Giải Phẫu Mắt - Cấu Tạo Của Mắt, Các Bộ Phận Và Chức Năng - MATTI

Hiểu các bộ phận và chức năng hoạt động của mắt giúp bạn hiểu cách bạn nhìn và những gì bạn có thể làm để bảo vệ mắt, giúp mắt hoạt động bình thường và phòng ngừa các bệnh về mắt.

Mắt là một trong những bộ phận phức tạp nhất của cơ thể. Các bộ phận khác nhau của mắt giúp cơ thể tiếp nhận ánh sáng và cảm nhận các vật thể xung quanh chúng ta với màu sắc, chi tiết và chiều sâu. Điều này giúp con người nhận biết môi trường xung quanh để đưa ra hành động đúng đắn.

Nếu một bộ phận của mắt bị tổn thương, bạn có thể không nhìn thấy chính xác hoặc có thể mất toàn bộ thị lực.

Mắt gồm những bộ phận nào? Bộ phận nào hoạt động không bình thường khi chúng ta có các vấn đề về thị lực như mắc tật khúc xạ và tăng nhãn áp? Bộ phận nào tạo ra nước mắt?

Có nhiều thành phần lý hoá tạo nên mắt người. Mắt được kết nối đồng bộ với hệ thống thần kinh, giúp não bộ tiếp nhận thông tin để đưa ra các quyết định phù hợp về việc chúng ta cần làm gì trước sự vật, sự việc chúng ta đang nhìn thấy.

Các dây thần kinh cần phải được duy trì ở trạng thái ổn định, nếu không não sẽ nhận phải những hình ảnh sai lệch, hoặc không tiếp nhận đủ thông tin để nhận thức chính xác về những sự vật, sự việc đang diễn ra xung quanh.

giải phẫu các bộ phận của mắt
Mục lục ẩn Giác mạc (Cornea) Củng mạc (Sclera) Đồng tử (Pupil) Mống mắt (Iris) Kết mạc (Conjunctiva Glands) Tuyến lệ (Lacrimal Glands) Thuỷ tinh thể (Lens) Võng mạc (Retina) Hoàng điểm (Macula) Cơ thể mi (Ciliary Body) Màng bồ đào (Choroid) Dịch kính (Vitreous Humor) Thuỷ dịch (Aqueous Humor) Thần kinh thị giác (Optic Nerve) Nhãn áp (Eye Pressure) Góc tiền phòng Mắt hoạt động như thế nào?

Giác mạc (Cornea)

Giác mạc là lớp hình vòm, bao phủ bên ngoài của mắt, bảo vệ mắt khỏi các yếu tố có thể gây tổn thương các bộ phận bên trong mắt.

Giác mạc bao gồm nhiều lớp, cấu tạo thành một lớp chắc chắn. Các lớp này tái tạo rất nhanh, giúp mắt loại bỏ tổn thương và phục hồi một cách dễ dàng.

Giác mạc cũng giúp mắt tập trung đúng vào ánh sáng hiệu quả hơn. Những người gặp khó khăn trong khả năng tập trung mắt đúng cách có thể phẫu thuật giác mạc để điều chỉnh lại.

Củng mạc (Sclera)

Củng mạc thường được gọi là lòng trắng của mắt. Đây là một lớp trắng, mịn bên ngoài nhưng bên trong lại là lớp màu nâu chứa các rãnh giúp các gân mắt gắn chặt.

Củng mạc tạo ra cấu trúc và sự an toàn cho các hoạt động bên trong mắt, giúp mắt linh hoạt trong các hoạt động dịch chuyển và tìm kiếm sự vật, sự việc xung quanh.

Đồng tử (Pupil)

Đồng tử là một chấm đen ở giữa mắt, vùng đen này thực chất là một cái lỗ đón ánh sáng để mắt có thể tập trung vào các vật thể phía trước.

Mống mắt (Iris)

Mống mắt là khu vực chứa các sắc tố tạo nên màu sắc của mắt. Khu vực này bao quanh đồng tử và sử dụng các cơ giãn nở đồng tử để mở rộng hoặc đóng đồng tử. Điều này cho phép mắt tiếp nhận nhiều hay ít ánh sáng tuỳ thuộc vào độ sáng xung quanh bạn. Nếu quá sáng, mống mắt sẽ thu nhỏ đồng tử để mắt có thể tập trung hiệu quả hơn.

Kết mạc (Conjunctiva Glands)

Đây là những lớp chất nhày giúp duy trì độ ẩm trên bề mặt mắt. Khi mắt bị khô tạo cảm giác ngứa và đau, nguy hiểm hơn có thể gây xước hoặc nhiễm trùng. Khi kết mạc bị nhiễm trùng gây ra bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

Tuyến lệ (Lacrimal Glands)

Các tuyến này nằm ở góc ngoài của mắt. Chúng tạo ra nước mắt giúp duy trì độ ẩm khi mắt bị khô, vệ sinh và rửa trôi bụi bẩn gây kích ứng mắt, giúp mắt sạch và nhìn rõ.

Thuỷ tinh thể (Lens)

Thuỷ tinh thể nằm ngay sau đồng tử. Đây là một lớp trong suốt hội tụ ánh sáng đi qua đồng tử. Nó được giữ cố định bởi các cơ thể mi, cho phép thuỷ tinh thể thay đổi hình dạng tuỳ thuộc vào lượng ánh sáng chiếu vào, để nó có thể được tập trung đúng cách.

Võng mạc (Retina)

Ánh sáng hội tụ tại thuỷ tinh thể sẽ được truyền lên võng mạc. Võng mạc được cấu thành từ các lớp tế bào hình que và nón (các tế bào giúp nhận biết màu sắc và hình ảnh), chúng sẽ truyền ánh sáng thành các chất hoá học và xung điện.

Võng mạc nằm ở phía sau của mắt, được kết nối với các dây thần kinh thị giác, giúp truyền các hình ảnh mà mắt nhìn thấy đến não, để não phân tích và nhận biết những sự vật, sự việc trước mắt.

Hoàng điểm (Macula)

Trung tâm võng mạc là hoàng điểm (điểm vàng), nơi tế bào thị giác nhạy cảm nhất giúp nhận diện nội dung, độ sắc nét của hình ảnh. Thông qua các dây thần kinh thị giác võng mạc sẽ chuyển ánh sáng thành tín hiệu gửi về não.

Cơ thể mi (Ciliary Body)

Cơ thể mi là một mô hình vòng có chức năng giữ và kiểm soát chuyển động của thuỷ tinh thể, qua đó giúp kiểm soát hình dạng của thuỷ tinh thể.

Màng bồ đào (Choroid)

Màng bồ đào nằm giữa võng mạc và củng mạc, cung cấp máu cho mắt. Cũng giống như bất kỳ bộ phận nào khác của cơ thể, máu cung cấp dinh dưỡng cho các bộ phận khác của mắt.

Dịch kính (Vitreous Humor)

Dịch kính là chất gel nằm ở phía sau mắt. Chất gel này lấy dinh dưỡng từ cơ thể mi, thuỷ dịch và các mạch võng mạc giúp mắt khoẻ mạnh.

Thuỷ dịch (Aqueous Humor)

Thuỷ dịch là chất nước trong suốt liên tục được tiết ra từ thể mi, chứa những chất dinh dưỡng để nuôi thuỷ tinh thể, mống mắt và giác mạc.

Thuỷ dịch sau khi tiết ra ở buồng sau của mắt (posterior chamber) sẽ đi luồn dưới mống mắt, qua đồng tử và buồng trước của mắt (anterior chamber). Chất dịch này sẽ được xuyên qua bộ màng lưới vào kênh Schlemn (schlemn canal) và theo ống thoát của mắt hấp thụ vào mắt để ra khỏi mắt.

Sự sản xuất, lưu chuyển và thoát đi của chất dịch này là một tiến trình nhằm duy trì sức khoẻ của mắt. Chất dịch bên trong mắt này khác với nước mắt được sản sinh từ bên ngoài mắt.

Thần kinh thị giác (Optic Nerve)

Thần kinh thị giác hay còn gọi là dây thần kinh của mắt, nằm ở đáy mắt giúp truyền tín hiệu là những thông tin về ánh sáng và hỉnh ảnh tới não. Não bộ tiếp nhận những tín hiệu này qua đó giúp chúng ta nhận thức hình ảnh trước mắt.

Nhãn áp (Eye Pressure)

Nhãn áp hay áp suất bên trong của mắt phụ thuộc vào quá trình sản xuất, di chuyển và thoát đi của thuỷ dịch.

Hãy tưởng tượng hệ thống chất lỏng của mắt như bồn nước, có nước chảy liên tục, được thoát liên tục qua một ống thoát nước.

Thể mi sản xuất ra thuỷ dịch cũng giống như vòi nước. Các ống thoát nước của mắt giống như đường ống thoát nước của chiếc bồn.

Nếu hệ thống thoát nước hoạt động bình thường, nước chảy ra từ vòi sẽ thoát ra một cách dễ dàng nhanh chóng khỏi bồn. Nếu hệ thống chất lỏng trong mắt hoạt động bình thường thì một lượng chất lỏng thích hợp liên tiếp được dẫn vào mắt và một lượng tương tự như thế được dẫn ra.

Nhãn áp có thể thay đổi chút đỉnh ở vào các thời điểm khác nhau trong ngày nhưng bình thường xê dịch trong một khoảng an toàn cho sức khoẻ của mắt.

Góc tiền phòng

Góc tiền phòng là góc giữa mống mắt và giác mạc. Góc tiền phòng có thể đóng hay mở tuỳ theo bệnh của mắt.

Mắt hoạt động như thế nào?

Hiểu cơ chế hoạt động của mắt là nền tảng để hiểu về những bệnh của mắt, cách chăm sóc, bảo vệ, phòng ngừa và duy trì sức khoẻ của mắt.

Mắt là một trong những cơ quan phức tạp và tinh tế nhất của con người. Được bao bọc và bảo vệ bởi một lớp vỏ cứng và dai màu trắng gọi là củng mạc.

Mắt làm việc như một chiếc máy ảnh. Khi ta chụp hình, thấu kính máy ảnh thu ánh sáng đó trên phim, khi ánh sáng chạm vào phim thì hình ảnh được thu nhận.

Mắt của chúng ta cũng làm việc tương tự, ánh sáng đi vào và hội tụ trong mắt, lượng ánh sáng xuyên qua mắt được kiểm soát và điều chỉnh bởi sự co giãn của đồng tử. Sau đó ánh sáng được thuỷ tinh thể hội tụ vào võng mạc ở phía sau đáy mắt giống như ống kính máy ảnh hội tụ ánh sáng lên phim. Khi ánh sáng được hội tụ lại ở võng mạc, những thông tin này được chuyển về não qua dây thần kinh thị giác.

Từ khóa » Giải Phẫu Các Lớp Võng Mạc