Giải đáp 11 Câu Hỏi Nhức Nhối Về KEM CHỐNG NẮNG Cho Các Bạn ...

Dù mới tập tành sử dụng kem chống nắng hay đã dùng hàng ngày từ lâu thì rất nhiều người vẫn còn khá bỡ ngỡ và còn nhiều thắc mắc về kem chống nắng. Để giúp bạn không tốn nhiều thời gian nhưng vẫn hiểu “tất tần tật” về kem chống nắng, Happy Skin đã tổng hợp một “cuốn”cẩm nang bao gồm các câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp nhất về kem chống nắng. Cùng theo dõi để tìm được câu trả lời cho mình nhé!

  1. Da nhạy cảm nên cẩn trọng với những thành phần nào trong kem chống nắng?

Các thành phần trong kem chống nắng có nguy cơ cao gây kích ứng, nhất là với những làn da nhạy cảm gồm có Para-Aminobenzoic Acid (PABA), Benzophenones (Oxybenzone), Cinnamates (Octinoxate), Octorylene, Titanium Dioxide, cồn (Ethanol, Alcohol Denat), chất tạo mùi, parabens…

Ngoài ra, để chắc chắn sản phẩm kem chống nắng không gây hại cho da, bạn nên thử dùng vùng dưới quai hàm 3-4 ngày để quan sát phản ứng của da trước khi thoa toàn mặt.

Xem thêm: Top 8 kem chống nắng dành riêng cho da nhạy cảm

  1. Nên chọn kem chống nắng có chỉ số SPF khoảng bao nhiêu để đủ bảo vệ da?

Thực tế, không có một chỉ số SPF chính xác nào được quy ước đủ để bảo vệ da, việc chọn chỉ số SPF như thế nào để ngăn chặn tối ưu tia UVB tác động lên da còn tùy thuộc vào UV Index ở nơi bạn sống, vào thời tiết từng thời điểm trong năm.

Tuy nhiên với khí hậu nhiệt đới, nắng nóng quanh năm như ở Việt Nam thì các chuyên gia da liễu đều khuyên là nên dùng kem chống nắng với SPF 30 trở lên. Riêng vào những ngày mùa hè nóng đỉnh điểm, nên dùng kem chống nắng có chỉ số 50. Và nhớ thêm là kem chống nắng có chỉ số cao thế nào cũng sẽ không chặn được tia UVB mà chỉ làm da thêm kích ứng thôi nên đừng cố chọn những sản phẩm kem chống nắng cao ngất ngưỡng nha.

Bên cạnh chỉ số SPF nên chọn kem chống nắng có thêm chỉ số PA để bảo vệ da khỏi tia UVA. Với thời tiết ở Việt Nam, kem chống nắng có chỉ số PA +++ trở lên là lựa chọn lý tưởng để bảo vệ da tối ưu khỏi ánh nắng mặt trời.

Mức độ chống tia UVB của các chỉ số SPF phổ biến.

  1. Dùng lượng kem chống nắng bao nhiêu mới đủ cho vùng mặt?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia da liễu, con số tiêu chuẩn để thoa kem chống nắng cho vùng mặt là 2 miligram/cm2 da. Điều này đồng nghĩa với việc để thoa trọn vẹn khuôn mặt, trung bình cần khoảng 1,2 gram kem chống nắng, còn cho cơ thể là 25-30 gram. Bạn có thể tham khảo bảng tính chi tiết lượng kem chống nắng cần cho từng diện tích mặt.

Tuy nhiên đây chỉ là quy ước tiêu chuẩn mang tính tương đối, trung bình với gương mặt người Việt Nam thì khoảng 1/8tsp cho mặt hoặc 1/4 tsp cho cả mặt và cổ. Ước lượng đơn giản hơn thì có thể canh theo đồng xu 5k hoặc kem to bằng 1 đốt ngón tay. Thực tế thì không phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng thoa đủ 1 lượng nhiều như thế, nhất là với dạng kem dễ tạo cảm giác dày bí đặc biệt là với da dầu mụn. Để mỗi lần thoa kem chống nắng không trở thành cực hình thì bạn nên:

  • Chọn sản phẩm dạng lỏng, thấm nhanh
  • Thoa lượng vừa đủ thoái mái cho mặt, sau đó hỗ trợ thêm bằng viên uống chống nắng, hoặc phấn phủ chống nắng hoặc xịt chống nắng.

Bảng quy đổi lượng kem chống nắng ra thìa đong của từng bộ phận trên cơ thể.

  1. Có nhất thiết phải tẩy trang buổi tối khi dùng kem chống nắng không?

Câu trả lời là chắc chắn cần thiết. Dù bạn dùng kem chống nắng vật lý hay hóa học, và có trang điểm hay không thì việc tẩy trang vào mỗi buổi tối là vô cùng cần thiết nếu không muốn da bị bít tắc lỗ chân lông, gây nổi mụn. Hầu hết các loại kem chống nắng đều có chứa silicone, do đó nếu không tẩy trang mà chỉ dùng sữa rửa mặt thông thường thì không thể làm sạch mọi tạp chất trên bề mặt cũng như ẩn sâu trong lỗ chân lông.

Vì vậy, nếu bạn dùng kem chống nắng thì nhớ tối nào cũng phải double cleansing. Tuy nhiên, bạn không phải dùng sản phẩm tẩy trang “nặng đô” như dầu tẩy trang, sáp tẩy trang… mà chỉ cần các loại nước tẩy trang dạng micellar là cũng đủ để làm sạch da.

Thêm một lưu ý nữa là khăn ướt tẩy trang chỉ tiện dụng và hỗ trợ làm sạch chứ không thể lấy đi hoàn toàn cặn kem chống nắng, thế nên nhớ là không dùng thay thế cho sản phẩm tẩy trang khác nhé!

Xem chi tiết các sản phẩm tẩy trang được nhiều người yêu thích lựa chọn.

  1. Kem chống nắng vật lý hay kem chống nắng hóa học tốt hơn?

Câu trả lời là không có cái nào tốt hơn cái nào, cả kem chống nắng hoá học và vật lý đều có tác dụng bảo vệ làn da ngang nhau. Tất cả tuỳ thuộc vào sự lựa chọn và đặc tính của da bạn mà thôi. Mỗi loại kem chống nắng đều có ưu nhược điểm riêng, nên không thể vì một lần xài không hợp mà đánh giá kem chống nắng hóa học xấu hơn kem chống nắng vật lý hoặc ngược lại.

Kem chống nắng vật lý có ưu điểm là không tốn thời gian chờ thẩm thấu, bền vững trên da khi tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp, ít gây kích ứng. Còn nhược điểm của nó là để lại màng trắng trên da, thường xuyên phải thoa lại để giữ hiệu quả chống nắng, chất kem dày, dễ gây bí da.

Kem chống nắng hóa học có ưu điểm là kết cấu lỏng, mỏng nhẹ, thấm nhanh vào da và không để lại vệt trắng trên da. Ngoài ra, một số hoạt chất trong kem chống nắng hoá học còn có khả năng bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời tốt hơn. Còn nhược điểm của nó là phải thoa 20 phút trước khi ra ngoài nắng; không bền vững dưới ánh nắng, phải thoa lại sau mỗi 2 tiếng sử dụng; dễ gây kích ứng với da khô và da nhạy cảm.

Như vậy, nếu bạn có làn da dễ kích ứng, da khô, da nhạy cảm với nhiệt độ cao thì kem chống nắng vật lý là lựa chọn hoàn hảo. Còn với những bạn da dầu, da tối màu không thích để lại vệt trắng trên da hoặc muốn tìm một lớp kem chống nắng hoạt động như lớp kem lót trước khi trang điểm thì nên lựa chọn kem chống nắng hóa học.

Riêng với những bạn da mụn thì có thể chọn kem chống nắng vật lý hoặc hóa học đều được nhưng phải đủ các tiêu chuẩn như kết cấu mỏng nhẹ (dạnggel, lotion, sữa…), không gây bít lỗ chân lông (non-comedogenic), không gây mụn (non acnegenic), không chứa dầu (oil-free)…

Xem thêm: Top kem chống nắng lành tính cho da mụn nhạy cảm

Một tin vui là hiện nay đã có sản phẩm kem chống nắng vật lý lai hóa học, giúp khắc phục tối ưu nhược điểm của 2 kem chống nắng này. Thành phần của “đứa con lai” này là sự kết hợp của các thành phần kinh điển trong cả kem chống nắng vật lý và hóa học như: Avobenzone, Octisalate, Octinoxate, Octocrylene, Tinosorb S, Tinosorb M, Mexoryl XL, Mexoryl SX ; Zinc Oxide, Titanium Dioxide…

Ưu điểm của loại kem chống nắng này là không tạo lớp màng trắng bệch như geisha, độ bền vững lâu dài dưới nắng. Tuy nhiên vẫn không có kem chống nắng nào ưu việt 100%, nhược điểm của kem chống nắng vật lý lai hóa học là hơi bóng nhẹ vì Tinosorb S là một chất tan trong dầu. Nhưng cũng may là yếu điểm này có thể dễ dàng khắc phục bằng cách phủ một lớp bột phấn khoáng kiềm dầu sau khi thoa kem chống nắng.

  1. Nên thoa kem dưỡng ẩm trước hay sau kem chống nắng?

Câu trả lời là nên thoa kem dưỡng ẩm trước kem chống nắng. Thực ra, việc thoa kem chống nắng trước hay sau kem dưỡng ẩm vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng phần đông các chuyên gia da liễu đều khuyên nên thực hiện bước thoa kem chống nắng cuối cùng trong quy trình dưỡng da buổi sáng. Lý do là việc thoa kem dưỡng ẩm trước kem chống nắng giúp da ẩm mịn hơn, kem chống nắng cũng phát huy hiệu quả tốt hơn, hạn chế hiện tượng cakey với những bạn da khô.

Thực tế trong suốt nhiều năm dùng kem chống nắng, tôi cũng tuân theo quy luật này, buổi sáng luôn thoa kem dưỡng ẩm trước, sau đó chờ vài phút cho kem thẩm thấu, mới đến lớp chống nắng. Nếu bạn lười thì có thể bỏ luôn bước dưỡng ẩm, thay vào đó có thể chọn kem chống nắng có thêm thành phần dưỡng ẩm để bổ sung độ ẩm, tránh da bị khô mốc.

Xem thêm Top 11 kem dưỡng ẩm tốt dành cho da khô.

  1. Sử dụng kem dưỡng ẩm có SPF thay kem chống nắng được không?

Câu trả lời là không bao giờ. Nếu bạn ngại bôi trát nhiều lớp có thể chọn kem chống nắng có dưỡng ẩm để bỏ qua lớp dưỡng ẩm nhưng không nên dùng kem dưỡng ẩm có SPF thay thế kem chống nắng.

Theo các chuyên gia, những sản phẩm dưỡng ẩm có chỉ số SPF thực sự không có khả năng bảo vệ da tối ưu khỏi tia UV vì thành phần chống nắng bị hòa tan cùng các hợp chất dưỡng ẩm khác nên không thể phát huy hết tác dụng như khi ở “một mình” trong tuýp kem chống nắng cơ bản. Bởi vậy, nếu dùng kem dưỡng ẩm có SPF mà đã yên tâm bỏ qua bước chống nắng tốn thời gian thì bạn đang mắc sai lầm nghiêm trọng đấy.

Tốt nhất, bạn nên bôi kem dưỡng ẩm trước, sau đó tiếp tục bôi thêm 1 lớp kem chống nắng riêng biệt có chỉ số SPF từ 30 trở lên khoảng 15 – 20 phút trước khi ra khỏi nhà để đủ bảo vệ da khỏi sự tấn công của tia cực tím.

  1. Những ngày trời mưa, trời âm u có nên thoa kem chống nắng không?

Cái có hại cho da không phải là nắng, hay nóng từ ánh nắng mặt trời mà chính là tia UV, mà tia UV không phải chỉ xuất hiện trong những ngày nắng chói chang mà kể cả những ngày mưa hay âm u đều có sự hiện diện của nó. Vậy nên, cũng như việc rửa mặt, bôi kem chống nắng là bước cơ bản phải thực hiện mỗi ngày, dù ngày nắng hay ngày mưa, mùa đông hay mùa hè.

Ngoài ra, bạn nào đang còn giữ suy nghĩ làm việc trong phòng máy lạnh, không tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời nên không cần bôi kem chống nắng thì hãy bỏ ngay đi nhé. Hãy nhớ là tia UVA có thể xuyên qua cửa kính, rèm che cửa và gây tác hại lên da ngay cả khi bạn ngồi trong ô tô, văn phòng, thậm chí là mặc quần áo chống nắng.

  1. Có thật một số thành phần trong kem chống nắng có thể gây ung thư?

Đó chỉ là những tin đồn “thất thiệt” mà thôi, thực sự các thành phần trong kem chống nắng nếu nằm trong danh sách sử dụng với liều lượng cho phép được FDA công nhận thì hoàn toàn không có nguy cơ gây ung thư.

Chẳng hạn như oxybenzone, một thành phần phổ biến trong kem chống nắng hóa học từng bị đồn đoán là có nguy cơ gây ưng thư bởi theo một nghiên cứu cũ trên chuột, oxybenzone có thể xâm nhập vào da và tạo ra các gốc tự do, các chất độc hại, góp phần vào sự phát triển u ác tính, dạng ung thư da nguy hiểm nhất.

Tuy nhiên sự thật là hơn 20 năm qua, oxybenzone đã được FDA chấp thuận cho sử dụng trong kem chống nắng và đến hiện tại vẫn chưa có một bằng chứng nào cho thấy nó có thể gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào ở người.

Về vấn đề này, Happy Skin đã có một bài viết “minh oan” cho các thành phần trong kem chống nắng. Các bạn có thể xem thêm chi tiết tại đây.

Bảng quy định nồng độ chi tiết cho các thành phần trong kem chống nắng của FDA.

  1. Kem chống nắng chứa cồn có gây hại cho da không?

Câu trả lời là có hoặc không, tùy thuộc vào loại cồn và nồng độ cồn trong kem chống nắng bạn đang sử dụng.

Hiểu một cách đơn giản, cồn trong mỹ phẩm có 2 loại là cồn béo (fatty alcohol) và cồn khô (drying alcohol). Trong đó, cồn béo mang lại rất nhiều lợi ích nổi bật như dưỡng ẩm, làm dịu và mềm da. Một số loại cồn béo thông dụng và an toàn (trừ các trường hợp dị ứng) là cetyl alcohol, cetearyl alcohol, stearyl alcohol, behenyl alcohol và myristyl alcohol.

Còn cồn khô thường xuất hiện dưới các tên như ethanol, methanol, alcohol, ethyl alcohol, alcohol denat, benzyl alcohol, isopropyl alcohol và những loại SD alcohol. So với cồn béo, cồn khô thường chịu nhiều tai tiếng hơn nhưng thực ra nó không xấu 100%. Cồn khô thường được dùng trong kem chống nắng nhờ khả năng giúp kem thấm nhanh hơn, kiềm dầu, se lỗ chân lông. Đó là lý do mà dùng kem chống nắng có cồn luôn có cảm giác khô thoáng và ít đổ bóng dầu.

Tuy nhiên nếu dùng cồn khô ở nồng độ cao có thể làm mất đi dầu và protein ở bề mặt, ảnh hưởng đến lớp màng ẩm của da, gây kích ứng cho da khô, da mụn và đẩy nhanh quá trình lão hóa da.

Cồn trong kem chống nắng không hoàn toàn gây hại cho da.

Tóm lại, cồn trong kem chống nắng là vô cùng phổ biến và rất nhiều thương hiệu kem chống nắng nổi tiếng của Nhật và Mỹ đều có chứa cồn như Kose, Anessa, Kiehl’s, Birore… Vậy nên, nếu kem chống nắng có chứa cồn nhưng ở nồng độ thấp thì bạn vẫn có thể thoải mái sử dụng. Tuy nhiên nếu bạn thuộc team da nhạy cảm, dễ kích ứng thì tốt nhất vẫn cứ nên tránh những sản phẩm mà cồn xuất hiện ở những vị trí đầu tiên trong bảng thành phần. Trường hợp cẩn trọng hơn thì chọn kem chống nắng không chứa cồn (alcohol-free) để đảm bảo da không bị kích ứng.

  1. Sử dụng viên uống kem chống nắng thay kem chống nắng được không?

Câu trả lời là hoàn toàn không được. Viên uống chống nắng chứa thành phần chính là các thành phần chống oxy hóa mạnh như chiết xuất dương xỉ, vitamin C, E, chiết xuất lựu giúp bảo vệ tế bào da khỏi những hư tổn từ bên trong cơ thể khi tiếp xúc với tia UV và tăng cường khả năng chống nắng tự nhiên của cơ thể.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cảnh báo khả năng bảo vệ da từ viên uống chống nắng là rất hạn chế, không thể thay thế được kem chống nắng mà phải kết hợp bôi kem chống nắng và các vật dụng bảo vệ.

Theo một số thí nghiệm thì viên chống nắng ví dụ như Sunsafe có khả năng chống nắng tương đương SPF5. Một con số khá khiêm tốn nhưng với những người thoa kem chống nắng chưa đúng và đủ, không thoa lại nhiều lần trong ngày thì hiệu quả mà viên uống chống nắng mang lại là khá rõ rệt.

Tóm lại là viên uống chống nắng giúp khắc phục một số nhược điểm của kem chống nắng, đồng thời hỗ trợ khả năng bảo vệ da tối ưu trước tác hại của cả hai loại tia cực tím UVB, UVA nhưng phải dùng kết hợp chứ không phải thay thế.

Xem thêm bài viết: Viên uống chống nắng có thể thay thế kem chống nắng không.

Nếu bạn còn thắc mắc nào liên quan đến kem chống nắng thì đừng quên đặt câu hỏi cho Happy Skin nhé!

Từ khóa » Thành Phần Cồn Trong Kem Chống Nắng