[GIẢI PHẪU SỐ 6] BÀN TAY

Chia sẻ Rate this post

GIỚI HẠN CỦA BÀN TAY

Bàn tay giới hạn từ nếp gấp cổ tay xa nhất đến đầu các ngón tay, được chia làm hai phần: gan tay và mu tay.

GAN TAY

(palma manus)

1. LỚP NÔNG

1.1. DA VÀ TỔ CHỨC DƯỚI DA. Da dày và dính chắc trừ ở vùng mô cái. Trên mặt da ở đầu ngón và bàn tay có các nếp vân da đặc trưng riêng cho từng người và từng quần thể người.

1.2. MẠCH VÀ THẦN KINH NÔNG. Tĩnh mạch nông rất nhỏ và ít. Thần kinh nông gồm có nhánh bì của dây thần kinh giữa ở phía ngoài, của dây thần kinh trụ ở phía trong và của dây quay và dây cơ bì ở phía trên.

1.3. MẠC NÔNG. Mạc nông dây ở giữa gọi là cân gan tay và mỏng ở hai bên mộ cái và mô út. Ở phía mô cái, mạc bám từ bờ ngoài xương đốt bàn tay I đến bờ trước xương đốt bàn III tạo nên ô mô cái. Ở phía mô út, mạc bám từ bờ trước của xương đốt bàn V tạo nên ô mô út. Giữa ô mô cái và ô mô út là ở giữa có gân các cơ gấp (H.7.1).

1.4. CÂN GAN TAY. Cân cơ gan tay dài bắt chéo phía trước mạc giữ gân gấp, đến gan tay chia làm bốn dải rộng đến nền bốn ngón tay. Ở gần đầu các xương bàn tay, các dải này nối nhau bởi các bộ ngang (fasciculi transversi). Gần bờ các ngón tay, có những dải cân ngang riêng biệt khác gọi là dây chằng đốt bàn tay ngang nông (lig. metacarpeum transversum superficiale).

2. LỚP SÂU.

2.1. MẠC GIỮ GÂN GẤP (retinaculum flexorum). Mu cổ tay lồi theo chiều ngang do tác dụng của mạc giữ gân gấp. Mạc giữ gân gấp cùng với các xương cổ tay tạo thành một ống xương xơ gọi là ống cổ tay (canalis carpi) (H.7.3). Bên trong, mạc này bám vào xương đậu và móc xương mác, bên ngoài bám vào củ xương thuyền và củ xương thang. Mạc này giữ các gân gấp không bật ra ngoài khi cổ tay gấp.

2.2. CÁC CƠ GAN TAY (H.7.1).

Các cơ gan tay chia làm ba nhóm: nhóm cơ mô cái ở ngoài, nhóm cơ mô út ở trong, các gân gấp và các cơ giun ở giữa. Ngoài ra còn có bốn cơ gian cốt gan tay sẽ được mô tả ở phần mu tay.

2.2.1. Các cơ mô cái (H.7.1, H.7.4). Có bốn cơ:

* Cơ dạng ngón cái ngắn (m.abductor pollicis breuis).

Nguyên ủy: Mạc giữ gân gấp, củ xương thuyền, củ xương thang.

Bám tận: Phía ngoài nền xương đốt gần ngón cái.

Động tác: Dạng ngón cái, và phần nào đối ngón cái.

* Cơ gấp ngón cái ngắn (m.flexor policis breuis).

Nguyên ủy:

– Đầu nông (caput superficiale): củ xương thang, mạc giữ gân gấp.

– Đầu sâu (caput profundum): xương thê và xương cả.

Bám tận:

– Đầu nông: phía ngoài của nền xương đốt gần ngón cái.

– Đầu sâu: phía trong của nền xương đốt gần ngón cái.

Động tác: Gấp đốt gần ngón cái.

* Cơ đối ngón cái (m. opponens pollicis).

Nguyên ủy: Mạc giữ gân gấp, củ xương thang.

Bám tận: Bờ ngoài của xương bàn tay I.

Động tác: Đối ngón cái với các ngón khác.

* Cơ khép ngón cái (m. adductor pollicis).

Nguyên ủy:

– Đầu chéo (caput obliquum): xương cả, nền xương bàn tay II và III.

– Đầu ngang (caput transversum): mặt trước xương bàn tay III.

Bám tận: Bên trong nền xương đốt gần ngón cái.

Động tác: Khép ngón cái và phần nào đối ngón cái.

2.2.2. Các cơ mô út (H.7.1, H.7.4) Có bốn cơ:

* Cơ gan tay ngắn (m. palmaris breuis).

Nguyên ủy: Cân gan tay, mạc giữ gân gấp.

Bám tận: Da bờ trong bàn tay.

Động tác: Căng da gan bàn tay.

* Cơ dạng ngón út (m. abductor digiti minimi).

Nguyên ủy: Xương đậu và gân cơ gấp cổ tay trụ.

Bám tận: Bên trong của nền xương đốt gần ngón út.

Động tác: Dạng ngón út và giúp vào động tác gấp đốt gần ngón út.

* Cơ gấp ngón út ngắn (m. flexor digiti minimi breuis).

Nguyên ủy: Mạc giữ gân gấp, móc xương móc.

Bám tận: Bên trong của nền xương đốt gần ngón út.

Động tác: Gấp ngón út.

* Cơ đối ngón út (m. oppenens digiti minimi).

Nguyên ủy: Mạc giữ gân gấp, móc xương móc.

Bám tận: Bờ trong xương bàn tay V.

Động tác: Làm sâu lòng bàn tay, đưa xương bàn tay V ra trước.

2.2.3. Các gân gấp (H.7.1, H.7.5).

Các gân cơ gấp các ngón nông và gấp các ngón sâu sau khi đi qua ống cổ tay thì xếp thành hai lớp: bốn gân gấp các ngón nông ở lớp trước và bốn gân gấp các ngón sâu ở lớp sau. Đến ngón tay, các gân cơ gấp các ngón nông tách đôi nên gọi là gân thủng và bám vào hai bên mặt trước đốt giữa. Gân cơ gấp các ngón sâu chui qua chỗ tách đôi của gân cơ gấp các ngón nông nên gọi là gân xuyên và bám vào mặt trước của nền xương đốt xa. Mỗi chỗ tách đôi của gân cơ gấp các ngón nông còn cho một trẽ cân đi về bên đối diện. Hai trẻ này bắt chéo chữ thập ở phía trước khớp gian đốt gần, tạo thành giao thoa gân (chiasma tendinum). Các gân gấp được bọc bởi các bao hoạt dịch các ngón tay (vaginae synomiales digitorium manus). Bao gân cơ gấp ngón cái dài (vagina tendinis m.flexoris pollicis longi) ở ngoài, kéo dài đến đốt ngón cái và bao hoạt dịch chung của các cơ gấp (vagina synomialis communis mm. flexorum) bọc lấy các gân cơ gấp các ngôn nông và sâu. Trong phần lớn các trường hợp, bao hoạt dịch chung của các cơ gấp các ngón liên tục với bao hoạt dịch ngón tay út và bao gân cơ gấp ngón cái dài. Do đó, nhiễm trùng bao hoạt dịch ngón út có thể lan đến ngón cái, và ngược lại. Ở phần cuối các gân gấp các ngôn nông, gấp các ngón sâu và gấp ngón cái dài có các nếp hình tam giác gọi là dải ngắn (sinculum brece). Các gân cơ gấp nông và gấp sâu, phía trước các xương đốt gần và đốt giữa có các phần giống như sợi chỉ, gọi là dải dài (sinculum longum). Các dải gân (sincula tendinum) nối từ lá tạng đến là thành của bao hoạt dịch và cung cấp máu cho các gân gấp.

2.2.4. Các cơ giun (mm. lumbricales) (H.7.1, H.7.5B).

Có bốn cơ giun đánh số thứ tự từ ngón cái là 1, 2, 3, 4.

Nguyên ủy: Bám vào các gân cơ gấp các ngón sâu : hai cơ giun 1 và 2 phát xuất từ bênngoài gân ngón hai và ngón ba, hai cơ giun 3 và 4 phát xuất từ hai gân kế cận (ngón bốn và ngón năm).

Bám tận: Phần ngoài các gân duỗi các ngón.

Động tác: Gấp đốt 1, duỗi đốt 2 và 3.

Tất cả các cơ của gan tay (trừ ba cơ nồng của mô cái và hai cơ giun 1 và 2 do dây thần kinh giữa) đều do nhánh cùng sâu của thần kinh trụ vận động.

2.3. BAO XƠ NGÓN TAY: (vaginae fibrosae digitorum manus) (H.7.6A). Phía trước mỗi ngón tay, cân gan tay liên tục với bao xơ ngón tay. Bao xơ này bám vào mặt trước của các xương đốt ngón tay. Như vậy, bao xơ, đi qua ba khớp : khớp bàn ngón, khớp gian đốt gần, khớp gian đốt xa. Phía trước các khớp này, bao xơ lỏng lẻo, tạo thành phần vòng bao xơ (pars anularis vaginae fibrosae). Còn phía trước các đốt gần và giữa, các sợi đan chéo nhau rất chắc gọi là phần chéo bao xơ (pars cruciformis paginae fibrosae).

2.4. THẦN KINH GAN TAY.

2.4.1. Thần kinh trụ. Thần kinh trụ đi vào bàn tay giữa xương đậu và móc xương móc, ở phía trước mạc giữ gân gấp, phía sau cơ gan tay ngắn, chia làm hai nhánh: nhánh nông (ramus superficialis) và nhánh sâu (ramus profundus). Nhánh nông phân phối cảm giác cho một ngón rưỡi bên trong qua các thần kinh gan ngón chung (nn. digitalis communis) và các thần kinh gan ngón riêng (nn. digitalis palmaris proprii), vận động cơ gan tay ngắn, và cho nhánh nối với thần kinh giữa. Nhánh sâu vận động ba cơ còn lại của mô út, rồi vòng qua bờ dưới móc xương móc đi sâu vào bàn tay, vận động tất cả các cơ còn lại của gan tay (trừ năm cơ do dây thần kinh giữa)

2.4.2. Thần kinh giữa. Thần kinh giữa đi phía sau mạc giữ gân gấp. Ra khỏi ống cổ tay, thần kinh nằm sau cân gan tay, phân nhánh cảm giác cho ba ngón tay rưỡi bên ngoài qua các thần kinh gan ngón chung và riêng, và nhánh vận động cho năm cơ: cơ dạng ngón cái ngắn, cơ gấp ngón cái ngắn (đầu nông), cơ đối ngón cái, các cơ giun 1 và 2. Thần kinh giữa còn cho nhánh nối với thần kinh trụ (ramus communicans cum nu ulnari).

2.5. MẠCH GAN TAY. Gan tay được cấp máu bởi các động mạch trụ và động mạch quay. Sự cấp máu phong phú do thông nối giữa hai động mạch thành cung động mạch gan tay nông và gan tay sâu.

2.5.1. Cung gan tay nông (arcus palmaris superficialis) (H.7.2). Là cung động mạch nông được tạo thành do sự tiếp nối của động mạch trụ với nhánh gan tay nông của động mạch quay. Động mạch trụ đi xuống bên ngoài xương đậu, cùng với thần kinh trụ, nằm sau cơ gan tay ngắn. Sau đó, hướng ra ngoài theo một đường vạch từ bờ ngoài xương đậu đến kẽ ngón tay thứ hai và thứ ba, đi giữa cân gan tay và các gân gấp rồi nối với nhánh gan tay nông (ramus palmaris superficialis) của động mạch quay (nhánh này xuất phát ở cổ tay ngang mức mỏm trầm xương quay, bắt chéo hoặc xuyên qua các cơ mô cái để nối với động mạch trụ) Đỉnh cung ngang mức đường ngang qua bờ dưới ngón tay cái khi ngón này dạng ra hết sức.

Cung gan tay nông cho các nhánh động mạch gan ngón chung (aa. digitales palmares communes) và động mạch gan ngón riêng (aa. digitales palmares propriae) cho ba ngón rưỡi bên trong.

Nên chú ý rằng các thần kinh và mạch máu gan ngon không tiếp xúc với các xương đốt ngón, mà tiếp xúc với bao xơ ngón tay. Cho nên khi rạch dọc ngón tay trong phẫu thuật, nên rạch ở phần da cạnh ngón tay tiếp xúc với xương để tránh làm tổn thương mạch máu và thần kinh.

Cung động mạch gan tay ở người Việt Nam được chia ra làm 3 nhóm và 1 dạng.

– Nhóm I: Cung động mạch gan tay nông chủ yếu tạo nên do động mạch trụ 75,3%

– Nhóm II: Cung động mạch gan tay nông tạo bởi động mạch trụ và nhanh quay gan tay.

– Nhóm III: Cung động mạch gan tay nông với cấu trúc bất thường do sự góp phần của động mạch giữa.

2.5.2. Cung gan tay sâu (arcus palmaris profundus) (H.7.4). Tạo nên do sự nối tiếp của động mạch quay với nhánh gan tay sâu của động mạch trụ. Động mạch quay sau khi đi qua mặt sau của các gân cơ dạng ngón cái dài, duỗi ngón cái ngắn, duỗi ngón cái dài ở cổ tay, thì đi vào gan tay giữa hai xương đốt bàn tay I và II. Ở đây động mạch quay cho nhánh động mạch ngón cái chính (a. princeps pollicis) và động mạch quay ngón trỏ (a. radialis indicis), cấp máu cho một ngón rưỡi bên ngoài. Động mạch quay chui qua giữa hai đầu của cơ khép ngón cái đi trước nền các xương bàn tay II, III và IV và nối với nhánh gan tay sâu (ramus palmaris profundus) của động mạch trụ (nhánh đi theo nhánh sâu của thần kinh trụ, uốn quanh bờ dưới của móc xương móc và xuyên qua nguyên ủy của cơ đối ngón út. Advertisement

Cung gan tay sâu cho ba động mạch gan đốt bàn tay (aa. metacarpeae palmares) nối với ba động mạch gan ngón chung của cung gan tay nông, và sáu nhánh xuyên (rami perforentes) qua ba khoang gian cốt II, III và IV nối với ba động mạch mu bàn tay (mỗi khoang gian cốt có hai nhánh xuyên, một nhánh xuyên gần và một nhánh xuyên xa).

MU TAY

(dorsum manus)

  1. LỚP NÔNG.

1.1. DA VÀ TỔ CHỨC DƯỚI DA. Da mỏng và ít tổ chức tế bào dưới da.

1.2. MẠCH VÀ THẦN KINH NÔNG. Có tĩnh mạch đầu và tĩnh mạch ngón út tạo thành cung tĩnh mạch mu tay. Thần kinh là các nhánh bì mu tay của dây quay và dây trụ.

1.3. MẠC NÔNG. Mỏng mảnh dính ở phía trên với mạc giữ gần các cơ duỗi và ở phía dưới với gân các cơ duỗi. Mặc dính ở hai bên vào xương đốt bàn I và xương đốt bàn V.

1.4. LỚP GÂN. Gồm các gân cơ từ khu cẳng tay sau đi xuống như : gân cơ dạng ngón cái dài, gân cơ duỗi ngón cái ngắn, gân duỗi ngón cái dài, gân duỗi ngón trỏ, gân duỗi các ngón tay, gân duỗi ngón út và gân duỗi cổ tay trụ (H.7.9).

  1. LỚP SÂU.

2.1. CÁC CƠ MU TAY (H.7.1, H.7.8). Có tám cơ gian cốt nằm giữa các xương đốt bàn tay. Cũng có thể tả các cơ này ở vùng gan tay vì các cơ gian cốt nằm ở các khoang gian cốt là ranh giới giữa vùng gan tay và vùng mu tay (xem phần gan chân).

– Bốn cơ gian cốt mu tay (mm. interossei dorsales) phát sinh từ các bờ của xương bàn tay lân cận (cơ được đánh số từ ngoài vào trong).

– Bốn cơ gian cốt gan tay (mm. interossei palmares) phát sinh từ mặt trước các xương bàn tay I, II, IV và V.

– Cả tám cơ gian cốt đều bám vào xương đốt gần và gân duỗi của ngón II, III, IV, V : hai cơ gian cốt mu tay I và II bám vào bên ngoài các ngón II và III; hai cơ gian cốt mu tay III và IV bám vào bên trong ngón III và IV. Cơ gian cốt gan tay I và II bám vào bên trong của hai ngón I và II; cơ gian cốt gan tay III và IV bám vào bên ngoài ngón IV và V (xem các mũi tên ở H.7.8).

– Các cơ gian cốt và cơ giun có tác dụng chung là gấp khớp bàn đốt và duỗi khớp gian đốt gần và khớp gian đốt xa. Ngoài ra cơ gian cốt mu tay còn dạng các ngón, cơ gian cốt gan tay khép các ngón.

2.2. MẠCH MÁU VÀ THẦN KINH. Mu tay được cấp máu bởi mạng mu cổ tay (rete carpi dorsale) qua các động mạch mu bàn tay (aa. metacarpeae dorsales) và các động mạch mu ngón tay (aa. digitales dorsales). Mạng mu cổ tay tạo bởi các nhánh mu cổ tay của động mạch quay và động mạch trụ (H.7.9).

Mu tay được phân phối cảm giác phần lớn bởi thần kinh trụ và thần kinh quay, và một phần nhỏ bởi thần kinh giữa (H.7.10).

Nguồn: Bài giảng Giải phẫu học – Chủ biên: Nguyễn Quang Quyền

Xem tất cả các bài giải phẫu tại: https://ykhoa.org/category/chuyen-nganh-y-2/y-hoc-co-so/giai-phau

Từ khóa » Giải Phẫu Gân Cơ Bàn Tay