Giảm đau Xương Chậu Khi Mang Thai - Tuổi Trẻ Online

Giảm đau xương chậu khi mang thai - Ảnh 1.

Sử dụng thêm gối ôm khi nằm để tạo cảm giác thoải mái. Ảnh: babycenter.com

Bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn một thai kỳ an toàn và con sinh ra khỏe mạnh. Thế nhưng có một vấn đề phổ biến mà mẹ bầu hay gặp, đó là đau xương chậu khi mang thai. Vậy đau xương chậu khi mang thai là gì, có nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi hay không?

Vì sao mẹ bầu bị đau xương chậu khi mang thai?

Đau xương chậu khi mang thai là đau ở phía trước hoặc phía sau xương chậu và có thể đau lan ra khu vực xung quanh như hông, đùi,... mà không phải do nguyên nhân bệnh lý nào khác gây ra.

Khi mang thai, cơ thể sản xuất một loại hormone có tên là relaxin, khiến các dây chằng vùng chậu mềm và giãn ra. Đây là một quá trình sinh lý bình thường, là sự chuẩn bị của cơ thể cho quá trình chuyển dạ sau này. Tuy nhiên, nó làm cho các khớp ở khung chậu mất ổn định, chuyển động không đồng đều. Thêm vào đó, thai nhi lớn dần lên trong tử cung, cùng với sự thay đổi tư thế đi đứng, càng tăng thêm áp lực lên khung chậu, gây ra đau xương chậu khi mang thai.

Đau xương chậu khi mang thai có hại cho thai nhi không?

Đau xương chậu khi mang thai dù gây nhiều đau đớn cho mẹ bầu, nhưng hoàn toàn không có hại cho thai nhi.

Mức độ đau có thể từ đau nhẹ cho tới nghiêm trọng, nhưng có thể điều trị được ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tuy nhiên, can thiệp điều trị sớm, mẹ bầu sẽ có kết quả tốt hơn. Triệu chứng đau xương chậu khi mang thai ba tháng đầu biểu hiện ở:

- Đau ở khu vực mu, đau lưng, đau hông, đau khu vực giữa hai chân, đau sâu trong đùi hoặc đau đầu gối.

- Khó cử động hoặc có tiếng kêu khi vận động ở khu vực khung chậu.

- Đau nặng lên khi vận động, ví dụ như đi lại trên bề mặt không bằng phẳng, hoặc phải đi quãng đường dài. Hai đầu gối chuyển động tách xa nhau, như khi lên hoặc xuống ô tô. Đứng trên một chân, như khi leo cầu thang, thay mặc quần áo. Thay đổi tư thế khi nằm.

- Đau nặng lên về đêm, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Mẹ bầu có thể rất đau nếu phải tỉnh dậy đi vệ sinh giữa đêm.

Những trường hợp mẹ bầu dễ bị đau xương chậu khi mang thai hơn bao gồm:

- Người đã từng đau xương chậu trước khi mang thai.

- Người từng có chấn thương xương chậu.

- Lần mang thai trước đã bị đau xương chậu.

- Có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, thừa cân/béo phì trước khi mang thai.

- Mắc hội chứng tăng động khớp.

Làm thế nào để giảm triệu chứng đau xương chậu khi mang thai?

Đau xương chậu khi mang thai hoàn toàn có thể điều trị được, và mẹ bầu nên điều trị càng sớm càng tốt. Các biện pháp điều trị đau xương chậu khi mang thai có hiệu quả bao gồm vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, châm cứu, sử dụng đai hỗ trợ,... Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp mẹ bầu đạt kết quả tốt hơn.

Mẹ bầu có thể giảm đau bằng những cách đơn giản sau:

- Thường xuyên thay đổi tư thế, tránh ngồi yên quá 30 phút mỗi lần.

- Các công việc thường ngày nên thực hiện ở tư thế ngồi, ví dụ như thay mặc quần áo, ủi đồ,...

- Đứng cân bằng, dồn trọng lực đều lên cả hai chân.

- Giữ cho cơ thể hoạt động vừa phải, không hoạt động quá mức gây đau.

- Cố gắng giữ hai đầu gối không tách xa nhau (ví dụ: Giữ hai chân di chuyển cùng nhau khi lên hoặc xuống ô tô).

- Khi leo cầu thang, từ từ leo từng bậc, chân khỏe hơn nhấc lên trước.

- Nằm ở tư thế ít đau nhất lúc đi ngủ.

- Khi thay đổi tư thế nằm trên giường, cố gắng giữ hai đầu gối di chuyển cùng nhau.

- Sử dụng thêm gối ôm khi nằm để tạo cảm giác thoải mái.

Bên cạnh đó, để tình trạng đau xương chậu khi mang thai không chuyển biến nặng hơn, mẹ bầu cần tránh những việc dưới đây:

- Nâng hoặc mang vác nặng.

- Lên xuống cầu thang quá nhiều.

- Khom lưng, dựa hoặc xoay người để mang vác đồ vật ở một bên hông.

- Ngồi trên sàn nhà, hoặc ngồi lệch một bên.

- Ngồi hoặc đứng quá lâu.

- Đứng bằng một chân, đứng không cân hoặc vắt chéo chân.

Từ khóa » đau Mỏi Xương Chậu Khi Mang Thai