Giải Pháp Bảo đảm Bình đẳng Giới Trong Chính Sách, Pháp Luật Hiện ...

Bình đẳng giới và bảo đảm bình đẳng giới trong chính sách pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Bình đẳng giới (BĐG) là một phạm trù được tiếp cận trên nền của vấn đề giới – chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội (khoản 1 Điều 5 Luật BĐG năm 2006), trong đó xác định: “Bình đẳng giới có nghĩa là những ứng xử, những khát vọng và những nhu cầu khác nhau của phụ nữ và nam giới đều được cân nhắc, đánh giá và ủng hộ như nhau. Bình đẳng giới không có nghĩa phụ nữ và nam giới phải trở thành như nhau, nhưng các quyền, trách nhiệm và các cơ hội của họ sẽ không phụ thuộc vào họ sinh ra là nam giới hay phụ nữ” theo đó, BĐG bao hàm: bình đẳng về quyền; bình đẳng về tiếp cận và kiểm soát nguồn lực; bình đẳng về sự tham gia và ra quyết định; bình đẳng về thụ hưởng những thành quả và lợi ích.

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020 do Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức ngày 03/3/2020, đại diện Cơ quan soạn thảo cho biết đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

BĐG là mục tiêu nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới BĐG thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Các biện pháp nhằm duy trì BĐG thực chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Mở rộng phạm vi của bảo đảm BĐG trong chính sách pháp luật có thể tiếp cận ở cả góc độ thực thi, theo dõi thi hành các chính sách, pháp luật đó trong thực tế.

Chính sách, pháp luật Việt Nam hiện nay đã cụ thể hóa Công ước quốc tế (CEDAW, ILO) và thể hiện đầy đủ 8 lĩnh vực của BĐG: chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa – thông tin – thể dục – thể thao, y tế, gia đình 1. BĐG và quyền phụ nữ là quyền hiến định. Nguyên tắc bình đẳng đã được khẳng định ngay trong Điều 26 Hiến pháp năm 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội Bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

Nội dung BĐG cũng được quy định trong các luật và bộ luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 tại Điều 2 quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”. Ngoài ra, khoản 3 Điều 8 của Luật cũng nêu rõ: “số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ”.

Trong lĩnh vực y tế, theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, tại Điều 3 quy định “bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh”. Về giáo dục, tại khoản 1 Điều 13 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập”. Một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được quy định rõ tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là “vợ chồng bình đẳng”.

Trong lĩnh vực lao động, khoản 7 Điều 4 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Bảo đảm Bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên”. Ngoài ra, Bộ luật Lao động còn có một chương dành riêng cho lao động nữ và vấn đề BĐG nhằm bảo vệ sức khỏe sinh sản của họ trong khi làm việc (Chương X).

Luật BĐG năm 2006 đánh dấu bước phát triển về thể chế và hệ thống hóa trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam bằng việc tăng cường BĐG trong đời sống cá nhân và xã hội. Bên cạnh những văn bản trên, BĐG còn được thể hiện trong nhiều văn bản khác như: Chương trình hành động của Chính phủ, Chiến lược quốc gia về BĐG và các văn bản khác.

Trong triển khai thực thi chính sách, pháp luật bảo đảm BĐG, những biện pháp thúc đẩy BĐG quy định trong Luật BĐG có thể đã được quy định hoặc chưa được quy định trong chính sách và pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Đối với những biện pháp đã được quy định trong chính sách và pháp luật hiện hành của Việt Nam, ví dụ: biện pháp thúc đẩy BĐG đối với tỷ lệ nữ đại biểu tham gia vào mỗi khóa Quốc hội ít nhất chiếm 35% tổng số đại biểu Quốc hội đã được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cần chú ý tới những nội dung chính sau: đánh giá tác động lên nam giới và phụ nữ về những chênh lệch, bất BĐG, phân biệt đối xử về giới được giải quyết trên thực tế sau khi áp dụng; xác định nguồn nhân lực, tài chính cần thiết để triển khai một cách hiệu quả; chấm dứt thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định rằng các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tạo ra sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ đã thay đổi dẫn đến việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy BĐG không còn cần thiết.

Đối với những biện pháp thúc đẩy BĐG chưa được quy định trong chính sách và pháp luật hiện hành, ví dụ: quy định việc khuyến khích các cơ quan, tổ chức hỗ trợ lao động nữ khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi; tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ hưởng nguyên lương và phụ cấp khi vợ sinh con, cần chú ý tới những nội dung chính sau: kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về các biện pháp thúc đẩy BĐG theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá sự chênh lệch, bất BĐG, phân biệt đối xử về giới trên thực tế và tác động của biện pháp thúc đẩy BĐG sẽ được ban hành đối với nam, nữ; dự báo tác động của biện pháp thúc đẩy BĐG đối với nữ và nam sau khi được ban hành.

Những giải pháp bảo đảm bình đẳng giới trong chính sách pháp luật Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về BĐG trong chính sách, pháp luật ở Việt Nam.

Báo cáo chỉ số BĐG toàn cầu 2018, dựa vào kết quả đánh giá 149 quốc gia về tiến bộ BĐG, Việt Nam xếp thứ 77/149 quốc gia2. Thành tựu này chứng minh những kết quả quan trọng trong bảo đảm BĐG ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa vấn đề bảo đảm BĐG của Việt Nam, cần nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ quan (xây dựng pháp luật) về vấn đề này. Việc nâng cao có thể thực hiện thông qua truyền thông, tập huấn phổ biến kiến thức về BĐG, lồng ghép trong các chương trình đạo tạo của các trường học.

Thứ hai, thúc đẩy lồng ghép BĐG trong xây dựng chính sách, pháp luật.

Nội dung lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, gồm: (1) Xác định nội dung liên quan đến vấn đề BĐG hoặc vấn đề bất BĐG, phân biệt đối xử về giới. (2) Quy định các biện pháp cần thiết để thực hiện BĐG hoặc để giải quyết vấn đề bất BĐG, phân biệt đối xử về giới; dự báo tác động của các quy định đó đối với nam và nữ sau khi được ban hành. (3) Xác định nguồn nhân lực, tài chính cần thiết để triển khai các biện pháp thực hiện BĐG hoặc để giải quyết vấn đề bất BĐG, phân biệt đối xử về giới.

Trong chính sách, pháp luật Việt Nam hiện nay, xác định nội dung liên quan đến BĐG, phân biệt đối xử về giới còn có những điểm chưa đầy đủ, ví dụ, quy định việc nghỉ sinh, chăm sóc con sau sinh hầu hết thuộc về người phụ nữ, nam giới chỉ có điều kiện tham gia vào thời gian ít ỏi của buổi tối. Về đánh giá tác động của biện pháp BĐG còn hình thức, thiếu những thông tin khoa học, khách quan. Vì vậy, xây dựng chính sách pháp luật phải luôn coi trọng lồng ghép BĐG nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nhóm khác nhau trong xã hội, hướng đến bảo đảm quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Thứ ba, thúc đẩy thực thi chính sách, pháp luật về BĐG của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Bảo đảm BĐG trong xây dựng pháp luật vẫn là chưa đủ, bởi vì đó mới là tiền đề, còn giải pháp quan trọng phải duy trì là mỗi người dân phải nỗ lực nghiêm chỉnh thực hiện các chính sách bảo đảm BĐG đã được quy định. Trong lĩnh vực đất đai quy định “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được ghi tên của cả vợ và chồng”, nhưng thực tế vấn đề này còn “xa vời” đối với nhiều chị em ở các địa phương hiện nay. Lý do có thể họ chưa biết về quyền của mình hoặc sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tập quán, luật tục địa phương cũng là một rào cản.

Thứ tư, thúc đẩy việc đôn đốc, theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về BĐG của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một trong những giải pháp then chốt góp phần bảo đảm BĐG trong chính sách pháp luật là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp) trong theo dõi, thi hành pháp luật. Trong quá trình theo dõi, thi hành pháp luật, nếu phát hiện những vi phạm về bảo đảm BĐG thì phải xử lý nghiêm minh.

Thứ năm, thúc đẩy xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG.

Định kiến xã hội (phong tục tập quán lạc hậu) là yếu tố chủ yếu dẫn đến tình trạng bất bình đẳng. Trong xã hội Việt Nam tồn tại nhiều tư tưởng, tập quán lạc hậu như: trọng nam khinh nữ, tư tưởng gia trưởng… đã hạn chế bảo đảm BĐG ở nước ta hiện nay. Ví dụ, để bảo đảm BĐG trong lĩnh vực thừa kế, cần loại bỏ định kiến “con gái là con người ta” để thực hiện việc chia tài sản thừa kế như nhau đối với con trai và con gái.

Thứ sáu, khôi phục các hương ước tiến bộ, phù hợp có tác dụng thúc đẩy thực hiện BĐG trong chính sách, pháp luật.

Bên cạnh những định kiến xã hội, trong cộng đồng còn duy trì nhiều hương ước tiến bộ, phù hợp có tác dụng thúc đẩy BĐG, như: thực hiện BĐG, phòng và chống bạo lực gia đình. Ví dụ, tại Điều 11- Hương ước thôn Lương Thịnh, ban hành kèm theo Quyết định số 1932/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của Ủy ban nhân dân huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ điển hình. Tại Hương ước này quy định:

1) Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, hiểu biết và tham gia các hoạt động về BĐG, phòng và chống bạo lực gia đình. Các cá nhân, đặc biệt là nam giới cần tích cực chủ động tham gia các phong trào xã hội ở địa phương, sinh hoạt câu lạc bộ, học tập kiến thức về gia đình, về BĐG, các quyền của phụ nữ và phòng, chống bạo lực trong gia đình thông qua truyền thông. Bản thân người phụ nữ cần hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong công tác BĐG và phòng, chống bạo lực gia đình. Cần có kiến thức cũng như kỹ năng phòng tránh, tự bảo vệ mình và các con trước khi có sự trợ giúp từ phía các đoàn thể xã hội.

2) Giáo dục các thành viên trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ và phân công hợp lý công việc gia đình; thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, BĐG, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

3) Đối xử công bằng, tạo cơ hội như nhau giữa con trai, con gái trong học tập, lao động và tham gia các hoạt động khác3.

Nói đến BĐG về cơ bản là nói đến sự bình đẳng về quyền của phụ nữ với nam giới nói riêng và giữa các nhóm với nhau trong xã hội nói chung. Chính vì vậy, ở góc độ chung nhất, đấu tranh cho BĐG cũng chính là đấu tranh cho các quyền con người của phụ nữ/nhóm yếu thế và ngược lại. Sự đấu tranh hiệu quả nhất cho BĐG là lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, đẩy mạnh trách nhiệm thực thi pháp luật về BĐG của chủ thể có thẩm quyền, nâng cao ý thức, hiểu biết về thực hiện chính sách BĐG của người dân./.

----------------------------

Ghi chú:

1. UNFPA – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tài liệu tập huấn thực hiện Luật Bình đẳng giới, Hà Nội, 2009.

2. Khoảng cách giới ở Nam Á sẽ được san bằng sau 70 năm nữa. https://phunuvietnam.vn. Oxfam, ngày 08/3/2020.

3. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài: Bảo đảm bình đẳng giới trong chính sách, pháp luật ở Việt Nam hiện nay của Trường Đại học Luật Hà Nội, 2019.

TS. Trần Thị Quyên - Trường Đại học Luật Hà Nội

Theo: quanlynhanuoc.vn

Từ khóa » Giải Pháp Bất Bình đẳng Giới Trong Gia đình