Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai 45 năm xây dựng và phát triển
VKSND huyện, thị xã, thành phố
Tuyên truyền về Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp
Bản tin kiến nghị phòng ngừa tội phạm
Công tố - Kiểm sát
Công tác xây dựng Đảng, Đoàn thể
Nghiên cứu - Trao đổi
Chúng tôi là Kiểm sát viên
Học tập làm theo lời Bác
Tải về
VĂN BẢN PHÁP LUẬT
TRUYỀN HÌNH KIỂM SÁT
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Sơ đồ TTĐT
Trang nhất
Nghiên cứu - Trao đổi
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất Thứ năm - 20/05/2021 09:495.7230 Kê biên tài sản thi hành án là một trong những biện pháp cưỡng chế của Cơ quan thi hành án dân sự để buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ theo Bản án, Quyết định của Tòa án khi họ có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành. Trong những năm gần đây, những vụ việc thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng đột biến, nhiều vụ việc mang tính chất phức tạp, bản án tuyên khó thi hành, đương sự chống đối, cũng có nhiều trường hợp Chấp hành viên tổ chức cưỡng chế kê biên không đúng quy định, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan dẫn đến tình trạng đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp, vượt ngành. Vì vậy, công tác kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của Viện kiểm sát nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọng trong khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản, sẽ kịp thời phát hiện những vi phạm trong công tác tổ chức thi hành án, góp phần đáng kể trong việc bảo về quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, hạn chế các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài nâng cao uy tín, lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật. I. Căn cứ pháp lý: - Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014; - Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; - Luật đất đai năm 2013; - Bộ luật dân sự năm 2015; - Luật hôn nhân gia đình năm 2014; - Các văn bản hướng dẫn dưới luật. II. Thực trạng công tác kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất:1. Kết quả công tác kiểm sát: Trong 03 năm (2018, 2019, 2020) Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã kiểm sát được 817 vụ việc cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án dân sự, trong đó 487 vụ việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của người phải thi hành án. Qua công tác kiểm sát cưỡng chế kê biên tài sản, Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã phát hiện được nhiều vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự, các cơ quan có liên quan, qua đó đã kịp thời ban hành các bản yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm, hầu hết các bản kiến nghị, kháng nghị đều được Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan chấp nhận và nghiêm túc khắc phục. 2. Những dạng vi phạm được phát hiện:2.1 Vi phạm của Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự: - Bản án, Quyết định của Tòa tuyên không đúng nhưng Cơ quan thi hành án dân sự không kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật THADS năm 2014 mà vẫn tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án. Trên thực tế một số vụ việc liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng Bản án, Quyết định của Tòa án chỉ tuyên buộc người phải thi hành án thi hành nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, không đề cập đến việc Ngân hàng được quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án xử lý tài sản của người phải thi hành án theo Hợp đồng thế chấp tài sản để thu hồi nợ cho Ngân hàng. Theo quy định, trong các vụ việc tranh chấp hợp đồng tín dụng, khi xử lý hợp đồng tín dụng phải xử lý cả hợp đồng thế chấp (theo yêu cầu của nguyên đơn) nhưng Tòa án chỉ tuyên như trên. Khi nhận đơn yêu cầu thi hành án của tổ chức tín dụng, Cơ quan thi hành án dân sự không hướng dẫn cho đương sự yêu cầu Tòa án giải thích bản án, Quyết định để bảo vệ quyền lợi cho mình hoặc kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm mà vẫn ra Quyết định cưỡng chế kê biên và tiến hành kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của người phải thi hành án đang thế chấp tại tổ chức tín dụng. - Trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, Cơ quan thi hành án không tiến hành xác minh hoặc xác minh không đầy đủ, cụ thể tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án dẫn đến quá trình tổ chức thi hành án đã cưỡng chế kê biên tài sản của người khác hoặc trường hợp người phải thi hành án tẩu tán tài sản nhưng Cơ quan thi hành án không biết để có biện pháp xử lý kịp thời (Vi phạm Điều 20, Điều 44 Luật THADS năm 2014, Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, Điều 3 Thông tư 11/2016/TTLT). Một số trường hợp, Chấp hành viên không xác minh kỹ về thông tin tài sản nên không nắm được thông tin trên Quyền sử dụng đất của người phải thi hành án có nhà ở hoặc cây trồng do người khác xây dựng, kiến tạo để kịp hướng dẫn họ thỏa thuận hoặc khởi kiện ra Tòa để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà kê biên cả Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của người khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Hoặc có một số trường hợp, Chấp hành viên chỉ xác minh tại chính quyền địa phương xác định người phải thi hành án có tài sản là Quyền sử dụng đất và ra Quyết định cưỡng chế kê biên tài sản trên. Tại buổi cưỡng chế kê biên mới biết được thông tin người phải thi hành án đã chuyển nhượng Quyền sử dụng và tài sản trên đất trên cho người khác, đã hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu và sử dụng trước khi có Bản án, Quyết định của Tòa án, sau đó Cơ quan thi hành án dân sự phải ra Quyết định hủy hoặc thu hồi Quyết định cưỡng chế kê biên. - Vi phạm về việc thông báo, niêm yết các Quyết định, văn bản cho đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Vi phạm khoản 1, 2 Điều 39 luật THADS năm 2014; Điều 12 Nghị định 62/2015/NĐ-CP; Điều 2 Thông tư 11/2016/TTLT). - Trước khi cưỡng chế kê biên không có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký. Sau khi kê biên, không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại Điều 89 Luật THADS năm 2014. - Khi kê biên Quyền sử dụng đất không yêu cầu người phải thi hành án, người đang quản lý giấy tờ về quyền sử dụng đất nộp các giấy tờ cho Cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Luật THADS năm 2014. - Vi phạm Điều 88 Luật THADS năm 2014 trong việc kê biên tài sản: Có nhiều trường hợp, Chấp hành viên chỉ tiến hành kê biên theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không tiến hành đo đạc, kiểm tra thực tế ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên. Việc kê biên theo thực tế hiện trạng tài sản nhằm xác định diện tích thực tế và theo Giấy chứng nhận có chênh lệch hay không từ đó làm rõ nguyên nhân chênh lệch diện tích để làm việc với cơ quan chuyên môn về việc có cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua trúng đấu giá hay không? Ngoài ra việc kê biên theo hiện trạng còn nhằm mục đích xác nhận vị trí tọa độ thửa đất thực tế có trùng khớp với bản đồ địa chính hay không? (Có nhiều trường hợp không kê biên theo thực tế nên không phát hiện đất thực tế có tọa độ không khớp với bản đồ địa chính, Cơ quan thi hành án dân sự vẫn tiến hành thẩm định, bán đấu giá, đến khi người mua trúng đấu giá đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận thì không làm được dẫn đến phải hủy hợp đồng mua bán tài sản) - Vi phạm khoản 8 Điều 1 Nghị định 33/2020/NĐ-CP v/v kê biên tài sản không tương ứng với nghĩa vụ thi hành án. - Vi phạm Điều 74 Luật THADS năm 2014 trong việc kê biên tài sản chung của vợ chồng. Vụ việc thi hành án chỉ có vợ hoặc chồng là người phải thi hành án, Chấp hành viên không thông báo cho người phải thi hành án và người có quyền sở hữu chung để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết mà kê biên toàn bộ Quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của vợ chồng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người còn lại. Hoặc trường hợp người phải thi hành án có tài sản riêng, đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án nhưng Cơ quan thi hành án dân sự tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản chung là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của vợ chồng. - Vi phạm Điều 74 Luật THADS năm 2014 trong việc kê biên tài sản hộ gia đình. Vụ việc thi hành án chỉ có 2 vợ chồng phải thi hành khoản trả nợ cho cá nhân, tổ chức, khi tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản Chấp hành viên không xác minh, làm rõ nên đã kê biên tài sản của hộ gia đình, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những thành viên còn lại trong hộ gia đình. - Vi phạm trong quá trình thi hành án dân sự đối với tài sản của người phải thi hành án nhưng là tài sản thuộc di sản thừa kế. Có trường hợp người phải thi hành án chỉ có tài sản duy nhất là nhà và đất, nhưng tài sản này đứng tên hai vợ chồng, hiện người chồng đã chết, họ có con chung. Nhưng khi tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản trên, Cơ quan thi hành án dân sự đã không thông báo cho những người có quyền, nghĩa vụ liên quan (là các con của người phải thi hành án) biết để thực hiện quyền thừa kế của họ theo quy định pháp luật, nên sau khi cưỡng chế, kê biên tài sản xong thì một trong các con của người phải thi hành án đã có đơn khởi kiện tại Tòa án huyện để xin chia thừa kế đối với khối tài sản trên, làm thiệt hại đến quyền lợi của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với khối tài sản thi hành án trên. Cho nên đã dẫn đến việc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là con của người phải thi hành án khiếu nại. - Không tổ chức cưỡng chế kê biên đối với tài sản của người phải thi hành án đã chuyển nhượng sau khi Bản án có hiệu lực, vi phạm khoản 11 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP. Quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên xác minh: sau khi Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án chuyển nhượng tài sản duy nhất cho người khác (chưa hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng) nhưng không dùng khoản tiền thu được từ giao dịch để thi hành án, nhưng không tiến hành kê biên tài sản trên theo quy định mà để cho người mua tài sản làm thủ tục sang tên, dẫn đến không thi hành được và ra Quyết định v/v chưa có điều kiện thi hành án. 2.2. Vi phạm của các Cơ quan khác có liên quan: Trong việc phối hợp công tác khi tiến hành các cuộc cưỡng chế thi hành án dân sự, nhận thấy các cơ quan, tố chức liên quan thực hiện chưa tốt công tác phối hợp làm ảnh hưởng đến tiến độ thi hành án án như Văn phòng đăng ký đất đai còn chậm cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, hoặc cung cấp sai thông tin tài sản của người phải thi hành án... III. Một số kinh nghiệm kiểm sát các vụ việc cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất: Qua kinh nghiệm thực tiễn kiểm sát các vụ việc cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án tổng hợp một số nội dung cần lưu ý khi kiểm sát như sau: - Khi nhận được giấy mời tham gia vụ cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án dân sự cùng Quyết định và kế hoạch cưỡng chế, kê biên tài sản thì Kiểm sát viên được phân công kiểm sát vụ việc cần đề xuất Lãnh đạo đơn vị yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự cung cấp hồ sơ để kiểm sát và báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện cho ý kiến trước khi thực hiện kiểm sát cưỡng chế kê biên tài sản. Khi kiểm sát hồ sơ cần lưu ý các nội dung: + Kiểm sát Bản án, Quyết định của Tòa án có đảm bảo đúng pháp luật và đảm bảo tính khả thi không. + Kiểm sát các biên bản xác minh, tài liệu có liên quan xem có đủ điều kiện kê biên tài sản hay chưa. + Kiểm sát căn cứ pháp lý của Quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản, tài sản có được kê biên theo quy định không. + Kiểm sát nội dung Kế hoạch cưỡng chế kê biên để biết được thái độ người phải thi hành án, cần chú ý phần này để xác định vụ việc có mang tính chất phức tạp hay không, trao đổi với Chấp hành viên dự kiến các tình huống có thể xảy ra để chủ động có biện pháp xử lý. Kiểm sát kế hoạch để đảm bảo đúng quy định pháp luật, thành phần mời tham gia có đủ, đúng theo quy định không. Tùy theo từng loại tài sản kê biên, cưỡng chế để có thành phần cơ quan chuyên môn được mời tham gia cho đảm bảo, nên Kiểm sát viên cần nắm được nội dung này để kịp thời có ý kiến với Chấp hành viên. + Kiểm tra Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất để xác định tài sản chung hay riêng, có phải tài sản hộ gia đình hay không. Nếu tài sản thuộc sở hữu của hai vợ chồng (mà người phải thi hành án chỉ là 1 người) hoặc tài sản hộ gia đình (người phải thi hành án là 1 hoặc 1 số thành viên trong hộ) Chấp hành viên phải thực hiện việc thông báo thỏa thuận phân chia tài sản hoặc khởi kiện ra Tòa để được giải quyết, việc thông báo phải đảm bảo đúng thời gian quy định. Đối với tài sản kê biên là Quyền sử dụng đất đang thế chấp vay vốn tại Ngân hàng, ngoài việc kiểm tra kỹ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cần phải kiểm tra nội dung hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh, tránh trường hợp kê biên tài sản không nằm trong Hợp đồng thế chấp và Hợp đồng bảo lãnh. + Kiểm sát các tài liệu kèm theo để xác định tài sản cưỡng chế kê biên không có tranh chấp. Nếu có tranh chấp thì phải có tài liệu thể hiện việc Chấp hành viên thông báo cho đương sự và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khởi kiện tài Tòa án. - Khi trực tiếp tham gia kiểm sát các vụ cưỡng chế, kê biên tài sản thi hành án dân sự, cưỡng chế giao tài sản thi hành án, Kiểm sát viên phải kiểm tra tính đầy đủ, có căn cứ pháp lý của các thành phần tham gia Hội đồng cưỡng chế, các đương sự phải tham gia buổi cưỡng chế, kê biên tài sản. Nếu có đương sự nào vắng mặt thì phải yêu cầu Chấp hành viên xác định rõ đương sự vắng mặt đã được tống đạt hợp lệ hay chưa? Nếu đã hợp lệ phải ghi rõ vào biên bản. Khi kiểm sát cần chú ý việc Hội đồng kê biên có tiến hành đo đạc, kiểm tra thực tế để lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên, theo quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 111 Luật thi hành án dân sự; tránh trường hợp khi kê biên chỉ ghi các thông số theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc lập biên bản không ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên; kê biên không đúng theo hiện trạng đất và tài sản gắn liền với đất; cần lưu ý đối với các trường hợp tọa độ đất thực tế không trùng khớp với bản đồ địa chính. Kiểm sát viên cần nhạy bén, linh hoạt, quan sát, nắm được các diễn biến xảy ra, mỗi việc phát sinh đều phải cân nhắc, đối chiếu với quy định của pháp luật để xác định thao tác nghiệp vụ của Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế kê biên, các thao tác của từng bộ phận chuyên môn tham gia phối hợp của Hội đồng cưỡng chế, kê biên có đúng quy định hay không. Kiểm sát viên phải nắm kỹ các quy định đối với quá trình tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản, hình thành kỹ năng cơ bản, khi phát hiện vi phạm trong quá trình tiến hành cưỡng chế, kê biên tài sản phải yêu cầu Chủ tịch hội đồng cưỡng chế, kê biên tài sản dừng buổi cưỡng chế, kê biên tài sản để xác minh hoặc chờ xử lý sau. Hoặc những trường hợp, tại buổi cưỡng chế kê biên phát sinh những tình huống nằm ngoài dự liệu mà không thể xử lý được, hoặc việc xử lý có thể dẫn đến khiếu nại, tố cáo thì trao đổi với Chủ tịch hội đồng cưỡng chế kê biên tạm dừng buổi cưỡng chế kê biên và báo cáo Lãnh đạo viện xin ý kiến chỉ đạo. Việc tổng hợp các nội dung đưa vào biên bản cưỡng chế, kê biên đã đúng và đầy đủ chưa, nếu chưa đúng, chưa đầy đủ thì phải có ý kiến, yêu cầu chủ tịch Hội đồng cưỡng chế, kê biên phải bổ sung cho đầy đủ. Sau khi nội dung được thông qua, những người tham gia không ai có ý kiến gì thì yêu cầu thư ký chốt biên bản, trước khi ký biên bản, Kiểm sát viên phải ký nháy vào từng trang biên bản để tránh trường hợp bổ sung thêm những nội dung khác vào biên bản đã được thông qua. IV. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất:1. Về hoàn thiện cơ sở pháp luật: Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 và các văn bản hướng dẫn Luật có nhiều nội dung mới quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Do đó, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn vướng mắc, nhận thức khác nhau và từ đó dẫn đến việc áp dụng thiếu nhất quán. Việc này Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án sẽ tổng hợp và có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể. Ví dụ như vướng mắc trong việc áp dụng Điều 74 Luật thi hành án dân sự về việc xác định phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự”. Như vậy theo quy định này, Chấp hành viên không được phân chia tài sản chung mà chỉ yêu cầu tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP thì Chấp hành viên có quyền xác định phần sở hữu của vợ, chồng đối với tài sản của vợ chồng; xác định phần sở hữu, sử dụng theo số lượng thành viên của hộ gia đình tại thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản, thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Việc hướng dẫn tại điểm c Khoản 2 Điều 24 Nghị định dẫn đến sự tùy nghi của Chấp hành viên trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Bởi lẽ nhiệm vụ của Chấp hành viên là thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chấp hành viên căn cứ theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP đã tự phân chia phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung và tiến hành lập kế hoạch kê biên ½ tài sản trong khối tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ thi hành án. Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân cho rằng, việc Chấp hành viên tự phân chia phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là không đúng quy định của pháp luật, vì Chấp hành viên không có thẩm quyền xác định giá trị của tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản chung. Như vậy, cần phải hiểu như thế nào về vấn đề này để áp dụng cho đúng và thống nhất? Đây là khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác thi hành án của cả 2 Ngành Kiểm sát và Thi hành án dân sự, vấn đề này đã được nêu nhiều lần trong các đợt tập huấn, tuy nhiên đến hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, Nghị định 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, nhưng nội dung này vẫn không được đề cập sửa đổi. Do đó, đến nay những vụ việc liên quan đến việc xác định phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án vẫn chưa được thực hiện thống nhất. 2. Giải pháp, kiến nghị thực hiện:2.1 Hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên: Tăng cường ban hành các thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, đặc biệt là kinh nghiệm trong công tác kiến nghị, kháng nghị vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự, để các địa phương học tập, rút kinh nghiệm và thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Đề xuất các ngành, các cấp bằng nhiều biện pháp cần có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân trong việc tuyên truyền ý thức pháp luật về thi hành án dân sự đến nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Cần tăng cường hơn nữa việc tổng hợp những khó khăn vướng mắc giữa các đơn vị để hướng dẫn, rút kinh nghiệm chung, đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về công tác này. 2.2.Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất: Thứ nhất, cần xác định đây là một trong những khâu công tác trọng tâm của Ngành, vì khi thực hiện tốt chức năng kiểm sát sẽ hạn chế rất nhiều những sai phạm, vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự, hạn chế những đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo cho Bản án của Tòa án được thi hành đầy đủ kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Do vậy, công tác cần phải có được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp. Qua hoạt động nghiệp vụ kiểm sát thi hành án, phát hiện những vi phạm đến mức kháng nghị, kiến nghị Lãnh đạo đơn vị phải kiên quyết ban hành kháng nghị, kiến nghị tùy theo tính chất nghiêm trọng của mỗi hành vi, quyết định có vi phạm. Thứ hai, cần quan tâm, chú trọng và phải được bố trí đủ cán bộ đề đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Đặc biệt phải đảm bảo sự ổn định thời gian công tác lâu dài để từ đó có sự tích lũy kinh nghiệm, kiến thức thực tế thì mới có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hoàn thành công tác kiểm sát thi hành án dân sự đạt kết quả cao. Thứ ba, Kiểm sát viên, cán bộ được phân công cần nhận thức, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung và công tác kiểm sát việc cưỡng chế kê biên tài sản nói riêng, có sự đầu tư để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của khâu công tác này. Để làm tốt công tác kiểm sát thi hành án dân sự cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm vững chức năng, quyền hạn của Viện kiểm sát và vai trò trách nhiệm của Kiểm sát viên để có kỹ năng xử lý tình huống nhạy bén và đúng pháp luật. Nắm chắc các văn bản pháp luật về Thi hành án dân sự, những nội dung của các văn bản pháp luật khác có liên quan đến Thi hành án dân sự như: Luật dân sự, Luật đất đai, Luật nhà ở, luật hôn nhân gia đình… Nhận dạng được các dạng vi phạm cơ bản, thường xuyên xảy ra trong quá trình tổ chức cưỡng chế, kê biên thi hành án của Chấp hành viên và Cơ quan thi hành án dân sự, qua đó phát hiện các dạng vi phạm để kịp thời kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan có liên quan khắc phục.
Tác giả bài viết: Vũ Quỳnh Trinh
Tags: thi hành, dân sự, bản án, quyết định, tòa án, thực hiện, cơ quan, tài sản, nghĩa vụ, biện pháp, tự nguyện
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 2 - 2 phiếu bầu Click để đánh giá bài viết Tweet
Ý kiến bạn đọc
Sắp xếp theo bình luận mới Sắp xếp theo bình luận cũ Sắp xếp theo số lượt thích
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bàn về tình tiết “Người đủ 70 tuổi trở lên”, “Người già yếu” và “Người đã quá già yếu” quy định trong Bộ luật Hình sự
(31/05/2021)
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiến nghị phòng ngừa của Viện kiểm sát đối với tội phạm trộm cắp tài sản nhìn từ địa bàn tỉnh Gia Lai
(31/05/2021)
Bàn về “Trích cứu hồ sơ điện tử”
(04/06/2021)
Bàn về tình tiết “tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 Bộ luật hình sự trong vụ án cụ thể.
(10/06/2021)
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực các bản kháng nghị, kiến nghị của VKSND trong công tác kiểm sát THADS
(10/06/2021)
Tư duy mới, cách làm hay trong việc ứng dụng CNTT thực hiện “Số hóa hồ sơ, phối hợp với Tòa án tiến hành công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh” tại phiên tòa xét xử các vụ án dân sự
(10/06/2021)
Nâng cao kỹ năng, chất lượng các hoạt động xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự thông qua số hóa hồ sơ
(17/06/2021)
Thực hiện nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm thông qua thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát
(17/06/2021)
Một số vướng mắc khi áp dụng Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015
(25/06/2021)
Một số chú ý của Kiểm sát viên khi viết và trình bày bản luận tội liên quan đến tội phạm về ma túy
(02/07/2021)
Một số lưu ý trong kiểm sát xử lý vật chứng và hướng hoàn thiện
(07/05/2021)
Một số lưu ý khi kiểm sát giải quyết các vụ án theo thủ tục rút gọn
(29/04/2021)
Quy định về tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm, một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
(13/04/2021)
Một số giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm
(13/04/2021)
Quan điểm nhận thức về công tác “Số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa hình sự.
(02/04/2021)
Công tác tuyên truyền qua góc nhìn của cộng tác viên
(26/03/2021)
Kỹ năng kiểm sát, khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát việc giải quyết nguồn tin tội phạm những vụ việc dễ gây nhầm lẫn
(17/03/2021)
Bàn về tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính ... mà còn vi phạm” quy định tại một số tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự.
(17/03/2021)
Những khó khăn, vướng mắc trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm về Lâm luật trong Bộ luật Hình sự hiện nay
(17/03/2021)
Sáng kiến: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác Kiểm sát và Quản lý Giáo dục người chấp hành án phạt tù ở cấp huyện
(02/03/2021)
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Cán bộ Ngành Kiểm sát tỉnh Gia Lai
TRUYỀN HÌNH KIỂM SÁT
Sau
Trước
Thống Kê Truy Cập
Đang truy cập20
Hôm nay1,116
Tháng hiện tại181,267
Tổng lượt truy cập19,053,514
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây