Giải Bài Toán Nâng Tầm Giá Trị Cà Phê Tây Nguyên

Người trồng cà phê đang tập trung tưới đợt 1 để bảo đảm đủ nước cho cây sinh trưởng
Người trồng cà phê đang tập trung tưới đợt 1 để bảo đảm đủ nước cho cây sinh trưởng

Khu vực Tây Nguyên có hơn 603.000 ha cà phê, chiếm 1/3 diện tích cà phê của cả nước. Ở vùng đất này, bao năm qua cây cà phê là cây trồng chủ lực, gắn bó nhất với nông dân nơi đây. Nhiều gia đình thoát cảnh đói nghèo, đi lên làm giàu từ cà phê. Không ít thôn, xã đạt chuẩn Nông thôn mới cũng nhờ cây trồng này. Tuy nhiên, người trồng cà phê đang gặp vô vàn khó khăn, khi hạt cà phê cõng quá nhiều chi phí.

Hạt cà phê “cõng” nhiều chi phí

Huyện Cư M’gar, là địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Đắk Lắk, với hơn 37.800 ha. Hiện nông dân trên địa bàn huyện đang tập trung tưới đợt 1, để bảo đảm đủ nước cho cây sinh trưởng.

Gia đình anh Y Mai Niê ở buôn Sứt M’đưng có 2 vườn, với 1 ha cà phê. Những năm 90 trở về trước, mỗi năm gia đình anh thu khoảng 4 - 5 tấn cà phê nhân. Giá cả thời điểm đó cũng được 35.000 - 40.000 đồng/kg. Sau khi bán, trừ chi phí vẫn có lời kha khá. Bây giờ giá cà phê tăng 5.000 - 6.000 đồng, nhưng tiền thuê nhân công tăng gấp 10 lần, giá phân bón, xăng dầu cũng cao gấp nhiều lần.

So với năm ngoái, giá phân bón, thuốc trừ sâu bệnh tăng phi mã, đơn cử 1 bao phân NPK 100 kg năm ngoái chỉ 800.000 đồng, thì nay hơn 1.500.000 đồng. Hoạch toán chi phí, tiền phân bón, các loại vật tư đầu vào, nhân công... người trồng lỗ nặng, vì 1kg cà phê nhân “cõng” theo rất nhiều chi phí.

Người trồng cà phê đang gặp vô vàn khó khăn khi hạt cà phê cõng quá nhiều chi phí
Người trồng cà phê đang gặp vô vàn khó khăn khi hạt cà phê cõng quá nhiều chi phí

Không chỉ phân bón, giá dầu tăng cũng ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc cà phê. Đầu năm mới nông dân Tây Nguyên bắt tay vào vụ tưới, nhưng giá dầu liên tục tăng khiến nông dân khó càng thêm khó.

30 năm kinh nghiệm trồng, chăm sóc 2ha cà phê, ông Hoàng Đình Hào ở thôn Sơn Trung, xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) chia sẻ: Hai năm nay, giá phân tăng gấp đôi. Một năm, nhà tôi bỏ 4 đợt phân, chỉ riêng tiền phân bón đã hết cả trăm triệu đồng; tiền điện, dầu, rồi công làm cỏ, công hái… Năm nay, thu hoạch gần 4 tấn cà phê nhân, với giá như hiện nay, được khoảng 160 triệu đồng, trừ chi phí chỉ còn 30 triệu. Mới bắt đầu vào mùa tưới giá dầu lại tăng cao, nông dân chúng tôi lại phải mất thêm chi phí. Chưa biết thế nào, nhưng giá thành đầu tư sản xuất tăng cao thế này, thì người nông dân chúng tôi còn nghèo mãi.

Trên thực tế, giá cà phê hiện nay đã tăng kỷ lục trong 10 năm qua, hiện đang ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg cà phê nhân, tăng 10.000 đồng so với năm 2020, song người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn không có lời, thậm chí còn thua lỗ.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông đánh giá, hạt cà phê cõng quá nhiều phí. Năm nay, giá cà phê tăng cao đến hơn 40.000 đồng/kg, nhưng chi phí đầu vào quá lớn nên nông dân vẫn chưa thực sự có lãi, nếu không muốn nói nhiều chủ vườn cà phê vẫn còn bị lỗ. Với giá phân bón, thuốc xịt, dầu như hiện nay, giá cà phê lên 50.000 đồng/kg thì nông dân mới có lời.

Tây Nguyên là vùng trồng cà phê lớn và giữ vị trí quan trọng nhất trong ngành hàng cà phê cả nước
Tây Nguyên là vùng trồng cà phê lớn và giữ vị trí quan trọng nhất trong ngành hàng cà phê cả nước

Nông dân bớt mặn mà với cà phê

Theo số liệu thống kê, khu vực Tây Nguyên hiện có hơn 603.000 ha cà phê đang cho thu hoạch. Trong đó, Đăk Lăk có diện tích cà phê lớn nhất toàn vùng, với gần 210.000 ha, chiếm 62,06% trong tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh.

Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hình thức tổ chức sản xuất cà phê trên địa bàn Đắk Lắk chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý.

Chính vì vậy, các khâu thu hái, sơ chế vẫn ở tình trạng “mạnh ai nấy làm”, nên việc kiểm soát chất lượng ở các khâu này rất khó. Hiện chỉ có khoảng trên 10% diện tích cà phê sản xuất tập trung thành vùng chuyên canh, do các đơn vị thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, các công ty cà phê thuộc tỉnh Đắk Lắk và doanh nghiệp quản lý.

Gia đình chị Lê Thị Thanh Hằng ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có hơn 1 ha cà phê, thời kỳ thu hoạch năng suất nhất khoảng 4 tấn cà nhân. Tuy nhiên, năng suất cà phê ngày càng giảm, những năm gần đây mỗi năm chỉ thu khoảng 2 tấn, trừ chi phí vẫn không có lời. Trước hàng loạt khó khăn, trở ngại trong quá trình sản xuất cà phê, gia đình chị Hằng quyết định phá bỏ 1 nửa diện tích cà phê, để trồng các loại cây ăn trái xen tiêu.

Nhiều hộ dân trên địa bàn không còn mặn mà với cây cà phê, nên đã phá bỏ để trồng mít, sầu riêng, bơ, cau… Cứ đà cà phê tăng 1, chi phí đầu vào tăng 10 thế này, vài năm nữa, cây ăn trái cho thu nhập ổn định, gia đình tôi sẽ phá bỏ toàn bộ diện tích cà phê để chuyển đổi sang cây ăn trái”, chị Hằng chia sẻ.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, hơn 40 năm nay, cây cà phê đã định hình là cây trồng trọng tâm, trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Trước đây, toàn tỉnh chỉ có 5.000 ha, thì hơn 10 năm nay diện tích cà phê đã tăng lên hơn 200.000 ha. Cây cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh. Có 13/15 huyện, thị xã, thành phố, cà phê chiếm tỷ trọng kinh tế khá lớn.

"Cây cà phê chi phối chủ đạo kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk và không có cây trồng nào có thể thay thế được. Tuy nhiên, hiện nay người trồng cà phê đang gặp rất nhiều khó khăn, vật tư đầu vào cùng các loại chi phí khá lớn.

Để bảo đảm thu nhập, lợi nhuận cho người sản xuất ngành hàng cà phê phát triển, chúng ta không thể yêu cầu giá cao lên, mà phải tìm cách hạ giá thành sản xuất xuống. Người sản xuất cà phê phải chủ động thay đổi phương thức canh tác, để giảm được chi phí và đồng thời nâng cao chất lượng cà phê...

Bài 2: Giải bài toán nâng tầm giá trị cây cà phê Tây Nguyên: Thay đổi phương thức canh tác nâng cao chất lượng

Người trồng cà phê gặp khó khăn vì giá thấp

Từ khóa » Trồng Cây Cà Phê ở Tây Nguyên