Giải Ngố Về Thuật Ngữ Mua Bán IPhone Tại Việt Nam: Hàng Lướt, "like ...

Đến hẹn lại lên, thế hệ iPhone mới của Apple trong năm 2019 đang rục rịch chuẩn bị ra mắt chỉ trong vòng hơn 1 tháng nữa. Càng về gần thời điểm này, diễn biến thị trường iPhone ngày càng nhộn nhịp, đặc biệt là những lượt mua đi bán lại của người dùng muốn trao đổi, lên đời hoặc bán để dành tiền mua iPhone XI. Chỉ cần dạo qua một số Group Facebook chuyên về rao bán iPhone, hàng loạt những post bán lại máy đang sử dụng đã xuất hiện, đa dạng đủ mẫu mã từ vài năm trở lại đây.

Giải ngố về thuật ngữ mua bán iPhone tại Việt Nam: Hàng lướt, like new, 99%... là kiểu gì? - Ảnh 1.

Thị trường mua bán iPhone đang dần nóng lên những tháng gần thời điểm ra mắt iPhone mới.

Tại đây, các mặt hàng iPhone được rao bán được chia làm 2 nhóm lớn: iPhone phân phối chính hãng thị trường Việt Nam và iPhone xách tay quốc tế. Trong đó, tiếp tục lại có những nhóm phân loại nhỏ hơn để định giá dựa theo chức năng (iPhone Lock khoá mạng), xuất xứ (hàng quốc tế nước nào), hình thức ("like new" như mới, 99%, 95%)... Mỗi loại máy lại có những ưu nhược điểm và cơ hội, rủi ro khó lường cho người mua, cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ kiến thức trước khi trả tiền.

1. iPhone Lock

Khái niệm này từng một thời nổi lên như một cơn bão trong hội fan hâm mộ Apple của nhiều nước, đặc biệt là khu vực châu Á. iPhone Lock là những máy vốn bị khoá mạng của nhà mạng quốc tế, được nhập về và "bẻ khoá" bằng cách nào đó để sử dụng được với SIM nội địa thoải mái. Do luôn được trợ giá theo chương trình nội bộ của các nhà mạng nên giá gốc của những chiếc iPhone Lock rẻ hơn đáng kể so với hàng gốc, sẽ là nguồn cung hấp dẫn với các con buôn và người mua khi tìm ra cách bẻ khoá mạng.

Giải ngố về thuật ngữ mua bán iPhone tại Việt Nam: Hàng lướt, like new, 99%... là kiểu gì? - Ảnh 2.

iPhone Lock thường phải dùng SIM ghép để giúp kết nối sóng nội địa.

Cách đây vài năm, iPhone Lock còn thịnh hành hơn nhiều khi dễ dàng lách luật bẻ khoá, không dính dáng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, càng về hiện tại, Apple càng khắt khe hơn và không chịu nương tay một chút nào với những động thái này, liên tục update để tự động dò tìm và làm gián đoạn hệ thống của các máy iPhone Lock. Gần đây nhất, đợt "xét xử" mới vừa xảy ra vào sáng 20/7 vừa qua xuất phát từ Apple đã khiến nhiều người dùng iPhone Lock hoang mang điêu đứng, lo lắng mình sẽ bị khoá mạng trở lại bất cứ lúc nào không kịp trở tay.

- Ưu điểm: Chất lượng tốt vẫn như hàng phân phối gốc; giá rẻ hơn đáng kể

- Nhược điểm: Phải áp dụng phương pháp bẻ khoá (SIM ghép, cài mã phần mềm); có khả năng bị chịu hạn chế chức năng và "sờ gáy" trong tương lai; không có bảo hành uỷ quyền chính hãng của Apple cho Việt Nam.

2. iPhone xách tay quốc tế

iPhone xách tay thường xuất hiện nhiều nhất ở đầu những đợt ra mắt thế hệ iPhone mới, khi những thị trường như Việt Nam thường được phân phối hàng muộn hơn, khiến nhiều fan cuồng sốt ruột tìm nguồn mua trực tiếp máy quốc tế để thoả lòng đam mê. Giá cả iPhone quốc tế tại Việt Nam dao động khá nhiều, đắt ngất ngưởng đối với máy vừa ra mắt vì hiếm, nhưng sẽ là món hời về giá sau một thời gian phổ biến.

Giải ngố về thuật ngữ mua bán iPhone tại Việt Nam: Hàng lướt, like new, 99%... là kiểu gì? - Ảnh 3.

Lý giải cho điều này, iPhone quốc tế xách tay cá nhân sẽ không chịu thuế nhập khẩu như hàng phân phối chính hãng, mức giá rẻ hơn cũng kha khá. Kể cả khi không có chế độ bảo hành uỷ quyền chính gốc từ Apple (do mã máy áp dụng cho quốc gia khác), nhưng nhiều người vẫn tin tưởng vào cửa hàng bán trung gian là đủ. Ngoài ra, iPhone xách tay quốc tế không bị khoá mạng, dùng SIM thoải mái nên chẳng cần nghĩ ngợi nhiều như iPhone Lock.

- Ưu điểm: Giá rẻ khá nhiều so với hàng phân phối nội địa; dùng tự do và chất lượng tốt, không lo rủi ro như khoá mạng.

- Nhược điểm: Không có bảo hành theo chương trình phân phối uỷ quyền chính hãng của Apple tại Việt Nam.

3. iPhone hàng lướt - "like new", 99%, 95%

Những chiếc iPhone được nói đến trong nhóm này có thể là iPhone Lock, xách tay quốc tế hay phân phối chính hãng Việt Nam tuỳ trường hợp, nhưng sẽ có một số điểm chung phổ biến như từng qua sử dụng rất ít, đã trôi bảo hành. "Like new" và "99%" có thể hiểu là một, chỉ những máy gần như mới hoàn toàn, ngoại hình bóng bẩy, chỉ qua sử dụng một thời gian ngắn hoặc rất ngắn. Còn lại, giá cả dao động tuỳ vào các yếu tố đánh giá như thời hạn bảo hành còn lại, hoặc thoả thuận thêm khi gặp mặt trực tiếp, nhưng nói chung vẫn rẻ hơn đáng kể so với hàng mới.

Mặt khác, iPhone "95%" lại thuộc về cấp độ kém sang hơn, thường được thừa nhận đã có vài lỗi hoặc vết xước nhỏ, hết bảo hành chính hãng Apple hoặc dính một số điều kiện không thuận tai, đẹp mắt dành cho khách hàng cầu kỳ. Đôi khi, những phân loại trên cũng được một số shop gọi theo cách đặt tên khác, chẳng hạn như hạng S, hạng A+, hạng A...

Giải ngố về thuật ngữ mua bán iPhone tại Việt Nam: Hàng lướt, like new, 99%... là kiểu gì? - Ảnh 4.

Các loại iPhone hàng lướt sẽ là cả một bài toán phức tạp cho những dân không chuyên về kiến thức kiểm tra máy.

Tuy vậy, rủi ro lớn nhất dành cho iPhone hàng lướt là khả năng phức tạp, khó phán đoán về việc từng bị tháo mở, dựng máy và linh kiện. Bất kể là hàng mới ở cấp độ nào, đó đều là nguồn thu iPhone mà chỉ có người bán mới biết rõ gốc gác, xuất xứ và chất lượng ban đầu , có thể đã qua tay nghề can thiệp của thợ tùy mục đích sửa chữa, dựng máy. Càng là những mẫu iPhone có tuổi đời cao (như iPhone 7, iPhone X ở thời điểm hiện tại), nguy cơ này càng lớn, đòi hỏi người mua phải có mắt nhìn tinh tế và kinh nghiệm cứng cáp nhất định để kiểm tra chất lượng. Dẫu vậy, những kỹ năng này chỉ giúp giảm thiểu rủi ro một phần, không thể đảm bảo an toàn 100% cho quyền lợi lâu dài.

- Ưu điểm: Giá rẻ đáng kể

- Nhược điểm: Thường là máy trần (không hộp và phụ kiện); bảo hành cá nhân tùy người bán; rủi ro cao và khó lường.

Từ khóa » Hàng Siêu Lướt Là Gì