Giải Thích Câu Tục Ngữ “Ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây” - Sách Hay 24H

“Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”. - Marcus Tullius Cicero

Truyền thống hướng về cội nguồn, luôn cảm thấy biết ơn những thế hệ đi trước là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta, thể hiện trong những truyền thống tốt đẹp khác như tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn... Điều này đã được thể hiện qua các tác phẩm văn học dân gian của Việt Nam, đó là câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

  • Ý nghĩa giáo dục và bài học rút ra từ câu chuyện bó đũa
  • Tổng Hợp Những Nhận Định Văn Học Hay Nhất
  • Phân tích bài ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu này”

Giải thích câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"

Nghĩa đen

Ông cha ta đã rất tinh tế khi mượn hình ảnh của “quả” và “kẻ trồng cây” để khuyên răn thế hệ sau về truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Quả là sự kết tinh của quá trình chăm sóc nặng nhọc và vất vả của người nông dân, là thành quả của mồ hồi và nước mắt. Những người nông dân chân lấm tay bùn ngày ngày bỏ công sức để tạo ra được tinh hoa của đất trời được kết tinh trong những trái quả thơm ngon. Chúng ta thường chỉ để ý đến những trái quả này mà quên đi đằng sau nó là cả một hành trình gian khó và đầy nỗ lực.

Về nghĩa đen, câu tục ngữ muốn khuyên răn chúng ta khi thưởng thức thành quả thì cần phải nhớ đến những người đã trồng ra cây đó, cho ta cơ hội hưởng thụ mà không mất công sức nào.

Giải thích câu tục ngữ ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Về nghĩa bóng

Thông qua hình ảnh ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tác giả muốn truyền tải thông điệp tốt đẹp về lòng biết ơn trong cuộc sống, không chỉ đơn thuần là nhớ về công lao của người chăm sóc cây mà còn trên tất cả các lĩnh vực khác. một chúng ta phải xử sự sao cho đúng, sống sao cho phải phép, phải luôn biết ơn những thế hệ đi trước, những người đã lao động vất vả tạo ra thành quả để chúng ta có được một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần như ngày hôm nay. Bằng biện pháp ẩn dụ với hình ảnh quen thuộc và giản dị câu tục ngữ muốn nhắn nhủ chúng ta phải luôn luôn biết ơn, nhớ đến công lao của những người đi trước, những người đã cho ta hưởng được thành quả như bây giờ.

Không phải ngẫu nhiên mà đạo lý này được thể hiện rất nhiều trong văn học Việt Nam

Ơn cha núi chất trời Tây

Láng lai nghĩa mẹ nước đầy biển Đông

Hay:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy

Lòng biết ơn không bị bó hẹp trong bất cứ một phạm vi nào mà được nâng lên thành truyền thống tốt đẹp. Tất cả những thành quả về vật chất lẫn tinh thần mà chúng ta đang hưởng thụ ngày nay không phải tự nhiên mà có được. Chúng ta có biết rằng bất kỳ một thứ gì trong cuộc sống mà chúng ta đang sử dụng, đang tận hưởng hôm nay đều là nhờ công sức của cả một quá trình dài với biết bao khó khăn, gian khổ, có cả mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao lớp người đã đổ xuống để tạo nên. Thành quả của ngày hôm nay có bóng dáng của tổ tiên ta đã ngã xuống để giữ gìn. Vì vậy khi bạn đang có một cuộc sống tốt đẹp, đừng bao giờ quên đi công lao của những người khác đã giúp ta hoàn thành những công việc khó khăn nhất, và vì vậy mà ta chỉ việc hưởng thành quả.

Vì vậy, câu tục ngữ là lời khuyên chân thành cho những ai đang lỡ quên đi cội nguồn dân tộc, những người đã từng giúp đỡ mình trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn.

Chứng minh câu tục ngữ

Chứng minh câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây"

Đã bao giờ ta tự hỏi: Tại sao ta lại có mặt trên đời này? Đó là công ơn của cha mẹ. Cha mẹ luôn ở bên cạnh ta ngay cả những lúc ta buồn vui, san sẻ, nuôi dưỡng những ước mơ của chúng ta. Còn thầy cô giáo là những người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi chỉ bảo, mở ra cho chúng ta những kho tàng kiến thức của nhân loại, để rồi chắp cánh ước mơ cho chúng ta. Bên cạnh đó, công ơn của các chú bộ đội, các cô thanh niên xung phong cũng rất to lớn. Không có họ, làm sao chúng ta được hưởng sự bình yên, hạnh phúc như ngày hôm nay, được cắp sách tới trường vui đùa với bạn bè.

Bác Hồ từng nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lòng biết ơn không chỉ thể hiện ở thái độ mà còn ở hành động. Đó là những hành động nối dài truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong những cử chỉ hàng ngày. Luôn sống với thái độ thành khẩn, bởi phía sau ta đã là cả một thế hệ từng ngã xuống. Ngay cả trong những kinh nghiệm dân gian cũng có công sức của ông cha ta để lại. Ngày hôm nay ta có được hạnh phúc là nhờ sự hi sinh của những người khác.

Đồng thời câu tục ngữ cũng lên tiếng phê phán, đả kích mạnh mẽ những kẻ “Ăn cháo đá bát”, không biết đúng sai phải trái, chà đạp lên những giá trị tốt đẹp để tìm kiếm những lợi ích vật chất. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có những ngày kỉ niệm nhà giáo, ngày quốc khánh..., đó là những ngày mà cả dân tộc nghiêng mình trước những người đã có công lao xây dựng một thế hệ mạnh mẽ và phát triển như bây giờ.

Tóm lại, câu tục ngữ Ăn quả nhớ kẻ trồng cây đã giúp ta hiểu rõ hơn về đạo lí làm người, sống là phải biết ơn những người đã sinh ra ta, dạy dỗ ta và cả những người đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ. Lòng biết ơn là một thứ tình cảm cao quý và cần phải có trong mỗi con người, vậy nên mỗi một chúng ta phải luôn trau dồi phẩm chất cao quý đó

Thảo Nguyên

Từ khóa » Từ ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây Là Gì