Giải Pháp để VietNamNet Trở Thành Tổ Chức Công Nghệ Là Tìm đối Tác ...

Bài liên quan Công nghệ - Một nửa còn thiếu Công nghệ & Con ngườI sử dụng công nghệ phải luôn được đầu tư phát triển song hành Đầu tư cho công nghệ cần phải tính toán rất thận trọng

Tổng Biên tập Phạm Anh Tuấn cũng chia sẻ về mục tiêu của VietNamNet trong việc phấn đấu ứng dụng tổ hợp công nghệ hiện đại không chỉ dành riêng cho báo VietNamNet mà còn cho cả các báo, các trang tin điện tử có nhu cầu.

giai phap de vietnamnet tro thanh to chuc cong nghe la tim doi tac chien luoc hinh 1

Kỳ vọng thế mạnh công nghệ sẽ mang đến cho báo bước phát triển lịch sử

+ Thưa ông, từ đầu năm 2022, VietNamNet đã ký kết hợp tác với CMC Telecom, đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình chuyển đổi số. Xin Tổng biên tập chia sẻ thêm về “cái bắt tay đặc biệt” này, trong bối cảnh hiện nay?

- Là một trong những báo mạng đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2003, đến nay báo VietNamNet đã có 23 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Báo chí đang đứng trước những thách thức mang tính thời đại đó chính là tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Đây là yêu cầu tất yếu để báo chí có thể tồn tại và phát triển, chúng tôi cũng không là ngoại lệ. Để làm được điều đó, cùng việc đầu tư phát triển nội dung, chúng tôi đã xác định rằng, tờ báo cần phải ứng dụng các giải pháp công nghệ và viễn thông tiên tiến nhất.

Do vậy, quá trình chuyển đổi số của VietNamNet trong giai đoạn mới có sự đồng hành của CMC Telecom, một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Trong giai đoạn tăng tốc này, CMC Telecom sẽ cung cấp các giải pháp công nghệ giúp chúng tôi có thể phát huy tối đa khả năng cung cấp nội dung trên nền tảng số. Chúng tôi kỳ vọng thế mạnh công nghệ sẽ mang đến cho Báo bước phát triển lịch sử.

+ Thế mạnh công nghệ và bước phát triển lịch sử… cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Trên thực tế, các tờ báo có nội dung phát triển đều trở thành tổ chức công nghệ. Để một tờ báo có thể trở thành tổ chức công nghệ có thể mất 2 năm, 5 năm, 20 năm hoặc không bao giờ cả. Do đó, giải pháp để báo VietNamNet trở thành tổ chức công nghệ là tìm đối tác chiến lược và xây dựng các ứng dụng phần mềm công nghệ.

Việc hợp tác với CMC Telecom để giải bài toán hạ tầng công nghệ là một sự khởi đầu cho một giai đoạn mới. CMC Telecom đang sở hữu nền tảng điện toán đám mây Make in Vietnam đạt chuẩn CMC Cloud và là đơn vị CSP (Converged Services Provider  - Nhà cung cấp dịch vụ hội tụ) duy nhất tại Việt Nam. Những nền tảng vững chắc này cho phép CMC Telecom đáp ứng được những yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi toàn diện của báo VietNamNet. Đồng thời có thể vận dụng thế mạnh của hai bên, đem lại sự phát triển của báo chí hiện đại và  sự đổi mới cho người đọc.

Với thỏa thuận hợp tác được ký kết, CMC Telecom sẽ là đối tác tư vấn, thiết kế, xây dựng và triển khai các giải pháp CNTT - Viễn thông tiên tiến, phù hợp với mô hình báo chí thời đại 4.0. Theo đó, CMC Telecom sẽ cung cấp các giải pháp CNTT - Viễn thông tiên tiến nhất như Trung tâm dữ liệu, Giải pháp kênh truyền Internet, Điện toán đám mây, Dịch vụ giá trị gia tăng và các dịch vụ khác. Các giải pháp này sẽ giúp VietNamNet không chỉ phát huy được tối đa khả năng cung cấp nội dung trên nền tảng số hiệu quả mà còn gia tăng chất lượng thông tin theo đúng mong muốn của bạn đọc bằng công nghệ.

Đặc biệt, việc xây dựng các ứng dụng phần mềm công nghệ sẽ do Báo tự làm thông qua chiến lược tuyển dụng thêm bộ phận kỹ thuật viên. Đây là bộ phận rất quan trọng, có những kỹ thuật viên chúng tôi trả lương còn cao hơn cả Tổng Biên tập.

giai phap de vietnamnet tro thanh to chuc cong nghe la tim doi tac chien luoc hinh 2

Làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới

+ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh: CĐS một cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, có kỹ năng số, có cách làm số… Rõ ràng, công nghệ là quan trọng nhưng để bài toán chuyển đổi số bền vững thì chiến lược con người trong kỷ nguyên số cũng quan trọng không kém, thưa ông?

- Đúng vậy. Nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mitchell, 2018) cho biết rằng 34% người Mỹ muốn nhận tin tức của họ từ mạng xã hội, trang web và ứng dụng. Các tòa soạn phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nếu muốn phục vụ bạn đọc tốt hơn. Trong đó, những người làm báo phải tìm cách tồn tại trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, nhất là khi mà độc giả dễ dàng tìm được những nội dung tương tự, thậm chí nhanh hơn trên trạng mạng xã hội.

Ở Việt Nam, xu hướng này cũng diễn ra tương tự. Điều đó đòi hỏi, các nhà báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số phải chuyên nghiệp hơn: Không chỉ viết các bài báo, chỉnh sửa video, đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội, theo dõi phân tích… các nhà báo kỹ thuật số phải chuẩn bị để viết về bất kỳ chủ đề nào ngay lập tức.

+ “Nhà báo kỹ thuật số” - vậy thưa Tổng Biên tập, chúng ta cần đào tạo nhân lực này như thế nào để nhanh chóng bắt nhịp với đòi hỏi mới ngày càng cao?

- Tôi cho rằng, việc đào tạo người làm báo phải hướng đến năng lực toàn diện, đa nhiệm, phải làm chủ được công nghệ, nắm bắt những cái mới. Trước những yêu cầu của thực tiễn báo chí hiện nay, mỗi tòa soạn không chỉ thay đổi về mô hình, cơ cấu về tổ chức nhân sự mà chất lượng của phóng viên cũng phải được nâng cao để đáp ứng những đòi hỏi của mô hình làm báo hiện đại. Phóng viên phải chuyên sâu, thành thạo về nhiều nội dung, công nghệ và đặc biệt thuần thục quy trình làm báo. Chẳng hạn như, quy trình xuất bản hiện nay ở nhiều tòa soạn thường tiến hành qua 4 bước cơ bản là: Viết và Nhập tin bài - Biên tập - Tối ưu SEO - Xuất bản. Nhiều tòa soạn vì vậy có thêm đội ngũ nhân viên để tối ưu SEO.

Để cạnh tranh về tốc độ thông tin, phóng viên, biên tập viên cần là người am hiểu nhất nhu cầu của độc giả thì mới tìm những từ khóa hot, tìm cách đặt vấn đề để bài viết lượng đọc nhiều nhất và nhanh nhất… Bên cạnh đó, nhà báo cần tìm hiểu thêm và biết sử dụng các công cụ khác như: Social Media, Email Marketing,... để phối hợp với đội ngũ kỹ thuật tăng độ “trust” của website - một trong những yếu tố quan trọng đánh giá website của Google.

giai phap de vietnamnet tro thanh to chuc cong nghe la tim doi tac chien luoc hinh 3

Ứng dụng Vietnamnet.

Không chỉ vậy, làm báo đa phương tiện không chỉ đơn giản là sử dụng các công cụ công nghệ, thiết kế… mà quan trọng là cần có tư duy để kết nối, sử dụng các phương tiện để kể một câu chuyện thật hấp dẫn. Trong bối cảnh hiện nay, báo chí dữ liệu có yêu cầu cao hơn. Dữ liệu khiến lập luận của nhà báo mạnh mẽ hơn, việc trực quan hóa dữ liệu khiến bài báo thu hút độc giả tốt hơn.

Đồng thời, khiến nhà báo có thể khai thác góc nhìn mới về sự kiện, vấn đề. Báo chí dữ liệu cũng là một cách để chống lại Fake-news đang tràn lan trên mạng xã hội. Đây cũng là thế mạnh của báo chí so với mạng xã hội. Do đó, xu hướng phát triển báo chí dữ liệu mà VietNamNet cũng đang tập trung đẩy mạnh đòi hỏi khả năng phân tích của phóng viên.

Đồng thời, đòi hỏi nhà báo phải có kỹ năng xử lý dữ liệu và thành thạo kỹ năng tin học cơ bản… Nắm bắt vấn đề này nên ở báo VietNamNet, với bộ phận phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, mỗi năm chúng tôi đều tổ chức từ 4, 5 lớp tập huấn đào tạo ở mọi thể loại, mọi kỹ năng. Riêng bộ phận kỹ thuật hiện nay đang được tái cơ cấu mạnh mẽ với số lượng hiện lên đến 60 nhân sự…

+ Vậy có thể hình dung là, báo VietNamNet đang bước vào một guồng quay tăng tốc trong giai đoạn mới, thưa Tổng Biên tập?

- Chắc chắn là vậy. Thậm chí, mục tiêu của chúng tôi trong tương lai còn là phấn đấu ứng dụng tổ hợp công nghệ hiện đại không chỉ dành riêng cho báo VietNamNet mà còn cho cả các báo, các trang tin điện tử có nhu cầu. Công cuộc chuyển đổi số báo chí muốn thành công thì một tờ báo, một cơ quan báo chí nỗ lực là chưa đủ mà hành trình ấy đòi hỏi sự đồng hành, dù đi nhanh, đi chậm nhưng không ai bị bỏ lại phía sau. Dĩ nhiên, quan điểm điều hành của tôi xuyên suốt vẫn là, nói ít đi và làm nhiều hơn.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Vân (Thực hiện)

Từ khóa » Bản Biên Tập Báo Vietnamnet