GIẤM CHUA HAY LÀ NHÚM CHUA? - Viện Nghiên Cứu Hán Nôm

Nghiên cứu Hán Nôm >> Năm 2010
Bùi Thiết
50. “Giấm chua” hay là “nhúm chua” (TBHNH 2010)

Cập nhật lúc 15h54, ngày 19/10/2013

GIẤM CHUA HAY LÀ NHÚM CHUA?

BÙI THIẾT

Thành phố Hà Nội

Trong Truyện Kiều đoạn Nguyễn Du mô tả tâm trạng của Thúy Kiều khi muốn gắn kết với Thúc Sinh, bèn thổ lộ với Thúc Sinh rằng, mình rất muốn làm lẽ Thúc Sinh, chỉ sợ điều lẽ mọn ấy cũng khó thành, vì biết đâu chàng không bảo vệ được nàng trước uy lực của Hoạn Thư và đặc biệt là trước Nghiêm Đàng, nơi chàng đến Lâm Tri sinh sống:

Thế trong dù lớn hơn ngoài

Trước hàm sư tử gửi ngài đằng la

Cúi đầu lòn xuống mái nhà

Nhúm chua lại tội bằng ba lửa nồng

Ở trên còn có nhà thang

Lượng trên trông xuống biết lòng có thương?

Đoạn thơ vừa dẫn có thể diễn giải bằng văn xuôi rằng, dù không có thể nào đi chăng nữa, thì trước Hoạn Thư, Kiều chỉ là một cành cây leo mà thôi, có chịu lòn cúi thì sự lén lút này cũng tội lớn lắm, không biết cha Thúc Sinh có bảo vệ được không? Cả đoạn thơ thật là dễ hiểu, nhưng mỗi câu mỗi từ trong đó có phải đúng là nguyên tác của Nguyễn Du nữa không là điều chúng tôi quan tâm? Chẳng hạn ở câu: Cúi đầu lòn xuống mái nhà, chúng tôi đã đọc lại âm lòn thay cho âm luồn bị hầu hết các văn bản quốc âm đọc chệch; ngữ âm học hiện đại cũng phân biệt rõ lònluồn, lòn là chui (cúi, bò, quỳ…) để đi qua một cái gì, như lòn qua chân bàn, lòn qua xà nhà thấp, thậm chí lòn qua háng ai đó để chịu hình phạt; còn luồn là để chỉ xâu một cái gì qua một cái gì đó, như luồn sợi chỉ qua trôn kim, luồn dây điện qua tường nhà, hay luồn vào túi áo… Lòn chỉ hành động hèn mọn còn luồn không hàm nghĩa đó; chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn âm lòn trong một dịp khác.

Còn ở đây là Giấm chua hay Nhúm chua trong câu: Nhúm chua (giấm chua) lại tội bằng ba lửa nồng? Để lý giải Giấm chua hay Nhúm chua, chúng tôi xin điểm lại hiện trạng văn bản học về Truyện Kiều các bản phiên âm ra tiếng Việt hiện đại và các bản Nôm có liên quan:

Hầu hết các bản Kiều phiên âm ra tiếng Việt hiện đại (hay quốc ngữ) kể từ bản của Trương Vĩnh Ký (năm 1875) cho đến bản phiên quốc ngữ năm 2004 (Bản của Liễu Văn đường 1866) gần đây nhất, câu 1352 này đều đọc là “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”, nay chúng tôi cũng cho rằng là giấm chua, không có ai đọc khác ngoài giấm chua và mọi giải thích, chú thích đều lấy giấm chua để đối lại với lửa nồng, giấm đối với lửachua đối với nồng, xem ra có vẽ môn đăng hộ đối lắm, lấy giấm chua so sánh với lửa nồng, là đối chan chát từ hình thức đến nội dung, đối chặt chẽ đâu ra đấy. Cụ Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều (TĐTK) Nxb. KHXH, H. 1974; trang 160 có mục từ Giấm Giấm chua, và giải thích như sau: “Bản BKD (đây muốn nói là bản Kiều quốc ngữ do Bùi Khánh Diễn công bố ở Hà Nội năm 1923 và chú thích giấm chua) chú rằng: Sách Tiểu thuyết có câu: Thố Khanh bất như Hỏa Khanh” nghĩa là hang giấm chua không bằng hang lửa nồng. Hang giấm chua là cảnh vợ cả ghen, hang lửa nồng là cảnh làm đĩ. Nguyễn Du lật câu ấy lại mà nói giấm chua lại khổ bằng mấy lửa nồng; chúng tôi không có bình luận gì về cách giải thích trên của BKD mà Đào Duy Anh trích lục! Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trong “Vương Thúy Kiều - chú giải tân truyện” chú câu 1352 này như sau: “Giấm chua người ta thường ví với sự ghen, Lửa nồng thường là nói cái cảnh khổ ở lầu xanh. Song cũng chỉ biết vậy mà thôi, còn gốc tích của chữ thì sao, nay chưa khảo được rõ” (Bản in năm 1952. Nxb. Thế giới, in lại năm 2000, tr.103). Nó chung các bản Kiều quốc ngữ khác đều có chú thích tương tự. Để làm rõ hơn chúng tôi thấy rằng trong sách Đại Nam quốc âm tự vị của Huình Tịnh Của bản in năm 1895 - 1896 có dẫn nguyên văn câu: Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng và chua rằng: “làm cho người ta ghen tuông, lại còn nặng tội hơn là làm đĩ” và theo Huình Tịnh Của thì nguồn gốc câu này có trong Truyện Kiều, mà theo ông là Thúy Kiều (Thúy Kiều là gọi tắt sách: Kim Vân Kiều truyện bản do Trương Vĩnh Ký phiên âm năm 1875).

Các bản Kiều chữ Nôm còn lại đến nay, thì hai chữ giấm chua trong câu 1352 này có tự dạng cơ bản giống nhau giữa các bản, như âm giấm được viết: 𨡉 hay hay 𨠲 ... qua ký hiệu cho phép chỉ và một thứ có vị chua; còn âm chua được biểu thị bằng ký hiệu hay . Như vậy các bản Kiều Nôm có cụm từ giấm chua được thể hiện tự dạng khá nhất quán, và chỉ có thể đọc là giấm chua.

Đứng về văn bản và truyền thống thì câu 1352 chỉ có thể đọc là: giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng mà thôi! Nhưng vấn đề ở chỗ, vì sao lại lấy giấm chua so sánh với lửa nồng; để rồi sang ngang: giấm chua là sựghen tuông và lửa hồng là việc làm đĩ?

Cho đến nay, văn bản Kiều Nôm nguyên tác của Nguyễn Du chưa tìm thấy, không biết Tố Như có dùng giấm chua ở câu này hay không? Và chúng tôi nghi ngờ, không thể lấy giấm chua để làm đối trọng với lửa nồng được, bởi ai so sánh không cùng hình loại, tức là lửa không tương xứng với giấm!

Vậy thì có thể thay giấm chua bằng một thứ gì đó cùng loại với lửa nồng? Tạm thời cho rằng lửa nồng là chấp nhận được, thì cái gì đó cùng loại với lửa hay loại hình của lửa, như than ấm, tro tàn… có thể hợp được với lửa nồng!

Tìm trong sinh hoạt đèn lửa truyền thống của dân tộc Việt, đặc biệt là trước thời kỳ có diêm, có bật lửa hay nói cách khác là các phương tiện tạo lửa hiện đại, dân cư nông nghiệp trải dài trên lãnh thổ nước ta có nhiều cách giữ lửa phong phú, chủ yếu là các cách giữ lửa truyền thống; Nếu như ở miền núi hay trung du, ban đêm bếp lửa đỏ đến gần sáng, bếp lửa có tắt sớm thì sáng ra vẫn còn than có thể đốt lửa tiếp tục; các gia đình giàu sang có thể dùng đèn thắp suốt đêm để giữ lửa… Nhưng đại đa số dân cư nông nghiệp ở làng xã có cách giữ lửa riêng, đặc biệt ở vùng Nghệ Tĩnh mà đặc biệt là ở vùng nam Hà Tĩnh đã từng có cách giữ lửa truyền thống sau đây: sau bữa cơm tối và trước khi đi ngủ, chủ nhà (thường là phụ nữ) hay một người nào đó quán xuyến nhà cửa, bếp núc, thường quét dọn sạch bếp, vun vén tro củi và không quên xúc một mủng trấu rồi đốt cho lửa cháy bùng ngọn, để như thế một lúc cho lửa bén chừng 1/10 đống trấu, và chắc chắn rằng trấu đã bén lửa, bèn vun tròn đống trấu lại, nén chặt rồi lần lượt lấy gio sạch, có nghĩa là loại gio không pha trộn vật liệu cháy như lẫn vỏ trấu, còn đầu mẩu gỗ hay cọng rơm ra… vùi kín đống trấu, lấy một hòn đằn - thường là một khối đất nang vắt hình nắp vung, có nuốm hoặc một viên gạch vuông, cũng có thể là lấy một trong ba ông đầu rau bếp… đằn lên đống trấu để giữ nguyên đống trấu cho đến sáng. Thường đống trấu cháy âm ỉ qua đêm, đến gần sáng, chủ nhà dậy và việc đầu tiên là gạt đống trấu ra để lấy lửa dùng cho một ngày mới. Qua kinh nghiệm giữ lửa bằng trấu, người dân biết được rằng, cần bao nhiêu trấu và với kỹ thuật nào thì lúc gà gáy sáng, lửa vẫn còn trong trấu? Nếu vùi trấu sớm quá có thể sáng dậy đống trấu đã tàn, nhưng đặc biệt là bị nhỡ chẳng hạn trấu chưa bén lửa đến độ khi vùi tro và nén chặt lửa bị tắt, hoặc giả do trấu ướt, hoặc giả nén quá chặt, đống trấu bị tắt nửa vời. Đống trấu cháy quá sớm gọi là trấu tàn, còn đống trấu bị tắt gọi là trấu chua. Cách giữ lửa theo cách vừa kể gọi là nhúm trấu (trấu, ở Nghệ Tĩnh gọi là trú), còn nhúm cũng được gọi là Dấm, Dấm, tức ủ lửa; vậy có thể hiểu rằng các từ như: nhúm trấu, ủ trấu, dấm trấu đồng nghĩa với nhúm lửa - ủ lửa - dấm lửa. Như vậy, Nhúm chua là việc nhúm, ủ, dấm lửa không đạt.

Nhúm ở Nghệ Tĩnh còn có thêm một ý nữa, đó là việc bắt đầu mồi lửa để đun nấu, chẳng hạn bố mẹ sai con vào bếp để đỏ lửa: - con vào nhúm bếp để nấu nước! Nhúm này đồng nghĩa với nhóm trong nhóm bếp, nhóm lửa. Còn nhúm ở trên đồng nghĩa với dấm (và ) như đã nói. Sau này nhúm biến âm thành nhóm, làm cho nhiều người lẫn lộn và tưởng nhóm cũng là nhúm và âm nhúm mất dần. Hoặc giả từ sự tương đồng giữa nhúmdấm (chứ không phải là giấm) nên còn là dấm, và vì một sự cố nào đó dấm (là ủ) bị chệch sang giấm (là mùi vị chua).

Nhúm là một âm cổ thuần Việt, người ta dùng ký hiệu Hán trên chữ nhâm có bộ Nhân đứng ở dưới là chữ Hỏa ( ) để biểu đạt; Nhúm là âm từ để chỉ động tác đốt lửa bằng cách tập trung vật liệu cháy vào một chỗ để đốt cháy, cũng gọi là Nhen nhúm, về sau chữ nhúm biến âm thành Nhóm để có nhen nhóm; Nhưng các cuốn tự vị trước thế kỷ XX, như ĐNQATV của Huình Tịnh Của, hay Nam Việt Dương hệ từ vị của Taberd in năm 1838, chỉ có từ Nhúm có nghĩa là nhen nhóm lửa, còn nhóm ở trong hai cuốn từ vị này, không có nghĩa trên. Hiện nay ở vùng Hà Tĩnh người ta vẫn dùng âm và từ Nhúm với nghĩa thuần Việt truyền thống đó. Tuy rằng việc Nhúm trấu (trú) nay không còn nữa. Cùng nghĩa với NhúmDấm như đã nói ở trên; về từ Dấm này thấy có ghi trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La của A. De Rhodes và đó là dấm lửa, tức là cách nhúm trấu như đã nói ở trên; dấm được ghi ký hiệu nôm gồm có bộ Dậu () bên trái và Cấm () hay Tẩm bên phải ( 𨣤, 𨡉).

Chua, là âm cổ thuần Việt, người ta dùng ký hiệu hán là Khẩu () bên trái ghép với Vị () hay Chu () bên phải mà có (). Chua ngoài nghĩa để chỉ mùi vị (chua cay, chua lè…) còn để chỉ sự không hanh thông, không thành đạt, hoặc là sự non yếu, chẳng hạn nói: việc làm ấy chua lắm (khó thành lắm)!

Tôi cho rằng trong nguyên tác của Nguyễn Du là Nhúm chua hay Dấm chua, thế rồi những lần sao chép lại Truyện Kiều những người không thạo tiếng Nghệ Tĩnh đọc và viết thành Giấm (chứ không phải là Dấm), để rồi đời sau hiểu giấm chua như các chú giải hiện lưu hành.

Từ đó Nhúm chua là chỉ công việc nhóm để giữ lửa không thành và nhúm chua là so sánh với lửa nồng, hai cấp độ của cùng một loại hiện tượng tự nhiên dưới ành vi của con người, rằng một bên thì lửa không nhóm lên được, còn một đằng thì lửa nồng đượm. Câu 1352 này có thể được hiểu theo các nghĩa sau đây: Thứ nhất, cứ theo câu chữ thì nghĩa đen (nghĩa ngôn từ) là cái việc nhóm lửa không cháy (Nhúm chua) lại có tội nặng gấp nhiều lần (ba lần) so với lửa cháy rực; ở đây có hai cách hiểu; cách hiểu thuận: lửa không cháy vì không nhóm lên được rõ ràng thua lửa cháy, vì lửa là để mà cháy, lửa không cháy hay không làm cho lửa cháy được thì điều tồi tệ và tội lỗi; một cách hiểu khác cho rằng sự đốt cháy một cách không bình thường (như hỏa hoạn) thiêu trụi hết mọi thứ lại nhẹ tội hơn lửa không cháy, tức là lửa không gây tai họa hay sao? Đây là nghĩa nghịch của câu chữ, hay đây là một nghi vấn! Thứ hai, nghĩa hàm ý, hay nghĩa bóng của câu thơ là điều cần làm sáng tỏ; xét đoạn thơ đã dẫn muốn nói rằng chuyện lẻ mọn của Kiều với Thúc Sinh thế nào cũng không dấu mãi được, thế nào Hoạn Thơ và Thúc Ông cũng biết, dù không có thế cũng bị thua thiệt, có chịu lòn cúi người ta cũng không chịu tha cho, làm cho cái sự ra thú nhận mà cũng xong ấy còn có tội to hơn là cứ nồng thắm không cho ai hay!

Chúng tôi cho rằng một giải thích thật đúng về câu 1352 này quả là vô cùng khó khăn, bởi vì chúng ta thiếu quá nhiều thông tin về sự tích nguyên do ẩn chứa sau hai nhóm Nhúm (Dấm) chualửa nồng, không biết Tố Như muốn nói gì đây về cái ý đồ tốt đẹp của Kiều khuyên Thúc Sinh công khai quan hệ lẽ mọn sao mà đầy trắc trở thế!

Nhân đây xin nêu nghi vấn về cách giải thích giấm chua là sự ghen tuông và lửa nồng là việc làm đĩ. Giấm chua là sự ghen tuông có thể chấp nhận được; còn lửa nồng sao lại là sự làm đĩ, tình trai gái, tình vợ chồng đều được ví như lửa cháy rực, ngùn ngụt như lửa nồng; trong Truyện Kiều, câu 2213 một lần nữa Nguyễn Du lặp lại lửa nồng ở cấu trúc khác: hương lửa đang nồng trong câu: nửa năm hương lửa đang nồng, là chỉ tình cảm nồng nàn đã kéo dài được 6 tháng mà Từ Hải phải lên đường binh nghiệp để lại Thúy Kiều ở nhà. Mà Thúc Sinh gặp Kiều vốn ở nơi lầu xanh, bèn lấy Kiều làm lẽ, thì khi đó Kiều có làm đĩ nữa đâu, ngạn ngữ cổ có câu: lấy đĩ làm vợ, chứ ai lấy vợ làm đĩ! Những sự giải thích không sát nghĩa, không sát ý và không có sự tích như câu 1352 này không khó khăn cho sự thẩm định và thưởng thức giá trị văn chương!

Hẳn là cần phải tìm kiếm, thảo luận, bàn bạc thêm về câu 1352 này nhiều hơn nữa và sâu hơn nữa, mới mong tìm ra một cách hiểu đúng về nó cả trên âm đọc, tự dạng và ngữ nghĩa; có như vậy mới góp phần tích cực nhận chân được nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, điều mà lâu nay mọi người đang chờ mong và cố gắng góp công sức và nhiệt tình vào đó.

Nhúm chua (Dấm chua) hay giấm chua, quả là chua thật, làm sao giải hóa được nó một cách có căn cứ, và những suy nghĩ của riêng tôi mong được thảo luận và góp ý của mọi người yêu thích Truyện Kiều./.

(Thông báo Hán Nôm hoc, 2010, tr.356-363)

In
Lượt truy cập:

Từ khóa » Chua Như Giấm Nghĩa Là Gì