Giải Pháp đẩy Mạnh ứng Dụng Công Nghệ Thông Tin Trong Thực Hiện ...

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính phủ điện tử đã làm thay đổi phương thức, cấu trúc hoạt động của cơ quan nhà nước để người dân có thể tương tác trực tiếp với Chính phủ, tiến tới xây dựng xã hội tri thức trên nền tảng công nghệ thông tin. Bài viết nêu một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước.  
Chính phủ điện tử

Thời đại công nghệ thông tin (CNTT) phát triển như vũ bão, tác động đến mọi lĩnh vực đời sống thì hoạt động quản lý, điều hành của các Chính phủ cũng phải thay đổi để thích ứng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, chính phủ điện tử (CPĐT) ra đời như một xu thế tất yếu để đáp ứng yêu cầu. Trong đó, hoạt động của Nhà nước được thay đổi theo phương thức hoàn toàn mới là Chính phủ gần dân, tạo thuận lợi cho dân.

Ở Việt Nam, việc xây dựng CPĐT đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là khi quốc gia đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ trung ương đến địa phương cả về chiều sâu và chiều rộng. CPĐT được hiểu là Chính phủ ứng dụng CNTT nhằm góp phần nâng cao năng lực điều hành của Chính phủ; cho phép công dân truy cập các thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử; tăng cường sự công khai, minh bạch; giảm chi phí cho bộ máy Chính phủ.

Tham gia CPĐT gồm 3 chủ thể: người dân, Chính phủ, doanh nghiệp (DN). Trên cơ sở quan hệ giữa các chủ thể, có thể phân loại CPĐT thành 4 loại, tương ứng với 4 dạng cung cấp dịch vụ Chính phủ, bao gồm:

Một là, Chính phủ với Chính phủ (G2G): giúp các CQNN chia sẻ dữ liệu, trao đổi công việc thuận tiện hơn, giảm thiểu chi phí và thời gian hội họp không cần thiết.

Hai là, Chính phủ với DN (G2B): đây là giao dịch có nhiều hoạt động trực tuyến được kết nối giữa cộng đồng DN và Chính phủ từ mức độ chuyên nghiệp, như: mua sắm hàng hóa công, đấu thầu các dự án chi tiêu công cho đến những ứng dụng đơn giản như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, hỏi – đáp pháp luật, cấp giấy phép xây dựng, đất đai…

Ba là, Chính phủ với công dân (G2C):  ở cấp độ tương tác này Chính phủ sẽ cung cấp các thông tin trực tuyến chính xác, toàn diện về các luật lệ, quy chế chính sách và các dịch vụ công trực tuyến, như: làm hoặc cấp mới các giấy tờ cá nhân, các chứng chỉ, đóng và hoàn thuế thu nhập, nhận trợ cấp; cấp mới, cấp đổi các loại giấy phép lái xe, đăng ký lập DN, đăng ký nhân khẩu…

Bốn là, Chính phủ với người lao động – công chức, viên chức (G2E): đây là các dạng giao dịch của Chính phủ với những người làm việc trong CQNN, như: vấn đề lương, bảo hiểm, đóng thuế thu nhập…

Thực tiễn ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Chính phủ điện tử

Thời gian qua, Chính phủ đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội của địa phương. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý nhà nước và giao dịch điện tử từ Trung ương đến địa phương, như: Luật CNTT năm 2006; Luật Giao dịch điện tử năm 2005; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của CQNN; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số… Nhờ hệ thống văn bản này, hoạt động ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc của các CQNN từng bước được cải thiện, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý, điều hành được nâng cao, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức trong giải quyết công việc.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các CQNN đã kết nối đến 100% các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đến 98% quận, huyện, thị xã 1. Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị, trong đó lấy người dân làm trung tâm, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của CQNN, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội của địa phương. Hầu hết các CQNN đã triển khai nền tảng CPĐT.

Tính đến tháng 6/2021, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh để kết nối chia sẻ dữ liệu trong mỗi bộ/tỉnh và là đầu mối kết nối ra bên ngoài, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Trong giao dịch với người dân, DN, các bộ, ngành, địa phương cũng rất tích cực triển khai một cửa điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, hiện nay, cả nước đã có 3 bộ, ngành là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 3 địa phương, gồm Bến Tre, Tây Ninh, Lạng Sơn có tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%.2

Bộ Công Thương đã rà soát, cắt giảm 880/1216 điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm 1051/1891 mã hồ sơ, đạt tỷ lệ 56% ( Ảnh: HT).

Hệ thống thông tin hành chính điện tử của các CQNN đã thực hiện kết nối và đưa vào vận hành thông suốt, ổn định, bảo đảm an toàn, an ninh, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19, như: cài đặt ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần của Bluezore; một cửa, một cửa điện tử liên thông thủ tục hành chính công khai ngân sách hỗ trợ… Trên cơ sở đó, tạo lập nền tảng triển khai thống nhất các hệ thống thông tin, các ứng dụng CNTT phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, như: tuyên truyền chính sách pháp luật, cung cấp thông tin trả lời báo chí, triển khai các văn bản điều hành của trung ương… Hạ tầng kỹ thuật CNTT của các CQNN cơ bản đáp ứng việc triển khai ứng dụng CNTT. Hầu như, 100% cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính phục vụ công việc, 100% máy tính đều được kết nối internet. Tỷ lệ các địa phương có cổng thông tin điện tử đạt 100%, tỷ lệ có mạng nội bộ (LAN) đạt 100%, tỷ lệ có mạng diện rộng (WAN) đạt 100%. Mặt khác, về ứng dụng CNTT trong xã hội: tỷ lệ hộ gia đình có máy tính cá nhân 21,57%, tỷ lệ người dân có máy tính, điện thoại thông minh sử dụng internet đạt 70%. Tỷ lệ phủ sóng di động 3G, 4G đạt 99,7% 3.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng CPĐT vẫn còn một số bất cập, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, một số nơi chưa được trang bị máy chủ, lưu điện và các thiết bị khác để bảo đảm cài đặt phần mềm, lưu trữ các cơ sở dữ liệu. Việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung và kết nối với hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin của Trung ương và địa phương còn nhiều bất cập; nhất là triển khai truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước và các địa phương.

Đáng nói nữa, người đứng đầu một số CQNN chưa quyết tâm, gương mẫu ứng dụng CNTT, chưa thực sự là người sử dụng đầu tiên và thường xuyên các ứng dụng này. Đội ngũ cán bộ về CNTT trong hệ thống CQNN còn thiếu và hạn chế về trình độ, trong khi chưa có chính sách thu hút người làm CNTT có trình độ chuyên môn cao, nhất là lĩnh vực an toàn thông tin,…

Ngoài ra, do nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực CNTT còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai đồng bộ các hạng mục phần mềm, cơ sở dữ liệu, kết nối liên thông, đường truyền số liệu chuyên dùng,… đòi hỏi chi phí lớn nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Một số giải pháp

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức trong các CQNN về ứng dụng CNTT và tầm quan trọng của CPĐT. Trong đó, người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị cần hiểu đúng đắn về CNTT, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và có sự vào cuộc mạnh mẽ của cán bộ, công chức để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ giỏi về CNTT, đồng thời cũng phải có đội ngũ cán bộ giỏi cải cách, giỏi thủ tục, giỏi quản trị. Để thực hiện việc này, cần phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ chuyên trách về CNTT; đào tạo kiến thức nâng cao về quản trị mạng cho cán bộ CNTT chuyên trách tại các CQNN.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, DN tiếp cận, sử dụng các ứng dụng CNTT trong giao tiếp với các CQNN, đưa Chính phủ tới gần dân và đưa người dân tới gần Chính phủ. Tăng cường sự tham gia của DN cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc triển khai CPĐT.

Thứ tư, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung, dùng riêng phục vụ xây dựng CPĐT tạo nền tảng phát triển chính phủ số. Cùng với đó, xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ quy mô cấp tỉnh nhằm khai thác tối đa chức năng, tiết kiệm chi phí, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành và tác nghiệp, như: ứng dụng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc các CQNN nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ; tăng cường sử dụng các văn bản điện tử tại các CQNN để hoàn thiện hệ thống ứng dụng văn phòng điện tử. Đồng thời, an ninh, an toàn thông tin trong việc sử dụng các phần mềm tiện ích xã hội như Zalo, Facebook trong cung cấp dịch vụ công.

Thứ năm, xây dựng cơ sở dữ liệu số thay thế cho cơ sở dữ liệu truyền thống để giảm thiểu thời gian, chi phí, tối ưu hóa quy trình hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi.

Chú thích: 1. Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2020. 2. Báo cáo số 3104/BC-BNV ngày 27/6/2021 của Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2021. 3. Phát triển Chính quyền điện tử – Những thuận lợi và khó khăn. https: quanlynhanuoc.vn, ngày 16/5/2020.

ThS. Lê Thị Vân Huyền Học viện Hành chính Quốc gia

Từ khóa » Giải Pháp Công Nghệ Thông Tin Cho Doanh Nghiệp