Giải Bài Tập SBT Sinh Học 8 Bài 49: Cơ Quan Phân Tích Thị Giác

1. Giải bài 3 trang 104 SBT Sinh học 8

- Bộ phận thụ cảm của cơ quan phân tích thị giác là gì? Nằm ở đâu trong cấu tạo của cầu mắt? Và có cấu tạo như thế nào?

Phương pháp giải

- Cơ quan phân tích thị giác:

+ Bộ phận thụ cảm.

+ Dây thần kinh hướng tâm.

+ Cơ quan phân tích hướng tâm.

Hướng dẫn giải

- Sơ đồ cơ quan phân tích thị giác.

- Đối với cơ quan phân tích thị giác thì bộ phận thụ cảm là các tế bào cảm quang trên màng lưới thuộc lớp thứ ba trong cấu tạo của cầu mắt, lót hai phần ba phía sau mặt trong của cầu mắt.

- Các tế bào cảm quang gồm hai loại: Các tế bào nón và các tế bào que.

+ Số lượng các tế bào nón khoảng 7000000, phân bố chủ yếu ở điểm vàng, tập trung ở hố trung tâm. Càng xa điểm vàng số lượng các tế bào nón phân bó càng ít và nằm xen giữa các tế bào que.

+ Số lượng các tế bào que chiếm khoảng 130000000 phân bố khắp diện tích của màng lưới.

- Các tế bào nón và que có đoạn ngoài áp sát vào lớp sắc tố ở màng mạch. Các tế bào này tiếp xúc với các tế bào hai cực, đến lượt mình các tế bào hai cực lại tiếp xúc với các tế bào hạch là tế bào thần kinh thị giác mà sợi trục của chúng tập hợp thành dây thần kinh thị giác.

- Một đặc điểm cấu trúc đáng lưu ý của màng lưới là:

+ Mỗi tế bào nón ở hố trung tâm và điểm vàng liên hệ với một tế bào hạch thông qua một tế bào hai cực.

+ Nhiều tế bào que thì chỉ tiếp cận với một tế bào hai cực và nhiều tế bào hai cực mới tiếp xúc với một tế bào hạch.

+ Trung bình khoảng 114 tế bào que mới được truyền thông tin tới một tế bào hạch để thông báo về bộ phận phân tích trung ương nằm ở thuỳ chẩm của bán cầu đại não. Điều này thấy rõ qua số lượng sợi trục của tế bào hạch chỉ có khoảng 1,2 triệu sợi trong khi có tới hơn 130 triệu tế bào cảm quang.

⇒ Cấu trúc trên đây liên quan đến khả năng nhìn rõ đối tượng quan sát khi hình ảnh của vật hội tụ tại điểm vàng so với các vùng xung quanh.

2. Giải bài 4 trang 104 SBT Sinh học 8

- Tính chất của tế bào nón có gì khác so với tế bào que? Tính chất đó liên quan đến khả năng nhìn như thế nào?

Phương pháp giải

- Xem lại tế bào nón và tế bào que.

- Dựa vào các đặc điểm:

+ Ngưỡng kích thích.

+ Mức độ ánh sáng.

+ Khả năng tiếp nhận màu sắc.

Hướng dẫn giải

- Tế bào nón có ngưỡng kích thích cao, đòi hỏi ánh sáng đủ mạnh mới có khả năng hưng phấn nên có thể coi tế bào nón là tế bào nhìn ban ngày. Tế bào nón còn là tế bào tiếp nhận các kích thích về màu sắc. Có 3 loại tế bào nón tiếp nhận 3 loại màu sắc cơ bản là màu xanh lam, màu xanh lục và màu đỏ. Tuỳ theo tỉ lệ các tế bào của 3 loại khác nhau bị kích thích mà cho ta cảm nhận những màu sắc khác nhau.

- Tế bào que có ngưỡng kích thích thấp, có khả năng hưng phấn với ánh sáng yếu nên có thể coi tế bào que là tế bào nhìn ban đêm, vì ban đêm, trời tối vẫn có thể nhìn được cảnh vật, tuy không thật rõ và không thấy được màu sắc của vật do ánh sáng yếu không đủ làm các tế bào nón hưng phấn, nên chỉ khi các tế bào nón tập trung ở điểm vàng tại hố trung tâm bị hưng phấn mới cho ta hình ảnh của vật rõ ràng chi tiết và cả màu sắc.

3. Giải bài 5 trang 104 SBT Sinh học 8

Tại sao muốn tìm hiểu cấu tạo chi tiết của một đối tượng nào đó ta lại phải chăm chú quan sát đối tượng (nghĩa là hướng trục mắt vào bộ phận cần tìm hiểu trên đối tượng nào đó từ một khoảng cách tương đối gần)?

Phương pháp giải

- Cho phép từng chi tiết của đối tượng mà tế bào nón thu nhận được sẽ được truyền về trung khu thị giác một cách "trung thành" qua từng tế bào hạch riêng rẽ thông qua các tế bào hai cực làm trung gian.

Hướng dẫn giải

- Khi muốn quan sát, tìm hiểu cấu tạo chi tiết của một đối tượng nào đó, ta phải điều chỉnh cầu mắt để hướng trục mắt vào đối tượng cần tìm hiểu (một bức tranh, một pho tượng, một mẫu vật...) sao cho hình ảnh của vật hiện trên màng lưới, tại điểm vàng - nơi tập trung các tế bào nón. Với cách cấu trúc của màng lưới ở điểm vàng cho phép từng chi tiết của đối tượng mà tế bào nón thu nhận được sẽ được truyền về trung khu thị giác một cách "trung thành" qua từng tế bào hạch riêng rẽ thông qua các tế bào hai cực làm trung gian.

4. Giải bài 13 trang 104 SBT Sinh học 8

Trình bày khả năng điều tiết của mắt (ở nơi quá sáng hay quá tối, khi vật ỏ xa và lúc lại gần). Hãy quan sát mắt mình qua hình ảnh trong gương hoặc mắt bạn ngồi đối diện lúc bình thường và khi dọi đèn pin vào mắt bạn hoặc mắt mình trong gương xem độ lớn của lỗ đồng tử thay đổi như thế nào?

Phương pháp giải

- Sự co dãn của đồng tử là nhờ các cơ vòng và cơ phóng xạ.

+ Môi trường ánh sáng mạnh.

+ Môi trường ánh sáng yếu.

- Độ căng phồng của thể thủy tinh.

Hướng dẫn giải

Ta thấy đồng tử thu hẹp lại khi ánh sáng chiếu vào. Đó chính là sự điều tiết ánh sáng của đồng tử.

- Sự co dãn của đồng tử là nhờ các cơ vòng và cơ phóng xạ.

+ Các cơ vòng co làm lỗ đồng tử hẹp lại dưới tác dụng của thần kinh đối giao cảm khi ánh sáng mạnh chiếu vào mắt đã hạn chế lượng ánh sáng vào trong cầu mắt, gây loá. Thông thường khi ánh sáng mạnh chiếu vào mắt, ngoài sự co đồng tử một cách tự động, ta còn nheo mắt hoặc lấy tay che mắt để tránh loá.

+ Ngược lại trong ánh sáng yếu (trong tối chẳng hạn) dưới ảnh hưởng của thần kinh giao cảm, các cơ phóng xạ co làm lỗ đồng tử dãn rộng để lượng ánh sáng vào đủ gây hưng phấn các tế bào cảm quang trên màng lưới trong cầu mắt.

- Mặt khác tuỳ theo vật ở xa hay tiến lại gần mắt, muốn nhìn rõ vật phải thay đổi độ phồng của thể thuỷ tinh trong cầu mắt để ảnh của vật hiện đúng trên màng lưới.

+ Thể thuỷ tinh căng phồng khi vật càng tiến lại gần làm tăng độ hội tụ của thể thuỷ tinh, giúp ảnh hiện rõ trên màng lưới.

+ Sự điều chỉnh độ cong (độ phồng) của thể thuỷ tinh để nhìn rõ vật chính là sự điều tiết của thế thuỷ tinh.

5. Giải bài 26 trang 108 SBT Sinh học 8

Cơ quan phân tích bao gồm ...(1)... là các tế bào thụ cảm, ...(2)... và vùng ở vỏ não tương ứng. Cơ quan ...(3)... gồm màng lưới trong cầu mất.

A. Phân tích thị giác

B. Phân tích thính giác

C. Dây thần kinh

D. Ba thành phần

Phương pháp giải

- Xem khái niệm cơ quan phân tích thị giác.

Hướng dẫn giải

- Cơ quan phân tích bao gồm ba thành phần là các tế bào thụ cảm, dây thần kinh và vùng ở vỏ não tương ứng. Cơ quan phân tích thị giác gồm màng lưới trong cầu mất.

→ Đáp án: 1D, 2C, 3A

Từ khóa » Sinh Học 8 Bài 49 Sbt