Giấc Mơ World Cup: Kỳ Vọng Thái Quá Và Bài Học Từ Thái Lan

Cách đây 5 năm, đội tuyển Thái Lan từng đặt tham vọng giành vé tham dự World Cup nhưng sớm vỡ mộng và có những bước đi sai lầm. Giờ đây, Việt Nam đang ở vị thế tương tự Thái Lan khi lần đầu góp mặt tại vòng loại cuối cùng World Cup. Tuy nhiên, mục tiêu của thầy trò HLV Park Hang-seo vừa sức hơn, chủ yếu học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho tương lai.

Bước lùi của đội tuyển Thái Lan

Không thể phủ nhận, bóng đá Thái Lan từng đứng trên đỉnh Đông Nam Á khi sở hữu dàn cầu thủ nổi trội để vô địch AFF Cup 2014, sau đó là giành vé tham dự vòng loại thứ ba World Cup 2018. Đội tuyển Thái Lan đã rất lâu chưa tham dự đấu trường đầy khắc nghiệt và cạnh tranh như vậy. Sự háo hức, mong chờ của cổ động viên nơi đây lên đến cực điểm, đặc biệt là sau khi tuyển Thái Lan vượt qua hàng loạt đội bóng Đông Nam Á, giành vị trí nhất bảng tại vòng loại thứ hai. 

Tại vòng loại cuối cùng, “Voi chiến” đặt mục tiêu rất cao và tự tin chạm trán những “ông lớn” của châu Á, thế nhưng qua từng trận, thứ người Thái nhận được chỉ là sự thất vọng sau những kỳ vọng quá lớn.

Trước các nước Tây Á và Đông Á, đội tuyển Thái Lan chỉ có thể cầm về “trái đắng” khi không giành được trận thắng nào, ngậm ngùi xếp cuối bảng với chỉ 2 điểm sau 10 trận, để lọt lưới tới 24 bàn thua. Một thành tích đáng buồn với đại diện mạnh nhất Đông Nam Á khi đó, nhưng cũng giúp người hâm mộ tỉnh ngộ và nhìn nhận lại khả năng thực sự của đội tuyển Thái Lan.

Trên sân khách Saitama, đội tuyển Thái Lan nhận thất bại 0-4 trước chủ nhà Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á. (Ảnh: FA)

Trên sân khách Saitama, đội tuyển Thái Lan nhận thất bại 0-4 trước chủ nhà Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á. (Ảnh: FA)

Những năm qua, các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Thái Lan luôn tích cực hỗ trợ các cầu thủ sang nước ngoài chơi bóng, trải nghiệm môi trường đẳng cấp hơn, nhưng đáng tiếc chỉ số ít để lại dấu ấn đậm nét. Thể lực và sự am hiểu về kỹ, chiến thuật của những cầu thủ “xuất ngoại” khá đuối và tỷ lệ thành công còn thấp. Trong khi đó, tại các giải quốc nội trong khu vực, những ngoại binh đến từ Brazil hay châu Phi vẫn luôn được ưu tiên trong đội hình xuất phát. 

Công bằng mà nói bóng đá Đông Nam Á chỉ thực sự bước lên sân chơi chuyên nghiệp vào cuối thập niên 90 và quỹ thời gian để bứt phá còn hạn chế so với các nước Đông Á hay Tây Á. Những quốc gia này có tiềm lực tài chính tốt, họ quyết tâm đăng cai những giải đấu tầm cỡ nhằm quảng bá và được học hỏi kinh nghiệm từ các cường quốc tại châu Âu hay Nam Mỹ. Nhật Bản và Hàn Quốc từng đồng đăng cai World Cup 2002. Vào mùa đông năm tới, Qatar cũng sẽ có vinh dự tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới.

Tại vòng loại thứ ba World Cup 2018, bóng đá Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á, nhưng so với các đội hàng đầu châu Á thì còn khá chênh lệch, chứ còn chưa bàn tới các khu vực khác.

Câu chuyện tuyển Thái Lan chia tay HLV Kiatisak. (Ảnh: FAT)

Câu chuyện tuyển Thái Lan chia tay HLV Kiatisak. (Ảnh: FAT)

Sau những trận thua, lượng khán giả đến sân Rajamagala cổ vũ ngày một vơi dần. Ba trận đấu đầu tiên tại vòng loại thứ ba, trung bình có tới 40 nghìn cổ động viên tới sân, nhưng vào hai trận cuối trên sân nhà, con số này giảm gần một nửa. Niềm tin dành cho các cầu thủ sụp đổ quá nhanh và điểm tựa cổ động viên không còn bền chắc trên chính xứ sở chùa Vàng.

Ngoài ra, những gì đội tuyển Thái Lan nhận được là phản ứng chỉ trích thái quá từ người hâm mộ, thậm chí đỉnh điểm là mâu thuẫn giữa Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) với HLV trưởng Kiatisak Senamuang. Sau thất bại 0-4 trước Nhật Bản tại vòng loại thứ ba World Cup 2018 khu vực châu Á, vào tháng 3/2017, ông từ chức và chấm dứt những lùm xùm xoay quanh vấn đề này.

Đã 4 năm kể từ khi HLV Kiatisak rời đội tuyển, FAT đã bổ nhiệm bốn nhà cầm quân khác nhau, đặc biệt là hai “bậc thầy” có tiếng tăm như Milovan Rajevac và Akira Nishino nhưng rốt cuộc vẫn chưa cho thấy tiến triển. Ngoài ra, việc thay đổi nhiều huấn luyện viên trong thời gian ngắn còn dẫn đến sự thiếu đồng nhất trên phương diện chiến thuật và phương pháp huấn luyện, các tuyển thủ thì càng chật vật trong công cuộc thích nghi.

Bóng đá Thái Lan giờ đây cần nhìn lại chính mình, từ những “ước mơ” quá xa vời, họ phải bắt đầu lại hành trình khẳng định vị thế tại Đông Nam Á, có lẽ khởi điểm sẽ là từ giải đấu AFF Cup diễn ra cuối năm 2021 dưới sự dẫn dắt của cựu huấn luyện viên CLB TP Hồ Chí Minh, ông Alexandre Polking.

Từ khóa » Những đội Lọt Vào Vòng 3 World Cup