GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ SỸ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ SỸ QUAN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

VIỆT NAM, QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, CÔNG NHÂN

VÀ VIÊN CHỨC QUỐC PHÒNG

Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là gì và làm thế nào để có thể được tuyển chọn vào đội ngũ này?

1. Anh Hoàng trú tại phường Tây Lộc, thành phố Huế có con trai đang học lớp 12, anh dự định cho con trai theo quân đội. Anh đề nghị cho biết sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là gì và làm thế nào để có thể được tuyển chọn vào đội ngũ này?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 1 của Luật số 19/2008/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, Điều 2, 3, 4, 5. 6 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, quy định như sau:

- Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sau đây gọi chung là sĩ quan) là cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm cấp Úy, cấp Tá, cấp Tướng.

- Sĩ quan là lực lượng nòng cốt của quân đội và là thành phần chủ yếu trong đội ngũ cán bộ quân đội, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ khác, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

- Đội ngũ sĩ quan đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự quản lý thống nhất của Chính phủ và sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

- Điều kiện tuyển chọn đào tạo sĩ quan: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe và tuổi đời; có nguyện vọng và khả năng hoạt động trong lĩnh vực quân sự thì có thể được tuyển chọn đào tạo sĩ quan.

- Nguồn bổ sung sĩ quan tại ngũ: Những người sau đây được tuyển chọn bổ sung cho đội ngũ sĩ quan tại ngũ: Hạ sĩ quan, binh sĩ tốt nghiệp các trường đào tạo sĩ quan hoặc các trường đại học ngoài quân đội; hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu; quân nhân chuyên nghiệp và công chức quốc phòng tại ngũ tốt nghiệp đại học trở lên đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; cán bộ, công chức ngoài quân đội và những người tốt nghiệp đại học trở lên được điều động vào phục vụ trong quân đội đã được đào tạo, bồi dưỡng chương trình quân sự theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sĩ quan dự bị.

- Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của sĩ quan: Sĩ quan có quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định. Sĩ quan được Nhà nước bảo đảm về chính sách, chế độ ưu đãi phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự.

Trên đây là những nội dung cơ bản quy định về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh Hoàng muốn cho con trai vào sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam thì có thể hướng con theo các con đường là nguồn để bổ sung sĩ quan tại ngũ như giới thiệu ở trên.

Để phục vụ trong lực lượng quân đội cần có tiêu chuẩn về chính trị như thế nào?

2. Anh Khoa sinh ra trong gia đình có bố mẹ là nông dân. Anh luôn mong muốn được làm việc trong quân đội và cố gắng phấn đấu trong học tập. Anh đề nghị cho biết, để phục vụ trong lực lượng quân đội cần có tiêu chuẩn về chính trị như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 308/2017/TT-BQP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Bộ Quốc phòng quy định việc tuyển chọn, tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định:

- Quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng; cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế nhà nước và người lao động đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức không thuộc biên chế nhà nước; những người tốt nghiệp đại học, sau đại học có đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, sức khỏe và tuổi đời; có nguyện vọng và khả năng hoạt động trong lĩnh vực quân sự thì được xem xét tuyển chọn, tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam.

- Tiêu chuẩn chính trị:

+ Có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất đạo đức tốt; là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoặc có đủ tiêu chuẩn chính trị để bồi dưỡng phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Đủ tiêu chuẩn chính trị theo Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và theo Thông tư số 263/2013/TT-BQP ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Quốc phòng “Quy định về cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu, cơ mật trong Quân đội”.

Trên đây là quy định tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn về chính trị đối với những người được xem xét tuyển chọn, tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam. Do bạn Khoa không nêu rõ lý lịch gia đình bạn nên chúng tôi trả lời chung, bạn Khoa cần đối chiếu cụ thể với thực tế gia đình bạn để hiểu rõ.

Để được tuyển chọn vào Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định về độ tuổi và trình độ học vấn như thế nào?

3. Chị Hòa có học vị thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa 1. Hiện nay chị 32 tuổi và có mong muốn được làm việc trong Quân đội nhân dân Việt Nam để tiếp nối truyền thống của người cha. Tuy nhiên, nhiều người khuyên chị nên suy nghĩ lại vì độ tuổi của chị đã quá độ tuổi cho phép, đồng thời tiêu chuẩn về trình độ học vấn yêu cầu cũng rất cao. Chị Hòa đề nghị cho biết, để được tuyển chọn vào Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định về độ tuổi và trình độ học vấn như thế nào?

Trả lời:

Khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 6 Thông tư 308/2017/TT-BQP ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Bộ Quốc phòng quy định việc tuyển chọn, tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, quy định tiêu chuẩn về tuổi đời và trình độ học vấn, thời gian công tác đối với người dự tuyển vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ trong quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

1. Tuổi đời

a) Quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng diện cơ quan Quân sự quản lý, có độ tuổi phù hợp với từng cấp bậc, chức vụ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định.

b) Sinh viên tốt nghiệp đại học, không quá 30 tuổi ; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có học vị thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa 1, không quá 35 tuổi; người có học vị tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 2 không quá 40 tuổi.

c) Đối tượng đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ: Những người tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa 1 không quá 30 tuổi; tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa 2 không quá 35 tuổi.

2. Trình độ học vấn, thời gian công tác đối với trường hợp tuyển dụng, đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ từ đối tượng là người ngoài quân đội: Tốt nghiệp đại học hệ chính quy, công lập, tập trung dài hạn, loại khá trở lên. Riêng ở nơi có khả năng thu hút cao như: Trung tâm, Viện nghiên cứu, học viện, nhà trường, bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện loại 1 phải có điểm trung bình chung học đại học đạt 7,5 điểm và tương đương trở lên; trường hợp chuyên ngành hẹp, khó thu hút nhưng rất cần cho quân đội thì ít nhất phải có điểm trung bình chung học đại học đạt 7,0 điểm và tương đương. Trường hợp tình nguyện đến công tác ở các đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo (nơi có hệ số phụ cấp từ 0,7 trở lên) có thể vận dụng tốt nghiệp loại trung bình khá (phải bố trí công tác ổn định tại địa bàn, từ đủ 5 năm trở lên mới được xem xét luân chuyển sang địa bàn khác).

Trên đây là quy định về tuổi đời và trình độ học vấn thời gian công tác đối với trường hợp tuyển dụng, đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ từ đối tượng là người ngoài quân đội, chị Hòa đối chiếu với trường hợp cụ thể của chị để biết bản thân có đáp ứng được các tiêu chuẩn này không.

Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam phải chấp hành pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?

4. Chị Trương Thị Mai có chồng là sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Chị cho biết, anh rất ít khi được về nhà, nhưng mỗi lần về nhà, chồng chị không bao giờ nói chuyện công việc mặc dù chị có hỏi vì quan tâm. Anh nói đó là nguyên tắc, bí mật công việc và anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về công việc của mình. Chị Mai đề nghị cho biết, sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam phải chấp hành pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Điều 26, 27, 28 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 quy định như sau:

1. Sĩ quan có nghĩa vụ sau đây:

- Sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tham gia xây dựng đất nước, bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;

- Thường xuyên giữ gìn và trau dồi đạo đức cách mạng, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực về chính trị, quân sự, văn hóa, chuyên môn và thể lực để hoàn thành nhiệm vụ;

- Tuyệt đối phục tùng tổ chức, phục tùng chỉ huy; nghiêm chỉnh chấp hành điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội; giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia;

- Thường xuyên chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của bộ đội;

- Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng và gắn bó mật thiết với nhân dân.

2. Sĩ quan có trách nhiệm sau đây:

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về những mệnh lệnh của mình, về việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và việc thừa hành nhiệm vụ của cấp dưới thuộc quyền;

- Lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ của đơn vị theo chức trách được giao; bảo đảm cho đơn vị chấp hành triệt để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ, quy định của quân đội, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào;

- Khi nhận mệnh lệnh của người chỉ huy, nếu sĩ quan có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trong trường hợp vẫn phải chấp hành mệnh lệnh thì báo cáo kịp thời lên cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó.

3. Những việc sĩ quan không được làm: Sĩ quan không được làm những việc trái với pháp luật, kỷ luật quân đội và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.

Trên đây là những quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của sĩ quan và những việc sĩ quan không được làm. Theo đó, sĩ quan phải gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về những mệnh lệnh của mình, về việc chấp hành mệnh lệnh của cấp trên và việc thừa hành nhiệm vụ của cấp dưới thuộc quyền. Sĩ quan không được làm những việc trái với pháp luật, kỷ luật quân đội và những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.

Công nhân quốc phòng có vị trí, chức năng gì trong Quân đội?

5. Chị Phú có người bạn là công nhân quốc phòng. Chị đề nghị cho biết, công nhân quốc phòng có vị trí, chức năng gì trong Quân đội?

Trả lời:

Điều 3 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định vị trí, chức năng của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng như sau:

1. Quân nhân chuyên nghiệp là lực lượng nòng cốt của đội ngũ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý; thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và các nhiệm vụ khác của quân đội.

2. Công nhân quốc phòng là lực lượng lao động chủ yếu thuộc biên chế của Quân đội nhân dân, được bố trí theo vị trí việc làm; thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở sản xuất, sửa chữa, cải tiến, bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự; bảo đảm, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác của quân đội.

3. Viên chức quốc phòng là thành phần chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc biên chế của Quân đội nhân dân, được bố trí theo chức danh nghề nghiệp; thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, cơ sở nghiên cứu, giáo dục đào tạo, văn hóa, đơn vị quân y và đơn vị sự nghiệp khác thuộc Bộ Quốc phòng.

Như vậy, chị Phú căn cứ quy định trên để hiểu rõ vì vị trí, chức năng của công nhân quốc phòng trong lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân nhân chuyên nghiệp có quyền không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy nếu có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật không?

6. Quân nhân chuyên nghiệp có quyền không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy nếu có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật không?

Trả lời:

Điều 6 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định quyền, nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng như sau:

1. Quyền của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng:

a) Được Nhà nước bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ của Quân đội nhân dân;

b) Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quân sự, pháp luật và chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với vị trí, chức danh đảm nhiệm;

c) Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng:

a) Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao;

c) Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận mệnh lệnh của người chỉ huy, nếu có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật, điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trường hợp vẫn phải chấp hành thì báo cáo kịp thời lên cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó;

d) Bảo vệ tài sản và lợi ích của Nhà nước, quân đội, cơ quan, tổ chức; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân;

đ) Học tập chính trị, quân sự, pháp luật, văn hoá, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ; rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật và thể lực, nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh chiến đấu phù hợp với từng đối tượng;

e) Quân nhân chuyên nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, chấp hành điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân, các nghĩa vụ khác của quân nhân theo quy định của Hiến pháp, pháp luật;

g) Công nhân quốc phòng phải thực hiện nghĩa vụ của người lao động, chấp hành kỷ luật, nội quy lao động theo quy định của pháp luật; viên chức quốc phòng phải thực hiện nghĩa vụ của viên chức theo quy định của Luật viên chức.

Căn cứ quy định trên, quân nhân chuyên nghiệp phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên; khi nhận mệnh lệnh của người chỉ huy, nếu có căn cứ cho là mệnh lệnh đó trái pháp luật, điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân thì phải báo cáo ngay với người ra mệnh lệnh; trường hợp vẫn phải chấp hành thì báo cáo kịp thời lên cấp trên trực tiếp của người ra mệnh lệnh và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành mệnh lệnh đó.

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng không được làm gì?

7. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng không được làm gì?

Trả lời:

Điều 7 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định những việc quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng không được làm như sau:

1. Chống mệnh lệnh; trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ được giao.

2. Lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Những việc trái với pháp luật, điều lệnh, điều lệ và kỷ luật của Quân đội nhân dân.

4. Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quyền khiếu nại không?

8. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quyền khiếu nại không?

Trả lời:

Điều 11 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng như sau:

1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được khiếu nại khi có căn cứ cho rằng người chỉ huy đơn vị thực hiện hành vi không đúng chức trách đối với mình hoặc ra quyết định trái với quy định của điều lệnh, điều lệ của Quân đội nhân dân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Người chỉ huy đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét và giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền, trình tự và thủ tục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

2. Thực hiện quyền khiếu nại khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng có quyền khiếu nại theo quy định như trên.

Trong xây dựng lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Nhà nước ta có thực hiện hợp tác quốc tế không và hợp tác dưới hình thức gì?

9. Trong xây dựng lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Nhà nước ta có thực hiện hợp tác quốc tế không và hợp tác dưới hình thức gì?

Trả lời:

Điều 12 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định hợp tác quốc tế trong xây dựng lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng như sau:

1. Hợp tác quốc tế trong xây dựng lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phải tuân theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; phải bảo đảm bí mật nhà nước.

2. Hình thức hợp tác quốc tế trong xây dựng lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng:

a) Đào tạo, nghiên cứu khoa học, hội thảo, trao đổi thông tin, tư liệu;

b) Tham gia các hoạt động diễn tập, hội thao và thi đấu quốc tế;

c) Trao đổi chuyên gia.

Như vậy, Nhà nước ta thực hiện hợp tác quốc tế trong xây dựng lực lượng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thông qua các hình thức như trên.

Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng bị xử lý như thế nào nếu có vi phạm pháp luật?

10. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng bị xử lý như thế nào nếu có vi phạm pháp luật?

Trả lời:

Điều 49 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định xử lý vi phạm như sau:

1. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Quân nhân chuyên nghiệp khi bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì không được sử dụng quân phục, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu; nếu bị phạt tù thì đương nhiên bị tước quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu khi bản án có hiệu lực pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Những hình thức kỷ luật nào được áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng?

11. Những hình thức kỷ luật nào được áp dụng đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng?

Trả lời:

Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy địnhhHình thức kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng như sau:

1. Hình thức kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giáng chức;

d) Cách chức;

đ) Hạ bậc lương;

e) Giáng cấp bậc quân hàm;

g) Tước danh hiệu quân nhân.

2. Hình thức kỷ luật đối với công nhân và viên chức quốc phòng:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Buộc thôi việc.

3. Việc hạ bậc lương, mỗi lần chỉ được hạ một bậc; trường hợp vi phạm nghiêm trọng kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước thì hạ nhiều bậc lương.

4. Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân đối với quân nhân chuyên nghiệp, buộc thôi việc công nhân và viên chức quốc phòng là nữ khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

5. Việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.

6. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp; quy định việc giáng cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp trong trường hợp quân nhân chuyên nghiệp bị kỷ luật bằng hình thức hạ bậc lương.

Từ khóa » Số Hiệu Sĩ Quan