Giải Phẫu Và Sinh Lý Tai

Biên tập viên: Trần Tiến Phong

Đánh giá: Trần Trà My, Trần Phương Phương

Giải phẫu tai

Tai gồm 3 phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.

Tai ngoài

Vành tai: có khung sụn, trừ phần dưới chỉ có lớp mỡ và da gọi là dái tai. Khung sụn có các nếp lồi lõm tạo thành các gờ, hõm.

Ống tai ngoài: đi từ cửa ống tai ngoài đến hòm nhĩ, phía vành tai ngoài là ống sụn, trong là ống xương. Đoạn sụn và xương tạo thành khuỷu hướng ra trước và xuống dưới. Lớp da có nhiều tuyến tiết nhầy.

Tai giữa

Hòm nhĩ, vòi nhĩ và các xoang chũm.

Hòm nhĩ: giống như­ một hình trống dẹt. Bộ phận chủ yếu trong hòm nhĩ là tiểu cốt. Hòm nhĩ được chia thành hai tầng. Tầng trên gọi là tầng thư­ợng nhĩ chứa tiểu cốt, tầng dưới gọi là trung nhĩ là một hốc rỗng chứa không khí, thông trực tiếp với vòi nhĩ. Hòm nhĩ có sáu thành:

Thành ngoài: phía trên là tầng th­ượng nhĩ, phần dư­ới là màng nhĩ hình bầu dục.

Thành trong: có đoạn nằm ngang của ống Fallope, phần trên là thành trong của thượng nhĩ có gờ ống bán khuyên ngoài, nằm ngay trên ống Fallope. Ở một số trường hợp dây thần kinh VII không có ống xương che phủ do đó viêm tai gi­ữa dễ bị liệt mặt, phần dư­ới là thành trong của hòm nhĩ. Ở mặt này có hai cửa sổ: cửa sổ bầu dục ở phía sau và trên, cửa sổ tròn ở phía sau và dư­ới.

Thành sau: phần trên của thành sau là ống thông hang, nối liền hang chũm với hòm nhĩ, phần d­ưới thành sau là tường dây VII ngăn cách hòm nhĩ với xương chũm.

Thành trư­ớc: thông với lỗ vòi nhĩ (Eustachi), ở trẻ em lỗ vòi luôn mở thông với vòm mũi họng. Với đặc điểm cấu tạo vòi nhĩ nằm ngang, khá rộng và thẳng, viêm nhiễm vùng mũi họng dễ xâm nhập vào tai giữa.

Thành trên: hay là trần nhĩ ngăn cách hòm nhĩ với hố não giữa. Ở trẻ em đ­ường khớp trai đá bị hở nên viêm tai giữa dễ bị viêm màng não.

Thành d­ưới: vịnh tĩnh mạch cảnh.

Vòi nhĩ (Eustachi): là một ống nhỏ nối liền hòm nhĩ với thành bên vòm mũi họng, được lát bằng lớp niêm mạc, phía trên liên tiếp với niêm mạc hòm nhĩ, phía dưới với niêm mạc vòm mũi họng. Lỗ vòi phía dưới luôn đóng kín, chỉ mở do cơ bao hàm hầu co lại (khi nuốt), quanh lỗ vòi có tổ chức lympho gọi là amiđan vòi (A. Gerlach).

Xương chũm: là một xương nhỏ ở phía dưới bên của hệ xương thái dương, phía sau ống tai ngoài.

Đại thể gồm 2 mặt:

Mặt ngoài: hơi lồi, như một tam giác có đỉnh ở dưới, khớp trai đá sau chia mặt ngoài làm 2 phần:

Phần trên trước nhẵn phẳng, ngay góc sau trên ống tai ngoài có 1 gờ xương nhỏ là gai Henlé, đây là mốc vùng đục, khoan vào sào bào xương chũm.

Phần sau dưới gồ ghề là chỗ bám của các cơ, chủ yếu là cơ ức đòn chũm.

Mặt trong hay mặt nội sọ gồm:

Đáy ở phía trên là một vách xương mỏng và phẳng ngăn cách hòm nhĩ, sào đạo, sào bào với thuỳ thái dương. Có khớp trai đá ở trên qua đó, mạch máu vùng xương chũm giao lưu với mạch máu não.

Thành trong tương ứng với tiểu não, phía sau lõm thành 1 máng hình cong chữ S là máng của tĩnh mạch bên.

Nội dung: trong xương chũm có nhiều hốc nhỏ gọi là xoang chũm hay tế bào hơi. Xoang chũm lớn nhất là sào bào hay hang chũm, sào bào thông với hòm nhĩ bởi một ống gọi là sào đạo hay ống thông hang. Sào bào và sào đạo đều được lót bởi lớp niêm mạc mỏng liên tiếp với niêm mạc hòm nhĩ. Tuỳ theo kích thước và số lượng các xoang chũm, chia xương chũm làm 3 loại: đặc ngà, xốp bào và thông bào.

Tai trong

Nằm trong x­ương đá, đi từ hòm nhĩ tới lỗ ống tai trong.

Gồm 2 phần là mê nhĩ x­ương bao bọc bên ngoài và mê nhĩ màng ở trong.

Mê nhĩ x­ương: gồm tiền đình và ốc tai.

Tiền đình thông với tai giữa bởi cửa sổ bầu dục ở phía trư­ớc, có ống bán khuyên nằm theo ba bình diện không gian.

Ốc tai giống như­ hình con ốc có hai vòng xoắn rư­ỡi, đư­ợc chia thành hai vịn: là vịn tiền đình thông với tiền đình và vịn nhĩ thông với hòm nhĩ bởi cửa sổ tròn, nó đựơc bịt kín bởi màng nhĩ phụ.

Mê nhĩ màng: ốc tai màng và hai túi cầu nang, soan nang, ống nội dịch và 3 ống bán khuyên màng.

Trong cầu nang và soan nang có các bãi thạch nhĩ là vùng cảm giác thăng bằng. Trong ống bán khuyên có mào bán khuyên là vùng chuyển nhận các kích thích chuyển động.

Ốc tai màng: nằm trong vịn tiền đình có cơ quan Corti chứa đựng các tế bào lông và các tế bào đệm, tế bào nâng đỡ.

Dịch tai trong: giữa mê nhĩ xương và mê nhĩ màng có ngoại dịch, trong mê nhĩ màng có nội dịch.

Thần kinh: các sợi thần kinh xuất phát từ tế bào lông của cơ quan Corti tập hợp thành bó thần kinh ốc tai. Các sợi thần kinh xuất phát từ các mào bán khuyên và bãi thạch nhĩ tập hợp thành bó thần kinh tiền đình. Hai bó này tập hợp thành dây thần kinh số VIII chạy trong ống tai trong để lên vỏ não.

Sinh lý tai

Tai có hai chức năng nghe và thăng bằng.

Chức năng nghe

Sinh lý truyền âm

Tai ngoài: vành tai thu và định h­ướng sóng âm, ống tai truyền sóng âm tới màng nhĩ.

Tai giữa: dẫn truyền và khuyếch đại c­ường độ âm thanh (vòi nhĩ, màng nhĩ, chuỗi xương con).

Sinh lý tiếp âm

Điện thế liên tục: do có sự khác biệt về thành phần của Na+ và K+ trong nội và ngoại dịch.

Điện thế hoạt động: do sự di chuyển của nội dịch, sự rung động của các tế bào lông.

Luồng thần kinh: luồng thần kinh tập hợp các điện thế chuyển theo dây VIII lên vỏ não.

Chức năng thăng bằng

Thăng bằng vận động

Do các ống bán khuyên, khi thay đổi tư thế đầu làm nội dịch nằm trong ống bán khuyên di chuyển gây kích thích tế bào thần kinh ở mào bán khuyên tạo nên luồng thần kinh.

Thăng bằng tĩnh tại

Tuỳ theo tư­ thế bất động (khi nằm hoặc ngồi...), các hạt thạch nhĩ đè lên tế bào thần kinh ở bãi thạch nhĩ tạo lên luồng thần kinh. Các luồng thần kinh đ­ược thần kinh tiền đình đưa đến các trung tâm ở não tạo nên các phản xạ điều chỉnh thăng bằng của cơ thể.

Từ khóa » Thuỳ Tai Là Chỗ Nào