[Giải đáp] Cấu Tạo Và Chức Năng Của Gan đối Với Cơ Thể Như Thế Nào?

Gan là một trong 5 tạng phủ, liên quan đến hơn 500 hoạt động của cơ thể và dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Vậy cấu tạo và chức năng của gan ra sao, chẩn đoán và điều trị suy giảm chức năng gan thế nào, hãy cùng chuyên gia tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

5/5 - (111 bình chọn)
  1. 1. Gan là gì? Cấu tạo của gan
  2. 2. Chức năng của gan đối với cơ thể
    1. 2.1. Chức năng chuyển hóa của gan
    2. 2.2. Sản xuất mật
    3. 2.3. Chức năng chống độc
    4. 2.4. Chức năng dự trữ
  3. 3. Các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng của gan
  4. 4. Chẩn đoán suy giảm chức năng gan
    1. 4.1. Xét nghiệm máu kiểm tra chức năng của gan
    2. 4.2. Chẩn đoán chức năng gan thông qua hình ảnh
  5. 5. Điều trị chức năng gan suy giảm
  6. 6. Phòng ngừa và cải thiện chức năng gan

1. Gan là gì? Cấu tạo của gan

chức năng của gan

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể.

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể và thực hiện tới hơn 500 nhiệm vụ thiết yếu. Đây cũng là bộ phận duy nhất có khả năng tái sinh, tự làm lành được các tổn thương.

Gan có thể nặng từ 1,44 – 1,8kg đối với nam và 1,2 – 1,4kg đối với nữ, có màu đỏ nâu, có độ đàn hồi cao với kết cấu như cao su, nằm ở phía trên và bên trái của dạ dày và bên dưới phổi.

Cơ quan này có hình gần như tam giác, bao gồm hai thùy, thùy phải lớn hơn và thùy trái nhỏ hơn. Hai thùy được ngăn cách bởi dây chằng liềm falciform. Gan cũng được bao bọc bởi một lớp mô sợi gọi là nang Glisson. Lớp nang này lại được bao phủ thêm một lớp phúc mạc, một màng tạo thành niêm mạc của khoang bụng. Điều này giúp cố định gan và bảo vệ gan khỏi những tác động vật lý.

Gan được cung cấp từ hai nguồn máu chính: tĩnh mạch cửa mang máu giàu chất dinh dưỡng từ hệ tiêu hóa và động mạch gan mang máu có oxy từ tim. Mỗi mạch máu lại được chia thành các mao mạch nhỏ và kết thúc bằng một tiểu thùy. Các tiểu thùy này chính là đơn vị chức năng của gan và bao gồm hàng triệu tế bào gan.

2. Chức năng của gan đối với cơ thể

Như đã đề cập, gan liên quan đến hơn 500 hoạt động của cơ thể. Nếu như trong Y học cổ truyền đề cập đến vai trò của gan (can) chủ tàng huyết (lưu trữ và vận chuyển máu trong cơ thể), chủ cân gân (chủ về gân, cơ, cử động) và chủ về sơ tiết (giúp vận hành và điều hòa các tạng phủ khác) thì theo Y học hiện đại, gan đảm nhiệm nhiều vai trò chính. Cụ thể:

chức năng của gan đối với cơ thể

Gan đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể.

2.1. Chức năng chuyển hóa của gan

Gan được coi là nhà máy chuyển hóa chất đạm, chất béo và duy trì nồng độ glucose ở mức ổn định.

Chuyển hóa carbohydrate (chuyển hóa glucid)

Duy trì nồng độ glucose trong máu trong thời gian ngắn (tính theo giờ) hay dài (tính theo ngày đến vài tuần) là chức năng đặc biệt quan trọng của gan. Glucose dư thừa sẽ được gan hấp thụ và cô lập thành glycogen. Nếu nồng độ glucose trong máu bắt đầu giảm, gan sẽ “huy động” glycogen để phân giải thành glucose vận chuyển lại máu.

Ngoài ra, khi nguồn dự trữ glycogen cạn kiệt, gan tiếp tục kích hoạt các nhóm enzyme để tổng hợp glucose từ axit amin và carbohydrate không hexose.

Chuyển hóa chất béo

Gan là nơi tổng hợp chất béo trung tính, cholesterol và các phân tử lipid cấu thành nên lipoprotein. Tại đây gan tích cực oxy hóa chất béo trung tính để tạo ra năng lượng và phân hủy các axit béo. Nhờ quá trình này mà gan đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các lipid trung tính và cholesterol ra khỏi gan, tránh ứ đọng mỡ trong gan.

Chuyển hóa protein

Tế bào gan thực hiện nhiệm vụ sản xuất gần 50% lượng protein trong cơ thể trong đó có protein huyết tương (có chứa albumin và globulin). Ngoài ra, gan cũng chuyển hóa các acid amin thông qua 3 quá trình khử carboxyl, khử amin và trao đổi amin.

2.2. Sản xuất mật

Mật là sản phẩm bài tiết của tế bào gan. Sau khi bài tiết mật được vận chuyển đến túi mật ở dạng cô đặc và được “bơm xuống” ruột non trong các bữa ăn. Lượng mật này có tác dụng tiêu hóa thức ăn tan trong dầu và giúp hấp thu chất dinh dưỡng trong cơ thể.

Số lượng muối mật được bài tiết khoảng 0,5 lít/ngày.

2.3. Chức năng chống độc

Chức năng quan trọng khác của gan là chống độc. Đây được coi là hàng rào bảo vệ cơ thể để chống lại các yếu tố độc hại xâm nhập qua đường tiêu hóa, đồng thời giảm độc tính và thải trừ một số chất tạo ra trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.

Gan chống độc dựa theo cơ chế:

  • Cơ chế cố định thải trừ: giữ lại các chất độc hại và đào thải nguyên dạng chúng ra khỏi cơ thể thông qua đường mật
  • Cơ chế hóa học: Gan biến đổi các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc hơn, tan trong nước để thải ra ngoài qua đường thận hoặc đường mật

2.4. Chức năng dự trữ

Gan cũng đảm nhiệm chức năng dự trữ cho cơ thể lượng dưỡng chất thiết yếu như máu, glucid, sắt và một số vitamin như A, D hay B12…

Dự trữ máu: Lượng máu bình thường trong gan chứa được khoảng 600-700ml. Khi áp suất máu tại tĩnh mạch gan tăng lên có thể phình ra để chứa thêm 200-400ml. Khi thể tích máu giảm, gan tự động co lại để điều tiết máu cho hệ tuần hoàn.

Dự trữ glucid: Gan dự trữ glucid dưới dạng glycogen và tham gia điều hòa đường huyết.

Dự trữ sắt: Gan là 1 trong 3 cơ quan dự trữ sắt (gan, lá lách, tủy xương). Sắt được lưu trữ dưới dạng ferritin. Khi cần gan sẽ đưa sắt đến cơ quan tạo máu nhờ protein transferrin. Lượng sắt dự trữ này từ thức ăn hoặc sự thoái hóa Hb.

Dự trữ vitamin B12: Vitamin B12 sau khi hấp thụ sẽ được lưu trữ tại gan để giải phóng dần cho cơ thể khi cần thiết. Lượng B12 trong gan đủ để cơ thể dùng trong 2 năm với điều kiện bình thường.

Dự trữ vitamin tan trong dầu: Nhờ chức năng bài tiết mật, gan vừa hấp thu vitamin tan trong dầu, vừa dự trữ vitamin như vitamin A, vitamin D, vitamin E…

3. Các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng của gan

Các bệnh lý ảnh hưởng đến vai trò của gan

Bất kỳ tổn thương nào ít nhiều đều ảnh hưởng đến chức năng của gan.

Khi có những tổn thương ở gan làm suy giảm chức năng gan có thể liên quan đến các bệnh lý như:

  • Gan nhiễm mỡ: Mỡ bám trong gan làm ảnh hưởng đến chức năng của gan
  • Viêm gan: Thường do các virus Viêm gan A, virus viêm gan B, viêm gan C. Viêm gan siêu vi có thể có những nguyên nhân do uống nhiều rượu, sử dụng ma túy, phản ứng dị ứng hoặc do béo phì.
  • Xơ gan: Do những tổn thương kéo dài tại gan mà không có thời gian để gan phục hồi, dẫn đều sẹo vĩnh viễn (xơ gan).
  • Ung thư gan: Đây là loại ung thư phổ biến nhất, ung thư biểu mô tế bào, thường gặp hầu hết ở trường hợp sau khi bị xơ gan
  • Suy gan: Suy gan do nhiều nguyên nhân gây nên như nhiễm trùng, di truyền hoặc uống quá nhiều rượu
  • Xơ gan cổ trướng: do gan bị xơ, chảy dịch (cổ trướng) vào khoang bụng khiến bụng căng, nặng
  • Sỏi mật: Sỏi mật kẹt trong ống mật dẫn đến gan có thể gây viêm gan và nhiễm trùng ống mật
  • Bệnh Hemochromatosis: do sắt lắng đọng trong gan
  • Viêm đường mật xơ cứng nguyên phát: gây viêm và sẹo trong đường mật ở gan
  • Xơ gan mật nguyên phát: làm phá hủy các ống dẫn mật trong gan từ đó hình thành sẹo gan vĩnh viễn

4. Chẩn đoán suy giảm chức năng gan

Để biết bạn có mắc các vấn đề về chức năng gan hay không, bên cạnh khai thác tiền sử bệnh lý và các triệu chứng thường gặp, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm để kiểm tra những bất thường thông qua xét nghiệm máu và kiểm tra bằng hình ảnh.

4.1. Xét nghiệm máu kiểm tra chức năng của gan

Thực hiện Bộ xét nghiệm chức năng gan: Kiểm tra mức độ của gan đang ở ngưỡng nào, có bị suy giảm hay không:

  • Chỉ số ALT (Alanine Aminotransferase): nếu ALT tăng cao có thể phát hiện bệnh gan hoặc tổn thương gan.
  • Chỉ số AST (Aspartate Aminotransferase): Cùng với ALT tăng cao, AST sẽ kiểm tra tổn thương gan.
  • Alkaline phosphatase: Alkaline phosphatase có trong tế bào tiết mật ở gan; nó cũng nằm trong xương. Ở ngưỡng cao cho thấy ống mật bị tắc nghẽn.
  • Bilirubin: Mức bilirubin cao cho thấy có vấn đề với gan.
  • Albumin: Là một phần của tổng mức protein, xác định mức độ hoạt động của chức năng gan.
  • Amoniac: Nồng độ amoniac trong máu tăng lên khi gan không hoạt động bình thường.
  • Xét nghiệm viêm gan A: Nếu nghi ngờ mắc bệnh viêm gan A, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm chức năng gan cũng như kháng thể để phát hiện virus viêm gan A.
  • Xét nghiệm viêm gan B: Bác sĩ có thể kiểm tra nồng độ kháng thể để xác định xem bạn có bị nhiễm vi rút viêm gan B hay không.
  • Xét nghiệm viêm gan C: Ngoài việc kiểm tra chức năng gan, xét nghiệm máu có thể xác định xem bạn có bị nhiễm vi rút viêm gan C hay không.
  • Thời gian prothrombin (PT): Thời gian prothrombin, hoặc PT, thường được chỉ định để phát hiện rối loạn chảy máu hoặc rối loạn đông máu.
  • Thời gian Thromboplastin Một phần (PTT): Một PTT được thực hiện để kiểm tra các vấn đề về đông máu.

4.2. Chẩn đoán chức năng gan thông qua hình ảnh

  • Siêu âm bụng: kiểm tra sơ bộ bệnh lý về gan như ung thư, xơ gan hoặc các vấn đề về sỏi mật
  • Chụp CT Scan: cho thấy hình ảnh chi tiết về gan và các cơ quan khác trong ổ bụng
  • Sinh thiết gan: thường được chỉ định thực hiện sau một xét nghiệm khác nếu có như xét nghiệm máu hoặc siêu âm để biết cụ thể hơn vấn đề mà gan đang gặp phải
  • Quét gan và lá lách: Kỹ thuật này giúp phát hiện các ổ áp xe, khối u và các vấn đề chức năng khác

>>> Tìm hiểu thêm: Cách chẩn đoán hình ảnh gan nhiễm mỡ

5. Điều trị chức năng gan suy giảm

Tùy vào từng bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng gan sẽ có những loại thuốc đặc trị. Nhìn chung, có 3 hướng điều trị khi suy giảm chức năng gan.

Sử dụng thuốc: Thuốc sẽ do các bác sĩ chỉ định về liều lượng và thời gian sử dụng, phụ thuộc vào tình hình bệnh.

Chăm sóc hỗ trợ: Nếu chức năng của gan kém do virus sẽ tiến hành điều trị triệu chứng đến khi virus ngừng hoạt động.

Ghép gan: Trường hợp gan bị tổn thương vĩnh viễn, suy giảm chức năng nặng nề và khó hồi phục, người bệnh có thể được chỉ định ghép gan nếu thể trạng cho phép.

Kết hợp phương pháp hỗ trợ: Ngoài ra có thể sử dụng một số liệu pháp như xung tần số thấp, truyền máu Ozone hoặc tách lọc virus…

Thay đổi bằng chế độ ăn lành mạnh hạn chế đồ dầu mỡ, tinh bột, rượu bia…

Sử dụng các loại thảo dược theo y học cổ truyền (theo chỉ định của bác sĩ, thầy thuốc)

6. Phòng ngừa và cải thiện chức năng gan

phòng ngừa và cải thiện hoạt động của gan

Cần phòng ngừa và cải thiện chức năng gan.

Theo Theo Đại tá, Ths.Bs. Hoàng Khánh Toàn – Nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để phòng ngừa suy giảm và rối loạn chức năng gan, điều quan trọng nhất bạn nên hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh bằng cách:

  • Tiêm chủng phòng ngừa viêm gan A, viêm gan B đầy đủ
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích đặc biệt với những người đang sử dụng acetaminophen
  • Tăng cường hoa quả có màu sắc đậm và rau màu xanh đậm
  • Uống đủ nước mỗi ngày (2-2,5 lít nước)
  • Duy trì cân nặng thích hợp (ở mức cho phép theo chỉ số BMI)
  • Thường xuyên tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày bằng các bộ môn phù hợp
  • Nếu đang gặp vấn đề về gan nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ
  • Chủ động thăm khám kiểm tra định kỳ chức năng gan
  • Sinh hoạt tình dục an toàn
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân

Trên đây là một số chức năng của gan và các bệnh lý ảnh hưởng làm suy giảm hoặc rối loạn chức năng gan. Bạn hãy chủ động phòng và bảo vệ gan khỏi những tác nhân gây hại. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào vui lòng liên hệ qua hotline 0865 344 349 để được giải đáp.

XEM THÊM:

  • Viêm gan C lây qua đường nào – Cảnh giác với 3 mối nguy hiểm
  • Các cấp độ gan nhiễm mỡ – Biết mình đang ở cấp độ nào để phòng tránh suy giảm chức năng gan
  • Mỡ máu gây nguy hiểm thế nào? 6 tác hại cần cảnh giác tránh gan nhiễm mỡ

Từ khóa » Gan Lọc Gì