Giải Pháp Nào để Du Lịch Việt Nam Không 'lạc Nhịp' Với Thế Giới?

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link

Tiến trình phục hồi của du lịch Việt Nam đang lạc nhịp so với thế giới. Trong khi thế giới đã tăng 31% so với năm 2020 thì du lịch Việt đang tiếp tục ‘rơi.’ Vì thế, vấn đề đặt ra là phải phục hồi ngay nền kinh tế xanh Việt Nam và tốc độ nhanh hơn so với các nước để không tụt hậu.

Đó là khẳng định của chuyên gia cao cấp Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương tại tọa đàm bàn tròn trong khuôn khổ Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển,” vừa diễn ra hôm nay (ngày 25/12), tại thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.

Vậy giải pháp nào để du lịch Việt Nam không ‘lạc nhịp’ với thế giới?

Du lịch Việt đang “rơi thẳng đứng”

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Đoàn Văn Việt Khái quát bức tranh toàn cảnh ngành du lịch Việt thời gian qua: Trong suốt 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và hết sức cầm chừng. Năm 2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ trên cả nước khiến các hoạt động kinh tế, xã hội đình trệ nhiều tháng. Mới đây, du lịch quốc tế bắt đầu mở cửa, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ 2020.

[Du lịch Việt sẽ phục hồi, phát triển trong bối cảnh mới ra sao?]

Đáng nói, các quy định giãn cách phòng chống dịch, đóng cửa các điểm tham quan và dừng hầu hết các loại hình cung ứng khiến chuỗi dịch vụ đứt gãy nghiêm trọng. Năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa.

Giải pháp nào để du lịch Việt Nam không ‘lạc nhịp’ với thế giới? ảnh 1Toàn cảnh hội thảo vừa diễn ra hôm nay tại Nghệ An. (Ảnh: TCDL)

Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam cũng buộc phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly. Hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... bị thiệt hại lớn khi không có khách và đến nay vẫn chưa hoàn toàn mở cửa trở lại.

Những “con số biết nói” nếu trên cho thấy du lịch Việt đang “rơi thẳng đứng” từ đỉnh cao và tiếp tục “rơi” trong năm 2021. Nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương, ông Võ Trí Thành đặt câu hỏi với các đại biểu: “Các anh, chị đau đáu, trăn trở nhất với điều gì trước vận mệnh của ngành du lịch?”

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cho rằng cần phải tập trung vào ba yếu tố “An toàn, mở, đồng bộ.” An toàn cho người dân, tạo niềm tin cho khách “xê dịch” trở lại. Không có gì tốt cho doanh nghiệp du lịch lúc này bằng việc mở cho doanh nghiệp hoạt động. Muốn vậy cần sự tham gia đồng bộ của ngành y tế và các ngành liên quan với du lịch.

Đơn cử như hàng không phải được bay thường lệ, cửa khẩu phải mở. Ngành ngoại giao và hàng không cần liên minh với ngành du lịch. Theo ông Siêu, không nên “cách ly” mà theo dõi sức khỏe của khách và xây dựng các phương án xử lý phù hợp.

Giải pháp nào để du lịch Việt Nam không ‘lạc nhịp’ với thế giới? ảnh 2Đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại Phú Quốc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Du lịch chỉ phục hồi khi mang thị trường cho doanh nghiệp, mang khách đến cho điểm đến. Muốn mở phải đồng bộ. Giữa các địa phương phải mở liên thông, không thể cát cứ, nơi làm thế này, nơi làm thế kia. Giữa các bộ, ngành như y tế, giao thông, ngoại giao, công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải quy định thông suốt, nhất quán,” ông Siêu nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của ông Võ Chí Thành, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc khẳng định thuế chính là nguồn lực để phát triển. Bà Cúc nêu ví dụ về thuế đất, Chính phủ đã có Quyết định 27 giảm tiền thuế đất trong năm 2021.

“Các doanh nghiệp đang kiến nghị tiếp tục giảm đến năm 2023 và chúng tôi rất đồng thuận. Bên cạnh đó, diện tích xây dựng dành cho du lịch hiện chỉ có 25% nhưng tiền thuê đất, kể cả đất để trống lại như nhau nên chúng tôi cũng đồng tình việc cần phân định rõ đất dành cho xây dựng, đất lưu không,” bà Cúc nói.

Trong khi đó, liên quan đến thuế giá trị gia tăng, bà Cúc phân tích khó khăn như vậy nhưng doanh nghiệp chỉ được giảm 2 tháng thì không phù hợp, đề nghị giảm đến hết năm 2023. Bởi thực tế, việc giảm thuế sẽ góp phần lớn vào hỗ trợ giảm giá bán, giá thành sản phẩ... Bên cạnh đó, cần hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng nhất tại điểm mua hàng đã được cơ quan chức năng cho phép. Từ đó, kích thích tiêu dùng của khách du lịch ở Việt Nam.

“Hiện chúng ta đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chúng tôi đề xuất đưa du lịch vào danh mục ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo cú hích cho ngành du lịch đồng thời miễn luôn thuế của phí phục vụ cho ngành du lịch. Các loại phí khác cũng nên xem xét lại cho doanh nghiệp du lịch phát triển,” bà Cúc đề xuất.

Giải pháp nào để du lịch Việt Nam không ‘lạc nhịp’ với thế giới? ảnh 3Đảm bảo phòng dịch cho khách quốc tế trở lại Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Giải pháp nào trong bối cảnh mới?

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu, cần tập trung cơ cấu lại theo xu hướng mới, doanh nghiệp tái đầu tư, chính quyền hỗ trợ cơ cấu lại. Điểm đến phải “sạch,” phải thiên nhiên, phải “khỏe” để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân; sản phẩm đa dạng, trải nghiệm sâu, không đe dọa bởi sự đại trà, đông đúc. Bên cạnh đó, cần khai thác yếu tố văn hóa trong du lịch, đầu tư cho văn hóa để kích thích du lịch. Ngoài ra, khai thác kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, để du lịch Việt Nam vượt “đỉnh đáy” khó khăn, từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề xuất một số giải pháp. Trong đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022- 2023, tạo đà cho nền kinh tế xanh phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Theo Thứ trưởng, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt khó, giảm bớt sự tan rã hệ thống đã được củng cố từ nhiều năm nay; chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...); cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài.

Đồng tính với ý kiến của ông Hà Văn Siêu, ông Đoàn Văn Việt khẳng định cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...;

Giải pháp nào để du lịch Việt Nam không ‘lạc nhịp’ với thế giới? ảnh 4Vinpearl Safari Phú Quốc. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, trong bối cảnh mới, cần đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới; thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới…

Thứ trưởng cho rằng thời điểm này, khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đã và đang dần được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã sẵn sàng các phương án tái khởi động, phục hồi du lịch nội địa, hướng tới chính thức mở cửa hoàn toàn cho khách quốc tế dự kiến vào giữa năm 2022.

“Kịch bản lạc quan về một tương lai sống chung với COVID-19 hoàn toàn có thể xảy ra và khi ấy, nhu cầu du lịch của con người chắc chắn sẽ tăng mạnh. Chính vì thế, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế,” Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định.

Clip du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển:

(Vietnam+)

Từ khóa » Nhược điểm Của Du Lịch Quốc Tế