ăn thương hiệu. Sanders thậm chí đã nhiều lần từ chối những đối tác nhượng quyền đầy tiềm năng nếu ông tin rằng họ làm hỏng công thức của mình.

Từ khóa » Hình ảnh ông Già Kfc