Giải Pháp Phát Triển Nguồn Nhân Lực Logistics Cho Việt Nam

Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Logistics

Nhu cầu nhân lực Logistics

Lực lượng lao động ngành Logistics đã hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của đất nước từ thời kỳ Pháp thuộc. Đến nay nguồn nhân lực Logistics trên cả nước có khoảng 1 triệu lao động, gồm 3 nhóm chính là nhóm nhân lực quản trị cao cấp, nhân lực quản trị trung gian và nhân lực tham gia trực tiếp, ước tính chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu của ngành. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-25% mỗi năm của ngành Logistics, việc thiếu hụt nguồn nhân lực này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp Logistics trong nước. Có tới 80,26% nhân lực được đào tạo thông qua công việc hàng ngày, 23,6% tham gia các khóa học về Logistics ở trong nước, chỉ có 3,9% tham gia các khóa đào tạo về Logistics ở nước ngoài và trong những người được học về Logistics chỉ khoảng 10% có trình độ thông thạo tiếng Anh chuyên ngành Logistics.

Thực trạng đào tạo nhân lực Logistics

Tính đến tháng 8/2020, trong số 286 cơ sở đào tạo trên cả nước đã có 30 trường tuyển sinh và đào tạo ngành hoặc chuyên ngành Logistics. Tổng số chỉ tiêu cho ngành, chuyên ngành này là khoảng 3000 (cao hơn năm 2019 khoảng 200 chỉ tiêu). Về đào tạo sau đại học, một số chương trình liên kết giữa các đơn vị đào tạo trong nước và đối tác quốc tế đã được xây dựng và bắt đầu tuyển sinh. Đối với đào tạo Logistics bậc Cao đẳng, hiện có 32 trường Cao đẳng có các chương trình đào tạo Logistics với quy mô hàng năm từ 8.000 đến 10.000 sinh viên. Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động trong lĩnh vực này từ 30.000 đến 40.000 học viên.

Mặc dù số trường đào tạo Logistics cũng như quy mô tuyển sinh tăng mạnh trong 3 năm vừa qua, nhưng thực tế cho thấy các trường đều đang gặp khó khăn về nguồn lực giảng viên, đặc biệt là giảng viên được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành, giảng viên có khả năng giảng dạy bằng ngoại ngữ và giảng viên có kinh nghiệm thực tế lâu năm. Ngoài ra, các khó khăn chung khác có thể kể đến là chương trình đào tạo chưa thống nhất về chuẩn đầu ra, thiếu giáo trình, cơ sở vật chất thực hành, mô phỏng, công tác thực tập chưa có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp…

Các hoạt động đào tạo, huấn luyện cũng nhận được sự hỗ trợ quý báu từ các dự án như Aus4skills do Chính phủ Australia tài trợ. Đến nay, đây vẫn đang là dự án hỗ trợ lớn nhất cho các trường Cao đẳng và Trung cấp có đào tạo về lĩnh vực Logistics tại Việt Nam. Ngoài ra, nguồn nhân lực Logistics còn có thể được đào tạo, huấn luyện thông qua các chương trình, khóa học ngắn hạn. Đây là các khóa học do các trung tâm đào tạo như Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, Viện Quản trị Logistics và Chuỗi cung ứng EDINS, Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong - Nhật Bản tại Việt Nam (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam)… đã tổ chức. Ngoài các trung tâm có uy tín và chất lượng đào tạo kể trên, hiện nay cũng đang xuất hiện các cơ sở đào tạo tự phát, dựa vào kinh nghiệm làm việc thực tế mà thiếu năng lực sư phạm và xây dựng chương trình bài bản. Hình thức đào tạo cuối cùng là hoạt động tự đào tạo tại các doanh nghiệp. Hiện nay, đây vẫn đang là hình thức phổ biến nhất trong những năm vừa qua. Các hình thức tự đào tạo bao gồm: đào tạo qua công việc do nhân viên có kinh nghiệm hướng dẫn nhân viên mới, các chương trình đào tạo nội bộ do doanh nghiệp tự xây dựng, mời chuyên gia về đào tạo. Giải pháp cử nhân viên đi đào tạo ngắn hạn, dài hạn ngoài doanh nghiệp hiện vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu được áp dụng tại các doanh nghiệp có quy mô lớn và đang có xu hướng tăng lên. Kết quả khảo sát về hình thức đào tạo nhân lực Logistics tại các doanh nghiệp được thể hiện trong bảng 1 và hình 1 dưới đây.

Bảng 1. Thực trạng đào tạo nhân lực Logistics tại Việt Nam.

Hình thức đào tạo

Quy mô đào tạo

(học viên/năm)

Các vấn đề tồn tại

Đại học

3.000

- Thiếu giảng viên

- Thiếu giáo trình

- Chuẩn đầu ra không đồng nhất

- Hạn chế về cơ sở vật chất thực hành,

Cao đẳng

8.000 - 10.000

mô phỏng

- Kết nối doanh nghiệp trong hoạt động thực tập còn hạn chế

Đào tạo nghề

30.000 - 40.000

- Phạm vi chương trình hạn chế ở những hoạt động Logistics truyền thống

- Không có năng lực đào tạo nhân lực Logistics chất lượng cao

Trung tâm đào tạo tổ chức các khóa học ngắn hạn

Không thống kê

- Số lượng cơ sở đào tạo uy tín còn ít

- Xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo tự phát, không đảm bảo chất lượng

- Chưa cấp được nhiều chứng chỉ nghề nghiệp tiêu chuẩn

Tự đào tạo tại Doanh nghiệp

86% số nhân lực của doanh nghiệp

- Thiếu bài bản, hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm tự đúc rút từ thực tế

- Thời gian học tập bị hạn chế do yêu cầu của công việc

Hình 1. Hình thức đào tạo nhân lực Logistics tại các doanh nghiệp.

Quyết định số 568/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc cho phép thành lập Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam gồm tập hợp các trường và cơ sở đào tạo Logistics, các doanh nghiệp sử dụng nhân lực Logistics…, mở ra những cơ hội mới trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực Logistics cả về số lượng và chất lượng.

Giải pháp nâng cao phát triển nguồn nhân lực Logistics Việt Nam

Về công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong những năm vừa qua, ngành Logistics tại các trường Đại học trên cả nước luôn có điểm trúng tuyển cao hàng đầu. Đây là một dấu hiệu đáng mừng vì năng lực cơ bản của sinh viên nhập học có tầm quan trọng tác động đến kết quả đào tạo của các trường cũng như năng lực làm việc nghề nghiệp sau này. Do đó, chúng ta cần tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa công tác truyền thông, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp… để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao vào lĩnh vực chuyên ngành này. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ kinh phí học tập.

Về công tác giảng dạy, huấn luyện tại các cơ sở đào tạo

Đây được coi là công tác trọng tâm trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics. Với sự phát triển nhanh chóng về số lượng của các trường, đơn vị đào tạo như thời gian qua và sự thành lập của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam. Các trường, đơn vị đào tạo cần đẩy mạnh hợp tác về giảng viên, cơ sở vật chất, tài liệu giáo trình, kinh nghiệm quản lý, giảng dạy, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, khuyến khích việc đào tạo liên thông và công nhận tín chỉ lẫn nhau. Sinh viên tại các trường Đại học cần được trao cơ hội tham gia nghiên cứu, thực hiện dự án để vừa có kiến thức thực tế vừa sẵn sàng tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, các doanh nghiệp sử dụng nhân lực Logistics cũng cần được thu hút, tạo điều kiện để tham gia tích cực hơn nữa trong quá trình đào tạo, hướng dẫn thực tập, tăng tiếp cận thực tế cho sinh viên. Thực tế cho thấy, khi sinh viên được trao cơ hội thực tập bài bản, nghiêm túc tại các doanh nghiệp thì đều vận dụng hiệu quả kiến thức có được từ nhà trường vào thực tiễn để phát triển cơ hội nghề nghiệp ngay khi ra trường.

Về công tác đào tạo, phát triển năng lực chuyên môn tại các doanh nghiệp

Đối với người lao động đang công tác tại các doanh nghiệp, việc được khuyến khích, tạo điều kiện học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là vô cùng cần thiết. Mối liên hệ giữa nhà trường, các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, hiệp hội Logistics một lần nữa đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, CTCP Gemadept đều có chính sách khá hiệu quả nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp Logistics Việt Nam nên rất cần có vai trò kết nối của Hiệp hội Logistics Việt Nam, các hiệp hội Logistics địa phương qua đó có thể thực hiện công tác này một cách hiệu quả.

Thay lời kết

Sự phát triển của nền kinh tế đã tạo ra những cơ hội và thách thức to lớn đối với năng lực của ngành dịch vụ Logistics Việt Nam. Trong đó, vai trò của nguồn nhân lực luôn được đặt ở vị trí hàng đầu. Những năm vừa qua, với việc các chính sách, hành làng pháp lý về phát triển nguồn nhân lực được ban hành cũng như sự phát triển của các đơn vị đào tạo, vấn đề nhân lực Logistics chất lượng cao là vô cùng cấp thiết. Mặc dù vậy, quá trình này hiện này vẫn còn nhiều hạn chế tồn tại cần sự chung sức, hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Từ khóa » Nguồn Nhân Lực Logistics Việt Nam 2020