Giải Nghĩa Thánh Vịnh 103 - Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNGTHÁNH VỊNH 103103,1.24.29-30. 31.34

1. Bối Cảnh

Thánh vịnh 103 là một trong số những “Bài ca Tạo dựng”. Với tâm tình tán tụng Thiên Chúa vĩ đại và nhân hậu trong tạo dựng, bài ca này đặt chúng ta vào trong bối cảnh của công trình tạo dựng của Thiên Chúa được diễn tả trong sách Sáng thế (x. St 1). Tạo dựng vũ trụ được xem như công trình đầu tiên của Thiên Chúa, qua đó Thiên Chúa mặc khải chính mình.

2. Bố Cục

Thánh vịnh 103 gồm ba phần:

Phần khai đề (1a): mở ra với lời kêu gọi từ trong sâu thăm tâm hồn mình: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!”

Phần thân (1b-35b): diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và công trình sáng tạo. Công trình sáng tạo của Thiên Chúa được vịnh gia quảng diễn trong 5 khổ thơ.

+ Khổ I (1b-4): Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời

+ Khổ II (5-10): Thiên Chúa tạo dựng nước

+ Khổ III (11-23): Thiên Chúa sắp đặt một cách hài hoà trật tự trong vũ trụk

+ Khổ V (31-35b): Diễn tả uy quyền và vinh quang của Thiên Chúa

Phần kết (35c = 1a): khép lại vớilời mời gọi chúng tụng Thiên Chúa tương tự như câu khai đề.

3. Ý Nghĩa

Thánh vịnh 103 khởi đầu và kết thúc với cùng một lời chúc tụng từ sâu thăm tâm hồn: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” Giống như trình thuật Sáng tạo của sách Sáng thế, Thánh vịnh này trình bày việc Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng, vòm trời, phân rẽ nước phía trên vòm trời và nước phía dưới; nước phía dưới tụ lại; nước làm cho sống; tinh tú phân biệt ngày đêm; sinh vật lan tràn mặt đất; Chúa cho ăn. Chúa thấy mọi loài tốt đẹp. Trong toàn bộ Thánh vịnh này, vịnh gia nhấn mạnh vai trò của Thần Khí Sáng Tạo trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa: “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (c. 30). Thần Khí chính là Đấng ban sự sống và cũng là Đấng có thể cất đi sự sống. Không có một tạo vật nào có thể tồn tại mà không cần đến Thần Khí. Với sự hiện diện của Thần Khí, sự phục hồi sinh khí của kẻ đã chết được bắt đầu. Thần Khí không chỉ hiện diện trong biến cố tạo dựng mà còn cả trong công trình tái tạo và phục sinh.

4. Truyền Thống Cầu Nguyện

Trong truyền thống Do-thái, Thánh vịnh 103 được sử dụng như kinh nguyện khởi đầu cho một ngày mới. Họ nhận ra nơi công trình tạo dựng hình ảnh của một Thiên Chúa vĩ đại và nhân hậu.

Trong truyền thống Phụng vụ của Giáo hội, Thánh vịnh 103 sử dụng trong Đêm Canh thức Vượt qua cùng với bài đọc St 1. Ở đây, công trình sáng tạo liên kết với công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Trong mầu nhiệm Vượt qua, Đức Kitô đã thực hiện công tình cứu chuộc, còn kỳ diệu hơn công trình sáng tạo. Bởi vậy, Giáo Hội dùng thánh vịnh này để ca tụng tạo thành mới trong Đức Kitô. Cũng như việc sáng tạo xưa, việc đổi mới vũ trụ này là việc của Chúa Thánh Thần. “Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (c. 30). Bởi thế, trong ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta ca vang thánh vịnh này để cầu xin Chúa sai Thánh Thần đến để Ngài đổi mới mặt đất này.

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Post Views: 1.336

Từ khóa » Thánh Vịnh 103