Giải Phẫu Cột Sống

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Nhận định chung

Cột sống là một cột xương gồm nhiều đốt sống chồng lên nhau, có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể, vận động và bảo vệ tủy gai.

Cột sống

Hình. Cột sống

1. Nhìn từ trước 2. Nhìn từ sau 3. Nhìn từ phía bên 4. Xương cùng 5. Xương cụt

Số lượng đốt sống

Mỗi người thường có từ 33 đến 35 đốt sống, phân bố như sau:

24 đốt sống trên rời nhau: gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt ngực và 5 đốt thắt lưng.

Xương cùng gồm 5 đốt sống cùng dính nhau.

Xương cụt do 4 - 6 đốt sống cằn cỗi cuối cùng dính nhau tạo thành.

Các đoạn cong của cột sống

Nhìn trước sau cột sống trông thẳng đứng, nhưng nhìn nghiêng, cột sống có 4 đoạn cong lồi lõm xen kẽ nhau: đoạn cổ và đoạn thắt lưng cong lồi ra trước, còn đoạn ngực và đoạn cùng cụt cong lồi ra sau.

Cấu tạo chung của đốt sống

Mỗi đốt sống gồm 4 phần.

Thân đốt sống

Nằm ở phía trước, chịu đựng sức nặng của cơ thể.

Là một khối xương hình trụ, hai mặt trên và dưới tiếp xúc với đĩa gian đốt sống.

Cấu tạo chung một đốt sống

Hình. Cấu tạo chung một đốt sống

1.Cuống cung đốt sống 2.Mỏm khớp 3.Mỏm gai 4.Mảnh cung đốt sống 5.Mỏm ngang 6.Lỗ đốt sống 7. Thân đốt sống

Cung đốt sống

Ở phía sau thân và cùng với thân tạo thành lỗ đốt sống.

Gồm hai phần:

Hai mảnh cung đốt sống ở sau.

Hai cuống cung đốt sống nối hai mảnh với thân đốt sống. Ở bờ trên và bờ dưới cuống có khuyết sống trên và khuyết sống dưới, các khuyết này cùng với khuyết của các đốt lân cận tạo nên lỗ gian đốt sống khi hai đốt sống chồng lên nhau, để dây thần kinh gai sống chui qua.

Các mỏm

Có ba loại, đều xuất phát từ cung đốt sống: mỏm gai (sờ được dưới da), mỏm ngang và mỏm khớp.

Lỗ đốt sống

Do thân và cung đốt sống tạo nên. Khi các đốt sống chồng lên nhau, các lỗ đốt sống sẽ tạo nên ống sống, chứa đựng tủy gai.

Từ khóa » Giải Phẫu đốt Sống Cổ