Giải Mã Quan Niệm Cúng Quanh Năm Không Bằng Rằm Tháng Giêng

Với người Việt, Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng, chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. Trong ngày này, nhiều gia đình thường lên chùa cầu an, cúng sao giải hạn, mọi nhà đều thắp hương và làm cơm cúng gia tiên, thần linh để tri ân và cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

giai ma quan niem cung quanh nam khong bang ram thang gieng hinh 1

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng

Có nhiều lý giải cho việc tại sao Rằm tháng Giêng được coi là một trong những ngày lễ trọng. Nhiều người tin rằng đây là đêm Phật giáng lâm nên Rằm tháng Giêng thường là dịp người người đi chùa cầu an, cầu may, cúng sao giải hạn…

Rằm tháng Giêng còn là Tết Thượng Nguyên, là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Cùng với Tết Thượng Nguyên Rằm tháng Giêng, còn có Rằm tháng Bảy là Tết Trung Nguyên và Rằm tháng Mười là Tết Hạ Nguyên.

Theo phong tục, lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính rằm (15/1 âm lịch). Hiện nay phần lớn các gia đình vẫn cúng vào ngày này nhưng giờ giấc linh hoạt, tùy theo điều kiện thực tế. Các gia đình bận rộn có thể sắp xếp cúng trước rằm, từ ngày 13, 14. Nếu gia đình bận rộn thì cũng không quá bắt buộc về thời điểm cúng, miễn là trước 19 giờ ngày Rằm tháng Giêng là được.

Rằm tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022 rơi vào ngày thứ ba 15/2/2022. Theo lịch can chi đây là ngày Kỷ Hợi, ngũ hành Mộc, sao Vĩ, lục nhâm Tốc hỉ.

Dưới góc nhìn chuyên gia, đây là ngày đẹp và phù hợp nhất để thực hiện cúng rằm tháng Giêng năm 2022. Tuy nhiên, cũng có thể cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Dần.

Theo Lịch vạn niên, ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Dần cũng khá tốt để tiến hành nghi thức cúng rằm. Ngoài các khung giờ đẹp của ngày 14 và 15 tháng Giêng âm lịch, gia chủ hạn chế cúng Rằm tháng Giêng vào ngày khác, giờ khác vì được cho là sẽ kém linh.

Trước đây, người dân quan niệm rằm tháng Giêng là ăn Tết lại một lần nữa nên thường làm cỗ rất to. Nhưng theo các nhà văn hóa, tùy vào điều kiện kinh tế hay phong tục tập quán, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng mỗi gia đình có thể khác nhau, quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Các gia đình không nhất thiết phải sắm sửa mâm cao cỗ đầy, mà có thể dâng cúng đĩa xôi gấc, bánh chưng cùng với một khoanh giò trên ban thờ gia tiên, mong một năm làm ăn thuận lợi, mọi sự hanh thông.

Còn nếu muốn chuẩn bị đầy đủ hơn thì món quan trọng nhất là gà trống. Cần chọn gà mã đẹp, mào cờ và phải là gà trống hoa hoặc gà trống thiến, có lông màu lửa, đuôi đẹp, ức vươn lên, cựa mới nhú, lườn không nhọn để khi luộc lên con gà sẽ có tướng đẹp.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên ngoài các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, một chút vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu; các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ mặn.

Mâm cỗ mặn thường có 4 bát, 6 đĩa: Bát canh măng, Bát bóng bì, Bát canh miến, Bát canh mọc. 6 đĩa gồm: Đĩa thịt gà (hoặc thịt lợn) luộc, Đĩa giò (chả), Đĩa nem, Đĩa xào, Đĩa dưa hành, Đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng).

Tuy nhiên, tùy từng gia đình, có thể biến tấu sao cho mâm cỗ gia đình phong phú, phù hợp với khẩu vị riêng.

Ngoài cỗ mặn, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật gồm: Trái cây, xôi chè, các món đậu, bánh trôi nước…

T.Toàn

Từ khóa » đi Lễ Cả Năm Không Bằng Rằm Tháng Giêng