Giải Phẫu Hầu

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Nhận định chung

Hầu là một ống cơ mạc không có thành trước, chạy dài từ dưới nền sọ đến ngang mức bờ dưới sụn nhẫn (ngang mức đốt sống cổ thứ sáu), nằm trước cột sống cổ, phía sau ổ mũi, ổ miệng và thanh quản. Phía trước hầu thông với ổ mũi, ổ miệng và thanh quản.

Hầu nhìn từ sau

Hình. Hầu nhìn từ sau

1. Lỗ mũi sau 2. Hạnh nhân khẩu cái 3. Ngách hình lê 4. Lưỡi

Hình thể trong

Hầu được chia làm 3 phần là phần mũi, phần miệng và phần thanh quản.

Phần mũi

Còn gọi là tỵ hầu, là phần hầu ở sau ổ mũi, trên khẩu cái mềm.

Phía trước: thông với ổ mũi qua lỗ mũi sau.

Thành sau: hơi lõm tương ứng với phần nền xương chẩm đến cung trước đốt sống cổ thứ nhất.

Thành trên: là vòm hầu, nằm dưới thân xương bướm và phần nền xương chẩm. Ở đây có một khối bạch huyết kéo dài đến tận thành sau hầu, gọi là hạnh nhân hầu. Ở trẻ em thường bạch huyết hầu hay bị viêm và khi viêm gây cho trẻ sổ mũi, tắc mũi, khó thở.

Thành bên: Ở mỗi bên có một lỗ hầu của vòi tai, nằm sau xoăn mũi dưới khoảng 1cm. Qua vòi tai, hầu thông với tai giữa. Xung quanh lổ hầu vòi tai có nhiều mô bạch huyết gọi là hạnh nhân vòi, mà khi viêm, phì đại có thể làm bít lỗ hầu vòi tai, gây rối loạn thính giác.

Phần miệng hay khẩu hầu

Khẩu hầu nằm sau ổ miệng, đi từ bờ sau khẩu cái mềm đến bờ trên nắp thanh môn.

Phía trước thông với ổ miệng qua eo họng. Eo họng được giới hạn ở trên bởi bờ sau khẩu cái mềm, hai bên là cung khẩu cái lưỡi và phía dưới là rãnh tận cùng. Phần hầu của lưỡi nối với sụn nắp thanh môn bởi các nếp lưỡi nắp và thung lũng nắp thanh môn.

Thành sau ngang mức cung trước đốt sống cổ thứ nhất đến bờ dưới đốt sống cổ thứ ba.

Thành bên có hai nếp niêm mạc từ khẩu cái mềm chạy xuống. Nếp trước là cung khẩu cái lưỡi do cơ cùng tên tạo thành, nếp sau là cung khẩu cái hầu do cơ cùng tên tạo nên. Giữa hai cung khẩu cái lưỡi và khẩu cái hầu là hố hạnh nhân, chứa hạnh nhân khẩu cái.

Vùng tỵ hầu và khẩu hầu hình thành một vòng bạch huyết 6 cạnh: trên là hạnh nhân hầu, dưới là hạnh nhân lưỡi, hai bên là hạnh nhân vòi và hạnh nhân khẩu cái, được xem như các đồn tiền tiêu chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể

Phần thanh quản hay thanh hầu

Thanh hầu nằm sau thanh quản, từ bờ trên sụn nắp thanh môn đến bờ dưới sụn nhẫn, tương ứng từ đốt sống cổ thứ tư đến bờ dưới đốt sống cổ thứ sáu.

Thành sau: liên tục với phần miệng ở trên.

Thành trước: liên hệ mật thiết với thanh quản.

Ở giữa: từ trên xuống dưới là mặt sau nắp thanh môn, lỗ vào thanh quản và mặt sau sụn phễu, sụn nhẫn.

Hai bên là hai ngách hình lê, là hai rãnh dài nằm hai bên lỗ thanh quản, có giới hạn ngoài là màng giáp móng và sụn giáp, giới hạn trong là nếp phễu nắp, sụn phễu và sụn nhẫn. Dị vật nếu có thường mắc lại ở đây.

Thành bên: là niêm mạc lót mặt trong màng giáp móng và mảnh sụn giáp.

Cấu tạo của hầu

Hầu có cấu tạo từ trong ra ngoài bởi các lớp.

Lớp niêm mạc

Lót mặt trong của hầu, liên tiếp với niêm mạc ổ mũi, ổ miệng, thanh quản và thực quản...

Tấm dưới niêm mạc

Tạo nên mạc trong hầu. Phía trên hơi dày, dính vào mặt dưới nền sọ.

Lớp cơ

Gồm lớp cơ vòng và lớp cơ dọc.

Ba cơ khít hầu tạo thành lớp cơ vòng bên ngoài: cơ khít hầu trên, cơ khít hầu giữa và cơ khít hầu dưới.

Hai cơ trâm hầu và vòi hầu, tạo thành lớp cơ dọc bên trong hầu.

Từ khóa » Hạnh Nhân Lưỡi Là Gì