Giải Mã Giai Thoại Gián điệp Nguyễn Tư Thoan - Tiền Phong

Cái hồi thăm thẳm ấy thì làm chi có internet và phương tiện truyền thông đâu có cởi mở như bây giờ? Nên tin ấy có lẽ đã lọt ra trong phạm vi hẹp. Nhưng nó được chắp thêm cánh với sự đồn thổi thêm thắt là Bí thư Quảng Bình từng là gián điệp hằng bao nhiêu năm! Rồi bị phát hiện ra sau một thời gian dài chui sâu leo cao(!?)

Những thêm thắt vớ vẩn là thế mà biết bao người (trong đó có lũ chúng tôi hồi ấy đang năm thứ hai của Khoa Văn Đại học tổng hợp) cứ ngong ngóng câu chuyện cảnh giác vào tầm tối thứ bảy trên Đài Tiếng nói Việt Nam xem có kể về vụ gián điệp Nguyễn Tư Thoan không?

Cả bọn cật vấn thằng bạn Lương Ngọc Bính quê ở Tuyên Hóa, Quảng Bình vốn rất thạo tin (sau này ông bạn Lương Ngọc Bính từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình), Bính ta cũng ngớ ra tau có nghe nói nhưng chả biết trúng trúng trật trật ra răng?

Vâng, thời điểm đó gián điệp Nguyễn Tư Thoan không bị bắt! Cũng chẳng bị tù. Mà ông đương ở Hà Nội, là chuyên viên bậc 6 của Ban Nông nghiệp Trung ương.

Ông bạn viết Đỗ Hoàng quê Quảng Bình làm việc ở Trường Đại học Văn hóa từng có nhiều năm công tác ở Quảng Bình kể bằng giọng tưng tửng: Lần ấy vào Quảng Bình viết lịch sử cho ngành giao thông, Hoàng được giới thiệu làm việc với ông Lại Văn Ly, nguyên Trưởng ty giao thông Quảng Bình rồi Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Bình trong những năm ông Thoan làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Công việc vơi vơi. Rảnh rỗi, Đỗ Hoàng gợi lại chuyện ông Nguyễn Tư Thoan mần gián điệp. Những cài cắm cùng chui sâu leo cao này khác…

Ông Lại Văn Ly trả lời nghiêm túc:

- Không phải anh ạ. Trước cách mạng, ông Thoan có thời gian ngắn làm nhân viên cảnh sát của Pháp. Việc này ông Thoan không khai trong lý lịch.

Lần ấy, Bí thư tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan ra Hà Nội dự một cuộc họp quan trọng. Ông Thoan ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn. Ở phía dưới hội trường có một đại biểu người trong Nam ngồi chăm chắm quan sát vị đại biểu đang nghiêm cẩn ở hàng ghế đoàn chủ tịch.

Có lẽ nào? Vị đại biểu người miền Nam phân vân…

Rồi sự phân vân ấy cũng đã được làm rõ nhờ sự lanh lẹ cùng mẫn cán của hệ thống tổ chức. Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan được làm việc với Ban tổ chức T.Ư và hệ thống cơ quan chức năng.

Tưởng gì, ông Thoan thở phào. Chuyện buộc phải làm việc cho chính quyền cũ rồi sau được giác ngộ theo Việt Minh thì cán bộ có nhiều, rất nhiều người, đâu phải chỉ riêng trường hợp của ông!

Rất tiếc, đồng chí ạ. Trường hợp của đồng chí thì thông cảm thôi. Nhưng đồng chí lại không ghi trong lý lịch cán bộ!

Và sau đó hình thức kỷ luật có lẽ cũng nhẹ nhàng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan phải nghỉ chức Bí thư. Trung ương rút ông ra Ban Nông nghiệp T.Ư công tác với chức danh là chuyên viên bậc 6!

Vẫn chuyện nhà văn nhà báo Đỗ Hoàng.

Là lần ấy khi viết hồi ký cho ông Mai Văn Bộ, nguyên cán bộ Ủy ban Kiểm tra Đảng T.Ư, tình cờ Hoàng biết thêm chuyện của ông Thoan. Ông Bộ có cho biết, thời gian ông Thoan được rút ra làm chuyên viên Ban Nông nghiệp T.Ư có mấy lần gửi đơn khiếu nại lên UBKT Đảng. Ông Bộ lại thụ lý việc ông Thoan (ông Bộ thời chống Pháp đã làm đến Bí thư huyện uỷ một huyện ở Thanh Hoá) khuyên ông Thoan cố gắng nguôi ngoai, đừng kiện cáo chi nữa. Anh về hưu sớm là được rồi và anh vẫn là lão thành Cách mạng mà.

Chất giọng trầm buồn của chị Thủy, người con cả ông Thoan đưa tôi về những trưa nắng lửa Quảng Bình.

… Giữa năm 1974, ba tôi chuyển công tác ra Hà Nội. Còn tôi khi ấy về công tác ở Thư viện Trường ĐH Dự bị dân tộc T.Ư.

Hai cha con ở trên gác 2 của Khu TT Ban Tổ chức T.Ư. Tôi có linh cảm bố tôi đương phải nén chịu nỗi đau lớn dày vò. Tôi nhớ tiếc những ngày gian nan khó nghèo nhưng đầm ấm ở đất Quảng Bình. Bên cạnh một người cha nhân hậu và đặc biệt vui tính. Lần đó nhà hết sạch gạo ăn nhưng ba tôi cứ tưng tửng. Tui nghèo thì mụ cũng nghèo/ Vì răng tui ưng mụ vì cái bát nác lèo chấm rau. Vừa đọc ba vừa quờ tay về phía mẹ. Mẹ bỏ chạy nhưng gương mặt như sáng bừng lên bởi nụ cười sung sướng.

(Đến đây có ai nói là ông Thoan là tác giả của nhiều bài thơ. Chị Thủy cười buồn, nhắc lại câu nói của ba hồi nào trong cuộc gặp của Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình với mấy nhà văn nhà thơ ở Hà Nội vào. Chứng kiến mọi người tán thưởng thơ mình, ông Thoan vẻ mặt tươi cười nhưng giọng hết sức nghiêm rằng, thơ mình chưa phải là thơ mà mình cũng chẳng muốn làm thơ nhưng nhân dân anh hùng quá chỉ bằng hình thức ấy mới diễn tả được! Nhà thơ Chế Lan Viên đã đứng lên vỗ tay).

Ở Hà Nội ba ít nói hẳn. Mỗi khi lên cơn xúc động mắt cứ đỏ hoe.

Khi còn đương chức Bí thư/ Sớm trưa chiều tối kẻ thưa người chào/Bây giờ mất chức Bí thơ/ Thân già đi sớm về trưa một mình.

Tôi đùa.

Có con gái ở với ba/ Sao ba lại nói là ba một mình/

Nhưng ba tôi giọng rất nghiêm.

Vì cha nên lỡ duyên con/ Thôi thì chữ hiếu con tròn vì cha/ Rồi ngày giông tố sẽ qua/ Con cha lại được xe duyên mặn nồng.

Tôi cũng ứng khẩu mấy vần.

Ba ơi con chả lấy chồng/ Lấy chồng rồi phải đeo gông suốt đời/ Chi bằng ở vậy thảnh thơi/ Nghe ba kể chuyện mẹ thời ngâm thơ.

Ba tôi bật cười, khen À con gái ba, cũng khá…

Ông còn mần thơ gửi vợ.

Ba chục năm rồi em nhớ chăng? Gặp nhau từ tuổi độ tròn trăng… Anh lại đưa em về Quảng Bình/ Bùn lầy nước đọng chốn quê anh/ Cơm ngày hai bữa rau khoai luộc/ Chịu tiếng mang lời em nín thinh.

Thời điểm giải phóng miền Nam, ba tôi vui lắm! Tất nhiên! Nhưng có lý do ba vui hơn, ấy là giải phóng rồi, điều kiện đi xác minh việc của ba sẽ thuận lợi dễ dàng hơn.

Đầu năm 1976, ba tôi nói sắp có quyết định về hưu. Mừng hơn là ba được phân phối một căn nhà ở Khu tập thể Kim Liên. Tiêu chuẩn gần như đặc biệt ở Hà Nội đối với cán bộ khi ấy. Tôi mừng quá nói luôn, ba ơi vậy thì tốt quá. Chuyển mẹ và các em ra thôi. Con không muốn ở Quảng Bình vì trong nớ họ nói lung tung rằng ba làm gián điệp này khác…

Một thời gian sau, thấy tôi giục, ba làm tôi chưng hửng bằng câu thơ.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu/ Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà đi!

Rồi nói thêm, ba không có tội với cán bộ và dân quê mình. Ba phải về sống với quê hương! Nói là làm. Một thời gian sau cầm quyết định nghỉ hưu. Ba về Đồng Hới với mẹ và các em.

Còn tôi ở lại công tác tại Trường Dự bị ĐH Dân tộc T.Ư. Năm 1984 các em tôi đứa đã ra công tác, đứa đi học xa nhà. Ba tôi giục tôi về Quảng Bình với ba mẹ!

Cuối năm 1984, chuyển công tác về Trường trung học kinh tế Quảng Bình, tôi ngạc nhiên thấy nhà tôi có cái chuồng lợn trên lợp giấy dầu đen, xung quanh tường là những mảnh ngói nhỏ dính vào nhau lởm khởm.

Hỏi thì mẹ cười, đó là công trình ba mi mần mấy tháng trời đó! Ba mi sang trường Đảng lui cui lặt những mảnh ngói bể đem về. Rồi xin những vôi, cát, xi măng chắp nên.

Chị Thủy kể đến đây tôi chợt nhớ thêm câu chuyện với nhà văn Đỗ Hoàng. Lần đó có dịp qua khu nhà làm việc của tỉnh ủy Quảng Bình ở trên Cộn, trước một căn nhà cấp bốn lợp ngói nâu đã xỉn màu. Anh bạn cùng đi chỉ cho thấy một ông lão ngồi nhổ cỏ dáng hom hem, đầu gối qua mép tai. Người bạn ấy nói thầm, ông Thoan Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình đó!

Những ngày tháng 7 năm 1989 ba tôi rất phấn khởi vì Quảng Bình trở lại tên cũ từ tỉnh Bình Trị Thiên. Ba viết bài thơ Về lại Quảng Bình tặng quê hương Hai giỏi. Rồi sáng 13/7/1989, ba tôi đi chơi đem thơ đọc, bình với các chú, bạn ba. Đang cùng nhau bình thơ vui vẻ thì ba lên cơn khó thở phải đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đồng Hới. Ba mất ngay trên tay tôi.

Trước đây, phần mãi bấn bíu với công tác, phần chưa ổn định nơi ở nên tôi chưa có dịp xem lại những kỷ vật của ba. Sau khi ổn định sắp xếp lại những thứ ba tôi để lại thấy có hai cuốn sổ tay.

Đọc hai cuốn ấy, tôi thêm bao thấm thía. Tuổi thơ, tuổi thanh xuân trước khi đến với cách mạng bị bọn nhà giàu quyền thế ức hiếp chèn ép. Khi được cách mạng giác ngộ thì lao vào chiến đấu cống hiến sức lực cho quê hương. Chớm tuổi già thì lại gặp chuyện đau đớn dằn vặt. Nỗi đau ấy đeo bám cho đến lúc đi xa.

Một lần Quảng Bình tổ chức Triển lãm ảnh Bác Hồ vào thăm Quảng Bình. Những tấm ảnh có hình Bí thư Nguyễn Tư Thoan đi bên Bác Hồ bị cắt sạch! Ông đến xem triển lãm thấy vậy, bỏ về luôn!

Đám tang ông hàng ngàn chiếc xe đạp lặng lẽ diễu bộ sau linh cữu.

Chúng tôi ngồi lặng lẽ khi chị Thủy xúc động đọc lại đoạn thơ viếng của một người bạn ông.

Anh ra đi chẳng để lại gì/ Một căn nhà đơn sơ như bao căn nhà đơn sơ nhất/ Người vợ tảo tần với đàn con nheo nhóc/ Sống gian nan trước sóng gió cuộc đời.

Đồng chí Nguyễn Tư Thoan và một số đồng chí trong Tỉnh ủy Quảng Bình chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Đồng chí Thoan đứng thứ ba bên phải)
Chuyện 'gián điệp Quảng Bình' Nguyễn Tư Thoan 11/07/2021 Xuân Ba

Từ khóa » Tiểu Sử ông Nguyễn Quang Thía