Giải đáp Những Thắc Mắc Cho Chị Em Về Tầm Soát Ung Thư Cổ Tử Cung

BVK - Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, Việt Nam có khoảng 4.200 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và có hơn 2.400 ca tử vong vì căn bệnh này. Ngoài bệnh ung thư vú, thì ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến thường gặp ở phụ nữ, đây cũng là mối quan tâm đặc biệt của chị em từ độ tuổi 30 trở lên.

“Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao. Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ, cùng với đó, việc tiêm phòng vắc-xin cũng là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung”. - chia sẻ từ TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội vú - phụ khoa Bệnh viện K.

Song song với việc nâng cao hiệu quả tầm soát, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung thì hiện nay tại Bệnh viện K, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng để điều trị căn bệnh này như phương pháp phẫu thuật, hóa xạ trị triệt căn, hóa xạ trị kết hợp phẫu thuật; phẫu thuật triệt căn đơn thuần điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm ....

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, tuy nhiên tại Bệnh viện K vẫn ghi nhận nhiều trường hợp đáng tiếc khi đến khám và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Do đó, việc phòng và phát hiện sớm và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung sao cho hiệu quả nhất luôn nhận được sự quan tâm lớn từ bạn đọc và người bệnh.

Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em phụ nữ, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35 - 44 tuổi. Đây là phương pháp phát hiện ra các tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 - 90%.

Có rất nhiều phụ nữ Việt đang bảo vệ bản thân mình bằng cách tầm soát loại ung thư này định kỳ. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về phương pháp này, chị em có nhiều thắc mắc chưa được giải đáp cụ thể. Vậy nên trong bài viết này, Bệnh viện K sẽ tổng hợp và mang tới câu trả lời cho bạn đọc.

1. Tầm soát ung thư cổ tử cung tác động thế nào đến điều trị bệnh?

Việc sàng lọc, chẩn đoán phát hiện ra các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành tế bào ung thư mang tới tỷ lệ điều trị bệnh thành công lên tới 80 - 90%. Càng phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị thì các tế bào bất thường phát triển mạnh hơn, hiệu quả điều trị sẽ giảm dần ,... Vậy có nghĩa là, nếu tầm soát ung thư sớm, chẩn đoán phát hiện được bệnh sớm thì tỷ lệ chữa được bệnh càng cao.

2. Nên lựa chọn phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung nào?

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là Pap và HPV. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện kết hợp xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.

Quy trình thực hiện xét nghiệm Pap thường diễn ra rất nhanh gọn và đơn giản, thường chỉ mất tầm vài phút. Bạn sẽ được các bác sĩ và y tá hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm.

3. Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung có độ chính xác cao không?

Tầm soát ung thư cổ tử cung hiện đang là cách sàng lọc ung thư cổ tử cung có độ chính xác cao nhất. Để đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm Pap chính xác nhất có thể, bạn cần làm theo những hướng dẫn dưới đây:- Tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.

- Tránh tầm soát loại ung thư này khi đang có kinh nguyệt. Nên làm sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 3 - 5 ngày.

- Đối với các trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm thì nên điều trị trước khi làm xét nghiệm.

4. Thời điểm nào nên tầm soát ung thư cổ tử cung? Tần suất bao lâu một lần?

Việc tầm soát ung thư thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục,... Từ 21 tuổi trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Trong đó, phổ biến nhất là độ tuổi 35 - 44 tuổi.

Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào loại xét nghiệm bạn chọn. Đa số định kỳ là từ 1 - 3 năm/lần.

5. Nếu phát hiện các tế bào bất thường sau khi xét nghiệm phải làm thế nào?

Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm, nếu có sự xuất hiện của các tế bào bất thường thì người bệnh cũng không nên quá lo lắng. Bởi có nhiều trường hợp các tế bào bất thường xuất hiện nhưng không phải do ung thư. Một thời gian sau, các tế bào ấy sẽ trở lại bình thường, người bệnh sẽ tiến hành sàng lọc, điều trị bệnh, với tỷ lệ thành công khá cao.

Để biết các tế bào bất thường ấy có trở lại bình thường hay phát triển thành tế bào ung thư thì cần xét nghiệm bổ sung thêm. Có thể là thực hiện soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung,… đồng thời người bệnh cần được kiểm tra thường xuyên cho tới khi kết quả hoàn tất.

6. Sau khi thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung có hoạt động bình thường được không?

Phụ nữ sau khi thực hiện tầm soát ung thư hoàn toàn có thể vận động đi lại, ăn uống như bình thường. Có một số trường hợp âm đạo sẽ bị chảy máu sau khi xét nghiệm xong. Tuy nhiên đây là hiện tượng bình thường nên chị em không cần quá lo lắng. Chỉ khi máu chảy quá nhiều thì cần thông báo với bác sĩ để được kiểm tra.

Nếu sau khi xét nghiệm tầm soát xong, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm thêm các xét nghiệm bổ xung khác. Bởi Pap là phương pháp chẩn đoán tỷ lệ chính xác cao nhưng chưa phải là tuyệt đối. Đôi khi các tế bào bình thường nhưng kết quả lại là bất thường, và ngược lại.

Bệnh viện K là cơ sở y tế uy tín nhất tại Hà Nội về tầm soát ung thư cổ tử cung. Với đội ngũ y bác sỹ nhiều năm kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện K sẽ giúp kết quả tầm soát chính xác nhất.

Để được tư vấn kỹ hơn về loại ung thư cũng như dịch vụ tầm soát ung thư, vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn và hỗ trợ người bệnh 1900886684 của Bệnh viện K để được hỗ trợ.

Từ khóa » Cách Kiểm Tra Bệnh Ung Thư Cổ Tử Cung