Giải Phẫu động Mạch đầu Mặt Cổ
Có thể bạn quan tâm
Biên tập viên: Trần Tiến Phong
Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương
Vùng đầu mặt cổ được nuôi dưỡng chủ yếu bằng các động mạch cảnh và một phần bởi động mạch dưới đòn.
Các động mạch cảnh
Ðộng mạch cảnh chung
Nguyên uỷ: động mạch cảnh chung phải xuất phát từ thân tay đầu, sau khớp ức đòn phải. Ðộng mạch cảnh chung trái xuất phát từ cung động mạch chủ.
Ðường đi và tận cùng: động mạch cảnh chung chạy lên dọc theo cơ ức đòn chũm, đến ngang mức bờ trên sụn giáp (tương ứng đốt sống cổ C4) thì chia hai nhánh tận.
Nhánh tận: động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài.
Hình. Mạch máu vùng cổ trước
1. Động mạch cảnh chung trái 2. Động mạch dưới đòn trái 3. Tĩnh mạch tay đầu trái 4. Cung động mạch chủ 5. Động mạch cảnh chung phải 6. Thân tay đầu
Ðộng mạch cảnh trong
Ðộng mạch cảnh trong là động mạch cấp máu cho các cơ quan trong hộp sọ, ổ mắt và da đầu vùng trán.
Nguyên uỷ: ở ngang mức bờ trên sụn giáp, tương ứng với đốt sống C4.
Ðường đi và tận cùng: tiếp tục hướng đi lên của động mạch cảnh chung, chui qua ống cảnh của phần đá xương thái dương để vào trong hộp sọ, sau đó xuyên qua xoang tĩnh mạch hang và tận cùng ở mỏm yên bướm trước bằng cách chia thành 4 nhánh tận.
Nhánh bên: ở ngoài sọ động mạch không có nhánh bên nào, ở trong sọ cho nhánh lớn là động mạch mắt đi qua lỗ ống thị giác vào ổ mắt để nuôi dưỡng nhãn cầu, ổ mắt và da đầu vùng trán.
Nhánh tận: động mạch cảnh trong chia ra bốn nhánh tận là: động mạch não trước, động mạch não giữa, động mạch thông sau và động mạch mạch mạc trước để tham gia vào việc tạo nên vòng động mạch não cấp máu cho não.
Hình. Động mạch nuôi não
1. Động mạch cảnh trong 2. Động mạch thông sau 3. Động mạch nền 4. Động mạch đốt sống
Ðộng mạch cảnh ngoài
Là động mạch cấp máu chủ yếu cho các cơ quan ở đầu mặt cổ bên ngoài hộp sọ.
Nguyên uỷ: ngang mức bờ trên sụn giáp.
Ðường đi và tận cùng: từ nguyên uỷ chạy lên trên, đến sau cổ xương hàm dưới, tận cùng bằng cách chia thành hai nhánh tận là động mạch hàm và động mạch thái dương nông.
Nhánh bên: có 6 nhánh là động mạch giáp trên, động mạch hầu lên, động mạch lưỡi, động mạch mặt, động mạch chấm và động mạch tai sau.
Nhánh tận: đó là động mạch thái dương nông và động mạch hàm.
Ðộng mạch thái dương nông: bắt đầu từ phía sau cổ hàm dưới chạy lên trên, vượt qua mặt nông của mỏm gò má (nên có thể bắt được mạch của động mạch này ở ngay trước lỗ ống tai ngoài), chạy lên trên cung cấp máu cho vùng thái dương và vùng đỉnh.
Ðộng mạch hàm: bắt đầu từ cổ hàm dưới, động mạch chạy về phía trước đến hố chân bướm khẩu cái, phân ra nhiều nhánh nuôi phần sâu của vùng mặt, động mạch hàm cho một nhánh nuôi màng não quan trọng là nhánh động màng não giữa đi qua lỗ gai vào hố sọ giữa, đây là động mạch hay tổn thương khi chấn thương sọ não gây nên máu tụ ngoài màng cứng.
Hình. Động mạch cảnh ngoài
1. Động mạch hàm 2. Động mạch mặt 3. Động mạch lưỡi 4. Động mạch thái dương nông 5. Động mạch chẩm 6. Động mạch cảnh trong 7. Động mạch cảnh ngoài
Xoang cảnh và tiểu thể cảnh
Xoang cảnh
Là chỗ phình ra ở đoạn cuối của động mạch cảnh chung, xoang cảnh có các đầu mút thần kinh nhạy cảm với áp lực máu trong động mạch cảnh, gọi là các áp thụ cảm.
Tiểu thể cảnh
Là một cấu trúc nhỏ bằng nửa móng tay út, màu xám, hoặc nâu nhạt nằm ở thành mạch máu gần chỗ phân đôi của động mạch cảnh chung, chứa các thụ cảm thần kinh nhạy cảm với nồng độ khí trong máu, gọi là các hoá thụ cảm.
Nhờ áp thụ cảm và hóa thụ cảm mà xoang cảnh và tiểu thể cảnh đóng vai trò quan trong sự điều hòa huyết áp và mạch.
Các sợi thần kinh đến xoang cảnh và tiểu thể cảnh thường phát xuất từ dây thần kinh thiệt hầu và dây thần kinh lang thang.
Hình. Xoang cảnh và tiểu thể cảnh.
1. Hạch dưới dây thần kinh lang thang 2. Hạch giao cảm cổ 3. Xoang cảnh 4. Tiểu thể cảnh 5. Rể trên quai cổ 6. Động mạch cảnh trong 7. Dây thần kinh thiệt hầu 8. Động mạch cảnh ngoài 9. Động mạch cảnh chung
Động mạch dưới đòn
Nguyên uỷ
Động mạch dưới đòn phải xuất phát từ thân tay đầu, sau khớp ức đòn. Động mạch dưới đòn trái xuất phát từ cung động mạch chủ.
Ðường đi
Động mạch dưới đòn trái bắt đầu từ nguyên uỷ chạy lên trong trung thất trên, đến sau khớp ức đòn trái thì cong lõm xuống dưới, nằm ở nền cổ và sau khi qua điểm giữa bờ sau xương đòn thì đổi tên thành động mạch nách. động mạch dưới đòn phải chỉ có đoạn ở nền cổ.
Nhánh bên
Động mạch dưới đòn cho khoảng 4-5 nhánh.
Ðộng mạch đốt sống: chui qua các lỗ ở mỏm ngang các xương sống cổ từ C6 đến C1 để vào hộp sọ, hợp với động mạch bên đối diện tạo nên động mạch nền.
Ðộng mạch ngực trong: chạy xuống dưới, sau các sụn sườn, hai bên bờ xương ức, nuôi dưỡng thành ngực và thành bụng.
Thân giáp cổ: chạy lên trên, chia ba nhánh là động mạch giáp dưới đi đến mặt sau phần dưới tuyến giáp, động mạch ngang cổ và động mạch trên vai.
Thân sườn cổ: chia ra hai nhánh là động mạch cổ sâu và động mạch gian sườn trên cùng.
Hình. Động mạch dưới đòn
1. Thân sườn cổ 2. Động mạch đốt sống 3. Động mạch cảnh chung 4. Thân giáp cổ 5. Động mạch dưới đòn 6. Động mạch ngực trong
Từ khóa » Tĩnh Mạch Mặt Cổ
-
Giải Phẫu Tĩnh Mạch - Bạch Mạch đầu - Mặt - Cổ - Y Dược Tinh Hoa
-
[GIẢI PHẪU SỐ 18] TĨNH MẠCH – BẠCH MẠCH ĐẦU MẶT CỔ
-
Nhận Biết Giãn Tĩnh Mạch ở Mặt | Vinmec
-
Giải Phẫu Mạch Máu Đầu Mặt Cổ 3D - YouTube
-
GIẢI PHẪU ĐỘNG MẠCH, TĨNH MẠCH ĐẦU MẶT CỔ - YouTube
-
Mm đầu Mặt Cổ - SlideShare
-
Thể Loại:Tĩnh Mạch Vùng đầu Mặt Cổ – Wikipedia Tiếng Việt
-
Đặc điểm Hình ảnh Dị Dạng động Tĩnh Mạch Vùng đầu Mặt Cổ
-
BÀI 11: MẠCH MÁU- THẦN KINH HẠCH BẠCH HUYẾT ĐẦU MẶT CỔ
-
ĐỘNG MẠCH, TĨNH MẠCH, THẦN KINH đầu Mặt Cổ (GIẢI PHẪU)
-
Chụp Và Nút Dị Dạng Mạch Vùng đầu Mặt Cổ Dưới X Quang Tăng Sáng
-
Mô Hình Giải Phẫu động Mạch,tĩnh Mạch Vùng đầu Mặt Cổ - Shopee
-
Khám Thực Thể Tim Mạch - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia