GIẢI PHÁP CÓ HIỆU QUẢ THI GVCN GIỎI
Có thể bạn quan tâm
BIỆN PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP
Năm học 2019-2020
1. Thực trạng, lý do chọn biện pháp
Đất nước ta trong thời kì công nghiệp hoá - hiện đại hóa đang cần những con người có đầy đủ tài và đức góp phần xây dựng đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Vì vậy Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ vừa tài vừa đức, để các em trở trành những người có ích cho xã hội. Nhưng thật đáng buồn là hiện nay đạo đức học đường của một bộ phận học sinh đang bị suy giảm trông thấy như hiện tượng vô lễ, nói tục chửi thề, ham chơi lười học, những hành vi gian lận, bạo lực học đường,... ngày càng tăng lên.
Những năm gần đây, vấn đề giáo dục đạo đức học sinh được các nhà trường đặc biệt quan tâm, cũng có rất nhiều chỉ đạo, tài liệu, sáng kiến,... về việc giáo dục đạo đức học sinh được áp dụng và mang lại nhiều hiệu quả nhưng vấn đề đạo đức học sinh hiện nay vẫn còn là nỗi băn khoăn của xã hội.
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói:
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Vì thế, là một người giáo viên, đặc biệt là giáo viên Tiểu học, không những có nghĩa vụ giảng dạy truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn phải xem việc giáo dục đạo đức cho học sinh là điều không thể thiếu trong công cuộc giáo dục học sinh trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Nhưng trong thực tế vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa thật nhiệt tình trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, một phần do công việc giảng dạy chiếm nhiều thời gian chỉ coi trọng dạy chữ, xem nhẹ dạy người. Một thiếu sót khác là nhiều giáo viên tiến hành công việc khá cảm tính, chưa có phương pháp giáo dục sáng tạo thích hợp. Có người quá nghiêm khắc, có người quá dễ dãi. Người nghiêm khắc gò ép học sinh theo khuôn khổ một cách máy móc. Chưa kiên trì nhẫn nại, chưa là tấm gương sáng về mọi mặt để học sinh noi theo, chưa tạo được môi trường học tập thân thiện. Như thế, về mặt tâm lí, cả giáo viên và học sinh đều như bị áp lực. Đó cũng là nguyên nhân chưa thành công giáo dục đạo đức cho học sinh.
Vì những lý do trên nên tôi nghiên cứu để tìm ra biện pháp: “Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học” nhằm khắc phục những hạn chế đã nêu trên; giúp học sinh chăm ngoan, biết vâng lời, kính trọng thầy cô giáo, luôn đoàn kết, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Giáo viên tích lũy được một số kinh nghiệm cần thiết trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh lớp mình chủ nhiệm nói riêng và cho học sinh tiểu học nói chung. Có nhận thức đúng về vai trò của giáo viên là phải có trách nhiệm giáo dục đạo đức cho học sinh. Ngoài ra, những biện pháp này còn giúp giáo viên vận dụng vào việc giáo dục học sinh theo hướng tích cực, tạo mối quan hệ thân thiện giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên với phụ huynh học sinh, giữa nhà trường và xã hội. Góp phần vào việc thay thế hình thức giáo dục theo lối cũ bằng những hình thức giáo dục theo hướng tích cực hơn.
2. Biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học
Để góp phần đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục đạo đức học sinh, tôi đã thực hiện những biện pháp sau:
Biện pháp1: Làm tốt công tác chủ nhiệm lớp, giáo viên hãy đối với học sinh bằng tình yêu thương thật sự
Ngay từ đầu năm học, giáo viên phải nắm bắt được điều kiện, hoàn cảnh từng học sinh qua kê khai lý lịch, trò chuyện thường xuyên với các em, qua bạn bè, phụ huynh, giáo viên dạy năm trước...để có biện pháp giáo dục hợp lý, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh của các em. Bởi vì muốn giáo dục tốt một người thì trước hết, ta phải hiểu rõ người đó. Khi hiểu hoàn cảnh của các em rồi, người giáo viên mới gần gũi, gắn bó với các em hơn, các em không mặc cảm, tự ti.
Ví dụ như có những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường, mỗi ngày phải đi bộ không ai đưa rước... thỉnh thoảng lại đi học muộn, nếu ta không hiểu rõ lý do, hoàn cảnh của em mà lại lấy cương vị giáo viên la rầy, phạt em thì rất tội nghiệp vừa tạo khoảng cách giữa giáo viên và học sinh. Thay vì ta nên tìm hiểu kĩ nguyên nhân, thể hiện sự cảm thông, nhẹ nhàng xoa đầu, động viên em nên rút kinh nghiệm để lần sau đi học đúng giờ thì em sẽ càm thấy vui, tin tưởng vào giáo viên và sẽ cố gắng làm theo lời giáo viên đã khuyên. Tình cảm thầy trò thêm gắn bó hơn, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức học sinh. Để làm được điều đó thì giáo viên phải thật sự quan tâm học sinh, hãy yêu thương học sinh bằng tình yêu thương thật sự của mình chứ không phải chỉ làm cho xong bổn phận, trách nhiệm.
Vì vậy nếu chúng ta thật lòng yêu thương học sinh và làm tốt công tác chủ nhiệm thì việc giáo dục đạo đức cho các em sẽ rất thuận lợi. Học sinh vững niềm tin, yêu trường, yêu lớp, coi lớp như tổ ấm gia đình, các em xem thầy cô như cha mẹ. Đón nhận các em bằng cả tấm lòng, bằng cả tình yêu thương tạo điều kiện để các em phát triển về năng lực, về nhân cách.
Biện pháp 2: Giáo dục lý thuyết kết hợp với thực hành làm gương và mỗi giáo viên phải là tấm gương sáng về đạo đức
Như chúng ta đã biết, đối với học sinh tiểu học, thầy cô giáo luôn luôn là thần tượng của các em. Các em luôn để ý đến thầy cô từ cách ăn nói đến những cử chỉ hàng ngày. Hành vi ở trường của thầy cô tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách học sinh. “Tấm gương bao giờ cũng có giá trị hơn lời giáo huấn”. Nhưng hiện nay còn một số giáo viên quên đi việc “làm gương” cho học sinh, giáo dục học sinh thế này nhưng bản thân giáo viên làm ngược lại làm cho học sinh mất niềm tin, việc giáo dục trở nên phản tác dụng.
Ví dụ:
Giáo viên thường nhắc nhở học sinh ngồi im lặng khi dự lễ nhưng ở bên trên giáo viên lại nói chuyện riêng. Học sinh thấy thế sẽ nói chuyện hoặc đùa giỡn ngay.
Giáo viên yêu cầu học sinh đến lớp sớm 10 phút để truy bài đầu giờ nhưng giáo viên lại thường xuyên đi trễ. Chắc chắn sẽ có một số học sinh đi trễ hoặc lo chơi không truy bài với bạn.
Vì vậy người giáo viên cần không ngừng tu dưỡng đạo đức, phải luôn là tấm gương sáng trong lời nói cũng như trong việc làm. Có như thế mới tạo được “chất men” thúc đẩy các em có những thái độ và hành vi tốt. Nếu giáo viên làm việc, sinh hoạt đúng giờ, cẩn thận, có tinh thần trách nhiệm, học sinh sẽ cố gắng được như vậy. Nếu giáo viên quan tâm bảo vệ môi trường, học sinh cũng sẽ quan tâm đến điều đó. Chúng ta luôn luôn lưu ý rằng giáo dục đạo đức không chỉ dừng ở việc hình thành thói quen mà điều chủ yếu là phải từ việc luyện thói quen hành vi đạo đức mà xây dựng được niềm tin đạo đức, làm cơ sở cho ứng xử thường xuyên của các em.
Biện pháp 3: Mỗi giáo viên phải thật sự quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh và xem giáo dục đạo đức học sinh là nhiệm vụ của bản thân, giáo dục đạo đức mọi lúc mọi nơi, lồng ghép trong tất cả các môn học
- Tuy vẫn biết việc “dạy chữ phải song song với dạy người” nhưng thực tế vẫn còn không ít người dạy vẫn “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”, chỉ lo truyền dạy kiến thức chuyên môn, không có thì giờ để uốn nắn, chỉnh sửa những sai trái của học sinh. Vẫn còn một số cán bộ giáo viên chỉ tập trung vào công tác chuyên môn, quan tâm đến kiến thức, kỹ năng cuối năm, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức học sinh có khó khăn trong rèn luyện đạo đức, thậm chí coi giáo dục đạo đức là nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy môn đạo đức. Có người còn cho rằng học sinh chỉ nghe lời giáo viên chủ nhiệm của mình thôi chứ không “sợ” những thầy cô khác nên việc nhắc nhở, uốn nắn, rèn đạo đức của học sinh... cứ để cho giáo viên chủ nhiệm lo.
Ví dụ:
Trong giờ học Thể dục hay Mỹ thuật... có học sinh trốn học hoặc không chịu học, chọc phá bạn...thay vì giáo viên bộ môn ấy uốn nắn, giáo dục cho các em ngay nhưng giáo viên không làm thế, cứ mặc kệ các em, tiếp tục dạy cho xong bài rồi yêu cầu lớp trưởng về nói giáo viên chủ nhiệm giải quyết.
- Chúng ta nên nhớ rằng, khi dạy bất kì môn học nào người giáo viên đều làm nhiệm vụ giáo dục giá trị đạo đức. Bởi vì kiến thức trong môn học nào cũng có tính giáo dục cả nhưng đôi khi giáo viên lại chỉ quan tâm giáo dục đạo đức trong môn đạo đức, không biết lồng ghép trong mỗi bài học để định hướng tư tưởng, uốn nắn và rèn luyện hành vi đạo đức cho học sinh trong từng cử chỉ, hoạt động của các em.
Ví dụ:
* Môn Tiếng Việt: Qua các câu chuyện kể, bài văn, bài thơ... thuộc nhiều chủ điểm khác nhau, có nội dung phong phú. Giáo viên khai thác và tiến hành đúng đắn sẽ giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và kể cả các chuẩn mực sơ giản trong giao tiếp, ứng xử về đạo đức.
* Các môn khác: Trong quá trình thảo luận nhóm, hướng dẫn học sinh làm bài từ dễ đến khó...giáo dục tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp nhau trong công việc, ý chí vượt khó, lòng yêu chân lý, yêu văn hóa, khoa học;...
* Các hoạt động ngoài giờ lên lớp: Tổ chức tốt các hoạt động như thể dục thể thao, đền ơn đáp nghĩa, các chủ điểm trong năm... giáo dục các em ý thức tiết kiệm, lòng từ thiện, yêu thương giúp đỡ mọi người, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, uống nước nhớ nguồn;...
* Chào cờ đầu tuần: Thông qua việc đánh giá hoạt động đã thực hiện trong tuần của Đội, của nhà trường, các mặt làm tốt và tồn tại, nêu những gương tốt... Ban giám hiệu và Tổng phụ trách trực tiếp giáo dục đạo đức học sinh sẽ rất hiệu quả;
* Phong trào Đội là thu hút được nhiều học sinh nhất, ở đây học sinh được rèn luyện, vui chơi trong một tập thể đầy tình thương của bạn bè, thầy cô. Hoạt động Đội là hoạt động phong trào, phong phú và nhiều hình thức, mang tính trực quan sinh động phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học và có sức thu hút học sinh. Do đó, Tổng phụ trách với các hoạt động Đội luôn mang tính giáo dục cao và đầy hiệu quả.
Đã đến lúc thay vì dạy học sinh học những bài học đạo đức xa vời, chúng ta cần giáo dục cho các em về lòng nhân ái, bao dung, độ lượng hay giáo dục các em về các chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội. Mỗi giáo viên phải ý thức được trách nhiệm của bản thân, cùng tìm ra các hình thức dạy học, sinh hoạt hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh. Xây dựng môi trường giáo dục tốt để học sinh được học tập và rèn luyện trở thành những công dân có đức, có tài.
Ngoài các biện pháp trên, ta còn có thể: Giáo dục đạo đức học sinh thông qua phối hợp tốt “Gia đình - Nhà trường - Xã hội”, xây dựng tập thể lớp vững mạnh, đoàn kết, giúp đỡ nhau.
3. Hiệu quả của biện pháp
Sau khi áp dụng biện pháp này, tôi thấy học sinh có sự tiến bộ rõ rệt, có nền nếp hơn, đa số các em đều chăm ngoan, thực hiện tốt nội qui nhà trường, có ý thức hơn trong nhiệm vụ học tập; các em biết được những việc nào nên làm, những việc nào không nên làm; học sinh tự tin, năng động, sáng tạo hơn trong các phong trào và hoạt động ngoại khóa. Các năng lực, phẩm chất học sinh được hình thành và phát triển trong quá trình học tập, rèn luyện, hoạt động trải nghiệm cuộc sống trong và ngoài nhà trường luôn đạt một cách tốt nhất. Phụ huynh các em bắt đầu có quan tâm thiết thực đến việc học của các em và rất tin tưởng giáo viên, thường xuyên quan tâm liên lạc với giáo viên thăm hỏi về việc học của học sinh, luôn phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục con em họ. Được sự đồng tình của gia đình học sinh và xã hội. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng hiệu quả.
4. Nhân rộng biện pháp
Sau khi áp dụng biện pháp này, tôi thấy học sinh có sự tiến bộ rõ rệt, có nền nếp hơn, đa số các em đều chăm ngoan, thực hiện tốt nội qui nhà trường, có ý thức hơn trong nhiệm vụ học tập. Tôi nghĩ biện pháp này áp dụng được cho tất cả các trường tiểu học trong tỉnh và có thể nhân rộng ra các tỉnh khác trong nước, không chỉ trong năm học này mà còn có thể áp dụng trong nhiều năm tiếp theo, càng quan tâm và vận dụng sẽ có nhiều kinh nghiệm và khả năng thành công nhiều hơn.
Nguyễn Thị Kim Dung
Từ khóa » Bài Thi Gvcn Giỏi
-
Đề Tài Thi GVCN Giỏi - Kinh Nghiệm Dạy Học
-
Top 5 Bài Thuyết Trình Dự Thi Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi Chi Tiết Nhất
-
Top 5 Bài Thuyết Trình Dự Thi Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi
-
BÁO Cáo BIỆN PHÁP THI GVCN GIỎI - Tài Liệu Text - 123doc
-
Bài Báo Cáo Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi Cấp Tỉnh - YouTube
-
Bài Thuyết Trình Gvcn Giỏi Cấp Tỉnh. Một Số Biện Pháp Rèn Học Sinh Cá ...
-
Thuyết Trình Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi Hay Nhất - YouTube
-
90 Tình Huống Thi Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi Có đáp án
-
Các Tình Huống Thi Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi, Tài Liệu ôn Thi GVCN Giỏi
-
Bài Thi Thuyết Trình GVCN Giỏi Cấp Huyện NH 2021-2022 - Đình Quang
-
Báo Cáo Thi Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi
-
Trường TH Phạm Hùng Tổ Chức Hội Thi GV Giỏi Và GVCN Giỏi Cấp ...
-
Bài Thuyết Trình Thi Giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi
-
Gian Dối Ngay Khi Bắt đầu Thi, “giáo Viên Chủ Nhiệm Giỏi” để Làm Gì?