Giải Quyết Hành Vi Tổ Chức đánh Bạc Và Hành Vi Gá Bạc Quy định ...

Điều 322 BLHS Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc [1] có hai hành vi đó là hành vi tổ chức đánh bạc và hành vi gá bạc, mặc dù có hai hành vi phạm tội song cấu thành của hai hành vi này là giống nhau và mức hình phạt cùng giống nhau, tuy nhiên trong thực tiễn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào phân biệt hai hành vi trên, thực tế giải quyết các vụ án nêu trên thì vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Hành vi tổ chức đánh bạc là hành vi rủ rê, lôi kéo, chuẩn bị công cụ phương tiện để cho hành vi đánh bạc diễn ra để thu lợi bất chính.

Hành vi gá bạc là hành vi cho phép người khác đánh bạc trong địa điểm do mình quản lý, sử dụng, hay còn gọi là hành vi chứa chấp việc đánh bạc.

Xét về tính chất của hành vi phạm tội thì hành vi tổ chức đánh bạc nguy hiểm hơn so với hành vi gá bạc.

Mặc dù không có văn bản hướng dẫn về phân biệt hai dạng hành vi này, tuy nhiên qua thực tiễn thì việc phân biệt hành vi tổ chức đánh bạc và hành vi gá bạc thông qua một số dạng sau đây:

Thứ nhất: Một trong những yếu tố để xác định một hành vi nào là tổ chức đánh bạc còn hành vi nào là gá bạc phụ thuộc vào ý thức của người có quản lý, sử dụng địa điểm đó, đối với hành vi tổ chức đánh bạc thì người quản lý sử dụng điạ điểm phải lên ý tưởng cho hành vi đánh bạc tức là người này phải là người chủ động về mặt nhận thức, ý tưởng đánh bạc đó phải có trước hành vi đánh bạc của các đối tượng khác từ việc lên ý tưởng đó dẫn đến việc rủ rê, lôi kéo người khác tham gia đánh bạc. Trường hợp những người tham gia đánh bạc sau khi bàn bạc thống nhất về hành vi đánh bạc, cách thức đánh bạc và sau đó xin người quản lý, sử dụng địa điểm đó đánh bạc thì trường hợp này người quản lý, sử dụng địa điểm phạm tội gá bạc. Việc xác định ý thức của người quản lý, sử dụng địa điểm hình thành trước hay sau khi có hành vi đánh bạc là một trong những căn cứ quan trọng.

Ví dụ: Ngày 20/11/2020 tại quán ăn HN do Nguyễn Văn A là chủ sở hữu có 3 nhóm đánh bạc, theo lời khai của các nhóm này thì sau khi bàn bạc xong về hình thức đánh bạc thì các nhóm này xin phép chủ quán HN đánh bạc tại quán và được Nguyễn Văn A đồng ý, A đi mua bài và phục vụ nước, thuốc cho 3 nhóm đánh bạc, các nhóm này thỏa thuận nếu ai thắng thì bỏ ra 20.000 đồng mỗi ván trích ra trả tiền nước cho A, ba nhóm trích ra được số tiền 2.500.000 đồng. Sau đó Công an phát hiện bắt giữ thu tổng số tiền 3 nhóm là 18.000.000 đồng.

Trong tình huống nêu trên có quan điểm cho rằng Nguyễn Văn A phạm tội tổ chức đánh bạc vì A đã có hành vi cho phép 3 chiếu bạc đánh bạc cùng một lúc tại địa điểm do mình quản lý và phục vụ bài, thuốc nước cho các nhóm đánh bạc để thu lợi bất chính, vì nếu không có việc phục vụ nước thuốc bài thì các đối tượng khác không thể đánh bạc, điều này hoàn toàn thỏa mãn cấu thành của tội tổ chức đánh bạc. Tuy nhiên trong tình huống nói trên có thể nhận thấy, các đối tượng đánh bạc hình thành ý tưởng đánh bạc trước sau đó mới xin phép A đánh bạc tại quán, ý thức của Nguyễn Văn A hoàn toàn bị động và hoàn toàn không xuất hiện ý tưởng đánh bạc, bản chất của hành vi gá bạc chính là việc chứa bạc nên trong tình huống nêu trên Nguyễn Văn A đã có hành vi gá bạc sẽ phù hợp hơn.

Thứ hai: Hành vi tổ chức đánh bạc là hành vi của người quản lý, có hành vi lôi kéo, dụ dỗ, chuẩn bị công cụ phương tiện phạm tội cho hành vi đánh bạc diễn ra mục đích thu lợi bất chính, còn hành vi gá bạc là hành vi cho người khác sử dụng địa điểm do mình sở hữu hoặc quản lý để đánh bạc.

Bên cạnh đó thì việc xử lý đối với số tiền đánh bạc trong tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau thể hiện qua ví dụ sau đây:

Ngày 30/12/2020 tại quán cà phê của Trần Thanh O Cơ quan Công an đã bắt giữ 3 chiếu bạc đang đánh bạc dưới hình thức đánh phỏm ăn tiền cụ thế như sau: Chiếu bạc thứ nhất có 4 đối tượng số tiền thu giữ là 7.000.000 đồng; Chiếu bạc thứ hai có 4 đối tượng số tiền thu giữ là 6.000.000 đồng; Chiếu bạc thứ ba có 4 đối tượng thu giữ 2.000.000 đồng. Tổng số tiền thu giữ tại 3 chiếu bạc là 15.000.000 đồng. Trần Thanh O bị truy tố về tội gá bạc theo điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS, 8 đối tượng ở chiếu bạc thứ nhất và thứ hai bị truy tố về tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS, còn 4 đối tượng tại chiếu bạc thứ ba do chưa có tiền án, tiền sự và số tiền thu giữ tại chiếu bạc dưới 5.000.000 đồng nên không xử lý hình sự mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Liên quan đến số tiền 15.000.000 đồng thu giữ tại 3 chiếu bạc hiện nay tồn tại hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS thì “Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên”. Điều luật quy định chung, song có thể hiểu điều kiện thỏa mãn hành vi gá bạc đó là tất cả các đối tượng và các chiếu bạc phải đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, chỉ xác định số tiền đánh bạc ở hai chiếu bạc đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự tức là chiếu bạc thứ nhất và thứ hai là 13.000.000 đồng, còn tiền đánh bạc tại chiếu bạc thứ ba do không đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự nên số tiền này chuyển cùng với hồ sơ cho Cơ quan Công an xử phạt vi phạm hành chính mà không nhập trong vụ án này.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong vụ án nêu trên có tổng cộng 3 chiếu bạc và 12 đối tượng tham gia đánh bạc cùng một lúc là thỏa mãn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 322 BLHS, rõ ràng Trần Thanh O đã có hành vi gá bạc với 3 chiếu bạc và 12 đối tượng và không thể tách rời nhau. Theo hướng dẫn tại Công văn số 01/GD-TANDTC ngày 25/7/2016 giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự: “4. Tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 5 triệu đồng có bị xử lý hình sự không?

Theo quy định tại Điều 249 BLHS năm 1999 và hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phạm tội Tổ chức đánh bạc thuộc trường hợp “với quy mô lớn” nếu:

“a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên...;

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS năm 2015 thì:

“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức, sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình để cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc...;

Như vậy, cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 BLHS năm 2015 không thay đổi so với Điều 249 BLHS năm 1999. Do đó, người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc cho 10 người nhưng tổng số tiền thu trên chiếu bạc dưới 05 triệu đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc”. Theo như tinh thần của hướng dẫn trên thì điều kiện cần và đủ để xác định hành vi tổ chức đánh bạc hay gá bạc đó là số lượng người đánh bạc và số lượng chiếu bạc mà không quy định số tiền tại các chiếu bạc, như vậy, trong vụ án nêu trên có ba chiếu bạc và 12 đối tượng đó do Trần Thanh O gá bạc đó cần cộng tổng số tiền cả ba chiếu bạc mà không phân biệt chiếu bạc nào đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.

Cũng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 thì “Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên” dẫn chiếu từ quy định này có thể hiểu là cộng tất cả số tiền đánh bạc trong cùng một lần mà không tác riêng từng chiếu bạc.

Từ những sự phân tích trên thì việc cộng tất cả số tiền của các chiếu bạc để xử lý trong cùng một vụ án mà không tách riêng từng vụ án là hoàn toàn phù hợp.

TRẦN VĂN HÙNG (Thẩm phán TAQS khu vực Quân khu 4)

Nguồn: Tạp chí Tòa án

[1]“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền Sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;

c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;

d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương, tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Từ khóa » Khái Niệm Gá Bạc