GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG THÂN MÌNH. PHẦN 2: CƠ VÀ HOẠT ...

Cập nhật lần cuối vào 28/02/2023

Vùng cổ và thân có rất nhiều cơ và nhìn chung có thể được chia thành các cơ phía trước và cơ phía sau như trong Bảng 1. Ý nghĩa lâm sàng của vị trí trước hoặc sau là chức năng: cơ phía trước có tác dụng gấp thân và cơ phía sau có tác dụng duỗi thân.

CổThân mình
TrướcCơ ức đòn chũmCác cơ bậc thang (3)Nhóm cơ trước đốt sống (4)Cơ thẳng bụngCơ chéo ngoàiCơ chéo trongCơ ngang bụng
SauNhóm cơ dựng sống (3)Cơ gối đầu (splenius capitis)Cơ gối cổ (splenius cervicis)Nhóm cơ dưới chẩm (4)Nhóm cơ dựng sống (3)Nhóm cơ mỏm ngang- sống (4)Cơ gian sốngCơ gian mỏm ngang
BênCơ vuông thắt lưng
Bảng 1: Các cơ ở vùng cổ và thân mình

Cơ vuông thắt lưng (quadratus lumborum) là một ngoại lệ. Cơ này nằm ở giữa và không phải là cơ phía trước cũng như cơ phía sau.

Xem phần 1: Giải phẫu chức năng thân mình. Phần 1: Xương và Khớp

Mục lục

CÁC CƠ VÙNG CỔ

Các cơ ở phía trước

Cơ ức đòn chũm (Sternocleidomastoid Muscle)

  • O: Xương ức và xương đòn
  • I: Mỏm chũm của xương thái dương
  • A:
    • Hai bên: gấp cổ, quá duỗi đầu (C0/C1)
    • Một bên: Nghiêng cổ sang bên; xoay mặt sang bên đối diện
  • N: dây thần kinh phụ (XI); các dây thần kinh cổ 2 và 3

Các cơ bậc thang (Scalene)

  • O: Mỏm ngang của các đốt sống cổ
  • I: Xương sườn 1 và 2
  • A:
    • Hai bên: Trợ giúp gấp cổ
    • Một bên: Nghiêng cổ sang một bên
  • N: Dây thần kinh cổ thấp

Các cơ trước cột sống (Prevertebral m.)

Nằm sâu và chạy dọc phần trước các đốt sống cổ. Là các cơ gập cổ có kích thước nhỏ, hoạt động chủ yếu có thể là duy trì kiểm soát tư thế (Bảng 2).

Nguyên uỷBám tậnHoạt động
Longus colli (Dài cổ)Các thân và mỏm ngang C3-T2các mỏm ngang và thân của C1-C6Gấp cổ
Longis capitis (Dài đầ)Các mỏm ngang C3-C6Xương chẩmGấp đầu
Rectus capitis anterior (Thẳng cổ trước)Đốt đội AtlasXương chẩmGấp đầu
Rectus capitis lateralis (Thẳng cổ bên)mỏm ngang của đốt atlasXương chẩmNghiêng đầu sang bên
Bảng 2: Các cơ trước cột sống

Các cơ ở phía Sau

Các cơ dựng gai (Erector spinae m.)

Các cơ sau cột sống nằm phía sau dọc theo cột sống và được xem là phần trên của các cơ sau ở lưng, được gọi là nhóm cơ dựng sống. (Xem ở phần thân mình). Các cơ này kiểm soát tư thế chống lại lực kéo gấp đầu của trọng lực, và là các cơ duỗi cổ.

Cơ nông nhất của các cơ duỗi cổ là cơ gối đầu và cơ gối cổ.

Các cơ gối đầu (Splenius Capitis m.)

  • O: nửa dưới của dây chằng gáy; mỏm gai C7-T3
  • I: Phía bên của xương chẩm; mỏm chũm
  • A:
    • Hai bên: duỗi đầu và cổ
    • Một bên: Xoay và nghiêng đầu cùng bên
  • N: Các dây thần kinh cổ giữa và dưới

Các cơ gối cổ (Splenius Cervicis m.)

  • O: Mỏm gai T3-T6
  • I: Mỏm ngang C1-C3
  • A:
    • Hai bên: duỗi cổ
    • Một bên: Xoay và nghiêng đầu cùng bên
  • N: Các dây thần kinh cổ giữa và dưới

Các cơ dưới chẩm (suboccipital m.)

Xem bảng 3.

Vị tríVận động đầu
Cơ chéo đầu trên (Obliquus capitis superior)SauDuỗi
Cơ chéo đầu dưới (Obliquus capitis dưới)SauDuỗi, nghiêng bên, xoay sang cùng bên
Cơ thẳng đầu sau nhỏ (Rectus capitis posterior minor)SauDuỗi
Cơ thẳng đầu sau lớn (Rectus capitis posterior major)SauDuỗi, nghiêng bên, xoay sang cùng bên
Bảng 3: Các Cơ dưới chẩm

CÁC CƠ Ở THÂN MÌNH

Các cơ phía trước

Gồm cơ thẳng bụng, chéo bụng ngoài, chéo bụng trong và cơ ngang bụng theo trình tự từ nông đến sâu. Các cơ được gọi tên theo hướng các sợi cơ.

  • Cơ thẳng bụng ở nông nhất, chạy thẳng từ xương mu lên, hai bên cách nhau bởi đường trắng giữa.
  • Cơ chéo ngoài là cơ lớn, rộng, phẳng nằm nông ở phần trước bên của bụng, chạy chéo từ sau ngoài ra trước trong (chữ V).
  • Nằm bên dưới và chạy vuông góc với cơ chế ngoài là cơ chéo trong (hình chữ V lộn ngược).
  • Nằm sâu nhất trong các cơ bụng là cơ ngang bụng, chạy theo hướng ngang.
Các cơ phía trước thân mình, lớp nông
Các cơ phía trước thân mình, lớp sâu
Lưu ý: Khi nằm ngửa ngồi dậy, thân mình di chuyển trên hai háng. Các cơ gấp háng, với đảo nghịch vận động, cũng tham gia vào thực hiện ngồi dậy nếu cổ chân và cẳng chân được giữ xuống. Do đó, nếu muốn tập mạnh cơ bụng, cần gấp gối và háng và không giữ ở cổ chân.

Cơ thẳng bụng (Rectus Abdominis m.)

  • O: Xương mu
  • I: Mỏm kiếm và các sụn sườn của các xương sườn 5, 6, 7.
  • A: Gấp thân; ép bụng
  • N: Các dây thần kinh gian sườn 7-12.

Cơ chéo bụng ngoài (External oblique m.)

  • O: Phía bên ngoài của 8 xương sườn dưới
  • I: Mào chậu và đường trắng giữa
  • A:
    • Hai bên: Gấp thân; ép bụng
    • Một bên: Nghiêng bên; xoay sang bên đối diện
  • N: Các dây thần kinh gian sườn 8-12, dây thần kinh chậu-hạ vị và chậu-bẹn.

Cơ chéo bụng trong (Internal oblique m)

  • O: Dây thần kinh bẹn, mào chậu, mạc ngực-thắt lưng
  • I: Các xương sườn 10, 11, 12; cân bụng
  • A:
    • Hai bên: gập thân; ép bụng
    • Một bên: Nghiêng bên; xoay sang cùng bên
  • N: Dây thần kinh gian sườn 8-12, thần kinh chậu -hạ vị và chậu- bẹn.

Cơ ngang bụng (Transverse Abdominal m.)

  • O: Dây chằng bẹn, mào chậu, mạc ngực-thắt lưng và 6 xương sườn dưới cùng
  • I: Cân bụng và đường trắng
  • A: Ép bụng (vì hướng ngang không di chuyển thân minh).
  • N: Dây thần kinh gian sườn 7-12, thần kinh chậu -hạ vị và chậu- bẹn.
Các cơ chéo bụng và ngang bụng

Bài giảng cơ vùng bụng trước

Các cơ Thân mình phía sau

Hình: Các cơ phía sau thân mình
Gắn vàoHoạt độngCác cơ
Mỏm gaiDuỗiCơ gai/spinalis (ES)Cơ gian sống
Mỏm ngangDuỗi, nghiêng bênCơ dài/longissimus (ES)Cơ gian mỏm ngang/intertranversarii
Mỏm gai đến mỏm ngangDuỗi, xoayCơ gối cổ/splenius cervicis
Mỏm ngang đến mỏm gaiDuỗi, xoayCơ bán gai/semispinalis (T)Cơ nhiều đầu/multifidus (T)Các cơ xoay/Rotatores (T)
Mỏm ngang đến xương sườn, hoặc xương sườn đến xương sườnDuỗi, nghiêng bênCơ chậu sườn/iliocostalis (ES)
Bảng 4: Tổng hợp các cơ phía sau thân mình
Hình: Đường kéo xác định hoạt động cơ

Các cơ dựng sống (erector spinae m)

  • O: Các mỏm gai, mỏm ngang và xương sườn từ xương chẩm đến xương cùng và xương chậu
  • I: Mỏm gai, mỏm ngang và xương sườn từ xương chẩm đến xương cùng và xương chậu
  • A:
    • Hai bên: Duỗi
    • Một bên: nghiêng bên
  • N: Các dây thần kinh gai sống

Lớp giữa của các cơ duỗi lưng là các cơ dựng sống (erector spinae m), đôi khi được gọi là nhóm cơ chậu -gai, chạy song song với cột sống và nối các mỏm gai, mỏm ngang và xương sườn.

Có thể chia thành ba nhóm nhỏ: nhóm cơ gai (spinalis) ở trong, cơ dài ở giữa và cơ chậu-sườn ở ngoài.

  • Các cơ gai chủ yếu bám vào dây chằng gáy và các mỏm gai của cột sống cổ và ngực. Phần của cơ này bám vào xương chẩm cũng bám vào mỏm ngang của các đốt sống cổ. Do nằm ở đường giữa, cơ này là cơ duỗi thân chính.
  • Cơ dài gắn vào các mỏm ngang từ xương chẩm đến xương cùng. Duỗi khi co hai bên và nghiêng bên khi co một bên.
  • Cơ chậu- sườn chủ yếu bám vào phần sau các xương sườn. Ở trên gắn vào các mỏm ngang và ở dưới gắn vào xương cùng và chậu. Hoạt động hai bên gây duỗi thân. Hoạt động một bên là cơ nghiêng bên mạnh.

Phần trên các cơ gai và dài gắn vào xương chẩm và do đó duỗi đầu và cổ.

Video các cơ dựng sống

Nhóm cơ mỏm ngang -mỏm gai (Transversospinalis m)

  • O: Các mỏm ngang
  • I: Các mỏm gai của các đốt sống phía trên
  • A:
    • Hai bên: duỗi thân
    • Một bên: Xoay sang bên đối diện
  • N: Các dây thần kinh gai sống

Nhóm cơ duỗi thân sâu nhất là nhóm ba cơ gọi là nhóm cơ mỏm ngang -mỏm gai (transverospinalis m. group). Chúng có một đường kéo chéo, gắn chủ yếu từ mỏm ngang đến bám vào mỏm gai của một đốt sống trên hoặc dưới, và do đó là cơ xoay hiệu quả.

  • Cơ bán gai (semispinalis m) có xu hướng toả ra 5 cột sống hoặc nhiều hơn; nông nhất
  • Cơ nhiều đầu (multifidus) có xu hướng toả ra 2 đến 4 đốt sống, giữa
  • Các cơ xoay (rotatores), ngắn nhất và sâu nhất chỉ toả đến 1 đốt sống.

Những cơ này xoay sang hướng đối diện và duỗi cột sống.

Các cơ mỏm ngang-mỏm gai

Hai nhóm cơ tiếp theo nằm sâu như nhóm cơ mỏm ngang-gai, nhưng hướng dọc và do đó được xét riêng.

Cơ gian (mỏm) gai (Interspinales m)

  • O: Mỏm gai dưới
  • I: Mỏm gai trên
  • A: Duỗi thân
  • N: Các dây thần kinh gai sống

Cơ gian mỏm ngang (Intertransversarii m)

  • O: Mỏm ngang dưới
  • I: Mỏm ngang đốt trên
  • A: Nghiêng thân sang bên
  • N: Các dây thần kinh gai sống

Cơ vuông thắt lưng (quadratus lumborum m.)

  • O: Mào chậu
  • I: 12 xương sườn, các mỏm ngang của tất cả 5 đốt sống thắt lưng
  • A: Nghiêng thân sang bên. (Đảo nghịch hoạt động: nâng chậu một bên (hip hiking)
  • N: dây thần kinh ngực 12 và L1.

Tóm lược sự phân bố thần kinh cho cơ: Hầu hết các cơ của cổ và thân không nhận được sự phân bố từ các nhánh hoặc dây thần kinh tận cùng của các đám rối. Bởi vì chúng có xu hướng là các nhóm trải dài vài mức đốt sống, nên sự phân bố của chúng có xu hướng phản ánh điều đó. Nhìn chung, chúng nhận được sự phân bố từ các dây thần kinh gai sống ở các mức tuỷ khác nhau. Ví dụ, chấn thương tủy sống ở T12 sẽ không gây liệt tất cả các cơ dựng sống mà sẽ gây liệt những cơ nằm dưới mức đó.

Ôn lại các cơ cạnh sống và tủy sống

HOẠT ĐỘNG CƠ

Duỗi thân

Duỗi thân là một vận động quan trọng được sử dụng để nâng thân mình lên và duy trì tư thế thẳng đứng.

Nhiều cơ nhỏ tạo thành nhóm cơ duỗi. Chúng có thể được chia thành hai nhóm, cơ dựng sống/erector spinae ( cơ chậu sườn/iliocostalis, cơ dài/longissimus, cơ gai/spinalis) và các cơ sâu, hoặc cạnh đốt sống/paravertebral (cơ gian mỏm ngang/ intertransversarii, cơ gian gai/interpinals, các cơ mỏm ngang-mỏm gai). Các cơ này đi lên và xuống cột sống theo cặp và tác dụng duỗi thân nếu cơ co theo cặp hoặc xoay hoặc nghiêng bên nếu co một bên. Ngoài ra, còn có lớp cơ nông bao gồm cơ thang và lưng rộng. Mặc dù cơ thang và cơ lưng rộng đều có thể ảnh hưởng đến vận động của thân mình, chúng không được thảo luận ở đây.

Ba cơ dựng sống tạo thành khối cơ lớn nhất góp phần vào duỗi thân mình. Duỗi thân cũng được tạo ra bởi sự góp mặt từ các cơ đốt sống ở sâu và các cơ khác tuỳ theo vùng. Các cơ sâu này góp phần vào duỗi thân và các vận động khác của thân mình, và chúng nâng đỡ cột sống, duy trì độ cứng của cột sống và tạo ra một số vận động tinh tế hơn trong phân đoạn vận động.

Ngoài ra còn có một số cơ khác ngoài dựng sống và các nhóm cơ sâu đặc trưng cho từng vùng.

Cơ dựng sống dày nhất ở vùng cổ và thắt lưng, nơi xảy ra phần lớn động tác duỗi của cột sống. Cơ nhiều đầu cũng dày nhất ở vùng cổ và thắt lưng, làm tăng thêm khối cơ để tạo ra lực duỗi thân.

Cơ dựng sống và nhiều đầu có từ 57% đến 62% là sợi cơ loại I nhưng cũng có sợi loại IIa và IIb, làm cho chúng linh hoạt về mặt chức năng để chúng có thể tạo ra các vận động nhanh và mạnh trong khi vẫn chống lại sự mệt mỏi để giữ tư thế trong một thời gian dài. Ngoài tạo lực cơ để duỗi thân, những cơ này cung cấp sự ổn định phía sau cho cột sống, chống lại trọng lực trong khi giữ tư thế thẳng đứng và rất quan trọng trong việc kiểm soát động tác gập về phía trước.

Gập thân

Gập thân tự do ở vùng cổ, hạn chế ở vùng ngực và tự do trở lại ở vùng thắt lưng. Không giống như các cơ duỗi ở phía sau, các cơ gấp ở phía trước không chạy suốt theo chiều dài của cột sống. Gập cột sống thắt lưng được tạo ra bởi các cơ bụng với sự hỗ trợ của các cơ thắt lưng (psoas) lớn và bé. Lực gập của các cơ bụng cũng làm cho các đốt sống ngực gập một phần. Các cơ bụng bao gồm bốn cơ: cơ thẳng bụng, cơ chéo trong, chéo ngoài và cơ ngang bụng.

Các cơ chéo trong và chéo ngoài và cơ ngang bụng gắn vào mạc ngực-thắt lưng bao phủ vùng sau của thân. Khi các cơ này co lại, chúng tạo ra sức căng lên mạc, nâng đỡ thắt lưng và giảm sức căng cho các cơ dựng sống ở phía sau. Các cơ chéo hoạt động ở tư thế đứng thẳng và tư thế ngồi, có thể ổn định phần gốc của cột sống. Hoạt động của các cơ chéo giảm xuống ở tư thế khom người khi lực tải được truyền sang các cấu trúc khác.

Cơ ngang bụng bao quanh thân mình tương tự như một dây đai hỗ trợ và nâng đỡ thân mình. Cơ ngang bụng tạo sức căng lên đường trắng (linea alba), một mô liên kết dạng sợi chạy dọc xuống phía trước ngăn cách cơ thẳng bụng thành hai nửa phải và trái. Nếu đường trắng được ổn định bởi hoạt động của cơ ngang bụng, các cơ chéo ở phía đối diện có thể tác động lên thân mình. Cơ này cũng rất quan trọng để tạo áp lực cho khoang bụng trong các hoạt động như ho, cười, đại tiện và sinh đẻ.

Các cơ bụng bao gồm 55% đến 58% sợi loại I, 15% đến 23% sợi loại IIa, và 21% đến 22% sợi loại IIb. Cấu tạo sợi này, tương tự như cấu tạo trong các cơ dựng sống, cho phép vừa có thể tạo nên các vận động ngắn, nhanh và vận động thời gian dài của thân mình.

Hai cơ khác góp phần vào động tác gập ở vùng thắt lưng. Cơ thứ nhất là cơ thắt lưng-chậu (iliopsoas), một cơ gấp háng chính, gắn vào phần trước thân của đốt sống thắt lưng và mặt trong của xương chậu. Cơ thắt lưng chậu có thể khởi đầu động tác gập thân và kéo xương chậu ra trước, tạo nên tư thế ưỡn ở cột sống thắt lưng. Ngoài ra, nếu cơ này bị căng, có thể gây nghiêng chậu ra trước quá mức. Nếu nghiêng chậu này không được các cơ bụng đối lại thì thắt lưng sẽ ưỡn nhiều hơn, gây nên lực ép lên các khớp diện nhỏ (facet) và đẩy đĩa đệm ra sau.

Cơ thứ hai là cơ vuông thắt lưng, chạy từ mào chậu đến xương sườn cuối và tạo nên thành bên của bụng. Dù là cơ gấp/nghiêng bên, cơ vuông thắt lưng cũng góp phần nhỏ vào động tác gập. Cơ này cũng có vai trò giữ xương chậu ở bên đu đưa trong dáng đi.

Hoạt động cơ gập thân

Khi đứng hoặc ngồi thẳng, có hoạt động không liên tục của cả các cơ dựng sống và chéo bụng trong và chéo ngoài. Ngược lại, cơ thắt lưng chậu hoạt động liên tục ở tư thế đứng thẳng, nhưng cơ thẳng bụng thì không hoạt động.

Gấp ở vùng ngực bị hạn chế và được tạo bởi các cơ vùng cổ và bụng.

Ở vùng cổ có 5 cặp cơ tạo nên gấp nếu cả hai cơ trong cặp đều co. Nếu chỉ có một cơ trong cặp co lại, thì kết quả là vận động theo cả ba hướng, bao gồm gập, xoay và nghiêng bên.

Nghiêng bên thân

Nghiêng cột sống sang bên là do hoạt động của các cơ ở cả hai bên của cột sống, chủ yếu là ở bên xảy ra sự nghiêng bên. Cơ hoạt động nhiều nhất khi nghiêng bên thân mình là cơ dựng sống ở vùng thắt lưng và các cơ gian mỏm ngang. Cơ nhiều đầu không hoạt động trong động tác nghiêng bên.

Cơ vuông thắt lưng và các cơ bụng cũng góp phần vào nghiêng bên.

Ở cột sống cổ, nghiêng bên thuận lợi hơn do hoạt động co một bên của các cơ ức đòn chũm, các cơ bậc thang, và các cơ sâu ở trước. Nghiêng bên khá tự do ở vùng cổ.

Xoay thân

Xoay của thân phức tạp hơn vì nó được tạo ra bởi các hoạt động của cơ ở cả hai bên của cột sống. Ở vùng thắt lưng, các cơ nhiều đầu ở bên xoay hoạt động, cũng như các cơ dài và chậu-sườn ở bên kia. Các cơ bụng cũng biểu hiện theo kiểu tương tự với sự hoạt động của cơ chéo bụng trong ở bên xoay, và cơ chéo bụng ngoài của bên đối diện.

Sức mạnh của các cơ thân mình

Trong các cơ thân mình, khả năng tạo lực của cơ duỗi thân là lớn nhất (khoảng 210 Nm đối với nam). Lực cơ gấp thân, nghiêng thân tối đa có giá trị khoảng 70% lực cơ duỗi thân. Lực cơ xoay thân có giá trị khoảng 45% lực cơ duỗi thân. Lực cơ thân mình ở nữ vào khoảng 50-60% so với nam. Lực cơ vùng cổ ở nữ chỉ khoảng 20-70% so với nam.

Các cơ bụng đóng góp ⅓ moment gấp thân, và cơ dựng sống đóng góp ½ moment duỗi thân. Ở động tác xoay, các cơ bụng chiếm ưu thế với một ít hỗ trợ của các cơ nhỏ ở phía sau.

Phân tích động tác cúi ngón tay chạm đất

Vận động từ tư thế đứng thẳng sang cúi/gập hoàn toàn được khởi phát bởi cơ bụng và cơ thắt lưng chậu. Sau khi khởi phát, vận động được tiếp tục bởi lực của trọng lực tác dụng lên thân mình và được điều khiển bởi hoạt động ly tâm của các cơ dựng sống. Mức độ hoạt động của các cơ dựng sống tăng dần khi gập thân ở các đốt sống thắt lưng tăng lên 50° đến 60°.

Khi các đốt sống thắt lưng ngừng tham gia vào gập thân, vận động vẫn tiếp tục do nghiêng chậu ra trước. Các cơ sau mông, hamstring và cơ mông lớn co ly tâm để kiểm soát độ nghiêng về phía trước của xương chậu. Khi thân gập nhiều hơn, hoạt động của cơ dựng sống giảm dần và trở nên hoàn toàn không hoạt động ở tư thế gập thân hoàn toàn.

TƯ THẾ VÀ SỰ ỔN ĐỊNH CỘT SỐNG

Hiệu quả của vận động và lực ép tác động lên cột sống được xác định phần nhiều bởi tư thế cũng như sự ổn định của thân mình.

Sự ổn định của cột sống

Cột sống được ổn định bởi ba hệ thống, bao gồm hệ thống cơ xương thụ động, hệ thống cơ xương chủ động và hệ thống phản hồi thần kinh. Hệ thống thụ động gồm các đốt sống, các khớp diện nhỏ, bao khớp, đĩa đệm và các dây chằng cột sống. Hệ thống chủ động bao gồm các cơ và gân giúp ổn định cột sống, và hệ thống phản hồi thần kinh cung cấp khả năng kiểm soát. Độ ổn định của cột sống tăng và giảm tùy theo các yêu cầu đặt lên cấu trúc và liên quan đến hoạt động của các cơ nhỏ ở sâu.

Các cơ đóng vai trò quan trọng trong giữ ổn định cột sống bao gồm cơ ngang bụng, nhiều đầu, dựng sống và cơ chéo trong. Cơ ngang bụng bao quanh thân mình giống như một vòng đai và làm tăng áp lực trong ổ bụng và làm cứng cột sống. Đây là một trong những cơ đầu tiên hoạt động trong các điều kiện bất ngờ lẫn tự ý. Cơ nhiều đầu được tổ chức để hoạt động ở mức độ của mỗi đốt sống và hoạt động liên tục ở các tư thế dựng thẳng và có thể thực hiện các điều chỉnh tinh tế đối với các đốt sống ở bất kỳ tư thế nào. Cơ dựng sống liên quan đến kiểm soát định hướng của cột sống vì khả năng tạo lực duỗi thân. Cơ chéo trong phối hợp với cơ ngang bụng để tăng áp lực trong ổ bụng.

Tư thế

Tư thế đứng

Ở tư thế đứng, trọng tâm nằm trước cột sống nên tạo một moment gập thân. Do đó, các cơ và dây chằng phía sau phải hoạt động để kiểm soát và duy trì tư thế đứng. Ở tư thế đứng chùng người thì vai trò giữ tư thế là do dây chằng và bao khớp, trong khi tư thế đứng thẳng cơ dựng sống (nhất là vùng ngực) hoạt động nhiều hơn. Khi cần điều chỉnh trở lại tư thế đứng do lắc lư tư thế, các cơ dựng sống, cơ bụng và cơ psoas sẽ hoạt động.

Tư thế ngồi

Tư thế ngồi ít tiêu hao năng lượng hơn và ít tác động lên chi dưới hơn so với tư thế đứng. Tuy nhiên, ngồi lâu có thể gây ra những ảnh hưởng có hại đến cột sống thắt lưng. Ngồi không tựa cũng giống như khi đứng, có một hoạt động cơ nhiều hơn ở vùng ngực với một mức độ hoạt động cơ thấp kèm theo ở cơ bụng và cơ psoas.

Tư thế ngồi không tựa tạo nhiều lực tải lên cột sống thắt lưng vì nó làm nghiêng chậu ra sau, làm vùng thắt lưng phẳng và trọng tâm dịch chuyển về phía trước. Điều này làm tăng lực tải lên các đĩa đệm và các cấu trúc phía sau của đoạn đốt sống. Ngồi thấp chùng lưng tạo ra áp lực đĩa đệm lớn nhất. Ngồi ghế cao có thể làm giảm lực nén lên đĩa đệm do tư thế thẳng đứng hơn, nhưng tạo lực tải nhiều hơn lên chân.

Tư thế làm việc

Tư thế làm việc khi ngồi và đứng; ít thay đổi tư thế khi làm việc; gập và xoay thân mình quá mức và thường xuyên; và các lực nâng, kéo và đẩy là một số yếu tố nguy cơ gây chấn thương và đau vùng thắt lưng.

Các biện pháp giúp làm giảm chấn thương và đau vùng thắt lưng ở nơi làm việc:

  • Ngồi: thiết kế ghế ngồi phù hợp, tránh ngồi cong người (ghế thấp gây cong lưng), tránh tư thế tĩnh kéo dài. Nên ngồi có tựa lưng thấp.
  • Đứng: có thể giảm lực bằng cách sử dụng thảm sàn, mang giày phù hợp, đảm bảo chỗ làm việc rộng rãi để di chuyển chân, tránh tư thế tĩnh kéo dài.
  • Hướng dẫn cách nâng hạ trọng lượng phù hợp: như giảm trọng lượng nâng bằng cách tăng số lần nâng, kỹ thuật nâng đúng (giữ cột sống trung tính, giữ trọng lượng gân thân mình, tránh gập và duỗi thân, nâng với lực từ chân với tốc độ có kiểm soát (tránh giật cục).
  • Có các khoảng nghĩ đều đặn giữa các tư thế, các lần nâng hạ, …
Kỹ thuật nâng đúng: Điều quan trọng nhất không phải là sử dụng chân hay là lưng mà vị trí của trọng lượng so với cơ thể. Kỹ thuật nâng đúng là giữ trọng lượng sát với cơ thể với đầu lưng thẳng (A). Kỹ thuật nâng với chân (B) và với lưng (C) đều sai nếu trọng lượng để xa cơ thể.
Please leave this field empty

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Bạn hãy kiểm tra hộp thư của mình để xác nhận đăng ký. Cám ơn.

Chia sẻ bài viết này:

  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Pocket (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Pinterest (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới)
  • Nhấp để chia sẻ trên X (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để gửi một liên kết tới bạn bè (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để in ra (Mở trong cửa sổ mới)

Thích điều này:

Thích Đang tải...

Related

Từ khóa » Giải Phẫu Cơ Bậc Thang