Giải Phẫu Tá Tràng Và Tụy, Bệnh Hay Gặp ở Tá Tràng | BvNTP

I) TÁ TRÀNG

* Vị trí và hình thể ngoài:

Tá tràng nằm sát thành bụng sau, trước cột sống và các mạch máu trước cột sống. Tá tràng có hình giống chữ C và chia làm 4 phần:

1. Phần trên: tiếp nối môn vị, ⅔ đầu phình to thành hành tá tràng. Phần trên nằm ngang hơi chếch lên ra sau và sang phải, ngang mức đốt sống thắt lưng I, ngay dưới gan.

2. Phần xuống: chạy thẳng xuống dọc bờ phải đốt sống thắt lưng III, nằm trước thận phải. Giữa phần trên và phần xuống là góc tá tràng trên

3. Phần ngang: vắt ngang qua cột sống thắt lưng, từ phải sang trái ngang mức sụn gian đốt sống thắt lưng III, IV, đè lên động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ dưới. Phía trước có động mạch mạc treo tràng trên.

Giữa phần xuống và phần ngang là góc tá tràng dưới

4. Phần lên: chạy lên trên hơi chếch sáng trái để tới góc tá hỗng tràng nằm bên trái cột sống, cạnh động mạch chủ. Mạc treo tiểu tràng bám vào góc tá hỗng tràng.

* Kích thước:

- Tá tràng dài 25cm, đường kính 3-4cm, phần đầu phình to thành hành tá tràng, phần xuống hẹp ở giữa nơi có núm ruột, phần ngang hẹp ở chỗ động mạch mạc treo tràng trên chạy qua.

* Cấu tạo và hình thể trong:

1. Lớp thanh mạc: là phúc mạc tạng bao bọc tá tràng. Ở đoạn di động có phúc mạc che phủ hai mặt tá tràng. Ở đoạn cố định mặt sau phúc mạc dính vào lá thành bụng sau trở thành mạc dính tá tụy

2. Tấm dưới thanh mạc: là tổ chức ngăn cách giữa lớp thanh mạc và lớp cơ

3. Lớp cơ: có lớp thớ cơ dọc ở nông, lớp thớ cơ vòng ở sâu

4. Tấm dưới niêm mạc là tổ chức liên kết mỏng và nhão chứa mạch máu và thần kinh

5. Lớp niêm mạc màu hồng mịn có

- Mao tràng là niêm mạc dài như cái sợi lông nhũ phủ lên lòng tá tràng

- Nếp vòng là các nếp ngang niêm mạc, có ở phần dưới nhú tá lớn

- Nếp dọc là những nếp niêm mạc thấy ở thành sau phần xuống tá tràng và tận hết ở nhú tá lớn

- Các tuyến tá tràng nhiều ở nhú tá lớn, tiết ra dịch tá tràng

6. Nhú tá lớn: hình nón ở mặt trong phần xuống

7. Nhú tá bé: nằm trên nhú tá lớn 3cm

II) TỤY

* Vị trí và hình thể ngoài:

- Tụy đi từ phần xuống tá tràng đến cuốn lách, nằm vắt ngang trước cột sống thắt lưng chếch lên sang trái, phần lớn tụy ở tầng trên mạc treo kết tràng ngang, một phần nhỏ ở dưới mạc treo.

- Tụy có hình giống cái búa và có 3 phần: đầu, thân và đuôi

1. Đầu tụy: dẹt, gần hình vuông, có tá tràng vây quanh, đầu dưới tách ra một mỏm gọi là mỏm móc. Giữa đầu tụy và thân tụy có khuyết tụy.

2. Thân tụy: có ba mặt và ba bờ

Mặt trước: lõm áp mặt sau dạ dày, phủ bởi phúc mạc thành sau của hậu cung mạc nối

Mặt sau: phẳng, dính vào lá thành sau của phúc mạc, đi từ phải sang trái, bắt chéo động mạch chủ bụng. Động mạch lách chạy ở bờ trên của mặt sau.

Mặt dưới: hẹp, ở phía sau mạc treo kết tràng ngang

Bờ trên: giới hạn mặt trước với mặt sau liên quan với động mạch lách

Bờ dưới: giới hạn mặt sau và mặt dưới

Bờ trước: giới hạn mặt trước và mặt dưới, có mạch treo kết tràng ngang dính vào

3. Đuôi tụy: như một lưỡi tiếp nối theo thân tụy. Đuôi tụy có thể dài hay ngắn, tròn hay dẹt, phía trên và trước đuôi, có động mạch lách chạy qua. Đuôi tụy di động trong mạch nối vị - lách

* Kích thước:

- Trung bình dài 15cm, cao 6cm, dày 3cm và thay đổi, có màu trắng hồng

* Phương tiện cố định tụy:

- Đầu và thân dính chặt vào thành bụng bởi mạc dính tá tụy

- Đầu tụy có tá tràng quây quanh, ống mật chủ và mạch máu đi vào

III) Các bệnh lý hay gặp liên quan đến tá tràng

Những bệnh lý tá tràng dễ gặp phải bao gồm:

  • Viêm loét tá tràng – hành tá tràng: Đây là một bệnh lý phổ biến mà bất cứ ai, ở độ tuổi nào cũng có thể gặp phải. Đặc biệt, những người thường xuyên sử dụng chất kích thích, các thực phẩm cay nóng hoặc sống trong trạng thái căng thẳng kéo dài rất dễ vị viêm tá tràng.
  • U tá tràng: Trong số các khối u biểu mô đệm ở ruột non, khối u tá tràng chiếm tới 12 – 18%. Tuy nhiên, chúng lại ít có xu hướng lan rộng và di căn hạch. Khi mắc phải chứng bệnh này, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đây được xem là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh u dưới niêm mạc tá tràng.
  • Tắc, hẹp tá tràng bẩm sinh: Với bệnh lý này, tá tràng sẽ bị bít tắc hoàn toàn hoặc bị bịt một phần. Các nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể kể đến là do màng ngăn, teo tá tràng hoặc do rối loạn quay của ruột.
  • Thủng tá tràng: Nếu tình trạng loét ở tá tràng không được điều trị hoặc vì một nguyên nhân khác nào đó, tá tràng sẽ bị thủng. Đây là vấn đề nguy hiểm, có thể đe dọa đến cả tính mạng của bệnh nhân. Do đó, cần phải được cấp cứu và chữa trị sớm.
  • Túi thừa tá tràng: Bên cạnh túi thừa đại tràng thì túi thừa tá tràng cũng rất hay gặp trên lâm sàng, hay gặp ở vị trí D2, hiếm hơn ở D3 và D4 và ở D1 chiếm một tỷ lệ cực kỳ nhỏ. Túi thừa tá tràng thường có kích thước khoảng 2 – 3 cm, cũng có thể gặp túi thừa tá tràng có kích thước lớn hơn 10cm nhưng tỷ lệ này rất ít. Tắc mật là tình trạng bị gây ra bởi một số nguyên nhân như sỏi mật, u đầu tụy, ung thư đường mật hay túi thừa tá tràng. Trong đó, túi thừa tá tràng là tình trạng gây ra tắc mật ít được nhắc đến và dễ bỏ sót trên lâm sàng.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Giải Phẫu Khối Tá Tuỵ