Giải Pháp Khi Trẻ Sơ Sinh Bị đầy Hơi

Nội dung bài viết

  • Triệu chứng đầy hơi là gì?
  • Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đầy hơi là gì?
  • Dấu hiệu, triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi
  • Phải làm gì khi trẻ bị đầy hơi?
  • Một số biện pháp đơn giản giúp giảm triệu chứng đầy hơi cho trẻ
  • Khi nào cần gặp bác sĩ nếu trẻ bị đầy hơi?

Ở trẻ nhỏ, do hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh nên bé thường gặp các trục trặc về vấn đề tiêu hóa. Tình trạng đầy hơi ở trẻ khá thường gặp. Ðiều này khiến ba mẹ vô cùng lo lắng cũng như khiến trẻ khó chịu. Vậy nguyên nhân gì dẫn đến trẻ sơ sinh bị đầy hơi? Phải làm gì khi trẻ bị đầy hơi? Không ít bậc cha mẹ phải lúng túng trước những câu hỏi này. Vì vậy, hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân tìm hiểu những thông tin cơ bản về triệu chứng đầy hơi ở trẻ trong bài viết sau đây nhé!

Triệu chứng đầy hơi là gì?

Không khí đi vào đường tiêu hóa rất dễ dàng. Chẳng hạn như khi trẻ sơ sinh bú bình hoặc động tác nuốt. Hoặc khí có thể xuất phát từ sự tiêu thụ thức ăn của hệ tiêu hóa.

Đầy hơi là tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đây là tình trạng tích tụ quá nhiều không khí trong dạ dày hoặc ruột. Sự tích tụ này có thể gây tăng áp lực trong lòng dạ dày và ruột. Vì vậy, nó có thể gây cảm giác khó chịu hoặc gây đau bụng ở một số trẻ. Trẻ có thể trở nên cáu gắt, quấy khóc.

Đầy hơi có thể chỉ là triệu chứng vô hại. Nhưng đôi khi, nó lại có thể tiềm ẩn một tình trạng sức khỏe nào đó.

Trẻ sơ sinh bị đầy hơi sẽ cảm thấy khó chịu
Trẻ sơ sinh bị đầy hơi sẽ cảm thấy khó chịu

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị đầy hơi là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến triệu chứng đầy hơi ở trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ thường dễ bị đầy hơi hơn người lớn. Một số nguyên nhân thường gặp dẫn đến triệu chứng đầy hơi ở trẻ nhỏ đó là:

1. Nuốt không khí

Trẻ sơ sinh có thể nuốt không khí nếu chúng ngậm vú không đúng cách. Hoặc nếu trẻ bú hoặc uống từ bình ở những tư thế không đúng, hoặc trẻ ăn quá nhanh.

2. Khóc quá nhiều

Bé sơ sinh có xu hướng nuốt không khí khi khóc. Khi khóc, bé sẽ nuốt nhiều không khí và tạo thành nhiều hơi trong bụng. Sự thật là rất khó để biết được liệu đầy hơi gây ra tiếng khóc của trẻ hay khóc gây ra đầy hơi. Dù bằng cách nào, điều quan trọng là khi trẻ khóc, hãy kịp thời làm dịu trẻ theo cách tốt nhất có thể.

Khi khóc quá nhiều, bé sẽ nuốt nhiều không khí và tạo thành nhiều hơi trong bụng
Khi khóc quá nhiều, bé sẽ nuốt nhiều không khí và tạo thành nhiều hơi trong bụng

3. Vấn đề tiêu hóa

Trẻ sơ sinh có thể bị đầy hơi khi bị táo bón. Chứng táo bón gây ứ phân nên vi trùng sẽ sinh hơi trong đại tràng làm bụng trẻ sơ sinh bị đầy hơi.

Chứng tiêu chảy khiến bé bị mất chất điện giải nhiều qua phân (điển hình là kali). Vì vậy, nó có thể gây đầy hơi trướng bụng, dẫn đến chèn ép cơ hoành, gây ói nhiều.

Dù ít phổ biến hơn nhưng đầy hơi có thể báo hiệu một tình trạng đường tiêu hóa, chẳng hạn như trào ngược. Chứng trào ngược dạ dày – thực quản không phải lúc nào cũng biểu hiện bằng nôn trớ. Vì vậy, đôi khi bạn nhầm lẫn là bé chỉ bị đầy hơi. Hãy thảo luận với bác sĩ nhi khoa, đặc biệt là nếu đầy hơi xảy ra nhiều hoặc nghiêm trọng.

Những hội chứng đại tràng kích thích, bệnh giảm nhu động ruột làm hơi chứa lâu trong ruột gây đầy hơi, phình đại tràng bẩm sinh cũng là một bệnh làm cho bụng của bé trướng to, đầy hơi.

4. Một đường tiêu hóa chưa trưởng thành

Cơ thể trẻ đang học cách tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, chúng có xu hướng bị đầy hơi hơn người lớn.

5. Thức ăn

Ở trẻ lớn hơn, khi ăn thức ăn đa dạng hơn hay một thực phẩm mới có thể gây ra đầy hơi. Đối với một số trẻ, đầy hơi thường xuyên có thể là một trong những dấu hiệu nhạy cảm với thực phẩm.

Thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân của chứng đầy hơi ở trẻ nhỏ. Nhiều trẻ bị đầy bụng do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, ôi thiu.

Đôi khi, bé ở trong tình trạng bất dung nạp đường lactose, tinh bột. Cho nên khi ăn thực phẩm có các thành phần này sẽ sinh hơi nhiều gây đầy hơi, trướng bụng.

Một chế độ ăn hoặc thực phẩm không thích hợp có thể dẫn đến chứng đầy hơi cho trẻ
Một chế độ ăn hoặc thực phẩm không thích hợp có thể dẫn đến chứng đầy hơi cho trẻ

6. Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp

Nhiều mẹ cho con ăn dặm sớm hoặc ăn các thức ăn mà cơ thể trẻ chưa đủ men để tiêu hóa. Điều này khiến thức ăn chưa tiêu hóa hết ứ đọng trong đường ruột của bé. Lúc này vi khuẩn lên men và sinh ra nhiều hơi (khí) dẫn đến đầy hơi.

Dấu hiệu, triệu chứng khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi

Đầy hơi khiến trẻ khó chịu, quấy khóc. Tuy nhiên, trẻ không thể diễn tả cho bạn hiểu được. Vì vậy, ba mẹ cần để ý bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu nào khác thường ở trẻ. Đó có thể là dấu hiệu mà trẻ báo cho bạn biết. Một số triệu chứng, dấu hiệu gợi ý trẻ bị đầy hơi, như:

  • Bụng bé căng tròn sau khi ăn 1 – 2 giờ.
  • Vỗ nhẹ vào bụng sẽ phát ra âm thanh vang như gõ trống.
  • Bé ợ hơi, ợ chua sau khi ăn.
  • Quấy khóc sau khi ăn.
  • Có thể lười bú và biếng ăn.
  • Đi tiêu bón hoặc lỏng.
  • Không “đánh rắm” như bình thường.

Phải làm gì khi trẻ bị đầy hơi?

Trẻ sơ sinh bị đầy hơi sẽ quấy khóc, không ăn và ngủ đủ giấc. Vì vậy, nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Do đó, khi trẻ bị đầy hơi, cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi những dấu hiệu để biết được nguyên nhân gây đầy hơi và có giải pháp khắc phục.

Nếu bé bứt rứt, khó chịu, quấy khóc, bỏ bú hoặc khó ngủ, không thể trấn an, đó có thể là vấn đề nghiêm trọng. Các triệu chứng như sốt hoặc có máu lẫn trong phân cũng cảnh báo những vấn đề khác ngoài đầy hơi đơn thuần. Lúc này, phụ huynh cần đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa. Nhưng nếu bé vẫn vui vẻ, tươi cười thì không nên quá lo lắng. Ba mẹ có thể tham khảo một số cách đơn giản tại nhà giúp bé giảm tình trạng đầy hơi.

Nên xem xét đưa con đi khám nếu cần thiết
Nên xem xét đưa con đi khám nếu cần thiết

Nhiều người cho con bú lo lắng rằng, chế độ ăn uống của họ là thủ phạm gây ra chứng đầy hơi cho trẻ. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, phụ nữ thường không cần phải có một chế độ ăn kiêng nào. Bởi vì hầu hết trẻ nhỏ đều bị đầy hơi.

Một số biện pháp đơn giản giúp giảm triệu chứng đầy hơi cho trẻ

1. Cho trẻ bú hoặc ăn đúng cách

Đầu tiên, hãy đảm bảo trẻ có tư thế khi ăn đúng cách. Khi bạn cho con bú, hãy luôn giữ cho đầu bé ở cao hơn so với dạ dày. Bằng cách này, sữa sẽ trôi xuống đáy dạ dày, còn khí thừa sẽ nằm ở trên và dễ dàng để ợ ra hơn.

Cách trẻ ngậm núm vú cũng rất quan trọng, tránh hút phải khí thừa. Bình sữa của bé cũng nên nâng cho hơi dốc (sao cho mực sữa luôn ngập lỗ núm vú). Mục đích là để bé không nuốt khí vào bụng trong khi bú.

2. Cho trẻ ợ hơi sau mỗi bữa ăn

Sau mỗi bữa ăn (bú, ăn dặm), cần giúp bé ợ hơi. Tuy nhiên cần lưu ý không nên làm trẻ ợ hơi ngay sau khi trẻ mới ăn. Bởi vì việc ợ hơi có thể sẽ đẩy cả thức ăn ra ngoài.

Có nhiều tư thế để giúp trẻ ợ hơi sau khi ăn:

  • Ẵm bé tựa đầu vào vai bạn.
  • Đặt bé ngồi trên đùi.
  • Để bé nằm sấp trên đùi người lớn.

Sau đó, bạn có thể nhẹ nhàng xoa lưng bé theo những chuyển động tròn dọc theo xương sống từ dưới lên tới cổ. Động tác này giúp đưa không khí từ trong bụng lên trên và đẩy ra ngoài.

Một số tư thế giúp trẻ ợ hơi sau khi ăn
Một số tư thế giúp trẻ ợ hơi sau khi ăn

3. Động tác đạp xe

Để trẻ nằm ngửa và nắm lấy chân trẻ. Sau đó, cử động chân trẻ giống như việc đi xe đạp. Hoặc kéo nhẹ nhàng chân trẻ lên ngực rồi hạ xuống đều, lần lượt 2 chân. Động tác này cũng giúp hỗ trợ đẩy hơi ra ngoài. Không những vậy, điều này sẽ khiến trẻ rất thích thú, vui vẻ.

4. Massage bụng cho trẻ

Đây là biện pháp hiệu quả mà rất dễ thực hiện. Để giúp trẻ giảm lượng hơi trong dạ dày và dễ chịu hơn, mẹ cần massage bụng cho bé thường xuyên. Nhẹ nhàng dùng các ngón tay của mẹ xoay tròn theo chiều kim đồng hồ từ rốn ra ngoài bụng của bé. Có thể dùng dầu massage để tay mẹ không bị rít khi chạm vào da của con. Tuy nhiên, không nên massage ngay sau khi bé vừa ăn xong.

Thường xuyên massage bụng là cách đơn giản và hiệu quả giúp giảm triệu chứng
Thường xuyên massage bụng là cách đơn giản và hiệu quả giúp giảm triệu chứng

5. Bổ sung men vi sinh

Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy những em bé bị đau bụng colic có thể trở nên tốt hơn khi bổ sung men vi sinh. Nếu các biện pháp khắc phục tại nhà không hiệu quả và đầy hơi có thể tệ hơn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa về việc sử dụng men vi sinh.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu chưa có một thiết lập chung về liều dùng phù hợp cho trẻ hoặc loại vi khuẩn nào có thể hoạt động tốt nhất. Vì vậy, việc bổ sung men vi sinh cần được tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Khi nào cần gặp bác sĩ nếu trẻ bị đầy hơi?

Đầy hơi có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên đôi khi, đầy hơi tiềm ẩn một vấn đề sức khỏe. Một số dấu hiệu đi kèm cho thấy bạn nên đưa con đi khám bác sĩ, như:

  • Trẻ không tăng cân.
  • Trẻ thường không muốn ăn hoặc khó bú. Đó cũng có thể là dấu hiệu của trào ngược axit hoặc một vấn đề tiêu hóa khác, cả hai đều cần điều trị.
  • Trẻ dường như bị táo bón. Khí có thể bị mắc kẹt phía sau phân. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm và giải quyết vấn đề gốc.
  • Trẻ bị dị ứng (nổi mề đay, nôn mửa, nổi mẩn, sưng mặt, khó thở).
  • Trẻ bị sốt.
  • Có máu lẫn trong phân.
  • Trẻ bứt rứt, khó chịu, quấy khóc, bỏ bú hoặc khó ngủ, không thể trấn an.
Nếu trẻ bị đầy hơi dẫn đến không tăng cân, ba mẹ cần đưa con đi khám
Nếu trẻ bị đầy hơi dẫn đến không tăng cân, ba mẹ cần đưa con đi khám

Nếu trẻ bị đầy hơi nhưng tăng cân và đi tiêu tiểu bình thường theo tuổi của mình, lúc này chứng đầy hơi có thể không ảnh hưởng đến sức khỏe. Và bạn có thể chỉ cần chờ đợi, bởi hệ tiêu hóa non nớt của trẻ cũng cần có thời gian trưởng thành

Những thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thể được sự thăm khám và điều trị của bác sĩ.

Tóm lại, triệu chứng đầy hơi khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Đây có thể là triệu chứng vô hại nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi, ba mẹ không nên quá lo lắng. Hãy bình tĩnh theo dõi những dấu hiệu của con để có biện pháp khắc phục thích hợp. Hy vọng bài viết đã cung cấp được những thông tin hữu ích về nguyên nhân cũng như các giải pháp khi trẻ đầy hơi. 

Từ khóa » đầy Hơi Chướng Bụng ở Trẻ Sơ Sinh