Giải Ngân Vốn Cho Vay Là Gì? - Thư Viện Pháp Luật

Hôm nay khi đi giao dịch ở ngân hàng, tôi có nghe bàn kế bên nhắc đến cụm từ "giải ngân vốn cho vay", sau đó chị giao dịch viên có đưa cho chị khách một khoản tiền lớn. Tôi thắc mắc không biết giải ngân vốn cho vay là gì? Ngoài phương thức giải ngân bằng tiền mặt như tôi vừa thấy thì có còn phương thức nào khác hay không? Có thể cho tôi biết quy định cụ thể của pháp luật về những phương thức giải ngân này hay không? Mục lục bài viết Nội dung chính
  • Giải ngân vốn cho vay là gì?
  • Giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt được quy định như thế nào?
  • Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
  • Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt

Giải ngân vốn cho vay là gì?

Giải ngân vốn cho vay là gì?

Giải ngân vốn cho vay là gì?

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 21/2017/TT-NHNN quy định:

"Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2. Giải ngân vốn cho vay là việc tổ chức tín dụng cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền thông qua việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay."

Trong hoạt động giải ngân vốn, chủ thể "bên thụ hưởng" được hiểu là pháp nhân, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có quyền thụ hưởng các khoản thanh toán, chi trả từ khách hàng trong việc mua bán tài sản, hình thành nên tài sản, cung ứng dịch vụ và các quan hệ hợp pháp khác, thuộc nhu cầu vay vốn theo thỏa thuận cho vay được ký kết giữa khách hàng với tổ chức tín dụng cho vay (sau đây gọi là thỏa thuận cho vay). (theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 21/2017/TT-NHNN)

Giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt được quy định như thế nào?

Phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt được quy định tại Điều 5 Thông tư 21/2017/TT-NHNN như sau:

(1) Tổ chức tín dụng cho vay được xem xét quyết định giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong các trường hợp:

a) Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Khách hàng là bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật.

(2) Khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng cho vay văn bản cam kết của bên thụ hưởng về việc bên thụ hưởng không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Ngoài phương thức giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt, việc giải ngân vốn cho vay còn được thực hiện thông qua những phương thức sau:

Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Việc giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được quy định tại Điều 4 Thông tư 21/2017/TT-NHNN như sau:

(1) Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Việc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được tổ chức tín dụng cho vay thực hiện ngay trong ngày giải ngân vốn vay theo mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay; trường hợp việc giải ngân vốn vay thực hiện sau giờ giao dịch thanh toán trong ngày của tổ chức tín dụng cho vay thì việc chuyển tiền được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo của tổ chức tín dụng đó.

(2) Tổ chức tín dụng cho vay phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong các trường hợp:

a) Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng;

b) Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay quyết định cho vay theo quy định của pháp luật;

c) Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.

Phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt

Tại Điều 6 Thông tư 21/2017/TT-NHNN, tổ chức tín dụng cho vay được xem xét quyết định phương thức giải ngân vốn cho vay sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt trong trường hợp:

(1) Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán với số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).

(2) Khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là tổ chức sử dụng vốn nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, giải ngân vốn cho vay là việc tổ chức tín dụng cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền thông qua việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, bằng tiền mặt để thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng theo mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay. Việc giải ngân vốn cho vay được thực hiện thông qua những phương thức như: bằng tiền mặt, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hoặc bằng tiền mặt.

Từ khóa » Giải Ngân Nguồn Vốn Là Gì