Giải Cứu Loại Hạt Lớn Nhất Thế Giới | Con Người Và Thiên Nhiên

Dừa biển được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách đỏ. Các nhà bảo tồn đã vào cuộc cùng người dân Seychelles để bảo vệ loài cây đặc biệt này. “Cây dừa Coco de Mer đã trở thành một biểu tượng văn hóa và sinh thái được yêu thích của Seychelles”, Katy Beaver, một chuyên gia về thực vật trên quần đảo, người đã nghiên cứu loài cây quý hiếm này trong nhiều năm, cho biết.

Coco de Mer, còn được gọi là dừa biển hoặc dừa đôi, là loài thực vật đặc hữu của quần đảo, có hạt lớn nhất và nặng nhất trên thế giới. Hình dạng đặc biệt của hạt cây dừa biển cũng thu hút nhiều sự chú ý.

Nguy cơ tuyệt chủng

Xuất hiện trong nhiều truyền thuyết và văn hóa dân gian, giống cây này chỉ mọc tự nhiên trên hai trong số 115 hòn đảo của Seychelles gồm Praslin, hòn đảo lớn thứ hai trong cả nước sau Mahé, và đảo Curieuse gần đó.

Hiện nay chỉ còn khoảng 8.000 cây trưởng thành, dừa biển được xếp vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng trong danh Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).

Hình dạng và kích cỡ đặc biệt của hạt cây dừa biển – coco de mer. (Ảnh: AFP)

Coco de mer rất đa dạng, nó có các cây đực và cây cái riêng biệt. Chúng có thể mất tới 50 năm để trưởng thành để sinh sản, tùy thuộc vào điều kiện môi trường. Tốc độ phát triển chậm đã góp phần làm trầm trọng thêm nguy cơ tuyệt chủng của loài.

Trước đại dịch Covid-19, thị trường chợ đen buôn bán vỏ hạt phát triển mạnh, dẫn đến nạn hái trộm tràn lan trong các khu bảo tồn. Những mối đe dọa khác bao gồm cháy rừng, mưa thất thường do biến đổi khí hậu và sâu bệnh.

Giờ đây, các nhà bảo tồn đã vào cuộc cùng người dân trên đảo để bảo vệ dừa biển. Theo một chương trình đưa ra từ mùa hè năm 2020, các cư dân đã được mời nộp đơn đăng ký trồng tối đa năm hạt dừa biển mỗi người trong vườn nhà họ. Tiến sĩ Frauke Fleischer-Dogley, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Seychelles Islands Foundation (SIF), đơn vị khởi xướng chương trình này hợp tác với Bộ Nông nghiệp, Biến đổi khí hậu và Môi trường (MACCE), cho biết trước đây, nhiều nông dân phải trộm hạt cây từ khu bảo tồn thiên nhiên để mang về tự trồng.

Kế hoạch mới được hy vọng sẽ mang lại cho người dân trên đảo cơ hội trồng cây coco de mer một cách hợp pháp và bảo tồn chúng cho tương lai. Bà nói: “Việc trồng cây coco de mer trong đất tư hữu mang lại cho Seychellois quyền sở hữu chung đối với loài này”.

Cây coco de mer cái trên đảo Praslin có nhiều hạt. (Ảnh: Alamy)

Từ năm 1978, việc buôn bán hạt cây coco de mer đã bị kiểm soát bằng giấy phép. Bất kỳ ai trồng cây này, hoặc buôn bán hạt, đều phải đăng ký với MACCE. Mỗi hạt cây đều được đánh số và theo dõi. Ngay cả vỏ hạt coco de mer, được bán cho khách du lịch với giá từ 5.000 đến 6.000 rupee Seychellois (tương đương 230-275 USD), cũng phải đi kèm với giấy phép.

Với mức giá này, gần 100.000 cư dân Seychelles không thể tiếp cận cây coco de mer. Các hạt bán làm đồ lưu niệm cũng không trồng được vì phần nhân bên trong vỏ đã bị loại bỏ và chế biến riêng để bán ở Đông Á, nơi nó được cho là một loại thuốc kích dục.

Tiến sĩ Fleischer-Dogley nói: “Chúng tôi nghĩ việc phân phối hạt có kế hoạch sẽ khiến động cơ để ăn trộm chúng không còn nữa”. Các hạt giống sẽ được lấy từ Vallée de Mai và Khu bảo tồn thiên nhiên Fond Ferdinand (cũng do SIF quản lý), nơi thu hoạch khoảng 50 quả rụng mỗi tháng.

Phần nhân bên trong vỏ hạt coco de mer được chế biến riêng để bán ở Đông Á, nơi nó được cho là một loại thuốc kích dục. (Ảnh: AFP)

Theo chương trình này, SIF yêu cầu người dân nộp đơn theo biểu mẫu chi tiết và nộp phí 500 rupee Seychellois được gieo hạt trên tại đất của mình.

Nông dân cũng phải đáp ứng một số tiêu chí. Vì cây lớn sẽ đạt chiều cao từ 7,5 đến 10,5 m, diện tích đất trồng phải đạt tối thiểu 10×10 m cho mỗi hạt. Nhân viên SIF sẽ đến đánh giá từng khu đất để quyết định xem người nộp đơn có đủ điều kiện để trồng cây hay không, và có thể trồng được bao nhiêu hạt. Họ cũng phải đảm bảo những kẻ săn trộm không thể tiếp cận địa điểm trồng cây.

Loại hạt lớn nhất thế giới

“Ban đầu, chúng tôi nghĩ nhu cầu sẽ vào khoảng 30 hạt. Nhưng phản hồi vượt xa kỳ vọng. Vào cuối thời hạn nộp đơn vào tháng 12, SIF đã nhận được 104 đơn cho 422 hạt”, tiến sĩ Fleischer-Dogley.

Khẩu hiệu “Chúng ta có thể ngăn chặn nạn trộm cắp hạt coco de mer” trên đảo Praslin. (Ảnh: AFP)

94 trong số những người nộp đơn đến từ đảo chính Mahé, 7 người từ Praslin và ba người từ La Digue. Từ khi chương trình ra mắt, SIF đã thực hiện 60 lượt khảo sát vườn trồng. Tất cả đều thành công, nhưng trong một số trường hợp, số lượng hạt phải giảm do thiếu không gian hoặc chất lượng đất không đạt. Cho đến nay, 66 hạt đã được trồng trên 26 khu đất.

Vào tháng 12/220, các chuyến khảo sát và gieo hạt còn lại đã bị tạm dừng do hạn chế di chuyển vì Covid-19.

Alix Esparon trồng hạt coco de mer trên đất của mình ở Mahé, cùng với Ronny Rose từ SIF, vào tháng 10/2020. (Ảnh: SIF)

Vì quá trình nảy mầm sẽ mất vài tháng, nhân viên SIF sẽ đến kiểm tra các hạt giống đã trồng sau 6 tháng. Fleischer-Dogley nói: “Chúng tôi không chỉ ghi lại số thửa đất từ bản đồ ​​địa chính, chúng tôi còn ghi nhận tọa độ GPS nơi từng hạt được gieo trồng. Nếu có một hạt không nảy mầm, chúng tôi có thể đổi hạt khác cho người dân nếu họ muốn”.

Tốc độ phát triển chậm của cây dừa biển có nghĩa là không phải tất cả những người trồng cây đều có thể nhìn thấy cây dừa của họ trưởng thành. Chuyên gia thực vật Katy Beaver nói: “Đây là một dự án rất dài hạn”.

Vỏ coco de mer được trưng bày trong một cửa hàng lưu niệm ở sân bay quốc tế Seychelles, Mahé. (Ảnh: AFP)

Lindsay Chong Seng, người đứng đầu nhóm Hành động Bảo tồn Thực vật của Seychelles, cho biết thêm: “Chương trình này sẽ làm tăng số lượng quần thể loài cây coco de mer, rất có ích về đa dạng sinh học. Nó sẽ giúp biến coco de mer thành một điểm nhấn văn hóa mà không phá hủy môi trường sống của nó. Về lâu dài, nó có thể giảm áp lực lên những khu rừng coco de mer hoang dã cuối cùng còn sót lại trên đảo Praslin”.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn. “Phần lớn những cây dừa này sống biệt lập với môi trường sống tự nhiên của chúng, nơi quá trình thụ phấn diễn ra không cần sự trợ giúp. Vì vậy, việc thụ phấn nhân tạo sẽ là cần thiết và sẽ phải được tính đúng thời điểm”, Beaver nói.

Tác phẩm điêu khắc vỏ dừa biển coco de mer bên ngoài một bưu điện trên đảo Mahé, Seychelles. (Ảnh: AFP)

Hiện tại, người dân Seychelles được trồng coco de mer trên đất của mình đều đang rất vui mừng. Heather Adams và chồng, nghệ sĩ Michael Adams, gần đây đã trồng 5 hạt giống trong khuôn viên của họ ở Mahé. Heather hy vọng cả năm hạt đều sẽ nảy mầm. “Tôi chắc chắn các thế hệ mai sau sẽ trân trọng chúng”, cô nói.

Nguồn: Khánh Linh/Báo Khoa học & Đời sống

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  3. Làm rõ tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon đến Việt Nam
  4. Xây dựng cơ chế tài chính toàn cầu cho chi trả dựa trên kết quả giảm phát thải
  5. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  6. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  7. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
  8. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ

Từ khóa » Hạt đậu To Nhất Thế Giới